Tiền Giang: Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh

UBND tỉnh Tiền Giang vừa ban hành Chỉ thị về việc tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.

Tượng đài tại khu di tích Chiến thắng Ấp Bắc (Tiền Giang). Nguồn: Internet.

Theo đó, Chỉ thị yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Tăng cường tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về di sản văn hóa bằng các phương thức đặc thù của ngành, nhằm nâng cao nhận thức pháp luật của nhân dân về di sản văn hóa, qua đó phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn (theo Quyết định 4581 ngày 25-12-2019 của UBND tỉnh về việc sửa đổi một số điều của Quyết định 2010 ngày 25-7-2018 của UBND tỉnh quy định phân công quản lý di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang) để phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, đặc biệt là các di tích lịch sử cách mạng; tham mưu UBND tỉnh đầu tư, nâng cấp một số di tích có điều kiện gắn với phát triển du lịch, chú trọng đến các cụm di tích cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh như: Các địa điểm liên quan đến cuộc khởi nghĩa của Anh hùng dân tộc Trương Định (đền thờ, lăng mộ, tượng đài, Ao Dinh, Đám lá tối trời); đền thờ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng (Lăng Hoàng Gia); nhà Đốc Phủ Hải; lũy Pháo Đài; Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút; đình Long Hưng; Chiến thắng Ấp Bắc; Làng cổ Đông Hòa Hiệp...; tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực quản lý di tích cho cán bộ cấp huyện, cấp xã và người trực tiếp trông coi di tích; tổ chức kiểm tra công tác quản lý di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng; việc sửa chữa, nâng cấp các di tích; phối hợp với các địa phương, đơn vị triển khai lập hồ sơ xếp hạng, cắm mốc di tích đối với các di tích đã xếp hạng và chưa xếp hạng; phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử, văn hóa trong học sinh, sinh viên.

UBND các huyện, thành phố, thị xã: Tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn; tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo tồn và phát huy giá trị các di tích. Việc tu bổ, sửa chữa, tôn tạo di tích do UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện nhưng phải có ý kiến thống nhất của Sở VH-TT&DL. Đối với di tích cấp quốc gia phải được Bộ VH-TT&DL thông qua.