Sau thất bại liên tiếpcủa những năm đầu trở lại xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp đã tǎng cường lực lượng trên chiến trường bằng tổ chức hệ thống phòng ngự dựa vào cứ điểm và các binh đoàn quân ứng chiến, tăng cường càn quét để củng cố chỗ đứng chân. Theo đó, quân xâm lược đã tăng cường phòng ngự đường số 4, khoá chặt biên giới Việt-Trung ngăn Việt Nam tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Vào những ngày Thu tháng Tám, gặp gỡ Đặng Văn Việt, người Trung đoàn trưởng trưởng đầu tiên của E174, một nhân chứng sống ở tuổi ngoài 100, tôi vô cùng xúc động được nghe người lính lúc còn trẻ đem hết sức mình đánh giặc, khi về già vẫn minh mẫn kể lại cho đời sau nghe những chiến thắng để đời. Bài viết ghi lại trận chiến mở màn chiến dịch Biên giới 1950 và trận đánh Bình Liêu, quả đấm thép cuối cùng để giải phóng hoàn toàn Đường số 4, theo lời kể lại của ông.
Trận đánh mở màn Chiến dich biên giới năm 1950
Gặp Đặng Văn Việt tại Câu Lạc bộ Ba Đình khi bước sang tuổi 101, ông tâm sự “…lúc trẻ, gặp loạn tôi làm lính đánh giặc cứu nước; nay tuổi cao, là lính già tôi ngồi kể chuyên Nam chinh, Bắc chiến…”. Biết ông đã trải qua nhiều trận đánh với vai trò của người chỉ huy hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tôi lựa lời, ướm hỏi “…là con người của chiến trận,gần như trăm trận trăm thắng; trong cuộc đời binh nghiệp, những trận đánh nào để lại trong Bác những ấn tượng khó quên?”
Một thoáng suy ngẫm, với bộ óc mẫn tiệp của người cao niên, ông thanh thản trả lời “…năm, tháng thăng trầm trôi qua hàng nửa thế kỷ,nhưng những trận đánh hay, đánh đẹp dường như lúc nào cũng như sống lại trong tôi. Hàng trăm trận chiến, tôi đã không hổ thẹn với lương tâm, không phụ lòng tin của cán bộ chiến sĩ. Trong những trận đánh tiêu biểu, trận mở màn cho chiến dịch Biên giới và trận Bình Liêu, trận đánh vào Tiểu khu Duyên hải, là những ấn tượng rất khó phai mờ….,”.
Ông Việt cho biết, phân Khu Đông Khê nằm trên đường số 4 từng là một căn cứ quân sự rất kiên cố của thực dân Pháp. Chủ trương mở chiến dịch giải phóng Biên giới (năm 1950) của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam nhằm tiêu diệt Đông Khê và Trung đoàn 174 của ông được giao nhiệm vụ chủ công.
Ông nhớ lại “….chúng tôi đặt sở chỉ huy Trung đoàn trên núi đá Đông Bắc thị trấn Đông Khê. Tôi phân công Tiểu đoàn 251 ở hướng chính đánh thẳng lên pháo đài, tiểu đoàn 249 đánh đồi Yên Ngựa rồi đánh xuống nhà thương dưới phố; tiểu đoàn 250 dự bị;để các tiểu đoàn phối thuộc 11 và 426 ở phía Bắc Đông Khê,chuẩn bị chặn đánh quân nhảy dù tiếp cứu và khống chế đồn Nà Cúm…”, 6 giờ sáng ngày 16 tháng 9 năm 1950, Bộ chỉ huy mặt trận phát lệnh tiến công đến 9 giờ ta chiếm được đồi Yên Ngựa, 10 giờ 30 chiếm nốt Phìa Khóa.
Địch cố thủ và gọi phi pháo bắn mãnh liệt cùng 6 máy bay Hen cát liên tục quần thảo yểm trợ. 4 giờ sáng hôm sau, Trung đoàn 174 chiếm được Cạm Phầy. Từ thế trên cao, pháo ta yểm trợ cho xung kích tấn công Đông Khê. PhíaTrung đoàn 209 cũng đã phát triển, mở rộng trận chiến rất nhanh, đánh chiếm toàn bộ phía Nam thị trấn Đông Khê. Khi quân ta vào được trung tâm, các hỏa điểm ngầm của địch bất ngờ xuất hiện. 3 lần quân ta đột phá pháo đài đều bị đánh bật ra. Trung đoàn 209 cũng bị chững lại, một mũi tiến công bị địch phản kích đã bật ra ngoài.Thiếu tướng Hoàng Văn Thái ngày ấy, lệnh cho cả 2 Trung đoàn (174 và 209) phải tích cực làm công sự, kiên quyết giữ cho được Cạm Phầy, Phìa Khóa, Pò Hầu và chuẩn bị tiếp tục công kích tiêu diệt Đông Khê.
Ngày 17 tháng 9, bộ đội ta ráo riết chuẩn bị cuộc tấn công Huấn thị của Bác Hồ được gửi xuống từng phân đội nhỏ, Người đã nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến dịch và kêu gọi quyết đánh thắng và để thắng trận, các chiến sĩ ở mặt trận phải kiên quyết, dũng cảm trăm phần trăm. Lời Bác lan truyền khắp mặt trận, có sức lôi cuốn cổ vũ mạnh mẽ lạ thường.
Sau khi tính toán lại thực lực, Ban chỉ huy Trung đoàn chuyển hướng đột phá sang phía Đông và đề nghị Trung đoàn 209 phối hợp đánh từ phía Nam. Được bộ chỉ huy mặt trận cho phép Trung đoàn 174 đột phá từ hướng Đông Bắc, tập trung lực lượng đánh tiêu diệt đồn to có pháo. 18 giờ 30 ngày 17 tháng 9 cả vùng đồi núi tối sẫm vì sương mù đày dặc, lệnh tổng công kích Đông Khê được thực hiện. Tiểu đoàn 251 đột kích phía Đông Bắc pháo đài, chiến sĩ La Văn Cầu đánh bộc phá, anh dũng phá tan lô cốt địch, mở đường cho xung kích bật lên xông vào trung tâm như bão lốc. Ở hướng Bắc, Tiểu đoàn 249 sau khi chiếm đồn Nhà thương đã thọc sâu vào trung tâm gặp đồng đội của Trung đoàn 209 từ phía Nam đánh lên, rồi cả 2 hợp điểm cùng cùng đánh vào sau lưng pháo dài.
Từ nhiều hướng phối hợp tấn công nhịp nhàng , quân ta đã buộc địch phải lâm vào thế tan rã. 4 giờ 30 sáng ngày 18 tháng 9. ta đánh sâu vào sở chỉ huy địch, đồn trưởng A-Li-Úc cùng các sĩ quan tham mưu đã không trốn thoát. Cụm cứ điểm con nhím Đông Khê bị diệt gọn vào 10 giở 30 phút ngày 18 thàng 9 năm 1950.
Trận Bình Liêu, quả đấm giải phóng hoàn toàn biên giới Việt Trung
Khi bộ đội ta giải phóng Lộc Bình, đường số 4 từ Đình Lập về Khe Tù, Tiên Yên,Đầm Hà, Hà Lối, Nương Cáy thuộc Tiểu khu Duyên hải vẫn thuộc quyền kiểm soát của thực dân Pháp mà từ lâu chúng đã âm mưu biến vùng này hành nơi hoàn toàn của quân xâm lược. Sau đòn Biên giới, tháng 12 năm 1950, Thống chế Đơ lát đờ Tát xi nhi được cử sang làm Tổng chỉ huy quân đội Pháp, đã bố trí lại các cứ điểm quân sự và quân cơ động, nhằm giành lại quyền chủ động chiến lược. 1 tháng sau chiến thắng Biên giới, E174 được lệnh tham gia mặt trận Đông Bắc. Trung đoàn được giao nhiệm vụ tấn công giải phóng Bình Liêu.
Ban chỉ huy E. 174 đã phân tích cách đánh với phương châm chuẩn bị chu đáo; đánh nhanh, giải quyết nhanh; đánh chắc, thắng chắc, đánh là tiêu diệt gọn để tìm nơi điểm huyệt, đánh vào là địch lăn quay. Nghiên cứu trận địa khu vực, Ban chỉ huy nhận thấy, phân khu Duyên hải nằm theo thế hình dẻ quạt với Tiên Yên là trung tâm để chia thành 3 nhánh là Tiên Yên-Đầm Hà-Hà Cối-Móng Cái; Tiên Yên-Khe Tù- Đình Lập và Tiên Yên-Bình Liêu-Hoành Bồ để tập trung đánh tiêu diệt Bình Liêu.
Tiến quân vào một vùng đất lạ bị địch chiếm đóng lâu ngày, cơ sở cách mạng non yếu là một cản trở đầu tiên. Đội trinh sát đã phải đi vòng qua biên giới Trung Quốc đến gần Hoành Mô mới có thể xuyên rừng đến sát Bình Liêu nghiên cứu địa thế và tình hình quân dịch. Địa bất lợi, nhân chưa hòa, tìm được người thông thổ địa hình là vấn đề mang tính quyết định.
Trận vận động công kiên đánh vào Bình Liêu, E.174 đã phải dùng hình thức bôn tập. Từ Lạng Sơn các đơn vị tập kết quân ở Lộc Bình rồi hành quân qua Ngàn Chi để đi về phía Bình Liêu; chiến sĩ trinh sát về đón bộ đội, lập sa bàn ngay dọc đường đi để phổ biến kế hoạch tác chiến. Trận đánh được triển khai quanh đồn bốt trong dêm tối mịt mù. Kế hoach tác chiến chu đáo nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhờ sự hỗ trợ của nhân dân và Đảng bộ địa phương, cả huyện Lộc Bình cùng ra trận, đã giúp Trung đoàn vượt qua được những gian nan trong bước chuẩn bị trận địa.
Trận Bình Liêu đã diễn ra gay go, quyết liệt. Ngay từ phút đầu, Đại đội phó trinh sát lên đồi đặt đài quan sát đã bị trúng đạn hy sinh. 22 giờ đêm Nô en 24 tháng 12 năm 1950, trời còn tối tăm mù mịt, Trung đoàn nổ súng tấn công, 4 khẩu pháo 75 ly cùng nhả đạn vào lô cốt địch; nhưng sau hơn 40 phút công phá, các hỏa diểm địch vẫn bắn ra dữ dội. Chỉ huy quyết định ngừng pháo kích, cho bộ đội tạm nghỉ ngơi.
Sáng ngày sau, khi sương sớm tan dần, mục tiêu dần lộ rõ, đồn bốt địch hầu như không bị sứt mẻ. Hóa ra trong đêm tối, pháo ta ước lượng sai cự ly nên đã bắn trượt ra ngoài.Theo lệnh của chỉ huy Trung đoàn, cuộc tiến công lại tiếp tục, nhưng nhiều mũi tiến vẫn ở ngoài hàng rào địch, trong khi đạn pháo chỉ còn 3 viên. Cuộc chiến đấu trở nên vô cùng căng thẳng, Ban chỉ huy quyết định đưa pháo vào gần hơn nữa, bắn thật chính xác mới mong chuyển biến được tình thế. Quan sát thấy có thể phá thông tường, đưa pháo đến gần lô cốt chính, chỉ cần khoét một lỗ tường con kiến là đã có thể nhằm thẳng vào lỗ châu mai.Theo cách làm này, với một phát đạn, pháo binh ta đã hạ gục đồn địch. Xung kích xông lên diệt gọn đồn trong sự ngỡ ngàng, kinh sợ của kẻ thù.
Trong khi Tiểu đoàn 251 và 249 đánh đồn Bình Liêu phố, đêm 25 tháng 12 Tiểu đoàn 255 đã diệt gọn đồn Bình Liêu núi, nơi quân đồn trú Hoành Mô rút về chi viện. Đến 15 giờ ngày 25 tháng 12 năm 1950, quân ta hoàn toàn làm chủ chiến trường, bắt sống đồn trưởng Bình Liêu và chỉ huy đồn Hoành Mô, thu toàn bộ vũ khí và quân dụng.
Sau một đêm, ngày chiến đấu căng thẳng, Tiểu đoàn 249 được phân công giữ đồn và phố Bình Liêu, Tiểu đoàn 251 phục kích trên đường Bình Liêu-Tiên Yên để phối hợp cùng Trung đoàn 98 đánh quân tiếp viện. Khoảng 15 giờ chiều, một tiểu đoàn địch hành quân theo đội hình chiến đấu với từng bước đi thận trọng. Khi tốp đầu lọt vào phố Bình Liêu, Tiểu đoàn 249 nổ súng chặn đầu, tiểu đoàn 251 nhận lệnh xuất kích. Địch như ong vỡ tổ, mạnh ai nấy chạy tẩu thoát vào rừng, vứt lại súng đạn và đồ quân dụng đầy đường.
Nhìn nhận về trận Bình Liêu ông Việt cho rằng, trận đánh diễn ra đẹp về chiến dịch và chiến thuật, quân ta đã điểm đúng huyệt. Trận đánh Bình liêu đã gây chấn động chiến trường, tạo thuận lợi để đánh tan đội quân rút lui của Đình Lập và đoàn quân cứu viện Bình Liêu. Cùng với diệt viện, hàng loạt đồn bốt địch nổi tiếng gian ác ở Bắc Hà Cối, Pò Hèn và Bắc Móng Cái đều tự rút chạy, không đánh mà tan.
Giải phóng Bình Liêu, con đường số 4 từ Tiên Yên, Khe Tù lên Cao Bằng sạch bóng quân thù; đường 13 từ Đình Lập đến Lục Nam cũng không còn một tên giặc. Cùng với các đơn vị bạn và nhân dân các tỉnh Cao Bằng ,Lạng Sơn và Hải Ninh, Trung đoàn 174 đã làm tròn nhiệm vụ chặt đứt đường số 4 của địch. Kể từ đây, con đường thuộc địa số 4 của thực dân Pháp đã vĩnh viến trở hành con đường của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để mở rộng giao thương cùng bạn bè quốc tế.
Đôi dòng suy ngẫm
Cũng như ngàn vạn thanh niên trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, đáp lời kêu gọi non sông giải phóng quê hương, dành lại độc lập, Đặng Văn Việt đã đầu quân cứu nước. Không qua một trường lớp quân sự chính quy, nhưng ông đã trở thành người chi huy dường như trăm trận trăm thắng, được chính đối thủ đánh giá rất cao. Với chiến thắng đường số 4, cựu chiến binh Pháp tôn ông là một Napoleon nhỏ, một chỉ huy chiến trận không ai chê trách được.
Nhìn lại cuộc đời binh nghiệp, ông bộc bạch “….tôi làm một người lính thực sự chỉ trong vài tiêng đồng hồ trong trận tiêu diệt gọn quân của tướng De Gaulle nhảy dù xuống Hiền Sĩ (Huế) ngày 29 tháng 8 năm 1945. ...”. Theo ông, chiến trường là một trường học vĩ đại; sau từng trận đánh, ông đều tổng kết, rút ra những bài học xương máu.Từ trách nhiệm chỉ huy, ông nhìn nhận người cầm quân đã đánh là phải chắc thắng, không được phép thua.
Với tâm nguyện của người luôn yêu thương cán bộ chiến sĩ như người ruột thịt, ông luôn tính toán, tiết kiệm từng giọt máu giống như nhà kinh doanh phải hạch toán lỗ lãi đến từng đồng xu. Nhờ đó, các trận đánh của ông ít bị thương vong. Bí quyết thành công ông đã rút ra, đó là ý thức trách nhiệm của người lãnh đạo, tính mẫu mực đã nói là làm và điều quan trọng là phải xây dựng được lòng tin. Người cầm quân, có được lòng tin là có tất cả, còn mất lòng tin là mất tất cả. Bằng cách ứng xử này, Đặng Văn Việt đã có niềm tin để sống vui,sống khỏe khi tuổi đời đã ngoại Bách niên./.