Người đàn ông từng liệt nửa người với tâm huyết ghép lại những mảnh vụn

Với mong ước giúp người khuyết tật tạo nên những sản phẩm có giá trị cho xã hội, từ đó tạo nên những giá trị bản thân cho những mảnh đời kèm may mắn, 7 năm nay, anh Cường đã dồn tâm huyết đào tạo nghề và tạo công ăn việc làm cho những người tự nhận mình là mảnh vụn trong xã hội...Xin chia sẻ nội dung trên http://vanhien.vn/ đến cộng đồng bạn đọc https://doisongvaphattrien.vn/

Anh Lê Việt Cường chia sẻ về cuộc đời, công việc.

Một “mảnh vụn” nghị lực

Anh Lê Việt Cường sinh năm 1975, quê ở Phú Thọ, hiện đang sinh sống ở làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội. Sinh ra lành lặn nhưng năm một tuổi anh bị sốt cao, từ đó liệt nửa người bên trái. Phải trải qua đến 10 lần phẫu thuật nắn chỉnh thì 2 chân anh mới dài được bằng nhau.

Dù cuộc sống gặp vô vàn khó khăn nhưng chưa bao giờ anh đầu hàng số phận. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh công tác ở Bệnh viện Châm cứu Trung ương. Đến năm 2013, thì anh đứng ra mở xưởng làm tranh ghép vải, tạo công ăn việc làm cho những người khuyết tật xung quanh khu anh sống.

Tâm sự về quyết định này, anh Cường chia sẻ: “Tôi cũng tật nguyền nhưng may mắn được học hành, có công việc. Nhìn những người khuyết tật khác trong khu mình sống, thấy họ luôn trong tình trạng u uất như tự ý thức được bản thân là gánh nặng của gia đình, họ luôn ngồi thẩn thơ như một người thừa với những ánh nhìn vô vọng, tôi đồng cảm và rất đau lòng. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ là phải làm gì để giúp đỡ họ, phải tạo cho họ một giá trị để họ tự tin và vui tươi trong cuộc sống, và tôi nghĩ giá trị không gì khác là lao động, kết hợp, cân nhắc nhiều thứ rồi tôi quyết định mở xưởng làm tranh ghép từ lụa vụn vốn là phế phẩm của làng nghề Vạn Phúc”.

Tận dụng nguồn lụa vụn dồi dào trong làng, anh Cường nảy ra ý tưởng ghép tranh lụa, hình mẫu là các bức tranh dân gian. Anh mong có thể tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống cho những người cùng cảnh, mong tôn lên được các giá trị truyền thống như lụa, tranh dân gian. Nhưng mọi chuyện chẳng dễ dàng, thị trường tranh ghép lụa theo anh đánh giá là rất nhỏ. Mặc dù xưởng của anh đã rất chú trọng chất lượng và giá cả nhưng lượng hàng xuất kho cũng không được là bao. Hoạt động của xưởng gặp nhiều khó khăn, gần như đình trệ. Thế nhưng, anh vẫn không bỏ cuộc mà luôn đau đáu tìm hướng đi mới.

Rồi trong một dịp tình cờ, có người nêu ý tưởng anh có thể chuyển sang ghép tranh trên các hàng lưu niệm như túi xách, áo, ví và bộ đồ chơi trẻ em. Sau khi nghiên cứu mức độ khả thi, anh Cường cho rằng đó là hướng đi đúng và cần thiết.

Chuẩn bị xong các điều kiện, năm 2018, anh mở lại xưởng và lấy tên là Vụn. Về ý tưởng tên gọi xưởng mới của mình, anh Cường cho biết, vì những thành viên ở đây đều đã từng tự ti coi mình chỉ là những mảnh vụn không có giá trị của xã hội; nguyên liệu mà xưởng dùng cũng là lụa vụn bỏ đi, vì thế mà anh lấy từ vụn để đặt tên. Anh mong xưởng sẽ ghép “những mảnh vụn” thành những bức tranh đẹp và đáng giá.

Thế nhưng, khó khăn vẫn còn chưa dứt, sản phẩm mới với tính chất mới, áo và túi vải là những vật dụng hay bị giặt vò, hay ngâm nước chứ không nằm im trên tường như tranh ảnh, vì thế chất keo cũ không còn dùng được, yêu cầu phải có một chất keo mới. Rồi những người cũ đã quen việc ghép vải lên tranh khá đơn giản, nay chuyển sang ghép lên áo, lên mũ lại khó khăn hơn nhiều, nhiều người tỏ ra chán nản. Đến nay, sau 7 năm với bao thăng trầm, Vụn đã thành một ngôi nhà với 20 thành viên và đang dần đi vào ổn định.

Thổi hồn để những mảnh vụn nở hoa

Với tôn chỉ "Chúng tôi là người khuyết tật, nhưng sản phẩm không được phép khuyết tật", anh Cường tâm sự, những mặt hàng của xưởng đang dần có chỗ đứng trên thị trường, đời sống các thành viên của Vụn đang tốt lên từng ngày. Mục đích của Vụn là để sản xuất tạo giá trị cho xã hội chứ không phải để tồn tại nhờ sự giúp đỡ, thương hại của cộng đồng. Mới đây, Vụn đã nhận được một đơn hàng 400 túi vải dán tranh lụa từ Đại sứ quán Mỹ để làm quà tặng nhân kỷ niệm 25 năm quan hệ Việt – Mỹ.

Dù chưa có lợi nhuận nhưng những dấu hiệu cho thấy Vụn đang có những thành công đầu tiên, xứng đáng với tâm huyết của anh và công sức của những thành viên trong xưởng.

Những chiếc túi thành phẩm.

Vụn cũng nhận được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Nhiều họa sĩ đã không ngại thời gian, công sức đến đây hướng dẫn những người thợ cách phối màu, cách tạo bố cục những ngày đầu lập xưởng. Đến nay, nhiều họa sĩ cũng vẫn đều đặn tặng tranh cho xưởng để làm mẫu. Đền đáp lại ân tình, người thợ của Vụn mỗi khi hoàn thành tác phẩm đều ghi rõ tác giả bức tranh mà họ đã phỏng theo.

Ngoài việc sản xuất sản phẩm, Vụn còn tổ chức thêm dịch vụ trải nghiệm cho khách du lịch và học sinh. Du khách đến làng lụa Vạn Phúc, ngoài tham quan thì nay còn có thế trải nghiệm làm một sản phẩm lưa niệm cho chính mình. Hoạt động này không chỉ tăng thêm thu nhập cho xưởng mà còn làm sinh động và đa dạng hơn sản phẩm du lịch của địa phương, thu hút nhiều hơn khách du lịch đến với làng lụa.

Bùi Thu Dung, cô gái 19 tuổi quê Hà Nội là một trong những thành viên sớm nhất của Vụn. Dung bị tai nạn xe máy năm 10 tuổi, từ đó thì nửa người bên trái gần như vô dụng. Cũng kể từ đó, Dung bỏ học, sống khép mình u uất. Dung kể ngày anh Cường tìm đến nhà nói rằng, có thể tạo cho cô được một công việc, cô đã vui đến mức không ngủ được. Sau khi anh Cường ra về, cô liền chuẩn bị sẵn đồ đạc chỉ chờ xưởng khai trương là sẵn sàng gia nhập.

Thế nhưng khi đến xưởng cô mới nhận ra là chỉ có một tay và một chân dùng được thì làm việc gì cũng khó. Cô không thể cắt vải bằng một tay, không thể ghép tranh bằng một tay.

Thất vọng và tuyệt vọng, cô đã khóc. “Đó là lần em khóc nhiều nhất trong 10 năm tật nguyền, cảm giác như cuộc sống lại vừa đổ sập xuống thêm lần nữa, cảm giác mình vô dụng thực sự”, Dung tâm sự.

Nhưng được anh Cường động viên, được mọi người giúp đỡ, và hơn hết là Dung đã không bỏ cuộc. Đến nay, là một trong những người nhiều kinh nghiệm nhất xưởng, Dung đã có thể giúp đỡ những người khác trong một vài việc như phối màu sao cho đúng, tạo bố cục sao cho chuẩn.

Bây giờ, khuôn mặt Dung đã thường xuất hiện những nụ cười rạng rỡ chứ không u buồn như nhiều năm trước. Dung tự tin hơn khi đi gặp gỡ bạn bè hay tham gia những hoạt động xã hội. Không chỉ vậy, bố mẹ Dung mỗi lần đến thăm con gái cũng đều rất hạnh phúc khi thấy đứa con của mình đã có thể tự lập trong cuộc sống.

Khác với Dung, chị Hoàng Thị Hậu, 55 tuổi cũng quê Hà Nội có hoàn cảnh khó khăn hơn nhiều. Sau cú ngã năm 3 tuổi, chị bị teo chân, mất sức lao động và mất thị lực. Chị lớn lên với suy nghĩ mình là một người tật nguyền vô dụng.Thế nhưng, rồi đến năm 2015, qua một lần gặp gỡ, chị được anh Cường nhận về làm việc, một bước ngoặt thực sự của cuộc đời chị bắt đầu.

Nói một người thị lực yếu đi làm tranh nghệ thuật thì nghe vô lý, thế nhưng ở đây có nhiều việc để làm, có nhiều người hỗ trợ, và đôi tay chị Hậu cũng có thể hỗ trợ nhiều người. Chị có thể làm được các công việc như dọn dẹp, căng khung, phết keo… Công việc không chỉ khiến chị có thu nhập, khiến chị có thể tự túc cuộc sống mà còn khiến chị tự tin, hạnh phúc khi thấy mình có giá trị và khi được xã hội công nhận.

Vụn đã không chỉ biến những mảnh lụa vụn thành những bức tranh mà còn tưới hạnh phúc lên cuộc đời của những thành viên, xóa tan đi sự tự ti, u uất trong họ. Nhiều thành viên của Vụn có cùng tâm sự rằng, cuộc đời họ đã thực sự “nở hoa” từ khi đến đây, khi được làm, được cống hiến và được cảm nhận những giá trị đích thực do bản thân mình tạo ra.