Tin nổi bật ngày 4/1/2021

Họp báo thông tin về Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ; Thượng tá nghi mắc COVID-19 đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2; Thanh tra toàn diện Công ty Minh Quân vì để rác thải thải tồn đọng tại cửa ngõ Thủ đô… là những thông tin được dư luận quan tâm ngày 4/1/2021.

Tiếp tục thực hiện 'mục tiêu kép'

Sáng 4/1, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Người phát ngôn của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã Họp báo thông tin về Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP.

Chú thích ảnhBộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp báo.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Nghị quyết 01/NQ-CP đề cập đến các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hôi (KT-XH) và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Nội dung Nghị quyết 02/NQ-CP tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thông tin về Nghị quyết 01/NQ-CP, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đề ra 96 chỉ tiêu cụ thể cho các ngành, lĩnh vực làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch phấn đấu thực hiện và là căn cứ để kiểm tra, đánh giá, đo lường kết quả thực hiện Nghị quyết của các bộ, ngành, địa phương. Để thực hiện được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, Chính phủ xác định 8 trọng tâm chỉ đạo điều hành, với 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 188 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương.

Về Nghị quyết 02/NQ-CP, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chỉ rõ phải tập trung vào các nhóm chỉ số, chỉ tiêu cụ thể, gồm: Cấp phép xây dựng, Đăng ký tài sản, Giải quyết tranh chấp hợp đồng, Giải quyết phá sản doanh nghiệp, Chất lượng quản lý hành chính đất đai, ứng dụng công nghệ thông tin, Chất lượng đào tạo nghề, Kỹ năng của sinh viên, Đăng ký phát minh sáng chế, Kiểm soát tham nhũng, Mức độ tham gia giao dịch trực tuyến, Cơ hội việc làm trong các ngành thâm dụng tri thức, Môi trường sinh thái bền vững…

Thanh tra toàn diện Công ty Minh Quân

Chú thích ảnhCông ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội đưa phương tiện cơ giới hỗ trợ dọn rác ùn ứ tại quận Nam Từ Liêm.

Liên quan đến việc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghệ cao Minh Quân để rác thải tồn đọng trên địa bàn quận Nam Từ Liêm và một số quận huyện khác, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã yêu cầu thanh tra toàn diện Công ty trên.

Văn bản số 5913/UBND-TKBT ngày 29/12/2020 gửi Thanh tra thành phố và Sở Xây dựng thành phố nêu rõ, thời gian qua, báo chí đã phản ánh về những bất cập trong công tác thu gom, duy trì vệ sinh môi trường tại địa bàn quận Nam Từ Liêm.

Theo cam kết đến hết ngày 31/12/2020, gói thầu thu gom, duy trì vệ sinh môi trường giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội nói chung và quận Nam Từ Liêm nói riêng do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghệ cao Minh Quân (nay là Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội) thực hiện mới kết thúc. Song trước đó, trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, rác thải tiếp tục chất thành đống tại các điểm tập kết, trên nhiều tuyến đường chính như Đỗ Đức Dục, Lê Đức Thọ, Nguyễn Hoàng, Đại lộ Thăng Long; cổng làng Mễ Trì; Bến xe Mỹ Đình...  Điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mỹ quan đô thị mà còn gây bức xúc dư luận.

Việt Nam ghi nhận thêm 3 ca mắc COVID-19 nhập cảnh

Thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, tính từ 18 giờ ngày 3/1 đến 18 giờ ngày 4/1, Việt Nam ghi nhận 3 ca mắc mới, đều có quốc tịch Việt Nam, là các ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh.

Như vậy, tính đến chiều 4/1/2021, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 1.497 ca mắc COVID-19, trong đó 693 ca lây nhiễm trong nước, 553 ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay.

Báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, Việt Nam đã chữa khỏi 1.339 bệnh nhân mắc COVID-19; ghi nhận 35 ca tử vong liên quan đến COVID-19 trên nền bệnh lý trầm trọng.

Trong số những bệnh nhân đang được tiếp tục điều trị tại các cơ sở y tế, 9 người có kết quả xét nghiệm âm tính lần một với SARS-CoV-2, 6 người âm tính lần hai và 5 người âm tính lần ba.

Cả nước còn 19.055 người tiếp xúc gần với người mắc COVID-19 hoặc nhập cảnh từ vùng dịch, đang được cách ly theo dõi sức khỏe; trong đó 152 người được cách ly tại bệnh viện, 17.234 người được cách ly tập trung tại các cơ sở khác, 1.669 người được cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Thượng tá về hưu nghi mắc COVID-19 đã có kết quả âm tính

Chú thích ảnh

Liên quan đến trường hợp Thượng tá về hưu nghi mắc COVID-19, báo cáo với Bộ Y tế chiều 4/1, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho biết kết quả xét nghiệm trên 2 mẫu (1 mẫu do Bệnh viện Quân y 7A lấy ngày 3/1 và 1 mẫu lấy ngày 4/1) đều có kết quả âm tính với COVID-19.

Trước đó, ông P. được Bệnh viện Quân y 7A lấy mẫu và thực hiện xét nghiệm lần 1 với kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh đã cho lấy lại mẫu gửi Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, kết quả xét nghiệm lần 2 của ông P. là âm tính.

Ngành y tế TP Hồ Chí Minh cũng xác định được 37 trường hợp tiếp xúc gần với ông P., gồm người nhà, đoàn du lịch cùng và nhân viên y tế. Trong đó, tại TP Hồ Chí Minh có 35 trường hợp, Ninh Bình có 2 trường hợp, Hà Nội có 1 trường hợp (là lái xe của đoàn du lịch). Cơ quan y tế cũng đã lấy mẫu xét nghiệm 36 trường hợp (trừ lái xe tại Hà Nội đang tiếp cận), hiện đang chờ kết quả.

Trước khi có kết quả xét nghiệm này, trong ngày 4/1, các cơ quan chức năng đã tiến hành phong tỏa, vệ sinh khử khuẩn nơi ở và truy vết các trường hợp tiếp xúc gần của ông N.V.P.

Được biết, từ ngày 24/12/2020 đến 27/12/2020, ông P. di chuyển từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội bằng máy bay, sau đó di chuyển bằng ô tô lên Sa Pa (Lào Cai) theo đoàn 20 người. Sau đó ông trở lại Hà Nội theo đoàn và bay từ Hà Nội về TP Hồ Chí Minh. Sau khi đi du lịch về, ngày 28/12/2020, ông P. xuất hiện các triệu chứng ho, sốt. Ông P. đi khám tại một phòng khám ở huyện Bình Chánh và được kê toa về uống thuốc tại nhà. Ngày 31/12/2020, ông P. nhập khoa Cấp cứu Bệnh viện Quân y 7A bằng ô tô của huyện đội Bình Chánh. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán ông bị tăng huyết áp, suy tim và viêm phổi nghi mắc COVID-19.

Việt Nam đàm phán với 4 quốc gia để mua vaccine phòng chống dịch COVID-19

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết: Việt Nam đang đàm phán với 4 quốc gia Anh, Mỹ, Nga và Trung Quốc để mua vaccine phòng chống dịch COVID-19. Dự kiến sẽ có 30 triệu liều vaccine đầu tiên về Việt Nam vào quý 2/2021.

Chú thích ảnhThứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cung cấp thông tin tại buổi họp báo.

Tại buổi Họp báo thông tin về Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP sáng 4/1, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết: Việt Nam hiện có 4 đơn vị tham gia nghiên cứu, sản xuất vaccine COVID-19. Đó là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vaccien và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH); Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vaccine và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC); Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC) và Công ty TNHH Dược Nanogen (NANOGEN).

Trong đó, NANOGEN đã tiêm thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 (Nano Covax) trên người từ ngày 17/12/2020 và đã tiêm 2 liều (25 mcg và 50 mcg trên người tình nguyện).

Hiện sức khoẻ người tình nguyện sau tiêm đều khỏe mạnh và không xuất hiện triệu chứng bất thường. IVAC là nhà sản xuất có tiến độ nghiên cứu vaccine COVID-19 nhanh thứ hai hiện nay tại Việt Nam. IVAC đã đề nghị Bộ Y tế cho phép thử nghiệm vaccine COVID-19 Covivac trên người tình nguyện vào tháng 1/2021, sớm hơn gần 2 tháng so với kế hoạch ban đầu.