OECD: Các nước phát triển vay nợ 'khủng' năm 2020

TGVN. Việc vay nợ ồ ạt ở hầu hết các nước phát triển phản ánh hoàn cảnh đặc biệt của đại dịch, vốn đòi hỏi mức hỗ trợ chưa từng có cho người lao động và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi các biện pháp giãn cách xã hội.

(Nguồn: Kursiv.kz)
Doanh số bán trái phiếu chính phủ năm 2020 tăng 6,8 nghìn tỷ USD so với năm 2019 (Nguồn: Kursiv.kz)

Theo dữ liệu từ cơ quan nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), doanh số bán trái phiếu chính phủ trong năm đầu tiên của đại dịch Covid-19 đã tăng vọt gần như gấp đôi mức thường thấy tại một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Thêm vào đó, trái ngược với những năm sau sự sụp đổ của Lehman Brothers vào tháng 9/2008, lợi tức trái phiếu không tăng vào năm 2020, do đó các chính phủ còn phải đối mặt với việc không thu được lãi suất thấp hơn so với trước cuộc khủng hoảng tài chính vì hầu như mọi nền kinh tế đều vấp phải sự trì trệ do dịch bệnh.

Việc vay nợ ồ ạt ở hầu hết các nước phát triển phản ánh hoàn cảnh đặc biệt của đại dịch, vốn đòi hỏi mức hỗ trợ chưa từng có cho người lao động và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi các biện pháp giãn cách xã hội. Nhưng đồng thời cho thấy, thái độ dễ dàng hơn đối với thâm hụt của chính phủ giữa các nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư và nhà kinh tế so với thời gian trước đây.

Trong báo cáo hằng năm về việc vay nợ của chính phủ, OECD cho biết, 37 chính phủ thành viên đã bán 18 nghìn tỷ USD trái phiếu trong năm 2020, giúp trang trải chi phí hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp vượt qua đại dịch, cũng như chi phí y tế tăng cao. Điều đó đánh dấu mức tăng 6,8 nghìn tỷ USD so với năm 2019, mức tăng hàng năm lớn nhất trong lịch sử, cả về giá trị tuyệt đối và so với quy mô nền kinh tế của các thành viên.

Đồng thời, OECD cho biết, chi phí đi vay đã giảm mạnh: gần 80% giá trị trái phiếu bán ra trong năm ngoái có lãi suất dưới 1%, so với con số 37% năm 2019. Hơn 20% trái phiếu được bán trong năm 2020 có lãi suất âm, có nghĩa là các nhà đầu tư đã phải trả tiền cho chính phủ để cho họ vay tiền, một điều nghe tưởng như hài hước.

Nếu như trước đây, nhiều chính phủ thuộc các nước phát triển đã cố gắng củng cố tài khóa ngay sau khi cuộc khủng hoảng tài chính qua đi, tuy nhiên những con số lần này của OECD phản ánh lo ngại rằng thị trường trái phiếu có thể chùn bước khi tiếp tục phát hành nợ công. Một số nhà kinh tế hàng đầu cho rằng mức nợ công quá cao có thể trở thành lực cản đối với tăng trưởng.

Đặc biệt, ở châu Âu, các chính phủ (ví dụ như Đức) đang tranh cãi về việc củng cố tài khóa nhằm lấy lại niềm tin của nhà đầu tư. Trên thực tế, các nhà đầu tư vay nợ chính phủ hầu hết vẫn chưa tỏ ra lo lắng, miễn là các ngân hàng trung ương sẵn sàng mua trái phiếu và ổn định thị trường nếu cần.

Một loạt nhà đầu tư chạy đua vào trái phiếu trong khu vực đồng Euro đã kết thúc sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ thị trường. Đến lúc đó, chính sách thắt lưng buộc bụng không được ưa chuộng đã khiến nền kinh tế khu vực đồng euro suy thoái sâu hơn và thúc đẩy sự gia tăng của các phong trào chính trị dân túy.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, những người ủng hộ việc thắt lưng buộc bụng tài khóa đã tương đối khan hiếm, trong khi phần lớn các cuộc tranh luận về chính sách xoay quanh việc thâm hụt nên lớn đến mức nào. Việc mua trái phiếu quy mô lớn của các ngân hàng trung ương đã trở thành một công cụ chính sách tiêu chuẩn.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng, lãi suất thấp trong những năm gần đây phản ánh nguồn cung tiết kiệm toàn cầu tăng lên đáp ứng chi tiêu đầu tư giảm, phần lớn là do những thay đổi về nhân khẩu học như dân số ngày càng già trên khắp thế giới giàu có.

Nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn lãi suất mà các chính phủ phải trả khi đi vay, điều này có khả năng xảy ra nếu tỷ lệ này vẫn ở mức rất thấp, các khoản nợ sẽ giảm so với sản lượng kinh tế mà chính phủ không cần phải thay đổi kế hoạch chi tiêu hoặc thuế của họ.

Vào năm 2020, các ngân hàng trung ương đã giúp đảm bảo rằng, chi phí đi vay không tăng ngay cả khi doanh số bán trái phiếu chính phủ tăng vọt.

OECD ước tính, các ngân hàng trung ương lớn đã mua 4,5 nghìn tỷ USD trái phiếu vào năm 2020, hơn một nửa số trái phiếu do chính phủ phát hành, nếu loại trái phiếu được bán để thay thế chứng khoán đáo hạn. Loại hỗ trợ đó không có sẵn cho hầu hết các chính phủ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

OECD cho biết, khoản vay có thể sẽ tăng trở lại trong năm nay, mặc dù với tốc độ chậm hơn so với năm 2020. Phần lớn mức tăng đó có thể đến từ Mỹ, nơi Tổng thống Joe Biden đang ủng hộ gói cứu trợ trị giá 1,9 nghìn tỷ USD, cho đến nay là mức lớn nhất được đề xuất cho việc này.

Quy mô của gói cứ trợ này đã làm dấy lên một cuộc tranh luận giữa các nhà kinh tế về khả năng nền kinh tế Mỹ có thể phát triển quá nóng, tạo ra sự gia tăng bất ngờ về lạm phát sau nhiều năm mà giá cả đã được kiềm chế. Lạm phát cao hơn thường thúc đẩy các nhà đầu tư yêu cầu lợi suất cao hơn khi họ được cung cấp trái phiếu chính phủ, trong khi các ngân hàng trung ương mua trái phiếu chính phủ như một phần của nỗ lực kích thích có nhiệm vụ giữ lạm phát trong tầm kiểm soát.

Lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ đã tăng trong những tuần gần đây khi các nhà đầu tư ngày càng lo ngại về triển vọng lạm phát, nhưng Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell nói với các nhà lập pháp ngày 23/2 rằng, một sự thay đổi lớn trong ngắn hạn về đường đi của lạm phát là khó có thể xảy ra.