Phòng, chống dịch nCov tại các cơ sở Phật giáo

Sáng 11/2, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ban Tôn giáo Chính phủ và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Hội nghị về công tác phòng, chống lây lan dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) tại các cơ sở Phật giáo.

 



Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Thông tin về tình hình dịch nCoV, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, ngày 11/2, dịch đã lây lan ra 28 nước và vùng lãnh thổ, số người nhiễm trên 43.000 người và đã có trên 1.000 người chết, số ca chữa khỏi trên 4.000 ca. Ở Việt Nam có 15 trường hợp mắc bệnh, trong đó Vĩnh Phúc 10 trường hợp, Thanh Hóa 1, Khánh Hòa 1, Thành phố Hồ Chí Minh 3.

Trong điều kiện thời tiết hiện nay, dự báo diễn biến dịch bệnh phức tạp, đặc biệt dịch ở tỉnh Vĩnh Phúc có nguy cơ lan rộng. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona đã xây dựng các kịch bản ứng phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra; đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện.

Đến nay, tình hình dịch bệnh ở nước ta đã được kiểm soát rất tốt. Bộ đang chỉ đạo các tỉnh Thanh Hóa, Khánh Hòa rà soát một lần nữa theo đúng quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, nếu trong thời gian ngắn mà không phát sinh bệnh nhân mới, đủ điều kiện thì Bộ Y tế sẽ công bố hết dịch.

Địa bàn đáng quan tâm hiện nay là Vĩnh Phúc vì đối tượng phát bệnh không chỉ ở Vũ Hán về mà đã lây nhiễm thứ phát, ra nhiều người. Ngày 11/2, Bộ Y tế đã công bố trường hợp thứ 15 nhiễm dịch nCoV là một trẻ 3 tháng tuổi ở Vĩnh Phúc, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên thông tin.

Thứ trưởng Bộ Y tế ghi nhận Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã sớm có văn bản chỉ đạo Ban Trị sự các tỉnh, thành hội, các cơ sở thờ tự thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch như phát khẩu trang miễn phí, khuyến cáo đeo khẩu trang khi đến chùa, dừng các lễ hội, khóa tu...

Ông đề nghị Giáo hội chỉ đạo các cơ sở thờ tự khuyến cáo tăng, ni, Phật tử rửa tay bằng xà phòng, rửa tay nhiều lần, không nhất thiết phải sử dụng nước sát khuẩn rửa tay; trang bị xà phòng rửa tay tại cơ sở thờ tự; phối hợp với cơ sở y tế và Ban Chỉ đạo ở cơ sở phát tờ rơi tuyên truyền để Phật tử nắm được nội dung khuyến cáo của Bộ Y tế. Người dân chỉ sử dụng khẩu trang y tế khi đến vùng có nguy cơ hoặc bệnh viện, còn đi ra đường, hoặc đến nơi thờ tự chỉ cần đeo khẩu trang vải bình thường, tránh trường hợp mọi người đổ xô đi mua khẩu trang y tế dẫn đến khan hàng, sốt giá như thời gian qua.

Ông cũng đề nghị Giáo hội tuyên truyền trong hệ thống và trong nhân dân khi đi từ vùng dịch về thực hiện cách ly, khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở phải báo cho y tế để thực hiện các biện pháp cần thiết.

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, chiều 31/1, Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự đã có văn bản gửi Ban Trị sự các tỉnh, thành phố về việc phòng, chống dịch nCoV và các chùa đã vào cuộc rất nghiêm. Ngay sau đó, các lễ hội lớn của quốc gia đã tạm hoãn không tổ chức như lễ hội Yên Tử, Tam Chúc. Các lễ hội đã khai mạc trước đó cũng giảm quy mô, cắt giảm chương trình. Các khóa tu, lớp học thông thường đã hủy.

Đặc biệt, Giáo hội đã chỉ đạo Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc và huyện Tam Đảo - nơi tâm dịch, tạm dừng các hoạt động, kể cả lễ giỗ Tổ, khuyến cáo người dân đến chùa đeo khẩu trang. Nhiều chùa đã phát khẩu trang miễn phí cho nhân dân, sớm nhất là chùa Vĩnh Nghiêm, ngay chiều 1/2 đã dành 5.000 khẩu trang phát cho người dân, có chùa đã phát hàng vạn khẩu trang. Các Phật tử Việt kiều cũng gửi khẩu trang và nước rửa tay từ nước ngoài về.

Qua nắm bắt, tại các chùa rất vắng, người dân rất ý thức trong việc phòng, chống dịch, thực hiện “chống dịch như chống giặc”. Giáo hội sẽ tiếp tục có văn bản hướng dẫn các Ban Trị sự, các chùa, tự viện, không chủ quan trong việc này, cùng với đó, chú trọng đến hoạt động phật sự ở Vĩnh Phúc, sớm chấn chỉnh, không để xảy ra những vấn đề đáng tiếc.


Người dân lễ chùa đeo khẩu trang phòng, chống dịch viêm đường hô hấp do virus Corona. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng đề nghị Giáo hội quán triệt các khuyến cáo của ngành y tế, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền cho các tăng, ni, Phật tử nhận thức rõ tác hại và ý thức được trách nhiệm của bản thân, gia đình, đạo tràng, cơ sở tự viện của mình; biên tập tài liệu bài giảng cho các khóa lễ có khuyến cáo về phòng, chống dịch. Các cơ sở khám chữa bệnh, phòng mạch của Giáo hội cùng tham gia với ngành y tế và chính quyền địa phương trong công cuộc phòng, chống dịch.

Ông cũng đề nghị Giáo hội tiếp tục ban hành các văn hướng dẫn theo khuyến cáo của Bộ Y tế, thành lập các tổ, ban thiện nguyện, tình nguyện hỗ trợ tại các tự viện, nhất là những chùa lớn đang có lễ hội, để tuyên truyền, kiểm soát, kiểm tra, chấn chỉnh, hướng dẫn, nhắc nhở người dân cách thức phòng, chống dịch, thực hành các nghi lễ.

Nêu thực tế một số chùa rằm tháng Giêng rất đông nhưng hình thức phòng dịch còn sơ sài, ông Vũ Chiến Thắng lưu ý Ban Thường trực Trung ương Giáo hội cần nhắc nhở, phê bình nghiêm khắc. Giáo hội cần chấn chỉnh và có chương trình trong hoạt động đối ngoại, tính toán thời điểm đoàn ra, đoàn vào cho phù hợp.

Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ cho rằng, ngoài việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng theo hệ thống, cần có hình thức tuyên truyền cá biệt như thông qua các thủ đình, đền, trưởng họ, già làng trưởng bản, các đoàn thể trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam…; dán tờ rơi tuyên truyền về cách phòng dịch ở cửa đền, có xà phòng cho người dân rửa tay lúc vào lễ và ra về.