Xem phim ngoài trời, có cái lợi là thoáng mát, nhất là vào mùa hè, nhưng “bất hạnh” nhất là chưa chiếu hoặc đang chiếu thì mưa to, phải hoãn. Còn mưa nhỏ thì mọi người đội mưa để xem cho hết phim mới ra về. Quan trọng nhất là giá vé xem bãi chiếu phim rẻ hợp với túi tiền mọi người dân thời ấy.
Các bãi chiếu phim cố định này, đều có đặc điểm chung : Phòng đặt máy chiếu xây tường gạch, bãi rộng cho khán già ngồi xem phim là địa hình tự nhiên (duy bãi Khương thượng này là được xây sân gạch bằng phẳng rộng mấy trăm mét vuông, mênh mông ra phết) Máy chiếu phim cố định trong phòng, kích thước máy to đùng đặt trên bệ, tạo nguồn chiếu sáng bằng hồ quang điện (cực mạ bạc cho ánh sáng trắng, cực đồng cho ánh sáng hơi xanh), cần có ống khói thoát nhiệt nhanh. Ống kính 140 chiếu xa 22-25m. Phim nhựa loại 35mm (1 cuốn dài 300m, chiếu trong 10 phút). Buồng đặt hai máy chiếu hồ quang cổ lỗ to đùng, có 2 ống khói có chụp nhọn thoát nhiệt nhô cao trên mái nhà, 1 ô cửa sổ dành cho Thuyết minh phim nhòm ra, 4 cột sắt tròn treo phông MAR-MAT, có hàn các đoạn thép ngang (dùng cho Nhân viên bãi leo trèo treo phông trước buổi chiếu), 2 cột sắt thấp hơn ở hai bên ngoài cùng-gắn 2 loa phóng thanh (loại loa nén 25, 50w). Phông màn ảnh thường rộng 5m cao 3,75m, phía sau che màn vải xanh hoặc đen. Có 1,2 chòi bán vẽ bằng gỗ, Có tấm bảng để dán tờ giấy màu (ghi tên phim hôm nay và ngày mai). Giá vé 5xu,1 hào. Thời những năm đầu 196x, mỗi tối bãi này chiếu mỗi phim truyện khác nhau, không như các rạp nội thành chiếu một phim dăm bảy ngày liền, một ngày chiếu nhiều buổi. Làm lũ trẻ lo 5xu tiền mua vé theo nhan đề phim phỏng đoán là phim sẽ hay
Giờ chiếu 19h30 mở đầu là cuốn phim tài liệu phóng sư, sau mới là phim truyện (mỗi tối một bộ phim khác nhau). Việc chờ phim về chiếu tiếp thường hay xảy ra. Phim chiếu đa số là phim đen trắng, có người đọc thuyết minh, dù phim chiếu lên đã có phụ đề tiếng Việt. Nhiều nhất là phim Liên Xô, Trung quốc, một ít CHDC Đức, Anbani, Triều tiên, Tiệp khắc, Hung ga ri. Nội dung lành mạnh. Hàng loạt các tác phẩm điện ảnh kinh điển XHCN đã góp phần hình thành nên cả một nhân cách sống cho vài thế hệ thanh niên Việt Nam.
Phim Trung Quốc ngoài các phim chiến đấu xây dựng căn cứ địa, tranh đấu với Hán gian và lũ đia chủ ác bá, du kích phừng phừng căm tức dâng trào…là các phim như Tần Hương Liên, Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài, Lâm Sung, Chiếc đèn Hoa sen, Tôn ngộ không 3 lần đánh Bạch cốt tinh (Trẻ con ối đứa bị ẹp) Phim TQ tố khổ+oánh nhau hết đạn là cứu viện tới+nhân vật phản diện xấu hung ác+phim màu đẹp rực rỡ, kết thúc phim thường có hậu.
Phim Liên Xô là nhiều nhất ngoài phim nói về chiến tranh Vệ quốc còn những phim thần thoại, phim về cách mạng tháng Mười, tiễu phỉ diệt Bạch vệ, ngựa phi đại liên Mắc xim bắn đỏ nòng…phim cổ xưa đao kiếm chàn chạt màn ảnh rộng. Bao nhiêu câu chuyện Tiểu thuyết Kinh điển đã được chuyển thành Phim truyện, nó đã truyền tải cảm động tính nhân văn, tình người cao cả, thêm nữa có diễn xuất của các minh tinh màn bạc xưa thật tuyệt vời. Phim màu Liên xô cũ kỹ có màu hồng hồng hay đứt cuộn+phim đen trắng thì nét “thôi rồi Lượm ơi”. Phim đen trắng mà tuyệt mỹ sắc độ, tha hồ cho trí tưởng tượng, Phim LX đánh nhau hấp dẫn, cổ tích thì mê ly, yêu nồng nàn, gái xinh nuột nà+nhìn thấy họ sơi gà và táo lê to tướng mà chảy nước miếng. Phim tính nhân văn cao để giờ vẫn nhớ cảnh và nội dung phim xem hồi ấy. Phim LX (Cô xu bây, Bí mật con số, Sư trưởng Sa pa ep, Xăc cô đi tìm Hạnh phúc, Người cá, Tréc men, Con gái viên Đại uý, Booc đăng khơ men nít ky, Ta rát bum ba, Người Mễ tây cơ, Hai cuộc đời, Phục sinh, Số phận con người, Hành trình qua 3 bể, Người Cá, Cánh buồm đỏ thắm, Pha ti ma...) Phim TQ (Rừng thẳm tuyết dày, Lâm xung, Cầu phúc, Bạch mao nữ, Đội nữ hồng quân,Thượng cam lĩnh, Chú lính Trương ca, Anh hùng lái xe tăng, Nhiếp nhĩ, Chiếc đèn Hoa sen, Tề Bạch Thạch...) CHDC Đức (Tối mật, Hầm bí mật sông En bơ) Tiệp khắc (Phòng 5, Viết dưới giá treo cổ). Triều tiên (Đôi mắt tinh tường, Gia đình trên núi Ưn pha) Hung ga ri (Võ sỹ Hạng nặng) Ru ma ni (Người Đa xi), Không hiểu sao cứ ám ảnh trong Tôi tới tận giờ. ai còn nhớ các phim “Công phá Bá Linh, Trận địa chiến, Đội thanh niên cận vệ, Nam chinh Bắc chiến, Bảo vệ quê hương, Thượng Cam Lĩnh, Thép đã tôi thế đấy, Vừa ý hay không vừa ý, Người Xô viết chúng tôi, Bí mật con số, Đại bàng 101, Chiến hạm Potemkin, Ở xa tổ quốc, Sông Đông êm đềm, Vào hang bắt cọp, Sút, sút nữa đi, Hiệp Ba, Trung phong từ trên trời rơi xuống, Xổ số thể thao". Ngày ấy, chưa có nhiều phim truyện Việt Nam (mỗi năm chỉ sản xuất 1, 2 bộ phim thôi nhé)
Cái hồi làng Giàn Trung Kính hạ, chưa có điện lưới, dân nghe loa ga len, tháng 1 lần xem phim đội Chiếu bóng số 32 của huyện Từ liêm chiếu sân Mảng hài, Chúng tôi hàng ngày ra Ngã tư sở bán cua cá, đi tàu điện ra Bờ hồ, ra ga Hàng Cò, Xuống chợ Hà đông mua nông cụ. Thì bãi Khương thượng xa thêm gần km nữa nhằm nhò gì. Ngày xưa đường Láng 195x-1970 vắng tanh, có đoạn điểm giữa ngã tư Láng hạ-Lê Văn Lương bây giờ có khu đất mấy ha này là nghĩa trang người Tàu rộng mênh mông tường cao mái ngói âm dương heo hút, vắng người qua lại (phía Cầu giấy) Cổng vào đền Ứng Thiên có 2 con voi trắng phủ phục con đường um tùm bí hiểm (phía Ngã tư sở) Ban ngày đoạn đường đó cây cối che cợp nắng tĩnh lặng, thi thoảng người xe vươt qua, Tối đen âm u kéo dài 200m khi đêm về, làm nát thần hồn thần tính bao người yếu bóng vía chứ chả chơi
Mãi tới cuối năm 1963 bàn chân lũ Tôi mới đặt tới bãi CB Khương thượng cách làng 3,5km. Bãi Khương thượng xa xưa phục vụ cho dân làng Khương thượng, Khương trung, Định công, Thịnh quang, Láng, Giàn, Mọc, Phùng khoang, khu Cao Xà Lá, Thượng hạ đình. Những năm 195x, bãi Khương thượng thoạt kỳ thuỷ xưa quây rào nứa-196x xây sân gạch và 4 tường cao trổ lỗ châu mai : cổng chính cách đường Tàu bay khoảng 30m, phải đi qua một cái ao bên tay trái (xem tranh Tôi vẽ).
Có một cổng phụ trổ về làng Khương thượng của dân "Chẻ đầu lột da" làm chả nhái nức tiếng kinh kỳ. Cổng nhỏ dành cho người
chạy phim, được trổ sát buồng Thuyết minh phim, cổng trổ này ra vào phải đi men bờ ao. Hay ngồi xem gần buồng máy, tiện cho việc tránh mưa. Tôi hay ngó nghiêng trước giờ chiếu, nên quen mặt bác Tự thuyết minh rõ ràng, thọt chân đi cà nhắc, micro to vật che mặt. anh thợ máy chiếu da trắng, đẹp trai, Tôi ko biết tên, nhảy chân sáo vào buồng máy). Nếu không nhầm thời đó thuyết minh phim các rạp bãi tuyền là phụ nữ tiếng nhỏ. Giọng bác Tự thuyết minh theo Tôi là nhất đẳng, tròn vành rõ chữ dễ nghe và biểu cảm theo nhân vật trong phim. Chậc có tài thì có tật...ở chân chăng?. Để ý kỹ phông bãi Khương thượng này : Phông luôn được may đo chuẩn, trùng khít với hình ảnh máy chiếu phóng ra, các bãi khác thì hình ảnh máy chiếu phim phóng ra chờm ra cả 2 mép viền phông, nom tức mắt (như phông bãi Cầu giấy, bãi giữa hồ Thuyền quang). Phim đen trắng chiếu bãi này hơi ngả sang màu xanh đến lạ. Gió lộng thổi mạnh đã làm nhiều lần rách phông (Có lần bị vá góc trên bên trái, hơn 2 tháng mới được thay). Từ đường vào bãi đi toả sang hai bên dài hàng trăm mét là các hàng rào cúc tần và găng duối, nhà dân cấp bốn làng Khương thượng lấp ló bên trong. Mé đường tay phải chiều đi Ngã tư Vọng, không phải có tường gạch của Doanh trại QĐND thì có các dãy ao chuôm Sân bay có hàng rào kẽm gai. Nói để cho thấy khu này ngoài giờ xem chiếu phim thì thanh vắng vô cùng. Ngã tư sở nom như thị trấn của một tỉnh nhỏ, không phét.
Các hàng quà bán trước cổng thôi thì đủ loại lạc rang húng lìu, kẹo kéo, mía tiện khẩu, bỏng mật, kẹo bột, chè lam, ngô khoai nướng ngay tại trận (có lần mua cả chả nhái đặc sản Khương thượng bày ở đây, chén trước giờ chiếu phim)
Quy trình đi xem phim ở bãi Khương thượng của Trẻ con làng Tôi thường là như thế này : Đứa nào đi xem thì phải tập trung sân đầu làng có tên là Mảng hài lúc 18h, anh Thiện con bác hai Cam sẽ điểm danh rồi mới dẫn đầu đoàn trẻ con thôn ta: hồ hởi (lúc đi xem)+loạc choạc do mỏi chân (lúc hết phim trở về). Tan phim về thấy tối om om suốt cả dọc đường Láng từ dốc Cầu giấy tới trường CB Lê Hồng Phong thì mới có bóng đèn đường. Cho nên lũ trẻ con đều nhất loạt “chạy bán sống bán chết” qua nghĩa địa Tàu, cứ sợ ràng ma nó đuổi phía sau lưng (sau này lão Hồng tàu mở lò cán mỳ sợi gia công, HTX Hoa kiều làm vở học sinh, ép dép nhựa gia công góc ngã tư trước cầu Láng hạ ngày nay). Bồi nhớ cảm giác cách đây mấy chục năm, khi đi xem phim sớm ở bãi Khương thượng, sân gạch rộng mênh mông, người đang vào bãi đông dần, loa tiếp âm đài TNVN vang vọng trên sân vắng, phông phập phồng trong gió chiều lồng lộng, mái hiên buồng máy nơi xưa Tôi hay ngồi trú mưa rét, cái cửa ngách hay đi thoát ra sau khi hết phim-khỏi bị chen lấn.
Nhớ xem phim MAR đầu tiên 1964 “Vừng hồng”TQ choáng vì nó bằng 2 phông thường ghép lại-mò đi sớm xem họ trồng thêm 2 cột phông+căn chỉnh ống kính to vật. Phim Màn ảnh rộng 16:9 giá vé thêm 1 hào so với phim chiếu Màn ảnh thường 4:3. Nhớ xuyt bị đè bẹp và chết ngạt khi xem “Tề thiên Đại thánh 3 lần đánh Bạch cốt tinh” (người đi ra tan buôi 18h30 va người vào buổi sau 20h30. Cả một biển người hỗn độn). Chưng hửng đến rồi về, do phim cấm trẻ em “Thằng Ngốc” “Sông Đông êm đềm”. Say mê-khóc-cười-xúc động-nhớ dai các bộ phim hay khi ấy.
Thuở 1966-1970 xem phim hay có còi báo động rú lên là đèn đóm trong bãi và xung quanh phố phụt tắt ngấm. Cái khổ xem phim bãi, lứa trẻ giờ sao biết?. Mùa hè đang xem trời đổ mưa rào ướt như chuột lột, hơi nóng từ sân bốc lên+hơi người nồng nặc toả ngang, hạt mưa nhoè nhoẹt màn ảnh, hạt mưa qua chùm ánh sáng từ máy chiếu phọt ra cứ loang loáng, cứ lấp lánh ngũ sắc. Tan phim áo quần ướt rượt, đâm lạnh run chim, hà hà. Mưa rét lâm thâm, xem báo biết phim hôm nay ở bãi Khương thượng này rất hay, mấy đứa rủ nhau tới, mặc cho người lạnh cóng trùm đầu khăn mũ, thò 2 con mắt ra nhòm phim. Ngày đó còn nhớ cứ 2 điểm chiếu chung một bản phim (Rạp Đống đa và Bãi Khương thượng) nên hai nơi phải chiếu lệch giờ, phải có người đi xe đạp chuyển phim cho nhau. Cái cảnh đang chiếu phim, đèn bật sáng, thuyết minh phim "Xin lỗi khán giả phim chưa về" xảy ra như cơm bữa
Tò mò ghé mắt xem buồng máy bãi chiếu bóng Cầu giấy (máy chiếu bãi Khương thượng cũng y chang) Lũ trẻ chúng tôi thấy kỳ lạ thế nhể? Chỉ có trên chục cuộn phim nhựa 35mm ở trong hộp sắt tây mạ rỉ móp méo do hàng ngày phải di chuyển quăng quật, một tối lăn qua 2,3 điểm chiếu>chui qua cái máy chiếu hồ quang cổ lỗ sỹ to vật gắn kèm quả ống khói thoát nhiệt>chạy sè sè qua các răng khía theo đường rãnh, tạo ra hình động>phóng ra xa 15-25m đập vào phông vải trắng cỡ hình ảnh rộng 4:3, 14:9, 16:9+ra âm thanh mo no phát ở 2 loa nén>đem bao sự lạ cho thiên hạ, từ trẻ cho tới già khóc cười và đam mê trong vòng 90 phút của các đêm cho hàng trăm nghìn khán giả khắp mọi miền. Hết phim đèn bật sáng, lục tục ra về, nuối tiếc những giây phút kỳ ảo trong phim, trở về với thực tại, lầm lũi cuốc bộ về làng...
Thế hệ sau này khó hình dung trước bãi chiếu bóng xưa, người chờ vào xem, nghẽn cả đường phố, Họ không hình dung nổi dãy hàng xe đạp rồng rắn hè đường, không thấy cảnh chen lấn xô đẩy (có khi rách cả áo quần, mái tóc xoã xượu chui ra tay nắm chặt đôi vé, khi bãi Khương thượng chiếu phim hay đang sốt sình sịch cả Hà nội ta khi đó...Lúc phải chờ phim về hàng chục phút, Khi mất điện, bãi tối thui chỉ còn là chờ máy phát điện cuối bãi chạy ậm ịch cấp điện trở lại mới được xem phim tiếp. Thế mà vẫn ham đi xem phim nhé, giờ nhớ lại, khó giải thích ngọn ngành tại sao hồi đó lại thích xem phim, đi xem phim đường trường xa bỏ mẹ ra, hà hà
Tan buổi xem phim về, nếu khát lũ tôi đã sẵn có vòi nước máy công cộng đối diện chòi bán vé (dưới bảng giấy "Chương trình phim trong Tuần". Qua Ngã tư sở có cột đồng hồ tới trường Lê Hồng Phong còn có ánh đèn điện, ngược qua bãi đất trống huếch của cầu cống Mọc, qua Nghĩa địa Tàu kể trên là sẽ có chiến dịch nhổ trộm cà rốt ăn sống ngay tại trận, nhổ bó rồi bọc vào áo ôm ít rau mang về nhà. Ai nhớ suốt mé đường Láng xưa, trải dài các bãi rau HTX ven đường Láng (giờ là khu chợ A,B Láng trung và bãi rau ven đường khu vực Láng thượng). Hứng chí thì cả bọn thi ném sỏi tóe lửa mặt đường nhựa và có khi mệt thì cả tốp nằm lăn trên mặt đường nhựa rất ít người xe qua lại.
Năm 1974 bãi chiếu bóng Khương thượng này đã thành là xưởng họa của công ty Mỹ thuật Hà nội, Giữa sân là nơi các họa.sĩ vẽ pano cổ động. Xung quanh là các nhà cấp 4 của xưởng họa, tượng.. Năm 2018 đi ngang qua, tiện xe máy Tôi rẽ vào Bãi chiếu phim Khương thượng, thấy vẫn còn nguyên cổng, sân gạch, tường gạch bao quanh và buồng đặt máy chiếu phim, vẫn thòi lòi 2 ống khói thoát nhiệt hồ quang. Đứng trên sân gạch xưa ngổn ngang vật liệu, vắng bóng người. Tôi đứng ngắm, lòng bồi hồn nhớ lúc Thiếu niên hay ngồi chỗ này chỗ kia, lúc mưa chen vào đứng sát tường buồng máy chiếu, xem cho kỳ hết phim mới ra về. Ao đã mất, vòi nước máy công cộng chẳng còn. Đường Tàu bay heo hút xưa, đã nhường cho Đường cong mềm mại Trường Chinh mở rộng, đông nghẹt người xe. Hàng triệu lượt người đã vào xem phim tại bãi này, đã có ai còn nhớ Bãi Khương Thượng da điêt như thằng mọt phim Tôi không nhể ?
Theo Chuyện quê