Nghìn năm ngời sáng Thiên Đô Chiếu

1010 năm trôi qua kể từ khi vua Lý Công Uẩn ban Chiếu dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La-Thăng Long. Chiều dài của thời gian đã tôn cao bề dày văn hiến của Thủ đô Hà Nội-“nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”, đồng thời khẳng định tính đúng đắn tuyệt đối với tầm nhìn viễn kiến ngàn năm qua của Chiếu dời đô...

Lý Công Uẩn, người khai sáng vương triều Lý, khai sáng kinh thành Thăng Long - Hà Nội vốn được sinh ra và được nuôi dưỡng, giáo dục ở đất Bắc Ninh. Ông sinh năm 974 mất năm Mậu Thìn 1028, người làng Cổ Pháp, phủ Từ Sơn thuộc tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Năm 1009, sau khi vị vua cuối cùng của nhà Tiền Lê - Lê Long Đĩnh qua đời, Điện tiền Chỉ huy sứ Lý Công Uẩn được giới tăng sĩ và quần thần tôn lên làm vua một cách kịp thời và êm ấm, lấy niên hiệu là Thuận Thiên, nghĩa là “theo ý trời”.

Chưa đầy một năm lên làm Hoàng đế, mùa thu năm 1010, vua Lý Công Uẩn ban Thiên Đô Chiếu (Chiếu dời đô) từ Hoa Lư ra thành Đại La và đổi tên là Thăng Long. Giới sử gia đánh giá, đó là quyết định có ý nghĩa lịch sử trọng đại nhất của Lý Công Uẩn thể hiện một tầm nhìn xa vượt ngàn năm, một trí tuệ việt trác, thiên tài, một tấm lòng lo toan cho con cháu nước Việt muôn đời. Đây cũng là một quyết sách của một vị hoàng đế mà hơn 10 thế kỉ sau vẫn còn sức trường tồn, chẳng khác nào là quyết sách của trời vậy!

Trong dòng chảy lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc, mặc dù vua Lý Thái Tổ không tham gia những cuộc chinh chiến chống giặc ngoại xâm (chỉ cầm binh dẹp những phiến quân phản loạn trong nước) nhưng ông lại trở thành một trong những vị anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam. Tại sao lại đặc biệt vậy?

Phân tích về công lao to lớn của vị vua đầu tiên triều Lý cũng như sự chói sáng của ông trong tâm thức nhân dân, hậu thế thường tập trung vào quyết định dời đô. Sử gia Ngô Thì Sĩ đánh giá việc dời đô của Lý Công Uẩn: “... Lý Thái Tổ lên ngôi, chưa vội làm việc khác mà trước tiên mưu tính việc định đô, đặt đỉnh, xét về sự quyết đoán sáng suốt, mưu kế anh hùng, thực những vị vua tầm thường không thể làm được”. Một ông vua trẻ (35 tuổi) quyết dời đô là khát vọng muốn đưa Đại Việt tồn tại bình đẳng như các nhà nước phong kiến khác trong khu vực và việc dựng kinh đô rồi đặt tên Thăng Long là hành động cụ thể đưa Đại Việt lên một vị trí cao trong thiên hạ.


Lật giở lại những trang sử dân tộc chúng ta thấy, lợi ích của việc dời đô có ý nghĩa trước hết với chính sự phát triển thịnh trị của vương triều nhà Lý. Bởi ở Kinh đô Hoa Lư đã chứng kiến một giai đoạn lịch sử mà nội bộ triều chính luôn bất ổn, chính biến bạo lực, ám sát đổi ngôi liên tiếp xảy ra từ nhà Đinh đến nhà Tiền Lê. Song từ khi chuyển đô về Thăng Long thì triều chính nhà Lý kéo dài 216 năm với những cuộc chuyển ngôi khá êm ấm qua 9 đời vua, là một triều đại lớn trong lịch sử đất nước với những bậc đế vương anh hùng, có công khai sáng văn hiến dân tộc như Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, với những nhà quân sự, chính trị kiệt xuất như Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành… Quá trình phát triển hưng thịnh của triều đại nhà Lý đã chứng minh cho quyết định dời đô sâu sắc, đúng đắn của vua Lý Công Uẩn.

Nghiên cứu Chiếu dời đô, hậu thế từng cho rằng, vua Lý Thái Tổ viết tổng cộng 214 chữ Hán trong Chiếu dời đô thì nhà Lý kéo dài 216 năm nhưng nắm thực quyền là 214 năm. Bởi hai năm cuối cùng Lý Chiêu Hoàng cầm triều thì mọi quyền hành khi đó đã rơi vào tay nhà Trần mà cụ thể là Trần Thủ Độ. Vậy nếu vua viết Chiếu dời đô 300 chữ hoặc nhiều hơn nữa, biết đâu cơ đồ nhà Lý sẽ kéo dài hơn chăng? Đây chỉ là giả thuyết, một góc nhìn lịch sử mà chúng tôi muốn đưa ra để hậu thế tiếp tục có những chiêm nghiệm, suy ngẫm.

Với quốc gia dân tộc, quyết định lập đô tại Thăng Long của vua Lý Thái Tổ là một sự lựa chọn lịch sử sáng suốt, thể hiện một tầm nhìn thiên niên kỉ, một tư duy chiến lược ưu việt. Ở mảnh đất Đại La, vua Lý Công Uẩn không chỉ nhìn thấy điều kiện phát triển êm ả về mặt chính trị mà còn là những điều kiện để phát triển nền kinh tế, văn hóa, quân sự, ngoại giao... cho Đại Việt, nghĩa là kết hợp được cả hai yêu cầu bảo vệ và phát triển đất nước. Triều Lý không chỉ xây dựng kinh đô, thành quách khang trang, xây dựng các công trình thủy lợi, đê điều, phát triển nghề dệt, nghề gốm đạt tới đỉnh cao mà còn quan tâm đến nguồn lực nhân tài cho đất nước thông qua việc xây dựng Quốc Tử Giám, lập chế độ đại học, mở khoa thi chọn người tài... Như vậy, sự xuất hiện của Chiếu dời đô là bằng chứng cho thấy đất nước đã phát triển sang trang mới, là mốc son đánh dấu lịch sử hình thành thủ đô Hà Nội của Việt Nam trên cơ sở, nền tảng kinh đô Hoa Lư.

Bức Chiếu dời đô tại Đền Đô.

Trong Chiếu dời đô, vua Lý Công Uẩn viết: “Thành Đại La ở trung tâm bờ cõi đất nước, được cái thế rồng cuộn, hổ ngồi, vị trí ở giữa bốn phương Đông - Tây - Nam - Bắc; tiện hình thế núi sông sau trước. Ở đó địa thế rộng mà bằng phẳng, vùng đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ về ngập lụt, muôn vật rất phong phú, tốt tươi. Xem khắp đất nước, chỗ ấy là nơi hơn cả, thật là chỗ hội họp của bốn phương là nơi đô thành bậc nhất của đế vương”.

Rõ ràng, việc chọn mảnh đất Thăng Long để đóng đô không chỉ tạo sự thịnh trị cho vương triều nhà Lý mà quan trọng là tạo nền tảng để quốc gia, đất nước phát triển trong hòa bình, yên ấm.  

Lịch sử diễn ra chỉ một lần nhưng để nhận thức lịch sử cần cả quá trình. Mỗi lần về Đền Đô, chiêm ngưỡng bức cuốn thư đắp hơn 200 chữ Hán bằng gốm thể hiện nội dung Thiên Đô Chiếu, mọi người ai cũng  bồi hồi trào dâng niềm xúc động với biết bao sự ngưỡng vọng trước ân đức sâu dày của nhà Lý đối với quốc gia, dân tộc.

Giữa những ngày thu kỉ niệm 1010 năm Thăng Long-Hà Nội, trong không gian linh thiêng nơi Thái miếu nhà Lý-Đền Đô, những du khách tới đây kính cẩn thắp hương, thành kính tưởng nhớ và biết ơn các bậc tiên đế có công mở mang, khai phá, xây dựng, bảo vệ giang sơn, thiết lập nền văn minh Đại Việt. Nhớ vị vua tiền triều, người khai sáng kinh thành Thăng Long, hậu thế hôm nay và chắc chắn nghìn năm sau sẽ còn tiếp tục suy ngẫm, chiêm nghiệm về ngài- hoàng đế Lý Thái Tổ, người sáng lập một vương triều thịnh trị chói sáng trong dòng chảy lịch sử ngàn năm của dân tộc, người khai sáng kinh thành Thăng Long-Hà Nội linh thiêng hào hoa, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm...