Nhận diện một số bất cập trong hoạt động báo chí năm 2019

Sáng 28/12, Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 đã khai mạc tại TP. Hải Phòng. Hội nghị nhằm đánh giá đúng ưu điểm, thành tích của báo chí trong năm 2019; chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm trong hoạt động báo chí và công tác chỉ đạo, quản lý báo chí; nhận diện xu hướng, thách thức và từ đó xác định những nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2020 và các năm tiếp theo.

Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; lãnh đạo các bộ, ban, ngành cùng đại diện hàng trăm cơ quan báo chí, hội, chi hội báo chí cả nước…

Hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị

Báo cáo tại hội nghị chỉ rõ năm 2019 là năm có nhiều dấu ấn quan trọng trong công tác chỉ đạo, quản lý và hoạt động báo chí. Các cơ quan tập trung cao điểm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 (Quy hoạch báo chí). Trong 11 tháng đầu năm 2019, cả nước có 850 cơ quan báo in, báo điện tử, giảm 18 cơ quan báo chí so với năm 2018. Cả nước hiện có trên 41.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí (cả 4 loại hình), trong đó có 20.407 trường hợp đã được cấp thẻ nhà báo.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng một số đại biểu dự Hội nghị

Năm 2019, công tác thông tin tuyên truyền tập trung trọng tâm vào một số vấn đề lớn như: Phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh; chăm lo công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tuyên truyền thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, thành tựu đổi mới của Việt Nam với bạn bè quốc tế và đồng bào ta sinh sống, làm việc ở nước ngoài bằng nhiều hình thức, loại hình, ngôn ngữ khác nhau. Tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo, trong đó tập trung tuyên truyền, cổ vũ ý chí quyết tâm và lập trường nhất quán của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, nâng cao đời sống tinh thần cho toàn dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số.

Trong năm 2019, công tác chỉ đạo, định hướng, tổ chức thông tin cho báo chí; quản lý thông tin trên báo chí, xử lý thông tin xấu độc trên không gian mạng đạt được nhiều kết quả tích cực, bảo đảm nguyên tắc một đầu mối trong chỉ đạo, định hướng thông tin. Hoạt động chỉ đạo, định hướng, quản lý thông tin báo chí ngày càng bám sát hơn với thực tế đời sống xã hội; chủ động nắm bắt các sự kiện, kịp thời thông tin, định hướng dư luận xã hội bảo đảm khách quan, chính xác, có trọng tâm, trọng điểm, với tinh thần kiên quyết đổi mới “Làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá” và theo phương châm: “Chủ động, kịp thời, thống nhất, hiệu quả, đồng bộ, thuyết phục”.  Đặc biệt, việc chỉ đạo sát sao, kịp thời định hướng thông tin của cơ quan chỉ đạo khiến cho ý thức chung về kỷ cương, kỷ luật của công tác quản lý báo chí cũng được tăng cường.

Thẳng thắn nhận diện những hạn chế

Tuy nhiên, báo cáo và phát biểu tham luận tại Hội nghị cũng đã thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế trong công tác báo chí năm 2019 như sau:

1. Thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích được quy định trong giấy phép, tập trung chủ yếu ở tạp chí điện tử thuộc các hội nghề nghiệp, khối đoàn thể, ngành.

2. Bên cạnh đó tình trạng thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân vẫn chiếm tỷ lệ cao trong các hành vi vi phạm của báo chí. Sở dĩ khuyết điểm này vẫn còn cao là do sự buông lỏng trách nhiệm của người đứng đầu; do quy trình kiểm định nội dung thông tin và công tác biên tập, duyệt đăng tải tin, bài chưa chặt chẽ. 

3. Tình trạng cơ quan báo chí đưa tin, bài thiếu thận trọng, nhạy cảm về chính trị, chưa chấp hành nghiêm chỉ đạo về thông tin, đưa quá nhiều thông tin liên quan đến vấn đề tiêu cực, mặt trái của xã hội. 

4. Tính xây dựng, phản biện và sức chiến đấu của nhiều tuyến tin, bài chưa cao, chưa làm tốt việc thẩm định, kiểm chứng nguồn tin nên đã cho đăng tải thông tin không chính xác, hoặc sai sự thật, gây bức xúc trong dư luận xã hội, tập trung nhiều ở báo chí điện tử.

5. Một số chương trình liên kết trên truyền hình, tập trung ở các chương trình giải trí, trò chơi truyền hình (game show), truyền hình thực tế, chưa được quản lý chặt chẽ, đã để xảy ra một số sai sót trong nội dung thông tin, như: Hình ảnh, lời thoại phản cảm, câu khách, thiếu tính thẩm mỹ, giáo dục, không phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam…

6. Tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử bước đầu được khắc phục song vẫn còn diễn biến phức tạp, cần phải được xử lý quyết liệt, dứt điểm trong những năm tới.

7. Việc quản lý phóng viên của một số cơ quan báo chí chưa thực sự chặt chẽ, để xảy ra tình trạng phóng viên khi tham gia mạng xã hội có những phát biểu, bài viết đăng tải trên trang mạng cá nhân về một số vấn đề nóng, vụ việc tiêu cực trái quan điểm chỉ đạo, có xu hướng kích động, gây nhiễu dư luận.

8. Sự tụt hậu về công nghệ, về phương thức làm báo hiện đại trong bối cảnh truyền thông xã hội, đặc biệt là mạng xã hội nước ngoài có bước phát triển vượt bậc về khoa học, ứng dụng công nghệ.