Từ vụ cưỡng chế CV nước Thanh Hà: Không nên Tham bát bỏ mâm, phá hỏng kỷ cương phép nước

Nguyên Mạnh

Dù có yêu cầu từ phía cơ quan chức năng về việc không được tiếp tục triển khai xây dựng do chưa đáp ứng đủ các yêu cầu pháp lý, thế nhưng chủ đầu tư vẫn tiếp tục xây dựng công trình dẫn đến việc phải cưỡng chế.

Cưỡng chế Công viên nước Thanh Hà sau 6 tháng đưa vào khai thác

Vụ cưỡng chế công viên nước Thanh Hà bắt nguồn từ năm 2018. Cụ thể, theo UBND quận Hà Đông, ngày 6/12/2018, Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Hà Đông chủ trì, phối hợp với Phòng quản lý đô thị, UBND phường Phú Lương tiến hành kiểm tra công trình đang thi công tại lô đất A2.2-CCĐT01 thuộc dự án khu đô thị Thanh Hà Cienco5.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ đầu tư đang thi công công trình công viên nước Thanh Hà, đã xây xong phần thô. Chủ đầu tư đã xuất trình thiết kế bản vẽ thi công các hạng mục công trình công viên nước do Công ty Cổ phần xây dựng G7 thiết kế hồi tháng 11/2018 nhưng không cung cấp được quyết định đầu tư, thông báo khởi công và chưa thực hiện thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế cũng như xin giấy phép xây dựng đối với dự án theo quy định.

Đoàn kiểm tra đã yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục theo quy định.

Đến ngay 8/1/2019, Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco5 về hành vi vi phạm “tổ chức thi công xây dựng không có giấy phép” theo quy định của Nghị định 139/2017, yêu cầu chủ đầu tư chấm dứt ngay mọi hoạt động xây dựng, khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Công viên nước tan hoang sau cưỡng chế. Ảnh Lao Động

Các ngày 26/1/2019, 19/3/2019, Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị tiếp tục phối hợp với UBND phường Phú Lương làm việc, yêu cầu chủ đầu tư cung cấp hồ sơ pháp lý. UBND phường Phú Lương ra văn bản yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công công trình, hoàn thiện hồ sơ, báo cáo phường nhưng chủ đầu tư không xuất trình, cố tình tiếp tục thi công.

Ngày 18/11/2019, Đội quản lý trật tự xây dựng phối hợp với Phòng quản lý đô thị, UBND phường Phú Lương làm việc, yêu cầu chủ đầu tư cung cấp hồ sơ pháp lý nhưng chủ đầu tư không xuất trình.

Kiểm tra hiện trạng công trình, lực lượng chức năng nhận thấy công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 19 hạng mục.

Xét tính chất vi phạm, ngày 27/11/2019, UBND quận Hà Đông đã ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả với Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco5, buộc công ty tháo dỡ toàn bộ hạng mục đã xây dựng trong thời hạn 15 ngày.

Do công ty Địa ốc Cienco5 không chấp hành nên ngày 24/12/2019, UBND quận Hà Đông đã ra quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

Liệu có lãng phí

Tuy nhiên, trong đơn kiến nghị khẩn cấp gửi Thủ tướng Chính phủ, đại diện Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco5, cho rằng: Công ty chấp hành Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả của UBND quận Hà Đông và đã thực hiện việc tháo dỡ toàn bộ các hạng mục xây dựng và lắp đặt tại công viên nước Thanh Hà.

Nhưng do khối lượng công việc nhiều và các hạng mục tại công viên nước Thanh Hà có kết cấu phức tạp, cần thực hiện theo quy trình kỹ thuật và do nhà thầu tháo dỡ để đảm bảo không bị hư hỏng, không mất giá trị sử dụng, công ty đã gửi văn bản đến UBND quận Hà Đông đề nghị gia hạn và xem xét tạo điều kiện.

Thế nhưng quận Hà Đông vẫn thực hiện cưỡng chế tháo dỡ 19 hạng mục xây dựng trong khu công viên nước Thanh Hà.

Công ty chấp hành việc cưỡng chế của phường Phú Lương (quận Hà Đông), tuy nhiên giá trị tài sản lớn, công ty cũng có ý bàn giao lại cho chính quyền địa phương để tránh lãng phí nhưng không được chấp thuận.

Sau khi cưỡng chế, toàn bộ tài sản và thiết bị kỹ thuật đã hư hỏng.

Tuy nhiên, khẳng định từ phía UBND quận Hà Đông, việc cưỡng chế đối với Công viên nước Thanh Hà đã được tiến hành theo đúng các quy trình, thủ tục được quy định. Trước quyết định 4725 của UBND quận Hà Đông về việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với lô đất xây dựng Công viên nước Thanh Hà, chủ đầu tư đã có văn bản gửi UBND quận Hà Đông về việc sẽ tự tháo dỡ công trình vi phạm từ ngày 6/12/2019.

Thế nhưng sau đó, chủ đầu tư đã không thực hiện tự tháo dỡ mà khi đoàn kiểm tra của quận Hà Đông tiến hành kiểm tra, chủ đầu tư vẫn tiến hành nâng cấp một số hạng mục, hệ thống cây xanh vẫn đang được duy trì. Chính vì chủ đầu tư không tự nguyện tiến hành tháo dỡ, nên UBND quận Hà Đông đã phải tổ chức cưỡng chế.

“Các quy trình liên quan đến cưỡng chế đối với công trình này, UBND quận Hà Đông đã làm theo đúng các quy định của pháp luật. UBND quận Hà Đông ra quyết định cưỡng chế, đồng thời cũng đã gửi quyết định đến cho chủ đầu tư, công khai tại địa điểm tổ chức cưỡng chế. Không thể có việc một dự án lớn như thế mà chính quyền khi ra quyết định cưỡng chế lại sai quy định”, ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch UBND quận Hà Đông cho biết.

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch UBND quận Hà Đông cho rằng, về góc độ các nhân đó là tài sản, tuy nhiên ở góc độ lập lại kỷ cương trật tự đô thị thì phải xử lý theo các quy định của pháp luật. “Sai phạm phải được xử lý, kỷ cương trật tự đô thị phải được lập rõ. Các quy định của pháp luật liên quan đến vi phạm trật tự xây dựng đã rất cụ thể do đó phải xử lý triệt để, tránh những tình trạng như thế này lại tái diễn, tạo ra những tiền lệ xấu. Với trường hợp này chẳng hạn, mình đưa vấn đề ra rồi để đấy thì sau này sẽ rất khó xử lý các trường hợp khác’, ông Ngọc cho biết.

Đề cập đến việc, tại sao công trình được kiểm tra, xác định không đáp ứng đủ các điều kiện pháp lý từ cuối năm 2018 mà không được xử lý ngay từ đầu, ông Nguyễn Quang Ngọc thừa nhận có việc yếu kém trong công tác quản lý, cụ thể là chính quyền phường Phú Lương, lực lượng thanh tra xây dựng.

Lý giải điều này, ông Ngọc cho biết, trong quý I và quý II- 2019, trên địa bàn xảy ra một số vụ việc dẫn đến lực lượng thanh tra, kiểm tra trật tự xây dựng phải tập trung vào các vụ việc này nên đã buông lỏng quản lý đối với công trình này.

“Chính vì thế cũng phải thừa nhận, thanh tra xây dựng, cũng như phường đã buông lỏng quản lý đối với công trình này trong một thời gian”, ông Ngọc thừa nhận. Ông Ngọc cũng cho biết, UBND quận Hà Đông cũng đang tiến hành kiểm tra, sai ở khâu nào sẽ xử lý ở đó.

Luật sư Trương Tiến Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hồng Phú, Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Tham bát bỏ mâm, phá hỏng kỷ cương phép nước

Dưới góc độ pháp luật, vào ngày 15-1-2020, UBND phường Phú Lương  phối hợp các đơn vị chức năng của quận Hà Đông thực hiện cưỡng chế công trình vi phạm khi Cienco 5 không thực hiện tháo dỡ công trình vi phạm là đúng pháp luật, bảo đảm duy trì kỷ cương phép nước, duy trì trật tự xã hội. Bởi vì trước đó, công trình vi phạm đã bị Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Hà Đông lập biên bản số 04/BB-VPHC ngày 8-1-2019. UBND quận Hà Đông đã ban hành quyết định 4725/QĐ-KPHQ vào ngày 27-11-2019 áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ban hành quyết định và gửi đến chủ đầu tư. Ngày 24-12-2019, UBND quận Hà Đông ban hành quyết định số 5079/QĐ-CCXP cưỡng chế buộc Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco5 thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng không có giấy phép. Ngày 9-1-2020, UBND phường Phú Lương ban hành kế hoạch việc tổ chức cưỡng chế và thông báo chủ đầu tư di chuyển người, tài sản, vật dụng ra khỏi khu vực cưỡng chế.

Như vậy, UBND phường Phú Lương và UBND quận Hà Đông đã thực hiện đúng trình tự thủ tục và thẩm quyền theo Nghị định 139/2017/ NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, Nghị định số 166/2013/ NĐ - CP quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Việc kiên quyết xử lý vi phạm của UBND phường Phú Lương và UBND quận Hà Đông là hợp lý. Chúng ta đừng bao giờ tiếc 1 công trình vi phạm, giống như tham bát bỏ mâm, bỏ mất kỷ cương phép nước.