Người Lô Lô ở Bảo Lạc múa hát bên cạnh trống đồng trong một đám tang
Để tìm hiểu các điệu múa dân gian của cộng đồng người Lô Lô ở Cao Bằng, chúng tôi tìm gặp nghệ nhân Chung Văn Sấn, dân tộc Lô Lô, xóm Khau Cà, xã Hồng Trị (Bảo Lạc), là người am hiểu văn hóa truyền thống dân tộc và đã trực tiếp truyền dạy loại hình múa, hát cho lớp học truyền dạy văn hóa phi vật thể dân tộc Lô Lô tại huyện Bảo Lạc do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức năm 2018. Ông Sấn chia sẻ: Các điệu múa dân gian của người Lô Lô gắn liền với lao động, vui chơi và nghi lễ, bao gồm các điệu: Mề số (mời nhau); ló voày (nhận mặt nhau); ló cô (múa gặp mặt); mề nằng (múa nhớ nhau); xó các (múa cuốc nương); gò khe cháng (múa dậm nhảy); khó sú (gặt lúa); mề cầu (múa đoàn kết); mề kế (nhảy chúc mừng nhau).
Quan niệm và cách thể hiện tình cảm của dân tộc Lô Lô trong đám tang có nhiều khác biệt so với các dân tộc khác. Người Lô Lô quan niệm cái chết không phải là kết thúc cuộc sống mà là về với tổ tiên để bắt đầu một cuộc sống khác nên đám tang là thực hiện các nghi lễ để tiễn linh hồn người chết gặp được tổ tiên.
Có hai điệu múa được sử dụng chủ yếu trong các nghi lễ tang ma của người Lô Lô là “múa gà lu” và “múa hóa trang”. Điệu múa gà lu (múa người rừng) là điệu múa linh thiêng, độc đáo nhất trong tang ma của người Lô Lô ở Cao Bằng. Tham gia điệu múa có từ 6 - 8 người. Những người này hoá trang thành người rừng, khoác lên mình bộ trang phục bằng lá cây và khi tham gia múa họ phải thực hiện những kiêng kị nhất định, như: Phải bí mật vào rừng hoá trang và không để cho ai biết mặt; trên đường từ rừng về mọi người đều phải tránh gặp người khác… Đây là điệu múa truyền thống để đưa linh hồn người chết về với tổ tiên. Người Lô Lô quan niệm rằng, trong vũ trụ, đàn khỉ được sinh ra trước tiên và nó là tổ tiên của loài người, nên trong đám tang người ta múa điệu gà lu để đưa hồn người chết về nơi mà tổ tiên đã sinh ra.
Điệu múa hóa trang mang ý nghĩa biểu trưng, đại diện cho quan niệm về một thế giới mới của người Lô Lô. Khi múa điệu này cả trai gái đều quấn xung quanh người những chiếc ruột trâu, bò hay lợn được thổi phồng. Trong số những người tham gia nhảy múa, có một người luôn đeo chiếc túi vải. Khi hóa trang về, đầu tiên họ múa ở ngoài sân, sau đó mới vào trong nhà múa xung quanh thi hài người chết.
Các điệu múa trong tang ma người Lô Lô thường mô phỏng những động tác trong lao động sản xuất, làm cho gia đình có người mất bớt sự thương đau. Vì vậy, khi xóm làng có người mất thì công việc tang ma không chỉ riêng của gia đình mà là việc chung của cả bản. Những người đến dự đều mặc trang phục đẹp. Từ người già đến trẻ em đều tham gia múa, khi múa thường đi vòng tròn ngược kim đồng hồ. Các điệu múa lúc nhanh, lúc chậm theo tiết tấu gõ của trống đồng. Nhịp múa thường theo nhịp chẵn 2/4 hoặc 4/4. Trong suốt thời gian diễn ra đám ma, trống đồng được đánh lên và họ múa những bài múa truyền thống của dân tộc Lô Lô. Trong những ngày thi hài còn để trong nhà, người Lô Lô bố trí bốn đôi nam nữ là người múa chính, ngoài ra những người khác đều có thể tham gia múa để tiễn người quá cố về với thế giới tổ tiên. Cả trong đám ma tươi và ma khô người Lô Lô đều tổ chức nhảy múa, đánh trống đồng.
Những điệu múa dân gian là sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng cao đã tồn tại lâu đời trong đời sống tinh thần của bà con, chứa đựng nhiều giá trị nhân văn của cộng đồng dân tộc Lô Lô.