Thanh Hoá: Trùng tu, tôn tạo chùa Yên Lộ xứng tầm di tích lịch sử cách mạng

Chùa Yên Lộ, xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hoá) từng ở trong tình trạng xuống cấp, có nguy cơ trở thành phế tích... tuy nhiên, được sự quan tâm kịp thời của các cấp, ngành và sự nỗ lực của địa phương, đặc biệt do làm tốt công tác xã hội hóa, đến nay chùa đã được trùng tu, tôn tạo xứng tầm một di tích lịch sử cách mạng, trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách.


 

Chùa Yên Lộ - Di tích lịch sử cách mạng.

Chùa Yên Lộ, thuộc làng Yên Lộ xưa còn gọi là làng An Lộ, “Lỗ”. Trước năm 1945, làng Yên Lộ thuộc về tổng Phù Chẩn, huyện Thụy Nguyên, phủ Thiệu Hóa. Từ năm 1945 đến nay, mặc dù có sự tách, nhập của huyện, làng Yên Lộ vẫn giữ nguyên đơn vị hành chính. Chùa Yên Lộ được xây dựng trên sườn ngọn núi đá cách làng 300m. Đây là ngôi chùa nhỏ, thời gian xây dựng chùa đến nay chưa tìm ra tài liệu ghi lại. Chỉ biết rằng chùa được trùng tu vào năm 1928. Là một ngôi nhà 3 gian lợp ngói, kiến trúc vì kèo theo lối truyền thống, có các bệ thờ Phật.

Ngược dòng lịch sử, được biết ở giai đoạn 1930 - 1945 chùa Yên Lộ là địa điểm hoạt động của cán bộ cách mạng. Năm 1935 chi bộ Đảng cử đồng chí Hoàng Văn Quế là đảng viên ra trông coi chùa để dễ bề hoạt động. Thời kỳ 1935 - 1936, Tỉnh ủy Thanh Hóa nhiều lần tổ chức hội nghị củng cố tổ chức, củng cố phong trào tại ngôi chùa này. Từ đó trở đi, việc liên lạc giữa cán bộ cách mạng trong tỉnh, huyện, tổng đều lấy chùa làm địa điểm hẹn gặp để trao đổi hoặc họp kín một cách thuận lợi. Với địa thế kín đáo và dễ thoát hiểm khi bị kẻ thù tấn công, chùa Yên Lộ luôn trở thành nơi dừng chân của các chiến sỹ cách mạng.

Những năm gần đây, chính quyền, nhân dân làng Yên Lộ và bà con gần xa công đức đã phục dựng lại ngôi chùa trên nền móng cũ. Từ phía dưới, bước lên 60 bậc lát đá và 11 bậc lát gạch là đến chùa. Nhà Tiền đường ba gian với ba cửa ra vào và một hậu cung với tổng diện tích là 48m2. Bốn hàng cột được làm bằng chất liệu mới, các vì kèo làm bằng bê tông giả gỗ. Hệ thống cửa được làm bằng gỗ dổi. Mái chùa được lợp bằng ngói mũi, phía đầu mái uốn cong, bờ nóc được đắp hình “lưỡng long chầu nguyệt”. Các bệ thờ ở chùa Yên Lộ xây thành 5 cấp cao từ trong ra ngoài, các pho tượng được sắp xếp thành 5 lớp theo thứ tự từ trên xuống dưới...; hai gian bên là hai tượng Hộ pháp, bên trái còn có tượng Đức Thánh Hiển, bên phải là tượng Đức Ông...Việc trùng tu, tôn tạo chùa Yên Lộ  đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của đông đảo người dân, du khách.

Ngày 21/3/2018 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa có Công văn số 668/SVHTTDL - DSVH về việc thoả thuận thiết kế xây dựng, tôn tạo công trình phụ trợ phục vụ phát huy giá trị di tích chùa Yên Lộ thuộc Cụm di tích lịch sử cách mạng (Đình - Nghè - Chùa và các địa diêm có liên quan), xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa, hạng mục: nhà giảng đường, thờ Tổ và Trai đường tại khu vực đất mở rộng với diện tích 10.000m2 được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận địa điểm thực hiện dự án xây dựng mở rộng di tích lịch sử cách mạng chùa Yên Lộ; được Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hoá phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch. Ngày 1/7/2019 Di tích lịch sử cách mạng chùa Yên Lộ ở xã Thiệu Vũ đã được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch mới của tỉnh.

Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng, trùng tu, tôn tạo di tích chùa Yên Lộ đã và đang làm sống lại một trung tâm cách mạng tiêu biểu của Đảng bộ Thanh Hóa thời kỳ hoạt động bí mật (1930 - 1945); đồng thời đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo tại chùa Yên Lộ, trở thành trung tâm tín ngưỡng tôn giáo của huyện và cũng là một điểm đến có tiềm năng phát triển du lịch về nguồn gắn kết các di tích trên địa bàn huyện, thu hút nhiều du khách trong tỉnh và ngoài tỉnh đến tham quan, chiêm bái.