Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng

Xin chia sẻ nội dung trên http://baochinhphu.vn/ đến cộng đồng bạn đọc https://doisongvaphattrien.vn/... Các địa phương đã có nhiều hoạt động tích cực và đạt được nhiều kết quả khả quan trong việc tuyên truyền, lan tỏa và phát triển văn hóa đọc trên địa bàn.

 

 

 

Ảnh minh họa

Sau gần 4 năm triển khai đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ, TP. Hà Nội tích cực duy trì và phát triển mạng lưới thư viện quận, huyện và cơ sở; tăng cường các hoạt động luân chuyển sách về tủ sách cơ sở, về các chi hội người khiếm thị, phục vụ thư viện lưu động tới các điểm trường tiểu học, trung học cơ sở thuộc các huyện ngoại thành... nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc, phát triển văn hóa đọc sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Tập trung xây dựng thói quen, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc.

Thành phố cũng nâng cao chất lượng nội dung và hình thức xuất bản phẩm. 100% vốn tài liệu của Thư viện Thành phố được cập nhật trên cơ sở dữ liệu; thực hiện sản xuất sách nói cho người khiếm thị: 76 tên sách (19.347 trang), 304 đĩa CD; biên soạn 79 thư mục, gồm thư mục sách mới, thư mục chuyên đề, thư mục sách phục vụ Hội thi “Thiếu nhi tuyên truyền giới thiệu sách hè”; xây dựng cơ sở dữ liệu toàn văn: 1.841 tên sách (164.760 trang).

Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động chuyên môn, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của mạng lưới thư viện công cộng trên địa bàn Thành phố, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô.

Qua 4 năm thực hiện Đề án "Phát triển hệ thống thư viện công cộng thành phố Đà Nẵng", hệ thống mạng lưới thư viện công cộng đã được phát triển rộng, góp phần nâng phủ khắp thư viện đọc tại 7/7 quận, huyện và 15 phòng đọc sách cấp xã cùng nhiều hạ tầng công nghệ thông tin, nối mạng cho các thư viện quận, huyện để truy cập sử dụng chung thư viện điện tử từ Thư viện Khoa học tổng hợp (KHTH) Thành phố.

Hiện tất cả thư viện các quận, huyện đã liên thông dữ liệu sách với Thư viện Thành phố với tổng số hơn 354.833 bản sách giấy, trong đó thư viện KHTH 310.403 bản, thư viện quận, huyện, phòng đọc cơ sở 44.430 bản. Cùng với đó là 6950 bản tài liệu băng đĩa, 7462 bản sách điện tử, 500.000 tài liệu số… Trung bình mỗi người dân Đà Nẵng có được khoảng 0,76 bản sách, 45% dân số toàn Thành phố sử dụng các dịch vụ của thư viện công cộng. Trung bình mỗi năm, hệ thống thư viện công cộng của thành phố Đà Nẵng được bổ sung hơn 17.600 bản sách giấy, gần 1.200 bản sách điện tử và 235 đầu báo, tạp chí khác, giúp gần 8.700 lượt người mượn đọc, góp phần nâng cao văn hóa, chất lượng đọc trong cộng đồng.

Đối với tuyến quận, huyện, thư viện điện tử còn góp phần gia tăng lượng bạn đọc tại mỗi địa phương. Đến hết quý II/2020, tất cả các thư viện quận, huyện đã triển khai ứng dụng phần mềm Thư viện liên thông Ilib web 8.0 trong hoạt động chuyên môn. 100% thư viện quận, huyện được nối mạng internet và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, dần dịch chuyển từ loại hình thư viện truyền thống sang thư viện điện tử.

Trong 5 năm (2016-2020), với sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, sự cố gắng nỗ lực, hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh Điện Biên mặc dù còn rất nhiều khó khăn song đã luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển của địa phương.

Hiện nay, số lượng thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh Điện Biên gồm có 1 Thư viện tỉnh và 10 thư viện cấp huyện. Hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh đều có tủ sách pháp luật được đặt tại UBND xã, các điểm Bưu điện Văn hóa xã và một số tủ sách đặt tại các nhà văn hóa xã hoặc nơi sinh hoạt cộng đồng.

Giai đoạn 2016-2020, Thư viện tỉnh bổ sung 17.688 bản, mỗi năm bổ sung trên 100 báo và tạp chí; trao đổi trên 300 số báo xuân với các thư viện tỉnh, thành phố trong cả nước; cấp 7.888 thẻ bạn đọc; phục vụ 699.789 lượt bạn đọc; luân chuyển 1.403.580 lượt sách; phục vụ trên 41 buổi lưu động tới các điểm trường học, đồn biên phòng, trại giam, trung đoàn 82; hỗ trợ, luân chuyển cho 16 điểm bưu điện văn hóa xã và các đồn biên phòng với tổng số 3.100 bản sách, tài liệu; tổ chức trưng bày 42 cuộc triển lãm theo chuyên đề và giới thiệu sách mới.

Đối với thư viện cấp huyện, giai đoạn 2016-2020, hệ thống thư viện công cộng cấp huyện đã bổ sung được 1.145 bản, mỗi năm bổ sung trên 100 loại báo và tạp chí. Các thư viện đã chủ động hướng dẫn bạn đọc khai thác và sử dụng vốn tài liệu hiện có của thư viện, tạo mọi điều kiện thuận lợi để bạn đọc có thể sử dụng thư viện và tìm kiếm thông tin có hiệu quả nhất. Trong giai đoạn trên, đã cấp 4.378 thẻ bạn đọc, phục vụ 96.181 lượt bạn đọc.

Tại Bình Phước, theo báo cáo của UBND tỉnh, triển khai Quyết định số 329/QĐ-TTg, công tác phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến huyện, xã, nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển văn hóa đọc, phát triển thói quen, kỹ năng đọc sách, định hướng văn hóa đọc và hình thành phong trào đọc sách trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

Giai đoạn 2017-2020, Thư viện tỉnh thực hiện trưng bày tại chỗ 194 đợt/18.890 bản sách báo, phục vụ nhiệm vụ chính trị và các sự kiện của ngành thư viện, đạt 100% kế hoạt đề ra; tổ chức phục vụ được 5.172.098 lượt người đọc/701.493 lượt tài liệu luân chuyển, vượt kế hoạch chỉ tiêu. Thư viện tỉnh cũng duy trì các dịch vụ thư viện điện tử, sách điện tử, tài liệu số, cơ sở dữ liệu và Trang Thông tin điện tử của đơn vị (thuvienbinhphuoc.org.vn), đồng thời phục vụ tra cứu OPAC và sách điện tử Ebook thường xuyên, thuận lợi; ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong công tác biên mục, xử lý nghiệp vụ, quản lý bạn đọc, dịch vụ truy cập Internet, dịch vụ hướng dẫn bạn đọc, in thẻ độc giả…

Tổ chức luân chuyển sách được 74.477 bản tại 117 đơn vị với 142.728 lượt người đọc qua 293.802 lượt tài liệu, đạt 100% kế hoạch. Phục vụ lưu động sách với 41.212 bản tại 95 điểm, thu hút 53.624 lượt người đọc với 148.607 lượt tài liệu luân chuyển. Tặng sách, tạp chí cho cơ sở với 10.895 bản tại 31 đơn vị; 2.002 cuốn cho 48 điểm bưu điện văn hóa xã, thư viện thuộc Trung tâm Văn hóa-Thể thao, Phòng Văn hóa-Thông tin các huyện, thị xã, thành phố, thư viện trường học, thư viện chuyên ngành, tủ sách cơ sở và 25 điểm truy cập Internet công cộng…

Thời gian tới, các địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa đọc; duy trì hoạt động thư viện truyền thống, đẩy mạnh phát triển thư viện theo hướng hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu đọc, nhu cầu thông tin của người sử dụng thư viện.

NT (t/h)