Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười với tình yêu thiên nhiên và Sinh Vật Cảnh

Sinh thời đồng chí Đỗ Mười nhiều lần phát biểu cho rằng, lối sống hòa đồng với thiên nhiên và yêu Sinh Vật Cảnh là truyền thống quý báu lâu đời của dân tộc ta. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm gìn giữ cảnh quan thiên nhiên môi trường sinh thái trong lành và coi trọng phát triển Sinh Vật Cảnh thành một ngành kinh tế sinh thái giá trị cao.

Bác Hồ đã đưa truyền thống quý báu ấy trở thành một mỹ tục mới, một cuộc cách mạng cảnh quan "Làm cho phong cảnh nước ta ngày càng tươi đẹp...làm cho đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được cải thiện" thông qua phong trào Tết Trồng cây do Bác  Hồ phát động ngày 28/11/1959.

dophuong1

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và Nhà báo Đỗ Phượng lãnh đạo Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam giai đoạn (1997 - 2017); Ảnh TTXVN

Nói đến Bác như cố Nhà báo Đỗ Phượng đã viết, chúng ta đều cảm nhận một điều rất sâu sắc đó là sự hòa đồng với thiên nhiên, gần gũi với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, đó như lẽ sống tự nhiên của Bác. Những ai đã từng được nghe, được đọc những mẩu chuyện do Bác kể, những tài liệu do Bác viết, thì ngay từ thuở ấu thơ đến thời trai trẻ ở trong nước đến khi bôn ba khắp các châu lục, cảnh quan thiên nhiên nơi Bác từng sống vẫn ẩn sâu trong tâm trí Bác gắn liền với đời sống con người nơi đó. Về nước sau 30 năm xa cách, ta đã biết Bác xúc động thế nào khi đặt bước chân đầu tiên lên mảnh đất quê hương, đất nước. Và rất dễ hiểu khi Pắc Bó hiện lên núi Các Mác, suối Lê-nin. Cảnh sắc thiên nhiên đã được Bác gửi gắm hoài bão, ý tưởng cách mạng của mình. Trong thời gian hoạt động bí mật cũng như trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác đều yêu cầu các đồng chí chọn cho Bác nơi ở và làm việc gần rừng, gần suối và cũng không được xa cách với đồng bào. Khi ở chiến khu Việt Bắc, lán Bác ở, nhà họp của Bác đều gắn với khung cảnh thiên nhiên nơi đó. Có đất trống để trồng cây, trồng rau. Ngay bãi bóng chuyền, nơi tập thể dục cũng không ngoại lệ. Khi về Hà Nội, ta đã biết Bác sống tại đó mà hôm nay chúng ta có khu di tích nơi ở và làm việc của Bác trong Phủ Chủ tịch. Khu di tích đó không bao gồm các toà nhà lớn mà chỉ tính từ đường xoài đến vườn cây, ao cá và Nhà sàn Bác Hồ.

Thấm nhuần tư tưởng lớn lao ấy của Bác Hồ, Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trên các cương vị công tác, ngay cả khi đã nghỉ hưu cho đến những năm tháng cuối đời luôn quan tâm đến công tác phát triển Sinh Vật Cảnh thành một ngành kinh tế, văn hóa, xã hội dân sinh quan trọng của đời sống.

42849291_658899321162201_4180955336133312512_n

Trong đời sống Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười luôn sống giản dị gần gũi với thiên nhiên và Sinh Vật Cảnh; Ảnh Vietnamnet

Là người gắn bó và giúp việc trực tiếp các đồng chí lãnh đạo Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam trong gần 20 năm, tôi vinh dự được nhiều lần tiếp xúc với Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười cũng như nắm rõ những tư liệu có liên quan đến chỉ đạo của Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười về phát triển kinh tế văn hóa Sinh Vật Cảnh qua các thời kỳ, chúng tôi vô cùng xúc động trước những tình cảm của Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trong truyền thống gần 30 năm xây dựng và trưởng thành của Hội.

Ngay khi trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ), Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã động viên khích lệ hơn 20 đồng chí lão thành cách mạng tiền bối đứng ra sáng lập Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam (Hội) ngày 13/5/1989. Một tổ chức xã hội – nghề nghiệp của những người hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn, tôn tạo và phát triển văn hóa nghệ thuật, khoa học kỹ thuật, sản xuất kinh doanh và làm dịch vụ về sinh vật cảnh, góp phần xây dựng văn hóa, cảnh quan, sinh thái, môi trường nhằm tập hợp rộng rãi công dân và tổ chức Việt Nam tham gia các hoạt động nhằm giữ gìn, phát triển, nâng cao truyền thống văn hóa tốt đẹp của nhân dân trong lĩnh vực sinh vật cảnh, kết hợp với việc tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nước ngoài, góp phần tích cực vào việc: Bảo vệ và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái; phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, văn minh. Hội lấy hoạt động trọng tâm là phát triển văn hóa, môi trường, kinh tế và xã hội thông qua hoạt động vi Sinh Vật Cảnh.

Để Hội có điều kiện thuận lợi hoạt động, Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng phân công một số cán bộ cấp cao tham gia lãnh đạo Hội: Đồng chí Nguyễn Thọ Chân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng làm chủ tịch Hội; đồng chí Phạm Văn Kiết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Thường trực Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam làm Phó chủ tịch Hội và đồng chí Lê Thành, nguyên Trưởng Ban Chỉ đạo Nông nghiệp Trung ương làm Phó chủ tịch Thường trực Hội cùng một số vị cán bộ cấp cao khác giúp việc cho Hội.

phe but

Phê bút chỉ đạo của Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười về công tác Sinh Vật Cảnh; Ảnh Tư liệu

Trên cương vị Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng, ngày 28/10/1995, cụ đã chỉ đạo các ngành các cấp quan tâm đến công tác phát triển Sinh Vật Cảnh: "Đây là một lĩnh vực hoạt động có tác dụng tốt đối với đời sống văn hóa - tinh thần của nhân dân. Mong hội tích cực hoạt động mở rộng phong trào sinh vật cảnh ở khắp địa phương trong cả nước, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm ra nhiều sản phẩm Sinh Vật Cảnh có hiệu quả và có giá trị nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của dân tộc".

Đầu năm 1997, nhà báo Đỗ Phượng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng giám đốc TTXVN nghỉ hưu tại TTXVN dự kiến được phân công về làm Phó chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương nhưng chính Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười lại đề nghị nhà báo Đỗ Phượng về lãnh đạo Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam "để vừa lãnh đạo một ngành kinh tế mới vừa có điều kiện hoàn thiện 3 tập sách tạm lấy tựa đề Những chuyện Đỗ Phượng chưa đăng báo". Và kể từ đó, nhà báo Đỗ Phượng gắn bó với Hội và thực hiện những chỉ đạo của Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười cho đến tận ngày cuối đời.

Đặc biệt, trong những năm gắn bó với Hội, Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trực tiếp dự nhiều hội nghị, hội thảo toàn quốc của Hội và động viên các vị lãnh đạo lão thành cách mạng, các nhà khoa học, nhà quản lý, các vị nhân sĩ trí thức tiêu biểu và cả những đồng chí thân thiết của mình tham gia lãnh đạo Hội hoặc thường xuyên gắn bó giúp đỡ Hội về nhiều mặt.

42821452_658899314495535_829014527344377856_o

Noi gương Bác Hồ, các bậc lão thành cách mạng luôn sống hài hòa với thiên nhiên và Sinh Vật Cảnh; Ảnh Vietnamnet

Cũng từ đó, nhiều đồng chí cán bộ cấp cao, nguyên cán bộ cấp cao của nhà nước đã tham gia lãnh đạo Hội như: Đồng chí Nguyễn Thọ Chân, Chủ tịch Hội khóa I, Đồng chí Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội nhiệm kỳ II và III; Đồng chí Đỗ Phượng, Nguyên ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội khóa IV và V; Đồng chí Nguyễn Hữu Vạn, Chủ tịch Hội Khóa VI; Các đồng chí Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng giữ chức vụ Phó chủ tịch Hội gồm: GS.VS Nguyễn Duy Quý, Tráng A Pao, Nguyễn Xuân Kỷ, Nguyễn Duy Quý (Tám Quý), Võ Văn Cương, Võ Hồng Nhân, Tạ Quang Ngọc, Trần Văn Vụ, Trần Đình Thành, Y luyện Niêk Đăm...

Đồng thời, Hội cũng đã thu hút được nhiều nhà khoa học, nhà văn hóa lớn luôn đồng hành và giúp đỡ Hội như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Giáo sư Vũ Khiêu, Giáo sư Trần Văn Giàu, Nhà báo Trần Bạch Đằng, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Nhà báo Trần Lâm, Giáo sư Trần Đức Bình, Nhà thơ Huy Cận, Nhà văn hóa Hữu Ngọc, Giáo sư Nguyễn Quang Thạch, Giáo sư Ngô Quang Đê, Giáo sư Trần Duy Quý, Phó giáo sư Phạm Thanh Hải, Nhà báo Lê Đình, Doanh nhân Trần Công Cảnh, Nghệ nhân Nguyễn Gia Thọ...

Từ đó, Hội đã tổ chức thành công nhiều cuộc Hội thảo khoa học quốc gia kịp thời hệ thống lại cơ sở lý luận và bài học thực tiễn trong công tác Sinh Vật Cảnh. Tiêu biểu là Hội thảo Văn hóa Sinh Vật Cảnh năm 1992 và Hội thảo Bác Hồ với Thiên nhiên và Sinh Vật Cảnh năm 2010.

tts1

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm việc với Ban Thường vụ Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam tháng 10/2012; Ảnh Văn Sửu

Tiếp nối sự quan tâm và thường xuyên chỉ đạo của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đối với công tác Sinh Vật Cảnh là sự quan tâm chỉ đạo của Cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, Cố Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Phạm Thế Duyệt, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai...về định hướng phát triển Sinh Vật Cảnh: "Kiện toàn tổ chức, Đẩy mạnh phong trào, Đổi mới nội dung phương thức hoạt động, Hướng tới tầm cao văn hóa và hiệu quả kinh tế xã hội thiết thực".

Từ những sự quan tâm thiết thực hiệu quả xuyên suốt gần 30 năm qua đã tạo ra những tiền đề và cơ hội to lớn để ngành Sinh Vật Cảnh nói riêng, ngành rau, hoa, quả và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có được bước phát triển mạnh mẽ như hôm nay.

Hiện cả nước có hơn 4 triệu lao động trong nhóm ngành này và hàng năm tạo ra giá trị xuất khẩu hàng tỷ USD vượt giá trị xuất khẩu dầu thô vốn là thế mạnh của nước ta. Năm 2016 là 2,4 tỷ USD, năm 2017 là 3,6 tỷ USD, năm 2018 ước đạt trên 4 tỷ USD và dự báo đến năm 2020 đạt giá trị xuất khẩu gần 10 tỷ USD. Ngày 12/4/2018, Chính phủ chính thức công nhận hoạt động sản xuất và kinh doanh Sinh Vật Cảnh là một trong 7 nhóm ngành nghề kinh tế phát triển nông thôn tại Nghị định số 52/2018/NĐ - CP.

TBT11111

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười luôn quan tân đến phong trào Sinh Vật Cảnh Thủ đô

Từ một thú chơi văn hóa truyền thống từ xa xưa của ông cha, trở thành một ngành kinh tế sinh thái giá trị cao phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu là một chặng đường dài mang đậm dấu ấn và tầm nhìn của Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.

Ít ai dám hình dung, gần 20 năm về trước vào ngày 26/11/2000, trên cương vị Cố vấn BCH TW Đảng, Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã chỉ đạo các ngành các cấp cần nhìn nhận Sinh Vật Cảnh là một ngành kinh tế mới không thuần túy là một thú chơi: "Sinh vật cảnh sản xuất ra nhiều sản phẩm hàng hóa, tạo thêm công ăn việc làm, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong nước và xuất khẩu. Như vậy có thể khẳng định sinh vật cảnh là một ngành văn hóa truyền thống, một ngành khoa học, nghệ thuật và là một ngành kinh tế giàu tiềm năng. Nó là một ngành dân sinh, một ngành kinh tế quan trọng không nên coi nhẹ".

Chỉ riêng trong lĩnh vực Sinh Vật Cảnh nhỏ hẹp chúng ta đã thấy rõ những cống hiến đầy tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm lớn lao với đồng chí đồng bào của Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Suy rộng ra những lĩnh vực bao quát của đời sống chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước trong mấy thập niên vừa qua chúng ta mới thấy hết những cống hiến lớn lao của Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười với đất nước to lớn đến nhường nào!

tbt121

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho đồng chí Đỗ Mười. Ảnh: Trí Dũng - TTXVN

Ghi nhận những đóng góp to lớn của Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trong tám thập kỷ hoạt động cách mạng liên tục, ngày 28/4/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm, chúc mừng và trao tặng Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng cho Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã khẳng định: “Đây vừa là vinh dự lớn lao của bản thân đồng chí và gia đình, vừa là niềm tự hào của Đảng đã tôi luyện nên những chiến sỹ cộng sản kiên trung mà đồng chí Đỗ Mười là tấm gương mẫu mực, sáng ngời để các thế hệ cán bộ, đảng viên học tập, noi theo.”

Vĩnh biệt Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười! Tổ quốc và nhân dân mãi nhớ tới hình ảnh của người chiến sĩ cộng sản kiên trung tiết liệt, mẫu mực sáng ngời, nhiệt huyết cách mạng, tận tụy với Đảng, tận hiếu với dân theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại./.

Hà Nội, 02/10/2018