Cần xử lý dứt điểm vụ chiếm dụng đất của gia đình cụ Hơn tại Đồng Nai

Quang Minh

Hơn 20 năm gia đình cụ Lý văn Hơn đã "đội" đơn đòi lại 208 ha đất cao su thuộc sở hữu của gia đình nhưng bất thành. Vậy vì đâu mà các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương đã vào cuộc xác minh nhưng sự việc chưa được giải quyết dứt điểm. Đó là những thông tin khiên dư luận băn khoăn và đã được nhiều cơ quan báo chí đăng tải, xin chia sẻ những thông tin dưới đây để bạn đọc có cái nhìn đầy đủ về sự việc.

Liệu có những dấu hiệu sai phạm quản lý đất đai tại tỉnh Đồng Nai?

Thời gian qua, hàng loạt vụ sai phạm, tham nhũng của các quan chức từ Trung ương đến địa phương được phanh phui, xử lý. Điều đặc biệt là nhiều quan chức bị kỷ luật, thậm chí bắt giam đều liên quan đến sai phạm trong quản lý, sử dụng đất - một trong những lĩnh vực xảy ra tiêu cực và tham nhũng nặng nề nhất. Có những vụ đang được điều tra, điển hình như vụ việc ông Lý Văn Hơn ngụ tại Ấp 3/10 đường Hoàng Minh Chánh, Đồng Nai suốt hơn 20 năm gánh đơn khiếu nại đòi lại 22,04 / 208 ha đất mà gia đình ông mua lại, có đầy đủ giấy tờ hợp pháp nhưng cho đến nay vẫn chưa được giải quyết. Có rất nhiều lý do đã được đưa ra nhằm trì hoãn việc trao trả mảnh đất màu mỡ chạy dọc QL 51 này. “ ông Hơn đã không khiếu nại sau khi có quyết định số 2096 năm 2000; vụ việc đã kéo dài nhiều năm nên chúng tôi cần thêm thời gian để thu thập hồ sơ” …vv…mặc dù trên thực tế suốt từ những năm 2000, ngoài việc gửi đơn khiếu nại lên cấp tỉnh ông Lý Văn Hơn còn liên tiếp gửi đơn thư khiếu nại lên các cơ quan cấp cao hơn để đòi lại công lý nhưng tất cả là sự đánh võng hồ sơ từ chỗ này qua chỗ khác để rồi sau đó là hơn 40 hộ dân được cấp sổ đỏ trên chính phần đất ông bỏ tiền ra mua và gần 200 ha đất còn lại do một đơn vị khác tiếp quản để triển khai các dự án liên quan tới Khu đô thị ven sông Đồng nai với nhiều nhà máy, xí nghiệp mọc lên rầm rộ.

Nguồn gốc đất của gia đình ông Lý Văn Hơn

Cuối năm 1971, ông Lý Văn Hơn mua tổng 208, 344 ha đất trồng ca su tại xã Tam An, huyện Long Thành theo bản đồ 101 và khu đất tại bàn đổ số 108, 109, 110 xã Tam Phước, TP Biên Hòa (Đồng Nai) của gia đình ông Đặng Văn Bá, ông Trần Văn Ngự Tự Du và bà Đặng Thị Hiệp khi đó là đồn điền cao su đang được canh tác, có trích lục địa bộ số 739-740-310 cấp ngày 26/12/1974 và số 314 ngày 10/01/1975 của Ty Điền Biên Hòa. Sau khi giao dịch mua bán hoàn thành, việc chuyển đổi quyền sử dụng đất thực hiện và đứng tên Lý Văn Hơn có trích lục địa bộ của Ty Điền Biên Hòa. Từ đây, nghĩa vụ thuế được cụ Hơn đóng cho nhà nước đầy đủ đến hết năm 1976.

giay1-1624781078.png
Giấy tờ mua bán đất hợp pháp

 

 Thời gian tiếp theo, do thay đổi chính sách quản lý của nhà nước, vì vậy, 174 ha đất trồng cao su của gia đình được ông Hơn giao nộp cho HTX do bộ nông trường Long Thành tiếp quản, 22,04 ha tọa lạc tại lô A xã An Lợi – Tam Phước – thành phố Biên Hòa trong trích lục địa bộ 739-740 và 310 thuộc xã An Lợi – Tam An huyện Long Thành bị Công ty cao su Đồng Nai (thuộc Tổng Công ty cao Su Việt Nam) tự ý sát nhập và sử dụng, tước đoạt quyền quản lý đất hợp pháp của ông Hơn.

Một "quy trình" tinh vi dần được hé lộ và những bản báo cáo mập mờ?

Tháng 02/1995, Tổng Công ty cao su Việt Nam có công văn số 95/ CSĐN gửi UBND tỉnh Đồng Nai, sở Địa chính tỉnh Đồng Nai, UBND huyện Long Thành với nội dung “trao trả lại 22,04 ha đất cho chủ cũ” vì diện tích không nằm trong quy hoạch, yêu cầu ông Lý Văn Hơn liên hệ với cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục nhận lại quyền sử dụng đất cho gia đình.

Ngày 15.2.1995 Tổng Công ty Cao su Việt Nam tiếp tục có công văn số 84/KHVT-CV đồng ý giao trả lại 22,04 ha đất cho ông Lý Văn Hơn

Trước đó, ông Hơn lo sợ quy trình thu hồi đất của nhà nước có sai sót, năm 1992, cụ Hơn có viết đơn trình UBND huyện Long Thành, Phòng quản lý ruộng đất, UBND xã An Lợi, UBND xã Tam An xác nhận 22,04 ha đất tại hai địa phương trên đều do cụ làm chủ sở hữu.

Trong đơn xác nhận, UBND xã Tam An ghi chú rõ: “Qua đơn xin xác nhận đất của ông Lý Văn Hơn có kèm theo trích lục địa bộ (bản photo) số 739, 740- 340 do ông Phan Công Nghĩa ký ngày 26/12/1974 và bản đồ đồn điền cao su số 314 do đồng chí Lê Chí Thành ký có phần đất thuộc địa bàn xã Tam An. Thế nhưng, do không thuộc phần giải quyết của UBND xã Tam An nên xin chuyển lên cơ quan chức năng giải quyết”.

Thay vì việc cần phải trao trả lại đất cho chủ cũ, Sở địa chính tỉnh Đồng Nai tham mưu cho UBND tỉnh Đồng Nai bằng bản báo cáo 353 hết sức vô lý với nội dung: Diện tích đất ông Hơn khiếu nại đòi lại đã được Nhà nước quản lý và đưa vào sử dụng từ năm 1977 đến nay theo qui định của Quyết định số 188/CP và Quyết định số 180/CP của Chính phủ (Công ty Cao su và Xí nghiệp Bò sữa An Phước đã trực tiếp sử dụng) vì vậy không thể trả lại đất theo yêu cầu của ông Lý Văn Hơn. Mặt khác, Công ty Cao su Đồng Nai đã trả tiền bồi hoàn cây cao su cho ông Lý Văn Hơn là 86.940.000đ.  Đối với diện tích 22,04 ha Công ty Cao su Đồng Nai có ý kiến giao trả lại cho địa phương để trả cho ông Lý Văn Hơn là không đúng với quy định của pháp luật (vì Công ty Cao su Đồng Nai là đơn vị sử dụng đất, khi không còn nhu cầu thì giao trả lại cho địa phương. Việc bố trí sử dụng tiếp tục như thế nào là thẩm quyền của UBND tỉnh Đồng Nai). Bác đơn của ông Lý Văn Hơn về việc đòi lại 195,33 ha đất (trong đó có 22,04 ha đất cao su thanh lý) tọa lạc tại xã Tam An và An Phước, huyện Long Thành.

Ngày 7/8/2000 ông Ao Văn Thinh, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ra Quyết định số 2096 dựa trên báo cáo số 353 không chấp thuận khiếu nại của ông Lý Văn Hơn về việc đòi lại 195 ha đất (trong đó có 22,04 ha đất mà Tổng Công ty Cao su đã tự ý lấn chiếm)

Ngày 26/11/2007 trong quyết định số 4141/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đồng Nai một lần nữa ông Ao Văn Thinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh xác nhận công nhận kết quả rà soát hiện trạng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty cổ phần bò sữa Đồng Nai tại xã Tam Phước, xã Tam An, xã An Phước, huyện Long Thành.

Đến năm 2012, UBND tỉnh Đồng Nai lo sợ việc giao đất cho Tổng Công ty Công nghệ thực phẩm Đồng Nai sai quy trình nên ngày 31/10/2012 ông Lê Viết Hưng Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh thay mặt UBND tỉnh Đồng Nai mới bắt đầu ký hợp đồng số 57/HĐTĐ cho Tổng Công ty Công nghệ thực phẩm Đồng Nai thuê 2.579.342,0 m2 (hai triệu năm trăm bảy mươi chín nghìn ba trăm bốn mươi mét vuông) chiếm hết toàn bộ 208 ha đất của gia đình cụ Hơn quản lý, biến cụ Hơn thành người “trắng tay”. Điều đặc biệt là hợp đồng số 57/HĐTĐ ngày 31/10/2012 này vi phạm về mặt hình thức, thể hiện tại phần ký tên bên cho thuê không thể hiện chức vụ người có thẩm quyền cho thuê theo quy định pháp luật.

Tiếp theo đó, đến năm 2013 Sở tài nguyên môi trường Tỉnh Đồng Nai ngang nhiên cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (do ông Lê viết Hưng ký) cho Tổng Công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai, rồi đến năm 2017 – 2018 hơn 40 hộ dân mặt đường quốc lộ 51 được chia đất cấp sổ đỏ sai phép, lấn chiếm xây nhà trên chính phần đất mà ông Lý Văn Hơn nguyên Trung úy Quân đoàn Quân khu 7 đã bỏ sức lao động, mồ hôi, công sức của mình ra mua. Điều đặc biệt là hơn 40 hộ dân này dù đã được cấp quyền sử dụng đất nhưng trong suốt những năm qua họ không phải đóng thuế.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao Công ty Cao su Long Khánh nay thuộc Đồng Nai tự ý lấn chiếm đất 22,04ha đất của ông Lý Văn Hơn nhưng đến năm 2004 lại đồng ý trả tiền thanh lý cây cao su với số tiền là 86.940.000đ

giay22-1624781269.jpg
Đoàn Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường trong buổi làm việc tiếp xúc giữa địa phương và gia đình ông Lý Văn Hơn

 

Một điều nữa, khi Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường vào cuộc chất vấn yêu cầu xuất trình Quyết định bàn giao đất cho Công ty Cao su Đồng Nai thì UBND tỉnh Đồng Nai lại im lặng không đưa ra được bất kỳ giấy tờ liên quan nói trên.

Tất cả quá trình trên liệu có phải là một kế hoạch đã có sự chuẩn bị bài bản từ trước của UBND tỉnh Đồng Nai khi “ỉm” đi 22.04 ha đất mà Tổng Công ty Cao su trao trả để rồi “phù phép” cả 208 ha đất hợp pháp của cụ Lý Văn Hơn thành đất “sạch” để dễ bề thao túng? Vậy UBND huyện Long Thành và Sở Tài nguyên và Môi trường đóng vai trò gì trong việc tham mưu hỗ trợ UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện kế hoạch làm thiệt hại đến quyền lợi ích kinh tế hợp pháp của gia đình cụ Hơn suốt 20 năm qua?  Sự việc này có nhiều bất thường và chưa tuân thủ các quy định của pháp luật, kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý nghiêm nếu có sai phạm trong vụ việc nói trên.

Trong quá trình thanh tra, điều tra vụ việc ông Lê Vũ Tuấn Anh, Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết hiện nay hồ sơ vẫn đang trong quá trình thu thập để tìm kiếm thêm chứng cứ nhưng kể từ lúc bắt đầu củng cố hồ sơ cũng đã kéo dài hơn 7 tháng mà vẫn dậm chân tại chỗ. Không hiểu đã có sự tác động nào khiến ông Chánh thanh tra của Bộ e dè và trả lời lấp lửng trong vụ việc

 Rất mong sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa từ phía các cơ quan chức năng có thẩm quyền và bản thân những người đang thực hiện điều tra vụ việc cần phải công tâm, minh bạch hơn nữa; giữ vững lập trường tư tưởng, kiên định với mục đích làm trong sạch bộ máy nhà nước để sự việc sớm được sáng tỏ và kiên quyết làm dứt điểm, mang lại niềm tin cho những người dân đang bị mất quyền lợi.

Những thông tin về vụ việc một ông cụ ở Đồng Nai trên 20 năm cuối đời đã đội đơn đến các cơ quan chức năng để đòi lại 208 ha của gia đình mình đã được rất nhiều cơ quan báo chí đăng tải, theo dõi sự việc trên nhiều diễn đàn cũng đã xuất hiện nhiều câu hỏi băn khoăn về trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan trong việc giải quyết một sự việc liên quan đến quyền lợi cụ thể của một gia đình kéo dài suốt một đời người? Ý kiến của bạn liên quan về nội dung này như thế nào xin để lại bình luận bên dưới?