Văn nghệ dân gian Thanh Hóa cần tạo nên những công trình mang tính tổng kết

 Đó là chia sẻ của GS.TSKH Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (VNDG) tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Chi hội VNDG Việt Nam tỉnh Thanh Hóa (1999 - 2019) vào sáng nay 9/11.

 Đó là chia sẻ của GS.TSKH Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (VNDG) tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Chi hội VNDG Việt Nam tỉnh Thanh Hóa (1999 - 2019) vào sáng nay 9/11.


Tham dự kỷ niệm có  đại diện lãnh đạo Hội VNDG Việt Nam; đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành; Chi hội VNDG tỉnh Nghệ An; cùng đông đảo hội viên, người yêu văn hóa, văn nghệ dân gian.


Lãnh đạo Hội VNDG Việt Nam trao tặng Bằng khen cho tập thể và các cá nhân  của chi hội VNDG Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã có thành tích xuất sắc.

 

Năm 1999, chi hội VNDG Thanh Hóa được thành lập với gần 30 hội viên, chủ yếu là cán bộ của hai ngành văn hóa và giáo dục như: Hoàng Tiến Tựu; Vũ Ngọc Khôi; Hoàng Anh Nhân; Hoàng Tuấn Phổ; Vương Anh...Chi hội làm nhiệm vụ sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị của di sản văn hóa - văn nghệ dân gian các dân tộc trong tỉnh. Đồng thời, phối hợp với hội VNDG Việt Nam thực hiện các dự án, công việc. Sau 20 năm thành lập, chi hội đã trải qua 4 kỳ đại hội.

Tròn 20 năm thành lập, chi hội VNDG Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã đạt được không ít thành tựu, kết quả trong nhiều lĩnh vực: Sưu tầm, nghiên cứu văn hóa - văn nghệ dân gian. Hàng loạt công trình, tác phẩm của tập thể, cá nhân được nghiệm thu, công bố rộng rãi trong cả nước; sưu tầm, nghiên cứu nghệ thuật dân gian với với 35 trò diễn (trò Ngô; trò Lào, trò Mường, trò Chiêm Thành...); nghiên cứu lễ hội, tín ngưỡng, phong tục, cho ra đời những công trình, tác phẩm xuất sắc (Thúc ước Thanh Hóa; Lễ tục lễ hội truyền thống xứ Thanh...); Bên cạnh đó là không ít thành tựu trong các lĩnh vực ngôn ngữ dân gian, âm nhạc dân gian, văn hóa làng xã, văn hóa tộc người, nghề, làng nghề xứ Thanh.

Cùng với nhiệm vụ sưu tầm, nghiên cứu, chi hội đã phối hợp với các trường đại học mở lớp dạy nghiệp vụ cho hội viên, cộng tác viên, sinh viên, trưởng phòng VHTT các huyện miền núi đạt kết quả.

 Đến nay, đã có 65 công trình, tác phẩm của tập thể, cá nhân được nghiệm thu. Trong đó có 36 công trình, tác phẩm đã được xuất bản, công bố. Và 34 tác phẩm đoạt giải thưởng hàng năm của TW Hội văn nghệ dân gian Việt Nam (1 giải nhất, 4 giải nhì, 14 giải 3, 11 giải khuyến khích và 2 tặng phẩm), tiêu biểu: Sử thi Đẻ đất đẻ Nước, Một cách tiếp cận - tác giả Cao Sơn Hải (giải nhất); Xường cài hoa dân tộc Mường - tác giả Vương Anh; Văn hóa dân gian huyện Quảng Xương - tác giả Hoàng Tuấn Phổ... (giải nhì).

Với những đóng góp và nỗ lực không ngừng nghỉ, nhiều hội viên của chi hội đã được tặng thưởng huy chương, bằng khen của Hội văn nghệ dân gian Việt Nam...đặc biệt, năm 2016, có 3 nhà nghiên cứu thuộc chi hội đã vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (lĩnh vực văn hóa văn nghệ dân gian): Nhà nghiên cứu Vương Anh; Hoàng Anh Nhân và Minh Hiệu (truy tặng).

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tại lễ kỉ niệm, các hội viên của chi hội VNDG Thanh Hóa cũng trải lòng về những trăn trở như nguồn kinh phí khó khăn, thiếu vắng thế hệ trẻ kế cận...


Các tác phẩm đã được xuất bản của hội viên Chi hội VNDG Việt Nam tỉnh Thanh Hóa.

 

GS.TSKH Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội VNDG Việt Nam nhận định: Thanh Hóa là nơi “đọng lại” của những sáng tạo văn hóa, kho lưu trữ VNDG của cả nước. Trải qua 20 năm ra đời, chi hội VNDG tỉnh Thanh Hóa đã làm khá tốt công tác sưu tầm. Tuy nhiên, kết quả chủ yếu mới dừng lại ở việc sưu tầm. Và thẳng thắn nhìn nhận, Thanh Hóa vẫn chưa có những công trình mang tính chất tổng kết. Trong thời gian tới, Hội VNDG Việt Nam sẵn sàng đồng hành với chi hội VNDG Thanh Hóa để làm ra những công trình mang tính tổng kết.

Nhân dịp này, Chủ tịch Hội VNDG Việt Nam đã tặng Bằng khen cho tập thể và 7 cá nhân của Chi hội VNDG tỉnh Thanh Hóa.