Việt Nam chống CoVid 19: Cứu người là ưu tiên hàng đầu

Trân trọng giới thiệu bài viết của bà Lianys Torres Rivera, Đại sứ Cuba tại Việt Nam, đăng trên báo mạng CUBADEBATE ngày 5-4-2020 do Nhà báo Phạm Lợi dịch.

SỰ CÔNG NHẬN CỦA CÁC TỔ CHỨC QUỐC TẾ và báo chí các nước về phản ứng của Việt Nam đối với đại dịch COVID-19 , nổi bật những ngày này trên các tờ báo chính tại Hà Nội.


Tờ Thời báo Tài chính (Financial Times ) ngày 24 tháng 3, trong một bài viết của các phóng viên ở Bangkok và Hà Nội, đã coi Việt Nam trở thành một hình mẫu trong việc ngăn chặn căn bệnh này ở một quốc gia có nguồn lực hạn chế, nhưng có ý chí chính trị.


Tổ chức Dalia Research, có trụ sở tại Berlin, nói rằng Việt Nam có tỷ lệ công dân lớn nhất tin tưởng vào phản ứng của chính phủ đối với đại dịch, dựa trên một cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 24 đến 26 tháng 3 tại 45 quốc gia và vùng lãnh thổ.


Hơn hai tháng trôi qua kể từ khi Việt Nam ghi nhận, vào ngày 23 tháng 1, trường hợp dương tính đầu tiên đối với virus corona mới. Bảy ngày sau, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch viêm phổi cấp gây ra bởi nCoV, do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm chủ tịch. Cho đến ngày 4 tháng 4, Bộ Y tế Việt Nam cho biết ko có ca tử vong nào trong số 240 trường hợp được xác nhận dương tính, trong đó 90 trường hợp đã được chữa khỏi.


Thành công của Việt Nam nằm ở một số yếu tố: chủ trương kiên quyết của chính quyền nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân, ngay cả khi điều này hàm ý giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến trong năm 2020; sự nhanh chóng của Chính phủ trong việc áp dụng các biện pháp kịp thời cho từng giai đoạn, từ khi bắt đầu có dịch; sự tham gia hiệp đồng của các tổ chức nhà nước, các bộ và cơ quan trực thuộc; kỷ luật và sự hợp tác xã hội không thể thiếu và đầu tư trước đây vào tài nguyên và cơ sở hạ tầng, đó là những điều có ý nghĩa quyết định đối với một đất nước hơn 96 triệu dân để vượt qua dịch bệnh với mức độ như vậy.

Với những thế mạnh này, những ngày đầu tiên đối phó với COVID-19 đã tiên đoán sự trở lại nhanh chóng về trạng thái bình thường, mặc dù thực tế là tâm điểm của dịch bệnh chỉ cách thủ đô Việt Nam hơn 1.000 km về phía bắc. Việt Nam nhanh chóng triển khai kế hoạch hành động chống dịch, đình chỉ các chuyến bay từ các khu vực bị thiệt hại nặng nhất ở Trung Quốc, hạn chế buôn bán xuyên biên giới, cách ly tại các địa điểm và trung tâm kiểm dịch cụ thể, điều tra tích cực trong cộng đồng và theo dõi toàn diện các trường hợp có thể lây nhiễm. Trong giai đoạn đầu tiên, Việt Nam đã ngăn chặn được sự lan rộng của căn bệnh này, chỉ có 16 trường hợp, tất cả đều do xâm nhập từ ngoài vào.


Nhưng vào ngày 6 tháng 3, Hà Nội nhận được tin rằng cuộc chiến chống dịch bệnh sẽ có thể kéo dài. Sau gần 22 ngày không có báo cáo lây nhiễm, các trường hợp dương tính mới liên quan đến chuyến bay VN54 của Vietnam Airlines, hạ cánh tại Hà Nội vào ngày 2 tháng 3 từ London, đã được phát hiện.


Chuyến bay VN54 đã thay đổi tiến trình của đất nước trước đại dịch. Sự gia tăng các ca lây nhiễm xuất phát từ những hành khách của chuyến bay này và những người khác từ các chuyến bay sau đó đến Việt Nam đã đặt các cơ quan chức năng vào một tình huống khác, đòi hỏi phải tăng cường các biện pháp để cắt đứt sự mở rộng có thể thấy trước của COVID-19.


Ủy ban Nhân dân Hà Nội đã thông báo việc thực hiện miễn chi phí chẩn đoán cho những người tiếp xúc trực tiếp và những người tiếp xúc gần với các trường hợp được xác nhận dương tính, đồng thời quyết định hỗ trợ tài chính hàng ngày cho các trường hợp bị cách ly, cả trong các khu tập trung và tại nhà.


Trước việc các trường hợp dương tính ồ ạt xâm nhập từ bên ngoài, Ban Chỉ đạo đã ra lệnh cách ly tập trung đối với những người mà trong 14 ngày trước khi họ đến đã có mặt ở các "khu vực có nguy cơ cao", một thuật ngữ lần lượt bao hàm từ các quốc gia Tây Âu, Trung Quốc và Hàn Quốc, Iran, Hoa Kỳ và các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cũng như cho tất cả những người đến nước này từ bất kỳ nơi nào.


Khai báo về sức khỏe và xét nghiệm bắt buộc đối với khách du lịch đến, hoặc việc sử dụng khẩu trang bắt buộc ở những nơi công cộng, đã khẳng định quyết tâm xiết chặt hàng rào đối với coronavirus mới. Tạm dừng thị thực, sau đó là chấm dứt tạm thời nhập cảnh của người nước ngoài, từ ngày 22 tháng 3. Dần dần, Chính phủ đã đình chỉ các chuyến bay quốc tế, đến mức chỉ cho phép những chuyến bay đảm bảo sự trở lại của những người đồng hương quan tâm đến việc trở về từ nước ngoài.


Quân đội Nhân dân Việt Nam đã đóng một vai trò thiết yếu trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Vào cuối ngày 18 tháng 3, Bộ Quốc phòng đã triển khai thiết lập 140 khu cách ly với sức chứa 44.718 người. Đồng thời, quân đội đã làm nhiệm vụ bảo vệ từng đường mòn lối nhỏ trên biên giới đất liền. Các bác sĩ và nhà nghiên cứu của quân đội đồng thời đã nghiên cứu và phát triển hai bộ Kits chẩn đoán.


Cơ quan y tế Việt Nam hiện đang áp dụng bốn hình thức cách ly: trong khu vực cách ly tập trung của Quân đội, tại các trung tâm y tế, trong khu dân cư và tại nhà. Đây là biện pháp có tính chất quyết định đối với kết quả tích cực mà Việt Nam đạt được trong việc chống Covid-19.

Sau khi xuất hiện các ca lây nhiễm chéo trong dân cư và tại các trung tâm y tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố bước vào giai đoạn mới của cuộc chiến chống đại dịch và chỉ thị cho Bộ trưởng Bộ Công an và lãnh đạo các địa phương kiểm tra toàn diện tất cả mọi người, cả người Việt Nam và người nước ngoài, đã đến nước này kể từ ngày 8 tháng 3, để xác định các trường hợp nhiễm bệnh và ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng.


Vào ngày 31 tháng 3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một chỉ thị quy định các biện pháp nghiêm ngặt đối với việc cách ly xã hội từ 1 - 4 đến ngày 15 - 4. Trong hai tuần cách ly giữa các gia đình, làng, xã, huyện và tỉnh, mọi người được khuyến cáo chỉ nên rời khỏi nhà để đi mua thực phẩm, thuốc men; tránh các cuộc tụ tập quá 2 người và giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét tại thời điểm giao tiếp. Trong khi nhiều quốc gia chỉ thực hiện các biện pháp tương tự sau khi dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng, thì tại Việt Nam, nó được thực hiện từ giai đoạn phòng ngừa. Vào lúc này, đó là việc đóng cửa với bên ngoài và cách ly ở bên trong.


Chỉ các nhà máy hoặc trung tâm sản xuất hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tiếp tục hoạt động, tuân thủ các biện pháp vệ sinh được chỉ định bởi chính quyền địa phương. Tiếng ồn của các cơ sở này không đủ để làm xáo trộn sự tĩnh lặng của một đất nước đang mải mê làm việc từ xa.


Ở một đất nước có gần 24% dân số dưới 15 tuổi, việc chăm sóc trẻ em và thiếu niên là nhiệm vụ được ưu tiên kể từ khi có ca bệnh đầu tiên bùng phát, trùng với thời điểm bắt đầu nghỉ Tết âm lịch. Kể từ ngày 23 tháng 1, học sinh đã được nghỉ học ở nhà và nhiều hình thức khác nhau đã được áp dụng để tiếp tục giảng dạy, thông qua các bài tập về nhà hoặc học trực tuyến qua mạng.
Sự sáng tạo quốc gia đã thu hút các đề tài trong thời Covid-19 trong điều kiện các phương tiện truyền thông rộng rãi, nơi tin tức về các ứng dụng máy tính, công nghiệp 4.0 và chính phủ điện tử đã phổ biến.


Tầm quan trọng quan trọng đối với Việt Nam là nghiên cứu, phát triển và sản xuất hai bộ Kits xét nghiệm sử dụng thành công các kỹ thuật sinh học phân tử (RT-PCR và RT-PCR ). Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ Kits của Việt Nam nhanh hơn so với các bộ cùng loại trên thế giới và quốc gia này có khả năng sản xuất khoảng 3.600 chiếc tại thời điểm này. Hai mươi quốc gia và vùng lãnh thổ bày tỏ sự quan tâm trong việc mua sẩn phẩm này. Dự kiến có thể xuất khẩu sang Iran, Phần Lan, Malaysia và Ukraine .


Vào giữa tháng 3, hơn 115.000 thông tin khai báo y tế đã được thu nhận thông qua phần mềm ứng dung nCOVI quốc gia, được tạo ra để phục vụ cho việc thăm dò các trường hợp nhiễm bệnh.

 

Bộ Y tế đã thành lập một cổng thông tin trực tuyến để liên lạc giữa các chuyên gia giỏi nhất về dịch tễ học và các bác sĩ điều trị để xử lý các trường hợp tại chỗ . Bộ này cũng thường xuyên gửi tin nhắn văn bản và bằng âm thanh đến điện thoại di động, trước mỗi cuộc gọi được thực hiện, để nhắc lại các biện pháp phòng chống vi-rút và cảnh báo mọi người ở nhà.


Với sự ra mắt của Thành phố thông minh, thủ đô Hà Nội đã cung cấp cho công dân của mình một ứng dụng có thể giúp chính quyền nắm được thông tin về những người bị nhiễm bệnh hoặc cách ly trong bệnh viện và tại nhà, để xác định các trường hợp không tuân thủ các quy định.


Ở miền trung, các nhà nghiên cứu tại Đại học Đà Nẵng đã thiết kế một hệ thống đo nhiệt độ cơ thể từ xa, giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng cho nhân viên y tế khi làm xét nghiệm.


Các nhà khoa học trẻ từ thành phố Hồ Chí Minh đã chế tạo thành công các cabin di động khử trùng cơ thể chỉ trong 30 giây và nay đã thấy hoạt động tại lối vào của một số tòa nhà công cộng.


Công việc giáo dục và cảnh báo thường trực về các biện pháp phòng ngừa đối với Covid-19 đã được đưa vào cả lĩnh vực âm nhạc, với bài hát Ghen Co Vy, đã trở thành một thành công toàn cầu.

 

Chính phủ Việt Nam đề cập đến một kinh nghiệm trong cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ, đó là điều được gọi là 4 tại chỗ, nghĩa là phát hiện, cách ly, điều trị bệnh bằng nhân lực và phương tiện ngay chính tại địa phương, kết hợp với công tác phòng ngừa tại chỗ.


Trên cơ sở đó, khi nguy cơ lây nhiễm đến từ Trung Quốc, nước có chung đường biên giới dài, qua đó hàng trăm ngàn người qua lại hàng ngày, hoặc từ Hàn Quốc, nơi có hơn 200.000 người Việt Nam làm việc và hàng chục ngàn người Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam, sự cách ly nghiêm ngặt của các cộng đồng giúp vượt qua giai đoạn này chỉ với 16 trường hợp, mà không có bất kỳ ca tử vong nào, và ngăn chặn được sự lây lan.


Trong giai đoạn thứ hai này, trong đó phần lớn các trường hợp nhiễm bệnh đã xâm nhập từ châu Âu, Hoa Kỳ và các nước khác, chính quyền cũng đã thực hiện các biện pháp cách ly theo từng bước để ngăn chặn sự lây lan. Cho đến nay, gần hai phần ba các trường hợp đến từ bên ngoài.

 

Đối với người lao động bị ảnh hường bởi COVID-19, Thủ tướng Chính phủ đề xuất trợ cấp hàng tháng là 1,8 triệu đồng (77 USD) cho những người bị mất việc làm. Đề xuất này sẽ bao gồm các nhân viên hợp đồng, nhân viên bán thời gian và những người nghỉ phép không lương hoặc bị giảm thu nhập do Covid-19.


Về phần mình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất gói trợ cấp dành cho những người trong diện được hưởng chính sách xã hội và nhận phụ cấp hàng tháng do có công phục vụ cho Nhà nước trong cách mạng và kháng chiến; họ sẽ nhận thêm mỗi tháng 21,8 USD/ người trong quý 2- 2020.


Trong cuộc họp của Thường trực Chính phủ ngày 3 tháng 4, Thủ tướng Phúc đã nhắc lại sự sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế ngắn hạn để bảo vệ cuộc sống của người dân, là ưu tiên hàng đầu, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.


Với tiền đề này, Việt Nam đang tiến lên trong năm 2020 để vượt qua những thách thức chính trị và kinh tế, nhằm củng cố vị trí là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực, đồng thời tăng cường hoạt động quốc tế của mình với cương vị Chủ tich ASEAN và thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an, Liên hợp quốc.