"Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tuy mới nhận nhiệm vụ nhưng tỏ rõ sự tự tin"

Theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, dù giữ cương vị lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa lâu nhưng Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã tỏ rõ sự tự tin, nắm cơ bản những vấn đề của ngành mà mình phụ trách.

 

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhận được 28 chất vấn, 10 ý kiến tranh luận. 

Theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, dù giữ cương vị lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa lâu nhưng Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã tỏ rõ sự tự tin, nắm cơ bản những vấn đề của ngành mà mình phụ trách, trả lời khá kỹ những vấn đề đại biểu chất vấn.

Bộ trưởng đã đề cập nhiều vấn đề "nóng bóng" của ngành giáo dục như đảm bảo chất lượng dạy và học, đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong điều kiện dịch bệnh, vấn đề dạy người, kỹ năng sống, giáo dục nhân cách để phát huy và duy trì đạo đức xã hội cho thế hệ tương lai của đất nước, công tác dạy và học trực tuyến cần phải đảm bảo chất lượng và hiệu quả, việc giảm tải chương trình cho học sinh, việc thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền, công tác an toàn trường học để học sinh sớm trở lại trường học.

Bộ trưởng cũng làm rõ thực trạng, những khó khăn, vướng mắc đối với giáo dục mầm non, giáo dục phỏ thông, giáo dục đại học, những tác động nặng nề của Covid-19 đối với giáo dục và đào tạo để nâng cao chát lượng giáo dục trong điều kiện dịch bệnh, việc phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Y tế để tổ chức tiêm chủng cho học sinh, sớm đưa học sinh trở lại trường….

Ngoài ra, các đại biểu cũng chất vấn Bộ trưởng về kinh nghiệm tổ chức kỳ thi PTTH năm 2021 để có kế hoạch cho năm 2022, tiếp tục quan tâm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, nhất là chính sách đối với học sinh vùng sâu, vùng xa, đẩy mạnh việc đổi mới, sắp xếp, nâng cao chất lượng các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết 19 của Trung ương và Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.   

Giáo dục và đào tạo là lĩnh vực chịu ảnh hưởng rất nặng nề của đại dịch

Báo cáo Quốc hội trước phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: Gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn và tàn phá tất cả các lĩnh vực của đời sống, trong đó giáo dục và đào tạo là lĩnh vực chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi. Gần 20 triệu học sinh, sinh viên không được tới trường trong một thời gian rất dài. Trên 7 vạn sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực. Việc học tập trực tuyến, học truyền hình trong điều kiện hạ tầng còn rất rất nhiều khó khăn, thiếu thốn đã gây ra nhiều hệ lụy và ảnh hưởng tiêu cực. Học sinh căng thẳng, mệt mỏi, thầy cô cực nhọc và áp lực, phụ huynh bức xúc, xã hội lo lắng. Những chuyện bi hài, những việc đau lòng đã diễn ra khó có thể kể siết...

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ ngừng tới lớp - không ngừng học tập, toàn ngành Giáo dục và đào tạo đã chủ động chuyển trạng thái sang dạy và học ứng phó với dịch bệnh, ra sức cố gắng để hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh tới giáo dục, kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã động viên toàn thể cán bộ, nhân viên, nhà giáo và các cán bộ quản lý toàn ngành khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần trách nhiệm với nghề nghiệp và với học sinh để cùng nhau đoàn kết, hướng phó với dịch bệnh. Tất cả vì học sinh thân yêu!

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, dịch bệnh đang dần được kiểm soát, cuộc sống bình thường mới đang dần được xác lập. Kinh tế và các hoạt động xã hội sẽ dần phục hồi, nhưng ngành giáo dục lại bắt đầu một chặng đường mới với những khó khăn, thách thức vẫn còn nguyên, và thậm chí còn lớn hơn nữa đang chờ phía trước. Hậu quả do dịch bệnh gây ra để lại lâu dài và sự khắc phục nó không phải một sớm một chiều. Ngành giáo dục đã triển khai đánh giá ảnh hưởng của dịch bệnh, bước đầu có những con số và chỉ số về tác động tiêu cực, có điều đã nhìn thấy ngay và đã thấy, nhưng cũng có những điều còn ảnh hưởng lâu dài chưa đo đếm được. Đặc biệt là những lỗ hổng về kiến thức, những tác động tâm lý, tinh thần, tình cảm của học sinh. Trong sự chuyển trạng thái và ứng phó với dịch bệnh vừa qua, thật cảm động khi ngành giáo dục được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo, được toàn thể xã hội, các cấp, các ngành, đoàn thể chăm lo chung tay hỗ trợ.Thay mặt cho trên 1,5 triệu giáo viên và người lao động cùng 24 triệu học sinh, sinh viên, Bộ trưởng trân trọng bày tỏ sự biết ơn sâu sắc.

Bộ trưởng cũng cảm ơn Quốc hội đã chọn lĩnh vực giáo dục và đào tạo với các chủ đề mang tính thời sự để tiến hành chất vấn trong kỳ họp này. Điều đó cho thấy mức độ quan tâm của các đại biểu Quốc hội tới giáo dục, sự chia sẻ với ngành và tạo cơ hội để cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện báo cáo giải trình về việc thực thi trách nhiệm. Các ý kiến của các đại biểu Quốc hội, những người tiêu biểu cho trí tuệ và trách nhiệm với đất nước và Nhân dân, những người đã được lắng nghe ý kiến của cử tri sâu sát thực tế đưa ra chất vấn hôm nay, chắc chắn sẽ giúp cho ngành Giáo dục và đào tạo thấy rõ hơn, rõ thêm những việc cần làm để Bộ Giáo dục và Đào tạo làm tốt hơn nhiệm vụ vinh quang được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Chuyển đổi số - một trong các đột phá chiến lược của ngành Giáo dục trong thời gian tới

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) cho rằng, việc tổ chức đào tạo theo hình thức trực tuyến là giải pháp tình thế để duy trì và giữ học sinh, sinh viên không dừng việc học. Tuy nhiên, việc đào tạo theo hình thức này hiện nay chưa có kế hoạch bài bản, còn nhiều khó khăn, bất cập. Vậy giải pháp của Bộ trưởng trong thời gian tới như thế nào để đảm bảo căn cơ về chất lượng đào tạo theo hình thức trực tuyến khi tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp?

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, trước tình hình diễn biến dịch bệnh còn phức tạp và lâu dài, một điểm rất quan trọng là cần phải đầu tư để hình thành một nền tảng dạy học trực tuyến đồng bộ, đủ lớn và bền vững mang tầm quốc gia. Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông giải quyết được một số vấn đề mang tính cụ thể. Trong số 1919 điểm "lõm sóng" thì chỉ trong vòng hai tháng Bộ Thông tin Truyền thông đã giải quyết được 283 điểm, tăng cường ngay và kịp thời. Tuy vậy, việc "lõm sóng" còn ở rất nhiều nơi, do đó, một phần của hạ tầng cần phải tăng cường. Các tập đoàn lớn trong hệ thống bưu chính viễn thông phải tham gia trong một kế hoạch lớn thuộc về chuyển đổi số toàn quốc gia, chứ không chỉ là mỗi nơi có một nền tảng khác nhau, làm mỗi kiểu. Như vậy sẽ rất thiếu tính bền vững và lâu dài.

Bộ trưởng cho biết, các quy định, các hướng dẫn hiện nay cũng tương đối đầy đủ nhưng đang thiên về tính ứng phó tạm thời. Bộ sẽ có những đánh giá sâu hơn và sẽ pháp chế hóa một số các văn bản còn có tính chất hướng dẫn, quy định tạm thời. Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, cần xây dựng một kho học liệu, bộ cơ sở dữ liệu đủ lớn để khi có nền tảng thì việc học tập trực tuyến sẽ đảm bảo. 

Chuyển đổi số là một trong các đột phá chiến lược của ngành trong thời gian sắp tới. Trong chiến lược về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của ngành giáo dục đã có những nội dung liên quan đến việc chuẩn bị một cách bền vững, lâu dài cho việc chuyển đổi này.

Bộ trưởng nhấn mạnh, việc dạy trực tuyến lúc này đang là một hình thức ứng phó tạm thời nhưng vẫn là một công việc lâu dài ngay cả khi dịch đã ổn định và đây vẫn là nội dung quan trọng mà ngành cần phải đưa vào thực hiện trong tầm chiến lược của mình.

Cần điều chỉnh Quyết định 244 để giáo viên vùng cao bớt thiệt thòi

Trước chất vấn của đại biểu Dương Khắc Mai ( đoàn Đắk Nông) về phụ cấp bỗng nhiên bị mất đi của nhiều giáo viên trên địa bàn thành phố Gia Nghĩa, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ sự chia sẻ với địa phương và các giáo viện bị ảnh hưởng. Quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là việc chăm lo cho đời sống của giáo viên, giải quyết chế độ chính sách của giáo viên là trách nhiệm của mình. Bộ không mong muốn gì hơn là các giáo viên luôn được hưởng các chế độ tốt nhất.

Về thực tế khi đơn vị hành chính Gia Nghĩa nâng cấp lên thành thành phố thì có trên 700 giáo viên mất phụ cấp 50%, Bộ trưởng cho biết, tổ công tác của Bộ xử lý công việc hàng ngày đã bàn bạc rất nhiều, cũng đắn đo giải quyết ra sao! Tuy nhiên vấn đề trước hết phải căn cứ vào các văn bản quy định, cụ thể theo Quyết định 244 của Thủ tướng. Khi tổ công tác gửi công văn sang Bộ Tư pháp, Ủy ban Dân tộc được trả lời là trong tình hình này thì cứ xử lý như vậy đã. Bộ rất băn khoăn về việc này và nhận thấy cần phải tham mưu cho Thủ tướng trong việc điều chỉnh Quyết định 244 sao cho phù hợp trong tình hình mới, làm sao không để thiệt thòi cho các giáo viên xứng đáng được hưởng phụ cấp.

Đề nghị các địa phương xử lý nghiêm tình trạng học thêm trực tuyến 

Tại phiên họp, đại biểu Nàng Xô Vi (đoàn Kon Tum), Nguyễn Huy Thái ( đoàn Bạc Liêu), Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn Vĩnh Long)... chất vấn các nội dung: Giải pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng dạy và học theo hình thức đọc chép "văn mẫu" cho học sinh học thuộc; Giải pháp chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trực tuyến trong mùa dịch; bảo đảm sức khỏe, tâm lý cho học sinh, giáo viên, chất lượng dạy và học do tác động của dịch bệnh...

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng trong hình thành nhân cách, tâm hồn cho học sinh qua việc giảng dạy môn ngữ Văn. Bộ trưởng nhấn mạnh, việc dạy môn ngữ Văn theo hình thức đọc chép "văn mẫu" cho học sinh học thuộc là rất tai hại. Bộ đã có chương trình để chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng này.

Về dạy thêm trực tuyến, Bộ trưởng nêu rõ, việc dạy thêm, học thêm trong trạng thái bình thường đã không được. Nhất là trong bối cảnh học sinh phải học trực tuyến đã rất căng thẳng. Bộ trưởng đề nghị các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định.

Sẽ quy định dạy và học thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện?

Bấm nút tranh luận, đại biểu Nguyễn Công Long ( đoàn Đồng Nai) cho rằng vấn đề học thêm, dạy thêm lâu nay không giải quyết được căn nguyên, đó là cách quản lý "không quản được cấm" trong khi việc này cũng là xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của phụ huynh, học sinh. Đại biểu cho rằng, chúng ta đang tiếp cận vấn đề dạy thêm, học thêm giống như một vấn nạn xã hội. Có địa phương tổ chức bắt quả tang giáo viên dạy thêm để xử lý, xử phạt và đưa lên cả báo chí. Đại biểu không đồng tình và cho rằng, cách ứng xử với các nhà giáo như vậy là không phù hợp.

Đại biểu nêu con số cả nước có 38 vạn giáo viên phổ thông, bậc tiểu học. Việc dạy thêm xuất phát từ việc đời sống của giáo viên còn thấp, thu nhập thấp, rất nhiều giáo viên coi như nghề mưu sinh. Đại biểu mong ngành giáo dục nhìn thẳng vấn đề để có giải pháp căn cơ cho vấn đề này. Qua hai năm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, giáo viên cũng cũng là nhóm cần hỗ trợ. 

Trả lời nội dung tranh luận này, Bộ trưởng cho biết, việc dạy thêm trực tuyến có 2 trường hợp: Dạy thêm ngoài giờ và ngoài nhà trường, đặc biệt của cả những người không làm việc trong các cơ sở giáo dục, thì việc dạy thêm không thể cấm được. Về dạy thêm ngoài nhà trường, trước đây Bộ Giáo dục và Đào tạo có Thông tư 17 quy định về việc dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, đây là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì mới có thể điều tiết được, có được các quy định chặt chẽ trong việc kinh doanh này. Năm 2016, Luật Đầu tư đã bỏ việc dạy thêm, học thêm ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cho nên có nhiều điều trong Thông tư 17 không còn hiệu lực.

Hiện nay khi rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đề nghị bổ sung vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư đối với việc dạy thêm, học thêm. Về trường hợp giáo viên trực tiếp dạy thêm mà bớt các nội dung chính thức cần dạy, hay dạy trước nội dung, dạy cho các nhóm riêng biệt thì việc này điều lệ trường đã quy định, là đạo đức công vụ, đạo đức nhà giáo. Điều này là cấm. Xét trên phương diện đó, trong điều kiện học trực tuyến, học sinh đã căng thẳng, nếu có hiện tượng, có tính chất như vậy là điều chúng ta cần lên án.

Tranh luận sau đó, ĐBQH Phan Thái Bình (Quảng Nam) nhận định việc dạy thêm mà không dạy trước chương trình, hay kèm học sinh giỏi, cũng giúp nâng cao trình độ, cải thiện thu nhập cho giáo viên.

Hỗ trợ về mặt tâm lý, tư vấn, sức khỏe để tránh sự căng thẳng của học sinh

Đại biểu Trần Văn Tuấn ( đoàn Bắc Giang) chất vấn, do đại dịch Covid-19 mà nhiều thời điểm, nhiều nơi đã phải chuyển việc dạy và học sang hình thức trực tuyến. Từ đó, việc giáo dục, rèn luyện kỹ năng cho học sinh, sinh viên có nhiều khó khăn, thậm chí có biểu hiện xem nhẹ. Vậy quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào? Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục Đào tạo có giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên, nhất là trong tình huống dịch bệnh còn có thể phức tạp, kéo dài?

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, các yêu cầu về năng lực và các kỹ năng là các yêu cầu rất quan trọng và mục tiêu trong đổi mới phải tăng cường các phương diện này. Nhưng đúng là dạy học trực tuyến trong thời gian vừa qua cũng tác động ảnh hưởng đến việc trang bị các kỹ năng, đặc biệt là các kỹ năng mà chỉ được hình thành thông qua các tương tác trực trực tiếp, trực quan và tiếp xúc. Ngành cũng nhận thấy đây là một điểm mà dạy học trực tuyến chưa thể và khó có thể thay thế được cho dạy học trực tiếp. Khi học sinh quay trở lại được trường, một trong những việc cần đặc biệt phải tăng cường là trang bị các cái kỹ năng mềm. Đương nhiên, cần một cái sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường trong việc hỗ trợ trang bị các kỹ năng.

Bộ trưởng cho rằng, nếu dịch kéo dài và tiếp tục phải dạy học trực tuyến thì việc đầu tiên cần phải củng cố, tăng cường là hạ tầng về công nghệ thông tin, về trang thiết bị. Các bài giảng trên truyền hình sẽ cần phải được tiếp tục.

Đối với việc thanh tra, kiểm tra, giám sát phải rà soát làm sao để thực hiện theo đúng thông tư quy định, hướng dẫn của Bộ trong việc đảm bảo thời gian, nội dung chương trình giảng dạy. Một việc rất quan trọng là phải tăng cường hỗ trợ về mặt tâm lý, tư vấn, sức khỏe để tránh sự căng thẳng của học sinh và Bộ cũng đang tiến hành chuẩn bị các văn bản hướng dẫn, tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ cho phù hợp với tình hình dạy học trực tuyến kéo dài.

Hàng triệu học sinh lớp 1, lớp 2 học trực tuyến qua truyền hình 

Đại biểu Hoàng Văn Liên ( đoàn Long An) chất vấn về tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm, gây tốn kém, lãng phí rất lớn về nguồn lực xã hội. Vấn đề này có nhiều nguyên nhân, trong đó có chất lượng đào tạo tại một số trường đại học không gắn với nhu cầu xã hội. Đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm và giải pháp của Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề này? Nhiều cử tri cho rằng, việc cho trẻ em lớp 1 học trực tuyến là chưa đạt hiệu quả như mong muốn, làm khó khăn nhiều mặt cho các bậc phụ huynh. Xin Bộ trưởng cho biết quan điểm và giải pháp của mình nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp?

Về việc sinh viên ra trường không có việc làm, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, có rất nhiều việc cần phải làm để sinh viên ra trường có việc làm và quan trọng hơn nữa là có việc làm tốt. Trong đó, xác định sự phù hợp giữa cung và cầu, giữa nhu cầu đào tạo và quan trọng là sự kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo cũng là một khâu rất quan trọng. Nếu như xác định dự báo nhu cầu nguồn nhân lực mà không chính xác và việc đào tạo không phù hợp với dự báo nguồn nhân lực cũng dẫn đến tình trạng sinh viên lĩnh vực thì thiếu nhưng lĩnh vực khác thì thừa. Cho nên, công tác dự báo là rất quan trọng. Để sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm tốt thì chất lượng đào tạo tăng cường các kỹ năng cho sinh viên, việc đủ nhân lực chất lượng cao để phát triển kinh tế - xã hội là công việc lớn và là giải pháp mang tính tổng thể. Tầm nhìn chiến lược và quy hoạch mạng lưới các trường đại học, quy hoạch ngành nghề và số lượng đào tạo cho phù hợp là những nhóm giải pháp cần được triển khai thì mới có thể đáp ứng được công việc này.

Về việc lớp 1 học trên đài truyền hình, Bộ trưởng cho rằng, trong việc chuyển trạng thái của ngành giáo dục để ứng phó dịch bệnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương riêng đối tượng học sinh lớp 1 và lớp 2 sẽ học chủ yếu trên truyền hình. Các trường có đầy đủ điều kiện và được đồng ý của giáo viên mới dạy trực tuyến. Trong vòng hơn hai tháng vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam đã xây dựng được 166 bài giảng, hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu các bài giảng của lớp 1 và lớp 2. Theo Đài truyền hình Việt Nam thống kê, mỗi môn học có hàng triệu lượt học sinh vào học. Bộ trưởng cho rằng, đây là một giải pháp trong rất nhiều giải pháp, cũng sẽ khó có một giải pháp nào thỏa mãn được tất cả các yêu cầu. Do đó, chúng ta phải chọn một giải pháp tối ưu hơn cả. Đối với học sinh lớp 1 thì dạy trên truyền hình là một lựa chọn được đông đảo phụ huynh và dư luận xã hội ủng hộ. Đồng thời, nếu như các cháu học lớp 1 và lớp 2 học trên truyền hình thì khi quay trở lại trường, việc củng cố kiến thức và kiểm tra, đánh giá cũng sẽ thuận tiện. Còn những học sinh mà phải tiếp tục học trên truyền hình thì cũng sẽ phải có phương pháp kiểm tra, đánh giá một cách phù hợp. Bộ cũng đã có hướng dẫn cho việc này.

"Khi các cháu học sinh đến trường thì vẫn phải có những hỗ trợ, củng cố thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu. Dạy học lớp 1 trên truyền hình chỉ là một giải pháp", Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Bộ sẽ rà soát việc mở mã ngành đào tạo sức khỏe

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung ( đoàn Thái Bình) đặt vấn đề hiện nay nhiều trường đạo tạo đa ngành đã và đang có xu hướng mở mã ngành đào tạo sức khỏe. Điểm tuyển sinh đầu vào của các trường này chênh lệch so với các trường đào tạo chuyên ngành rất lớn, có những mã ngành chênh lệch trên 10 điểm. Hôm qua, Bộ trưởng Bộ Y tế đã khẳng định điều kiện để mở mã ngành đào tạo khối sức khỏe theo quy định rất chặt chẽ. Tuy nhiên, trong thực tế có những trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép mở mã ngành đào tạo lĩnh vực này khi chưa có ý kiến thẩm định cuối cùng của Bộ Y tế. Xin hỏi Bộ trưởng có ý kiến gì về vấn đề này? Và bao giờ thì Bộ ban hành Thông tư quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp khi mà Thông tư này đã chậm ban hành cho đến nay là 6 năm?

Về vấn đề mở mã ngành với ngành sức khỏe, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, việc mở mã ngành về sức khỏe được tiến hành theo các quy định, các quy chuẩn. Trong tự chủ đại học, việc mở các mã ngành thuộc quyền của các đơn vị, nhưng riêng có hai nhóm là sức khỏe và sư phạm thì Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định và quyết định. Các yêu cầu của mở chương trình đào tạo, của nhóm ngành sức khỏe có tiêu chuẩn, tiêu chí nghiêm ngặt và Bộ tuân thủ điều đó. Với ý kiến của đại biểu đã nêu, Bộ sẽ rà soát xem việc thực hiện các quy định này còn điểm gì chưa được chặt chẽ, điểm gì cần bổ sung thêm để tăng cường.

Về việc ban hành Thông tư quy định dạy văn hóa trong các trường nghề thay thế cho Thông tư 16, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, việc xây dựng Thông tư đã được hoàn thành, hiện đang trong quá trình lấy ý kiến và theo quy định hết tuần tự số ngày thì Bộ sẽ ban hành sớm nhất. 

27 điểm không trúng đại học, chủ yếu ở trường Công an, Quân đội 

Đại biểu Trương Ngọc Ánh (đoàn Cần Thơ) đặt vấn đề việc dạy và học trực tuyến theo chương trình trực tiếp, gây áp lực cho cô và trò? Kế hoạch điều chỉnh chương trình dạy và học theo từng bậc học để học sinh khi trở lại trường không bị lệch, hổng kiến thức? Thời gian qua có nhiều học sinh trung học phổ thông có em điểm trung bình môn 9 điểm nhưng không đậu đại học, ý kiến của Bộ trưởng?

Về việc dạy học trực tuyến vẫn sử dụng chương trình dạy học trực tiếp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản để xác định chương trình cốt lõi theo hướng tinh giản. Thực tế các năm 2019, 2020 trước tình hình dịch bệnh, bộ đã hai lần tinh giản chương trình phù hợp với tình hình mới; năm 2021 - 2022 này tiếp tục rà soát, để xác định yêu cầu, nội dung cốt lõi chứ không phải mỗi năm rút một ít. 

Theo đó, các trường bám sát vào chương trình cốt lõi, khi có thời gian sẽ bổ sung thêm kiến thức.

Với câu hỏi điểm cao vẫn trượt đại học, Bộ trưởng Sơn cho rằng, có nhiều nguyên nhân. Như năm qua, có 165 học sinh phổ thông có điểm cao từ 27 điểm trở lên, hầu hết là học sinh chỉ đăng ký duy nhất 1 nguyện vọng vào trường Công an, Quân đội.

"Có hiện tượng các trường đặt ra quá nhiều cách xét tuyển, chỉ tiêu ít nên ảnh hưởng xét trúng tuyển. Thực tế này cũng có việc phải điều chỉnh ở các trường đại học, khi việc tuyển sinh là quyền của các trường, nhưng phải nằm trong quy định cho phép, nên chúng tôi sẽ rà soát để không nên có quá nhiều phương án, gây phức tạp và rủi ro cho người đăng ký", Bộ trưởng Sơn nói.

Cùng tham gia làm rõ thêm các vấn đề của lĩnh vực giáo dục-đào tạo với Bộ trưởng Giáo dục-Đào tạo còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông.