Thêm một phát hiện mới về tác hại của bệnh sởi

Bệnh sởi gây ra những tổn hại lâu dài đối với hệ miễn dịch khiến cho người đã từng mắc bệnh sởi dễ mắc các bệnh truyền nhiễm khác. Đây là phát hiện của một nhóm nghiên cứu quốc tế công bố trên tạp chí Science ngày 31/10/2019.

Bệnh sởi gây ra những tổn hại lâu dài đối với hệ miễn dịch khiến cho người đã từng mắc bệnh sởi dễ mắc các bệnh truyền nhiễm khác. Đây là phát hiện của một nhóm nghiên cứu quốc tế công bố trên tạp chí Science ngày 31/10/2019.

Ảnh internet

Kết quả phân tích mẫu máu của 77 trẻ em chưa được tiêm phòng vaccine (vắc-xin) sởi trước và sau khi dịch sởi bùng phát cho thấy, virus sởi đã loại bỏ khoảng 11 – 73% lượng kháng thể của trẻ, trong đó có cả kháng thể cúm, thủy đậu, vi khuẩn gây viêm phổi. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện virus sởi khiến hệ miễn dịch của một số trẻ trở lại tình trạng gần như của trẻ sơ sinh.
Các kháng thể là những protein trong máu “ghi nhớ” những lần cơ thể chiến đấu chống lại virus trước đó và giúp con người tránh nhiễm lại căn bệnh đó. Nếu không có những kháng thể này, trẻ sẽ dễ nhiễm lại những virus từng xâm nhập vào cơ thể và đã bị tiêu diệt.
Để xác nhận thông tin trên, nhóm nghiên cứu sau đó đã tiến hành thí nghiệm đối với khỉ đuôi ngắn. Kết quả cho thấy những con khỉ này mất 40 – 60% lượng kháng thể. Từ kết quả trên, các nhà khoa học nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tiêm phòng vaccine ngừa sởi đầy đủ. 
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC), đã có 1.250 ca nhiễm sởi được xác nhận tại 31 bang của nước này từ ngày 1/1 đến 3/10/2019. Đây là số ca mắc sởi cao nhất kể từ năm 1992.
Sởi là bệnh do virus gây ra, có thể dẫn tới những biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm não, gây di chứng lâu dài và có thể dẫn tới tử vong, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.