Phát huy vai trò của người có uy tín

Kinhtedothi - Những năm qua, người có uy tín trong đồng bào dân tộc trên địa bàn TP Hà Nội ngày càng thể hiện được vai trò quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị tại địa phương.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn trao tặng giấy khen cho người có uy tín dịp cuối năm 2020. Ảnh: Tùng Nguyễn
Củng cố khối đại đoàn kết
Ông Nguyễn Quốc Huấn, dân tộc Mường ở xã An Phú (huyện Mỹ Đức) là một trong những người có uy tín được đồng bào dân tộc nơi đây tin yêu, kính trọng. Những năm qua, ông Huấn cùng Tổ hòa giải xã An Phú đã tổ chức vận động hòa giải hàng chục vụ việc liên quan tới mâu thuẫn gia đình, tranh chấp đất đai… Cùng với những người có uy tín khác, ông Huấn đã tích cực vận động đồng bào vùng dân tộc chấp hành đầy đủ, nghiêm túc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong tâm niệm của ông Huấn, muốn làm tốt công tác hòa giải, bản thân mỗi người có uy tín phải nêu gương sáng, xây dựng gia đình êm ấm, hạnh phúc…

Bên cạnh tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc xây dựng đời sống văn hóa mới, nhiều người có uy tín đã trở thành những tấm gương đi đầu trong phát triển kinh tế. Ông Nguyễn Văn Nghĩa, dân tộc Mường ở xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì) là một trong số đó. Được sự hỗ trợ của Ban Dân tộc TP và Sở NN&PTNT Hà Nội, ông Nghĩa bắt tay vào chăn nuôi bò sữa. Đến nay, đàn bò của gia đình ông đã phát triển lên hơn 10 con. Thu nhập từ bán sữa tươi và con giống đạt không dưới 200 triệu đồng/năm. Từ chỗ là hộ thuộc nhóm cận nghèo, gia đình ông Nguyễn Văn Nghĩa đã trở thành một trong những hộ khá giả của địa phương.

Vùng đồng bào dân tộc miền núi của Thủ đô có tổng số 152 người có uy tín. Đóng góp của những người có uy tín trong nhiều năm qua đã và đang góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội. Quan trọng hơn là giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân và bảo đảm ổn định chính trị, an ninh quốc phòng.

Tiếp tục chăm lo cho người có uy tín

Thời gian qua, việc thực hiện các chính sách đối với người có uy tín nói riêng được Hà Nội đặc biệt quan tâm. Từ năm 2018 - 2020, Ban Dân tộc TP đã tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho gần 500 lượt người có uy tín; tổ chức cho trên 100 lượt người có uy tín tiêu biểu đi thăm quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm về thực hiện chính sách dân tộc và phát huy vai trò của người có uy tín tại nhiều tỉnh, TP.

Vào dịp Tết cổ truyền, Ban Dân tộc TP phối hợp với UBND 5 huyện tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho người có uy tín. Các trường hợp không may bị ốm đau, phải điều trị tại bệnh viện cũng được các sở ngành, địa phương hỗ trợ về vật chất và tinh thần. Công tác bình xét, suy tôn người có uy tín tiêu biểu được quan tâm, thực hiện kịp thời, thường xuyên…

Để tiếp tục phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc miền núi của Thủ đô, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn đề nghị Ban Dân tộc, UBND 5 huyện tập trung đông đồng bào dân tộc sinh sống cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với công tác tuyên tuyền, vận động, phát huy tốt hơn nữa vai trò của người có uy tín. Đồng thời chăm lo, tạo điều kiện tốt nhất để người có uy tín phát huy vai trò trong cộng đồng, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…