Thực hiện các đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

(Chinhphu.vn) - Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu những quan điểm lớn với các nội dung rất cụ thể trong triển khai thực hiện các đột phá chiến lược.

Ảnh: VGP

Đại hội lần thứ XIII của Đảng vừa diễn ra thành công rất tốt đẹp. Đại hội khẳng định trong nhiệm kỳ Đại hội XII, tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện 3 đột phá chiến lược đạt được những kết quả quan trọng. Môi trường đầu tư, kinh doanh, tiềm lực, quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế tiếp tục được nâng lên. Chính trị, xã hội ổn định, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt… 

Những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội XII có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ tạo dấu ấn nổi bật mà còn góp phần củng cố niềm tin, tạo ra động lực mới để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ, thuận lợi, đưa đất nước bước vào một thời kỳ phát triển mới.

Nhìn lại thời gian qua, việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, XII của Đảng về kinh tế-xã hội, trọng tâm là 3 đột phá chiến lược gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đã được triển khai, quán triệt, tổ chức thực hiện từ Trung ương đến địa phương và đạt được những thành tựu quan trọng.

Việt Nam là nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp. Thể chế kinh tế thị trường cơ bản được hình thành, các loại thị trường từng bước phát triển thống nhất trong cả nước, gắn kết ngày càng tốt hơn với thị trường thế giới. Cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính được triển khai mạnh mẽ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, thực hiện các giao dịch.

Quy mô giáo dục và đào tạo tăng nhanh, chất lượng nguồn nhân lực có bước cải thiện đáng kể. Khoa học-công nghệ có bước phát triển.

Kết cấu hạ tầng từng bước được nâng cấp phát triển, nhất là lĩnh vực giao thông đường bộ, đường hàng không, bưu chính viễn thông…

Từ việc thảo luận, đánh giá  về 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011), 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011 - 2020, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới; định hướng phát triển và phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời gian tới tại Đại hội XIII, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vừa ban hành đã nêu những quan điểm lớn với các nội dung rất cụ thể trong triển khai thực hiện các đột phá chiến lược.

Cụ thể là, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính, hợp tác công-tư; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật.

Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số./.

Nguyễn Hoàng