Bắc Ninh: Nhân rộng điển hình, phát huy hiệu quả các danh hiệu văn hóa

Khi nếp sống văn hóa lành mạnh, văn minh được khơi dậy, những truyền thống tốt đẹp như “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái ngày càng được phát huy. Không gian văn hóa mới hình thành, phát triển khắp các khu dân cư trong tỉnh. Đó là kết quả quan trọng từ việc thực hiện Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

van hoa luong tai

Là tổng hợp của các phong trào thi đua yêu nước, bao quát nhiều tiêu chí, lĩnh vực đời sống, thời gian qua, phong trào xây dựng đời sống văn hóa có những chuyển biến tích cực và trở thành hoạt động xã hội rộng lớn, thiết thực góp phần quan trọng vào sự phát triển của tỉnh. Các địa phương tập trung vận động nhân dân thực hiện quy ước, hương ước và tổ chức tốt “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” hàng năm với nhiều nội dung phong phú. Đời sống văn hoá cơ sở từng bước được nâng cao. Nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội, mừng thọ ngày càng đi vào nền nếp với 98% đám cưới và 97% đám tang trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt nếp sống văn minh. Số đám tang lựa chọn hình thức điện táng, hỏa táng tăng cao với tỉ lệ 50,8%.
Người dân trong tỉnh tích cực bảo tồn, phát huy di sản văn hóa quê hương, đồng thời chủ động tham gia xây dựng và bảo vệ các danh hiệu văn hóa... Năm 2020, toàn tỉnh có 294.093/312.941 Gia đình văn hóa, đạt 94%; có 662/730 Khu dân cư văn hóa, đạt 90,7%; có 904/1083 Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, đạt tỉ lệ 83,5%. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hàng nghìn câu lạc bộ văn nghệ, TDTT đang hoạt động đều đặn với tỉ lệ người dân tập luyện TDTT thường xuyên đạt 36% so với tổng số dân (tính theo tiêu chí mới); tỉ lệ gia đình tập thể thao thường xuyên đạt 28%. Một số môn thể thao dân tộc được khôi phục và phát triển như: Vật tự do, vật dân tộc, cờ tướng, các trò chơi dân gian...
Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở được ưu tiên quy hoạch quỹ đất và xây dựng ở vị trí trung tâm, thuận lợi cho sinh hoạt của nhân dân. Các công trình có kiến trúc hiện đại, bền vững phù hợp với đặc trưng văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc; quy mô xây dựng tương xứng với sự phát triển về kinh tế, xã hội của tỉnh và từng địa phương; trang thiết bị chuyên dùng từng bước được đầu tư đồng bộ, hiện đại...
Từ phong trào, hàng nghìn gương điển hình tiên tiến, tập thể tiêu biểu trên tất cả các lĩnh vực đã được nhân rộng và tạo được sức ảnh hưởng tích cực trong xã hội. Đó cũng là động lực để khơi dậy, phát huy tài năng, trí tuệ của các cá nhân, tập thể trong học tập, lao động sản xuất ở khắp cơ quan, đơn vị, khu dân cư. Các phong trào đền ơn đáp nghĩa, vì người nghèo và hoạt động phòng chống dịch COVID-19, ủng hộ đồng bào bị thiên tai lũ lụt luôn được cán bộ và nhân dân trong tỉnh nhiệt tình hưởng ứng với tinh thần tương thân, tương ái.
Có thể thấy, những kết quả của phong trào là bước chuyển quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới của tỉnh, đồng thời huy động được tối đa các nguồn xã hội hóa để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo nên bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới; cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm, các thiết chế văn hóa, thể thao) không ngừng hoàn thiện; các di tích lịch sử văn hóa được bảo vệ, trùng tu, tôn tạo; nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng từng bước được xã hội hóa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo và nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân; ý thức trách nhiệm của người dân và các tổ chức trong bảo tồn, gìn giữ di sản văn hóa và thuần phong mỹ tục được phát huy, góp phần tạo nên những giá trị văn hóa mới phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội.
Thời gian tới, Ban Chỉ đạo phong trào các cấp tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, bám sát thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, chú trọng truyền thông và nêu gương các điển hình tiên tiến. Đặc biệt, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của mỗi đảng viên, cán bộ lãnh đạo và vai trò người đứng đầu các tổ chức, người có uy tín trong cộng đồng trong việc tự quản, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở nhằm phát huy quyền làm chủ nhân dân với nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và lan tỏa lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”.
Các địa phương thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, khách quan, công bằng việc bình xét và công nhận các danh hiệu văn hóa theo đúng quy định; kịp thời tham mưu bổ sung những giải pháp đặc thù trong quá trình xây dựng đời sống văn hóa để phù hợp với thực tiễn cơ sở. Bên cạnh đó, khuyến khích, tạo mọi điều kiện cần thiết để các tổ chức, cá nhân chủ động tham gia đầu tư, hỗ trợ và tổ chức các hoạt động văn hóa, TDTT; phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến và phát huy hiệu quả các danh hiệu văn hóa; đổi mới nội dung hoạt động, phát triển đa dạng loại hình câu lạc bộ văn hóa, thể thao; mở rộng sân chơi, tổ chức phong phú hoạt động giao lưu giữa các làng, khu dân cư văn hóa nhằm mang đến cơ hội cho người dân tham gia sáng tạo, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của địa phương, đồng thời nâng cao hiệu quả thiết chế văn hóa, thể thao các cấp.