Nếu lấy thước đo là tiền thì 1,4 tỷ euro chi cho phát triển văn hóa là không nhỏ, nếu lấy thước đo là giải thưởng Oscar hay các liên hoan phim thì tỷ lệ giải trên 200 phim là quá thấp. Nếu tư duy theo cách ngành gì không tự sống được thì không đáng sống, văn hóa nghệ thuật phải tự nuôi được thân mới có giá trị, thị trường quyết định sự sống còn của văn hóa... thì số tiền kia càng có vẻ là thừa, số phim kia là quá nhiều vì tầm ảnh hưởng của nó có thể không quá lớn.
Vậy tiền đổ vào các sản phẩm này làm gì, có nhất thiết phải đổ vào nó không?
Tại Liên hoan phim Cannes, năm nào cũng vậy, bên cạnh không khí hội hè của những bữa tiệc ra mắt phim, chụp hình phỏng vấn ngôi sao, có một khu làm việc của Văn phòng Ủy ban Sáng tạo châu Âu. Đây là chỗ mà các giám đốc sản xuất phim độc lập, những nhà làm phim trẻ, những người làm nghề sáng tạo trong ngành nghe nhìn của nhiều nước đến để tụ họp nhau, và tiếp cận để tìm kiếm tài trợ.
Việc trông cậy vào tài trợ của Chính phủ để triển khai các dự án sáng tạo trong nhiều lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là phim ảnh ở châu Âu là khá phổ biến. Hầu như nước nào cũng có một quỹ (hoặc nhiều quỹ) để dành cho việc này. Chỉ tính riêng tại Pháp, mỗi tỉnh đều có một quỹ nhỏ nhằm đề hỗ trợ các dự án văn hóa, lên đến cấp quốc gia lại có vài quỹ hoạt động từ nhiều năm nay để dành cho việc tìm kiếm, tạo cơ hội phát triển cho các dự án phim ảnh và xuất bản văn học. Cơ chế hoạt động của quỹ hầu như đều giống nhau, mục tiêu là tìm kiếm và khuyến khích sáng tạo nghệ thuật hơn là ăn sẵn thành quả của việc sáng tạo. Đơn cử tại Pháp, từ nhiều năm nay CNC (trung tâm điện ảnh và hình ảnh động quốc gia Pháp) là nơi đã đỡ đầu cho hàng nghìn, chục nghìn dự án đều đặn ra đời. Thành lập vào năm 1946, ngay sau thế chiến thứ 2, CNC là nơi mà những nhà làm phim Pháp trông cậy để có động lực sáng tạo. Các hạng mục hỗ trợ của CNC bắt đầu từ khâu viết kịch bản, rồi đến sản xuất phim và sau nữa là phát hành. Không hẳn kịch bản nào được hỗ trợ viết thì sau đó được hỗ trợ làm phim, mỗi hạng mục đều phải trải qua những cuộc xét tuyển với một ban giám khảo kỹ lưỡng, được hạng mục này, hoàn toàn không có nghĩa là sẽ tiếp tục được nhận tài trợ để đi tiếp con đường. Tuy thế, chỉ với vài nghìn euro hỗ trợ cho một kịch bản ban đầu, đã có bao nhiêu dự án được ra đời từ đó. Hoặc có thể dự án không ra đời, nhưng xuất hiện thêm một người tham gia công việc sáng tạo.
Cũng tương tự, Liên hiệp châu Âu cũng có một quỹ để hỗ trợ phát triển văn hóa và khuyến khích cho cộng đồng sáng tạo của liên minh. 1,4 tỷ euro là số tiền dành cho giai đoạn từ 2014 - 2020. Chỉ tính riêng Liên hoan phim Cannes năm 2021, đã có 17 phim tranh giải là những phim đã từng được tuyển chọn và nhận tài trợ của Ủy ban Sáng tạo châu Âu.
Sao lại thế?
Nếu theo lý thuyết và cách làm như lâu nay Việt Nam đang làm là cấp kinh phí hạn hẹp cho các đoàn nghệ thuật, xã hội hóa các hãng phim nhà nước có bề dày từ nhiều năm, khuyến khích tự bơi tự sống, khuyến khích chịu sự đào thải của thị trường thì những cách làm trên - có thể bị coi là phí phạm tiền thuế, là nuôi văn hóa một cách tốn kém.
Vâng, nếu nhìn văn hóa chỉ như một món hàng, dưới góc nhìn như một người hàng xén thì quả thế thật, nhưng nếu nhìn văn hóa dưới góc nhìn cân bằng trong sự phát triển xã hội thì câu chuyện lại khác.
Liên hiệp châu Âu, trong sự bảo tồn và xây dựng mối quan hệ cùng phát triển văn hóa đã hoàn toàn ý thức được việc phải coi văn hóa và công nghiệp sáng tạo là một trong những ngành có khả năng tạo sức cạnh tranh và mang lại những lợi ích lâu dài, không phải chỉ nuôi văn hóa mà có thể có được nhiều món lợi từ nó.
Tôi có dịp trao đổi với Celine Lanfranco là người phụ trách các dự án của Pháp, cô cho biết việc hỗ trợ và thúc đẩy văn hóa phát triển quan trọng nhưng một trong những điều quan trọng nhất là hỗ trợ và tạo ra hệ sinh thái sáng tạo. Một đất nước, một nền văn hóa muốn tồn tại thì trước hết phải bảo tồn được hệ sinh thái sáng tạo và thúc đẩy cho nó phát triển. Khi đã để cho teo tóp đi rồi thì cơ hội phát triển sẽ chật vật.
Như vậy là số tiền hơn một tỷ euro kia không chỉ có ý nghĩa ngắn hạn là nuôi các sản phẩm văn hóa mà nó có cả ý nghĩa dài hạn là để tạo nên một hệ sinh thái sáng tạo cho các nước châu Âu và cộng đồng châu Âu.
Trong cuộc cạnh tranh và tạo ảnh hưởng giữa các quốc gia, việc sở hữu một đội ngũ mạnh của ngành công nghiệp sáng tạo, được hiểu như sở hữu một khối của cải và có khả năng mang lại những lợi ích kinh tế bền vững.
Như vậy, nếu hiểu số tiền chi ra để bảo tồn và phát triển văn hóa là chi phí một chiều thì không đúng, và cũng như vậy - cách nghĩ phải để văn hóa nghệ thuật tự bơi, chịu sự đào thải của thị trường mà không cho nó cơ hội được hỗ trợ đúng cách là vô hình trung chỉ coi văn hóa, coi ngành công nghiệp sáng tạo đơn thuần như một món hàng. Mà lại là hàng không được chăm sóc để đứng trên thị trường lâu bền, tất nhiên sức cạnh tranh sẽ yếu.
Có một cảnh mà những ai đã đến liên hoan phim Cannes nhiều lần đều thấy, các cô đào, hoa khôi xinh đẹp của màn ảnh Hoa ngữ đến Cannes không chỉ để mặc đẹp, lượn lượn trên thảm đỏ. Không ít người trong số họ được tháp tùng bởi những nhà đầu tư, quản lý với tầm nhìn thấu suốt. Họ sẵn sàng đầu tư vào những tác phẩm đang kêu gọi tài trợ nếu trong phim có sự tham gia của diễn viên Trung Quốc, hay được sản xuất một phần tại Trung Quốc. Như vậy là việc tạo ra ảnh hưởng bằng nghệ thuật, lôi kéo đội ngũ sáng tạo đang diễn ra, tất nhiên không phải chỉ để vui, chỉ vì yêu nghệ thuật.
Việc dùng nghệ thuật, văn hóa như một công cụ để tạo ảnh hưởng đang diễn ra hàng ngày ở khắp nơi trên thế giới. Chỉ cách đây vài năm, nhạc Hàn Quốc còn được coi như một ngôn ngữ nghệ thuật xa lạ tại châu Âu thì giờ đây giữa Paris đã có fanclub tổ chức nghe nhạc BTS, và tất nhiên quá trình tạo ảnh hưởng về kinh tế ở châu Á diễn ra thế nào, châu Âu không khác. Hiện tại, 350 công ty Hàn Quốc đang có mặt ở Pháp với số vốn đầu tư lên đến 1,2 tỷ euro. Nhiều con số khác đã chứng minh văn hóa không chỉ nuôi bản thân, mà có thể là khởi đầu cho những nguồn lợi lớn - rộng hơn là kinh tế.
Chứng minh cho mệnh đề này ở thời điểm mà không còn ai phải nghĩ về tính đúng của nó nữa dường như là việc bất thường; tuy thế, mỗi lần đi lại thấy những điều mà hình như cần phải nói lại nữa, vì sự bất thường vẫn còn.
Sao lại thế? Khi mà cả thế giới đều biết rằng văn hóa là một quyền lực mềm không cần chứng minh?