Tuyên Quang: Na Hang ngát hương chè Pắc Củng

Sản phẩm chè Shan Tuyết ở Pắc Củng, xã Thượng Nông, huyện Na Hang (Tuyên Quang) đã được xây dựng nhãn mác, đóng bao bì sản phẩm. Thời gian tới, cùng với một số sản phẩm khác của địa phương, việc phát triển cây chè được Đảng bộ xã Thượng Nông xác định là 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong nhiệm kỳ 2020 – 2025. 

nguoi dan san chi hai tre0

Người dân thông Pắc Củng hái chè

Năm 1984, khi người Sán Chỉ từ huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang về đây khai khẩn đất đai đã mang theo những hạt chè để gieo trồng. Ban đầu, họ trồng chè chỉ để phục vụ nhu cầu của gia đình, sau dần cây chè phát triển, được nhiều người biết đến.

Đến nay, Pắc Củng có 8 ha chè Shan Tuyết, có nhiều cây chè cổ thụ từ 30-36 tuổi. Được trồng ở độ cao trên 6.00 m so với mực nước biển, cây chè Shan Tuyết cổ thụ có tán rộng, búp chè to, màu xanh non, trên búp có lớp lông tơ mềm mịn như tuyết trắng. Do được trồng ở nơi có khí hậu quanh năm khá mát mẻ nên cây chè có cánh lá dày, to bản, sau khi chế biến có mùi thơm đặc trưng, nước xanh, vị đượm.

Chị Đặng Thị Sằm, thôn Pắc Củng cho biết: Chúng tôi thấy khi cây chè mọc đủ 1 tôm 2 lá thì bắt đầu hái. Hái về không được để qua đêm mà phải xao luôn trong ngày thì mới đảm bảo chất lượng, khi pha sẽ giữ được màu nước).Thôn Pắc Củng hiện có 45 hộ dân, với trên 80% là đồng bào dân tộc Sán Chỉ. Ở đây, nhà nào cũng trồng chè Shan Tuyết. Mỗi năm cho thu 4 vụ, với tổng sản lượng 12 tạ chè tươi/năm. Chè tươi có giá từ15.000 đồng/kg, chè khô từ 200.000 đồng/kg. Cây chè ở Pắc Củng đang dần trở thành cây trồng chủ lực để giúp bà con dân tộc Sán Chỉ nơi đây vươn lên thoát nghèo.

can bo ky thuan huong dan cach hai che0

Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bà con hái chè đúng kỹ thuật

Anh Bàn Văn Tranh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Pắc Củng, xã Thượng Nông, huyện Na Hang chia sẻ: Hiện nay, bà con ở đây thu hái chè vẫn theo phương pháp thủ công, chưa biết áp dụng kỹ thuật. Thời gian tới, chúng tôi cũng mong muốn được hưởng những cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước hỗ trợ về nguồn vốn, trang thiết bị cho bà con để phát triển cây chè, mở rộng thêm diện tích; mở các lớp tập huấn để bà con nắm được quy trình thu hái, sản xuất chế biến để góp phần tăng thêm thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho bà con.

Hiện nay, sản phẩm chè Shan Tuyết ở Pắc Củng đã được xây dựng nhãn mác, đóng bao bì sản phẩm. Thời gian tới, cùng với một số sản phẩm khác của địa phương, việc phát triển cây chè được Đảng bộ xã Thượng Nông xác định là 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong nhiệm kỳ 2020 – 2025.

dong goi0

Người dân thôn Pắc Củng đóng gói chè Shan Tuyết. 

Ông Lương Xuân Hướng, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Nông cho biết: Hiện nay, sản phẩm chè Shan Tuyết ở Pắc Củng đã được xã xây dựng nhãn mác. Thời gian tới, thông qua các chương trình hỗ trợ sản xuất của huyện, xã sẽ triển khai, vận động bà con đẩy mạnh chăm sóc, chú trọng phát triển cây chè, từng bước nâng cao theo hướng sản xuất hàng hóa, đảm bảo chè sạch, an toàn).

Cây chè Shan Tuyết không chỉ giúp phủ xanh đất trống đồi núi trọc, phòng chống thiên tai mà còn đóng vai trò quan trọng trong chương trình giảm nghèo, nâng cao đời sống cho các hộ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiệu quả từ cây chè đã khẳng định hướng đi đúng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện Na Hang.