Bộ đội đặc công Việt Nam đã tiêu diệt 8 máy bay B-52 trên đất Thái Lan

Gần 42 năm (tháng 5/1971 - tháng 2/2013), công tác liên tục trong quân đội qua nhiều đơn vị, nhiều cương vị công tác, tham gia nhiều trận chiến đấu trên các chiến trường với nhiều đối tượng tác chiến, tôi có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Đặc biệt nhất là thời gian gần 13 năm (tháng 5/1972 - tháng 9/1984), khi tôi công tác, chiến đấu ở Binh chủng Đặc công.

Nhân dịp kỷ niệm 45 năm thống nhất đất nước, tôi muốn gửi lời chúc thọ 80 tuổi tới Anh hùng LLVTND trung tá Bùi Văn Phương - nguyên Đoàn phó kiêm TMT Đoàn Đặc công biệt động 1, Binh chủng Đặc công. Ông sinh năm 1940, tại xã Yên Mỹ, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Ông chính là người đã tham gia trận đánh phá hủy 8 chiếc B52 của Mỹ trên đất Thái Lan năm 1972.

ccb1a-1649669318.jpgAnh hùng LLVTND, trung tá Bùi Văn Phương (được phong 20.12.1979) - người trực tiếp đánh vào sân bay UTAPAO. Ông cùng Liệt sĩ- Anh hùng LLVTND Vũ Công Đài phá hủy 8 chiếc B52 của Mỹ trên đất Thái Lan năm 1972, riêng ông Phương 5 chiếc. (Ảnh: N.H) do tác giả cung cấp.

*LÊn KẾ HOẠCH TỶ MỶ

Khi Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ 2, Bác Hồ đã nhận định: "Mỹ sẽ đưa B52 ra đánh phá miền Bắc…”. Đầu năm 1969, khi về thăm Binh chủng Đặc công, nghe báo cáo kết quả chiến đấu xuân Mậu Thân 1968, đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành T.Ư Đảng đã chỉ thị: “Đặc công phải tiến sâu vào lòng địch, đánh phá các căn cứ, các cơ quan đầu não và phương tiện chiến tranh… Đánh vào hậu cứ ví như ta dùng kim chọc vào mắt địch, tác dụng rất lớn, rất đau…”.

Từ nhận định của Bác và chỉ thị của Tổng Bí thư, tháng 4/1968, Binh chủng Đặc công lần lượt thành lập các đơn vị Đặc tình (Đặc công hoạt động theo phương thức Tình báo) gồm: Đoàn 1A, Đoàn A54 và Đoàn S74 làm nhiệm vụ trên 3 hướng ở ngoại biên, nơi có các sân bay và kho bom đạn của Mỹ đặt trên đất Thái Lan xuất phát đi đánh phá Việt Nam.

ccb2a-1649669463.jpgTừ phải qua trái: Trung tá Bùi Văn Phương, tiếp đến là tác giả - đại tá Nguyễn Đức Hòa, nắm chặt tay nhau trong ngày gặp mặt. (Ảnh: NVCC) do tác giả cung cấp.

Đoàn 1A do đại úy Lê Toàn làm Đoàn trưởng kiêm Chính trị viên (Đồng chí Lê Toàn sau này là Thiếu tướng, Phó Tư lệnh về Chính trị Binh chủng Đặc công. Ông đã mất gần 10 năm). Đoàn có nhiệm vụ nghiên cứu các mục tiêu là sân bay UBÔN, UĐONvà UTAPAO (gọi tắt là UB, UĐ và UT). Trong đó, UB và UĐ có các loại máy bay tiêm kích bom. Còn UT được Mỹ xây dựng từ năm 1952, đến năm 1968, Mỹ đầu tư xây dựng thành căn cứ không quân chiến lược B52 lớn nhất Đông Nam Á, đặt tại một tỉnh ven biển miền Trung, cách thủ đô Bangkok (Thái Lan) 150km về hướng Tây.

Sau khi thành lập, các đơn vị tuyển nhân sự và tổ chức huấn luyện theo yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho 2 đối tượng.

Đối tượng thứ nhất là tuyển chọn Việt kiều từ Thái Lan đã về nước sinh sống, có nghề nghiệp phù hợp với nhiệm vụ, nhất là đọc thông, viết thạo ngôn ngữ Thái Lan, hiện đang có thân nhân sinh sống hợp pháp ở Thái Lan. Sau đó, các đơn vị tổ chức huấn luyện kỹ, chiến thuật nghiệp vụ tác chiến Đặc công: Cách tạo vỏ bọc, chống phản gián, cách khai thác thông tin, nắm tình hình địa bàn mục tiêu và trở lại Thái Lan nằm vùng hoạt động hợp pháp.

Đối tượng thứ hai là chọn chiến đấu viên gồm những cán bộ chiến sĩ trong binh chủng, có phẩm chất chính trị, sức khỏe tốt, sẵn sàng chịu đựng khó khăn gian khổ và thậm chí cả hy sinh; giỏi đọc bản đồ, địa bàn và đi góc phương vị…

Từ Hà Nội, chúng tôi bí mật hành quân theo đường Trường Sơn vào tận Lộc Ninh, rồi quay ra đến cao nguyên Bô Lô Ven, sau đó mới chuyển sang hướng Tây. Nơi trú quân phải bảo đảm bí mật, an toàn. Đây là nơi gần nhất và thuận lợi nhất khi tiếp cận mục tiêu. Mọi sinh hoạt phải tự túc, tự mua sắm bằng ngoại tệ, kể cả vũ khí.

Sau thời gian ngắn, lực lượng công khai được các cơ sở giúp đỡ nên đã nhanh chóng ổn định việc làm và bắt đầu thực hiện nhiệm vụ. Hầu hết, họ làm thợ máy, thợ ô tô… xung quanh mục tiêu.

Từ hậu cứ vào mục tiêu UB là 100km, UT là 300km. Vì vậy chúng tôi phải huấn luyện bổ sung những nội dung thiết yếu phù hợp với từng mục tiêu. Ví dụ, để đi góc phương vị không bị lạc khi không có bản đồ, địa bàn, các chiến đấu viên phải xác định phương hướng bằng cách quan sát trăng, sao, cây cối, hướng chảy của sông suối… Thâm nhập vào mục tiêu bằng góc phương vị, chủ yếu phải đi đêm, ban ngày nghỉ ẩn nấp, nhiều khu vực không có chỗ ẩn nấp an toàn, các chiến đấu viên phải đào hầm bí mật, bình quân 24 giờ phải đi được 20km trở lên.

Mỗi lần ra đi làm nhiệm vụ, các chiến đấu viên phải kê khai quân tư trang, viết thư gói vào ba lô, tập trung vào một chỗ để đơn vị quản lý, phòng khi không may. Lúc về, họ được nhận lại.

Về vấn đề ăn thôi cũng rất nan giải. Tất cả đều được cất gọn trên lưng, mang vác ra sao để vừa gọn nhẹ, vừa bảo đảm sức khỏe, vừa bí mật… Qua nhiều lần thử nghiệm, đơn vị đã đi đến cách tối ưu nhất là lấy thóc nếp xay, bỏ trấu, không giã, để nguyên cám, ngâm nước, xóc muối, đồ xôi, phơi khô, rang phồng như kiểu làm cốm, trộn thêm ít đường. Mỗi ngày ăn 2 bát, loại bát B52.

Vậy là đi về 1 tháng, chiến đấu viên phải mang 60 bát, cũng nặng tới 10kg, rồi tư trang, súng đạn, tất tần tật gùi trên vai cũng xấp xỉ 30kg. Nước uống thì tùy nghi gặp sông suối đâu uống đó, không mang bi đông để giảm bớt cồng kềnh gây khó chui luồn và nặng thêm 1kg.

Mỗi lần hoàn thành một chuyến đi - về, người sút cân ít nhất cũng là 5kg, có người hao tới 14kg, bởi đói, thiếu ngủ, muỗi, vắt, sốt rét… Không ít lần gặp địch, đơn vị còn tổn thất, thương vong.

Những năm 1970 - 1972, đơn vị đã thực hành nhiều trận chiến đấu vào các mục tiêu UB và UĐ, phá hủy nhiều máy bay và bom đạn, nhưng tổn thất cũng rất lớn. Có trận đi 6 chiến đấu viên, nhưng khi về chỉ còn một. Có trận 2 đồng chí bị bắt. Sau này, khi đất nước thống nhất, Thủ tướng Phạm Văn Đồng sang thăm Thái Lan mới đưa được các anh về nước.

Riêng mục tiêu UT, Mỹ bố phòng cẩn mật, lại quá xa hậu cứ và chưa đưa được người vào làm việc trong sân bay nên không nắm rõ bố phòng, dù đã đi soi đường, trinh sát nhiều lần, nhưng đơn vị chưa thể tổ chức đánh lần nào.

*ĐÁNH VÀO TRUNG TÂM ĐẦU NÃO

Đầu năm 1972, Mỹ dùng sức mạnh quân sự để ép ta tại Hội nghị Paris và sử dụng UT đánh phá Hà Nội, Hải Phòng… Chúng tôi nhận lệnh từ Hà Nội phải đánh vào UT, không thể chần chừ.

Nếu sử dụng lực lượng từ hậu cứ tập kích, đơn vị không chắc thắng, nên phải sử dụng lực lượng nhỏ đang hoạt động công khai để tiến công. Trung tá Lê Toàn trực tiếp vào giao nhiệm vụ cho Bùi Văn Phương ( người Ý Yên , Nam Định) và Vũ Công Đài là 2 cán bộ đang làm thợ gần đó vào chiến đấu.

Mỗi người nhận từ cơ sở 4 quả thủ pháo loại hợp chất C4, một quả lựu đạn US, một khẩu súng côn Mỹ và 20 viên đạn, mua 2 bộ quần áo.

19h, trời tối, nhưng sân bay sáng rực. Quan sát thấy cả hàng rào kẽm gai dày đặc, khi đột nhập vào kéo nhỏ mang theo không thể cắt nên hai chiến đấu viên phải chui luồn để vượt qua rào. Khi cách 300m, gặp lính và xe tuần tra trong sân bay, 2 đồng chí phải vòng tránh. Nhưng khi vào cách mục tiêu 50m, cả hai đã bị lộ và bị địch truy đuổi. Đồng chí Phương dùng lựu đạn ném, nhưng không nổ.

Lợi dụng lúc địch đang hỗn loạn, các anh xông thẳng vào khu để B52, cứ nhằm ụ (mỗi máy bay có một ụ che đỡ dày và cao) mà ném thủ pháo vào. Ném hết thủ pháo, máy bay bốc cháy, lúc này, địch bắn pháo sáng và truy đuổi ráo riết. Đồng chí Đài lao ra theo hướng cửa mở, địch đuổi theo bắn, anh hy sinh. Đồng chí Phương chạy vào hướng kho bom, địch không dám bắn theo nên thoát được ra an toàn.

Sau trận đánh, đồng chí Phương báo cáo đánh được 5 chiếc B52, nhưng khi tên giặc lái B52 Mỹ bị bắt tại Hà Nội khai UT bị đánh, thiệt hại 8 B52 và không còn khả năng hoạt động.

Sau đó ít lâu, tôi được cử làm tổ trưởng tổ công tác vào đón đồng chí Phương ra hậu cứ. Mùa mưa, suối sâu, nước chảy mạnh, đồng chí Phương đang sốt rét nặng. Cõng anh qua suối, tôi trượt chân ngã dúi dụi, đầu gối chân trái trật khớp, tay phải chống xuống bị gãy 2 xương cổ tay. Anh Phương ngã đập mặt vào đá bị gãy 2 răng cửa. Từ đó chia tay nhau, anh về nước, tôi ở lại cứ tiếp tục nhiệm vụ cho đến khi cả hai nghỉ hưu vẫn không được gặp nhau.

Hơn 40 năm sau, tháng 4/2018, đại tá Bùi Văn Phương và tôi được mời về Hà Nội dự kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Lữ đoàn Đặc công Biệt động 1, anh em gặp lại nhau, ôm lấy nhau mà khóc.

Khi lên phát biểu tại lễ kỷ niệm, anh xúc động nói: “Tôi được tuyên dương Anh hùng, nhưng 8 đồng chí đi chiến đấu cùng tôi hy sinh và nhiều đồng chí bị thương như đồng chí Hòa đây. Thật chẳng có giá nào để so sánh được, các đồng chí ấy cũng xứng đáng… Thương nhất là anh em hy sinh nay vẫn chưa lấy được hài cốt về quê”.

Theo Trái Tim người lính