Y học cổ truyền: Đón đầu xu thế đào tạo chuyên khoa sâu

Thực tế cho thấy, đào tạo chuyên khoa sâu đang là nhu cầu lớn của đội ngũ y bác sỹ. Trong bối cảnh ấy, ngành y học cổ truyền sẽ đáp ứng nhu cầu của người học như thế nào? PGS.TS Đậu Xuân Cảnh – Giám đốc Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam sẽ có những chia sẻ xung quanh vấn đề này!

* Hiện nay, nhu cầu học chuyên khoa sâu của các bác sỹ là rất lớn. Vậy Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam đón đầu xu thế này như thế nào – thưa PGS?

- Đúng vậy! Hiện nay, nhu cầu bác sỹ đi chuyên khoa sâu sau đại học là rất lớn. Trước đây, chuyên khoa sâu chỉ được tổ chức ở bệnh viện Trung ương hoặc tuyến tỉnh. Nhưng bây giờ y tế tuyến huyện cũng đã quan tâm đến bác sỹ chuyên khoa sâu.

Trong chương trình đào tạo nhân lực y tế ở bậc đại học, khi ra trường, các bác sỹ thường được đào tạo đa khoa chưa được đào tạo chuyên khoa sâu. Vì thế, sau khi có chứng chỉ hành nghề và đi làm, họ thường có nhu cầu đi học Bác sỹ chuyên chuyên khoa sâunhư Bác sỹ chuyên khoa cấp I, Chuyên khoa cấp II, thạc sỹ khoa, tiến sỹ khoa.

PGS.TS Đậu Xuân Cảnh – Giám đốc Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam

Chẳng hạn như chuyên khoa nội y học cổ truyền, ngoại y học cổ tuyền, nhi y học cổ truyền hoặc các chuyên khoa lẻ như: Tâm thần kinh, Mắt, Da liễu, Tai mũi họng, Răng hàm mặt….

Từ nhu cầu thực tế của ngành y tế nói chung và đội ngũ y bác sỹ nói riêng, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam đã và đang đẩy mạnh đào tạo sau đại học nhằm đáp ứng nhu cầu của người học, cũng như nhu cầu phát triển y tế trên các lĩnh vực và địa bàn dân cư, nhằm giúp họ thỏa mãn đam mê và phục vụ cho công việc khám chữa bệnh ngày một tốt hơn.

* Chuyên khoa sâu thường phổ biến ở y học hiện đại, vậy với y học cổ truyền thì có gì khác biệt – thưa PGS?

- Trước đây, y học cổ truyền như là một lĩnh vực chuyên khoa chung. Bây giờ, nó được coi như một nền y học độc lập như y học hiện đại. Y học cổ truyền cũng có chuyên khoa sâu giống như y học hiện đại. Chẳng hạn như: Chuyên khoa nội y học cổ truyền, ngoại y học cổ truyền, sản y học cổ truyền, nhi y học cổ truyền…

Do cấu trúc y học cổ truyền như vậy, nên các bác sỹ thuộc lĩnh vực này có nhu cầu được đào tạo chuyên khoa sâu bằng cách học sau đại học. Chính từ nhu cầu thực tế này, nên Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam đã có chủ trương đẩy mạnh đào tạo sau đại học để giúp các y bác sỹ đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

Chúng tôi quan niệm: Khám chữa bệnh cho một người bệnh có nhiều bác sỹ chuyên khoa sâu cùng thực hiện thì bao giờ cũng tốt hơn. Thực tế, một bác sỹ có thể biết nhiều nhưng chỉ giỏi một lĩnh vực. Chính vì thế chúng tôi muốn đào tạo nhiều chuyên khoa khác nhau để khi ra trường, các bác sỹ tự tin hành nghề và phát huy được kiến thức, năng lực, sở trường của mình, nhằm phục vụ tốt hơn công việc chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Cái mà chúng tôi nhấn mạnh là: Trong chương trình chung khung trình độ đối với từng cấp học vẫn hướng đến cá thể hóa trong quá trình đào tạo. Chẳng hạn: Đào tạo ngành nội y học cổ truyền nhưng có người thiên về châm cứu, xoa bóp, tim mạnh, hô hấp…

Trên cơ sở đó, chúng tôi phân loại để điều chỉnh và tạo điều kiện cho học viên được thực tập, trải nghiệm thực tế nhiều hơn. Nói cách khác, việc lựa chọn chương trình học tập là do người học, còn chúng tôi luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của học viên.

* Hiện nay, công tác tuyển sinh nói chung và tuyển sinh sau đại học nói riêng đang là bài toán đối với các cơ sở giáo dục đại học. Vậy trong công tác này, Học viện có gặp khó khăn gì không – thưa PGS?

- Chúng tôi có thế mạnh là: Kết hợp giữa y học hiện đại với y học cổ truyền. Hơn nữa, hiện nay các trường chủ động trong tuyển sinh nên về cơ bản mọi việc vẫn được thực hiện theo đúng chủ trương, kế hoạch.

Chúng tôi xác định, học viên là khách hàng, vì thế chúng tôi cung cấp đầy đủ thông tin minh bạch cho học viện và bảo đảm tất cả những quyền lợi chính đáng của họ khi theo học tại Học viện.

Điều mà tôi quan tâm nhất là, các trường không được làm khó lẫn nhau và không làm ảnh hưởng quyền lợi và trách nhiệm, nghĩa vụ của nhau. Nói cách khác, các cơ sở giáo dục đại học sẽ phải nỗ lực, vươn lên và cùng nhau phát triển.

* Vậy mùa tuyển sinh năm nay, Học viện sẽ thực hiện đổi mới như thế nào?

- Trước mắt, chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Theo đó, chúng tôi hình thành 3 nhóm tuyên truyền:

Nhóm 1 – giới thiệu về chương trình tuyển sinh sau đại học;

Nhóm 2 – kết hợp với đơn vị tuyển dụng, những đơn vị có nhu cầu sử dụng bác sỹ sau đại học, được đào tạo chuyên khoa sâu

Nhóm 3 – Tuyên truyền bằng người thực việc thực. Tức là, những học viên đã và đang học tập tại Học viện sẽ là những cánh tay nối dài để lan tỏa đến cộng động xã hội.

Xin cảm ơn PGS!

Minh Phong (thực hiện)