Nghệ nhân Lê Mỹ Cát, Nguyên Chủ tịch Danh dự của Hội Cây cảnh nghệ thuật Hà Nội: "Tôi yêu sinh vật cảnh đến hơi thở cuối cùng"

 "Quý hồ tinh bất quý hồ đa", "Đi tìm sự thống nhất trong đa dạng khác biệt", "Hội nhập nhưng không hòa tan"...

Nghệ nhân Lê Mỹ Cát, Cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên thành viên Ban Kinh tế Trung ương, Nguyên Chủ tịch Hội Cây cảnh nghệ thuật Hà Nội vừa về với tiên tổ ở tuổi 98 đã để lại niềm luyến tiếc vô hạn cho gia đình, người thân, đồng chí, đồng đội và những người yêu thiên nhiên, Sinh Vật Cảnh Thủ đô.

cu11_1

Cụ Lê Mỹ Cát (người thứ 2 từ trái qua) với một số lão thành cách mạng tại cuộc hội ngộ năm 2006

Cách đây tròn 14 năm, vào dịp kỷ niệm Tết Thống nhất 30/4 năm 2006 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra cuộc gặp thân mật giữa cụ Lê Mỹ Cát với các cụ Nguyễn Văn Trân, Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Xứ ủy Bắc Kì; cụ Đỗ Phượng, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN; cụ Cù Văn Chước, người giúp việc Bác Hồ tại Phủ Chủ Tịch cùng một số nhân sĩ trí thức tiêu biểu của miền Nam.

Cuộc bàn luận của một số lão thành cách mạng hôm đó xung quanh chủ đề phát huy những giá trị từ phong trào Tết Trồng cây do Bác Hồ khởi xướng phát động những năm 60 của thế kỷ trước với tư cách là một cuộc cách mạng cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái trong xây dựng Sinh Vật Cảnh thành một ngành kinh tế sinh thái.

Cụ Lê Mỹ Cát thay mặt Hội Sinh Vật Cảnh thành phố Hà Nội trình bày phương hướng phát triển Sinh Vật Cảnh Thủ đô thành một trung tâm kinh tế và giao lưu hợp tác Quốc tế trong lĩnh vực Sinh Vật Cảnh hàng đầu của khu vực. Ở đó, những giá trị cột lõi trong Sinh Vật Cảnh Việt Nam được phát huy, đi đôi với việc làm rõ những đặc trưng riêng có của người Tràng An trong thú chơi nhân văn tao nhã này. Đó là tinh thần:!

Cụ Cát dẫn chứng qua thú chơi cây cảnh nghệ thuật cụ thể:"Mỗi vùng miền có những đặc trưng văn hóa khác nhau, thổ những và điều kiện vi khí hậu khác nhau đã hình thành nên những lối chơi cây cảnh nghệ thuật có sự khác biệt nhất định. Với người Tràng An từ xa xưa cũng vậy, thú chơi cây cảnh nghệ thuật của ông cha được trao truyền qua bao thế hệ và được tiếp biến phát triển để phù hợp với yêu cầu mới trong những điều kiện cụ thể. Theo đó, người chơi cây Hà Nội trọng các yếu tố "Phô thân - Khoe lá - Lộ căn/ Cổ - Linh - Tinh - Tú - Kỹ dăm - Đẹp tàn"...

SVC123

Hội Cây cảnh nghệ thuật Hà Nội đến thăm cụ Lê Mỹ Cát năm 2015

Từ buổi gặp cụ dịp đó về sau, người viết bài này có nhiều cuộc gặp cụ Cát để thụ giáo những tinh thần về Sinh Vật Cảnh của những thế hệ đầu gây dựng phong trào Sinh Vật Cảnh Thủ đô, tiêu biểu như cụ Quyết Bội. Những dịp như vậy giúp chúng tôi có thêm nhiều tư liệu mới để làm tờ Việt Nam Hương Sắc ngày một hấp dẫn hơn cũng như hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của cụ Lê Mỹ Cát.

Từ những cuộc trao đổi nêu trên và tư liệu có liên quan cho thấy, gần một thế kỷ trên dương thế, cụ Lê Mỹ Cát đã để lại những dấu ấn trên nhiều lĩnh vực trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi. Với quê hương, đồng chí, đồng nghiệp và bạn bè gần xa, cụ là một tấm gương liêm khiết, một tâm hồn thanh tao, một trí tuệ mẫn tiệp luôn sống gần gũi, sẻ chia, đồng cảm với mọi người.

Cụ tham gia cách mạng từ rất sớm. Là một trong những người tham gia xây dựng Xứ ủy Bắc Kì tại Khu Cháy và giúp việc nhiều cán bộ cấp cao trong Chính phủ giai đoạn 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954). Những năm 60 - 70 của Thế kỷ trước cụ là thành viên Ban Kinh tế Trung ương. Sau khi nghỉ hưu, cụ tham gia xây dựng tổ chức Hội và Sinh Vật Cảnh Thủ đô từ những ngày đầu tiên thành lập Hội năm 1991.

Ghi nhận những cống hiến trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của cụ Lê Mỹ Cát, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng cụ những phần thưởng cao quý: Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng; Huân chương Độc lập, Huân chương Chiến công; Huân chương kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ hạng Nhất, Nhì, Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác.

IMG_4557

Đại diện Hội Sinh Vật Cảnh Hà Nội đến thăm cụ Lê Mỹ Cát năm 2017

Với người viết bài này, vẫn nhớ như in dịp đến mừng cụ thượng thọ 95 tuổi. Khi đó, cụ rất minh mẫn và sang sảng nói về mong ước cuối đời được thấy phong trào Sinh Vật Cảnh Thủ đô phát triển mạnh mẽ hơn, vững vàng hơn hướng tới tầm cao văn hóa và hiệu quả kinh tế xã hội ngày một thiết thực hơn. Cụ cũng không quên đề nghị Hội Sinh Vật Cảnh thành phố Hà Nội cần chủ động huy động các nguồn lực, trước mắt là của giới nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn Sinh Vật Cảnh tiêu biểu Thủ đô liên kết lại với nhau hình thành những khu sản xuất, kinh doanh làm dịch vụ Sinh Vật Cảnh để phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch...góp phần làm thay đổi diện mạo Thủ đô ngày càng Xanh - Sạch - Đẹp - Thân thiện môi trường và đáng sống. Trước mắt cụ đề nghị tập trung làm tiểu cảnh thu nhỏ Vịnh Hạ Long tại Thủ đô Hà Nội và cụ xung phong ủng hộ vật chất và tinh thần cho công trình giàu ý nghĩa này. Khi tiễn đoàn ra về trong sự lưu luyến với câu nói cuối cùng của cụ khiến chúng tôi còn nhớ mãi: "Tôi yêu sinh vật cảnh đến hơi thở cuối cùng".

---

Xem thêm Tại đây