Những lần về thăm nhà, sáng nào cũng vậy, khi tôi vẫn còn mơ màng trong tấm chăn ấm áp thì đã nghe tiếng anh tôi gọi:
- Dậy ăn sáng đi em!
Cứ mỗi lần nghe tiếng gọi ân cần như giọng cha gọi con gái của anh là tôi choàng ngay dậy. Vừa ngồi bên anh, ăn ngon lành bát mì nóng hổi tôi vừa trách:
- Sao không để em dậy nấu cho.
Anh tôi lại cười hồn hậu và nói:
- Thấy cô ngủ ngon quá anh không nỡ gọi. Với lại anh nhiều tuổi rồi nên ít ngủ.
Mà kể cũng lạ hàng ngày với bao nỗi lo toan, áp lực trong cuộc sống tôi thường mất ngủ nhưng cứ mỗi lần về căn nhà nhỏ bình yên của cha và anh trai mình thì tôi lại ngủ rất ngon lành. Anh em tôi hơn kém nhau gần một giáp. Anh cao mét tám vạm vỡ, điển trai. Còn tôi là đứa con sinh non lỡ kế hoạch của bố mẹ, bé loắt choắt với đủ thứ bệnh trong người. Có lẽ tôi sống sót được cũng là nhờ sự thương yêu chăm sóc hết lòng của ba mẹ và các anh trai của mình. Những năm tháng ấu thơ, khi bố tôi công tác xa nhà biền biệt còn mẹ bận bịu cả ngày với mớ sổ sách kế toán của một công ty xây dựng thì ở nhà anh tôi vừa làm cha, vừa làm mẹ vừa là anh. Con nhóc ốm o, sài đẹn, gầy guộc là tôi theo năm tháng đã lớn dần lên ngay trên lưng tấm to bè ấm áp của anh và ngày ngày chỉ ngủ yên khi được nghe lời ru phát ra bởi cái giọng vừa vỡ ồm ồm, khàn khàn của cậu con trai mới lớn ấy. Hai cánh tay anh luôn là cái nôi êm ái nhất để tôi vượt qua những ngày ốm đau với những giấc ngủ chập chờn. Những tháng năm bao cấp cơm trắng ít hơn bo bo mỳ hạt, anh thương tôi đứa em bé bỏng lại kén ăn nên lúc nào trong túi quần lấm lem của anh cũng có khi thì quả ổi, khi thì quả đu đủ anh kiếm trong vườn để dành mang về cho em.
Hình ảnh in sâu trong ký ức tuổi thơ tôi là cái dáng cao lòng khòng luôn đứng đợi tôi nơi cổng trường trong những chiều đông mưa phùn giá rét. Cứ thấy cái bóng dáng ấy trong chiều muộn là tôi thấy ấm áp vô cùng. Vừa dắt tôi đi anh vừa hỏi han đủ thứ chuyện. Còn tôi cứ nắm chặt bàn tay anh mà líu lo kể chuyện trường, chuyện lớp, mà đi suốt tuổi thơ của mình. Anh tôi luôn thầm lặng nhận về mình những thiệt thòi nhường lại tất cả những gì tốt đẹp nhất cho các em. Đầu những năm 90, khi bốn đứa em lần lượt vào đại học, vào chuyên nghiệp, cái ăn, cái mặc đè nặng lên vai bố mẹ. Anh đã lặng lẽ xin ra quân, từ bỏ con đường binh nghiệp, từ bỏ những đảo nổi, đảo chìm nơi Trường Sa sóng vỗ, tạm biệt những người bạn bao năm gắn bó để trở về đỡ đần cha mẹ nuôi các em khôn lớn. Rồi khi chúng tôi lần lượt rời xa ngôi nhà nhỏ, bận rộn với những công việc ngoài xã hội, quay cuồng trong nỗi lo cơm áo thì chỉ còn lại mình anh sớm hôm tảo tần bên khu vườn nhỏ, ngày đêm chăm lo nâng giấc cho bố mẹ già. Ngày mới ra trường, đồng lương giáo viên quá eo hẹp, sợ em gái một lúc nào đó lòng chênh chao sẽ từ bỏ cái nghề cao quý. Anh luôn động viên, chắt chiu, dành dụm từng đồng bạc gửi cho em. Nhiều lúc cầm những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi của anh tôi chực khóc. Anh lại cười bảo:
- Giờ anh nuôi cô sau này anh già cô nuôi anh.
Thời gian cứ vô tình lặng lẽ trôi. Bây giờ anh cũng già, tôi cũng không còn trẻ nữa. Tôi vẫn là cô giáo nơi miền núi xa xôi, gia tài vẫn chẳng có gì ngoài phấn trắng bảng đen và tôi vẫn chưa nuôi anh được ngày nào. Cuộc sống khắc nghiệt khiến tôi không còn là cô bé vô tư thuở nào nhưng mỗi khi trở về bên anh, trở về bên cha già tôi lại luôn có cảm giác mình nhỏ bé. Những lúc ấy, tôi thích được làm nũng, thích được vòi vĩnh anh nấu những món ăn ngày nhỏ. Anh nhớ từng ý thích rất nhỏ của tôi. Mỗi lần tôi về thành phố anh lại dặn vợ chuẩn bị để anh nấu món canh sườn chua lá giang hoặc làm món hoa đu đủ xào trứng. Anh thường nói với vợ:
- Em ấy hay thích ăn mấy món dân dã đó, mà nó bận đi suốt ngày chắc chẳng làm được mà ăn. Chả mấy khi nó về, nấu cho nó ăn đỡ thèm.
Bên mâm cơm chiều ấm áp, ngồi bên anh, bên cha già, nhấm nháp vị đắng của hoa đu đủ, ngắm nhìn khuôn mặt sạm đi vì dãi dầu mưa nắng của anh tôi lại thấy lòng nôn nao khó tả. Chẳng biết trên đời này có mấy ai được may mắn như tôi? Liệu có mấy ai gần 50 tuổi đầu vẫn được ông anh trai suýt soát 60 nấu cho ăn và nhớ từng sở thích của tôi từ ngày còn thơ bé. Không ai có thể lựa chọn nơi mình sinh ra và tôi cũng vậy. Tôi thấy mình thật may mắn vì được sinh ra trong gia đình không lắm bạc tiền nhưng đầy ắp tình yêu thương. Anh tôi chỉ là một người lính, một nông dân bình thường nhưng với tôi anh luôn là cả một bầu trời ấm áp.
Theo Chuyện quê