Cầu hôn

Cầu hôn ngày xưa các cụ gọi là ngỏ lời. Việc cầu hôn rồi sau đó có thành vợ, thành chồng sống với nhau trọn đời hay không cũng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, xong chủ yếu là do ý chí của đôi trai gái quyết định.

cau-hon-1637467705.jpgẢnh minh họa do tác giả sưu tầm

 

Chuyện ngỏ lời cầu hôn mang lại cho đời biết bao niềm vui, hạnh phúc nhưng cũng không ít lỗi buồn. 
Vui hạnh phúc, sức sống tràn đầy vì được nàng nhận lời yêu. Buồn vì bị nàng từ chối…thế là thất tình, bơ vơ, thậm chí còn trở nên điên dại…
Cầu hôn cũng đi vào thi ca:
 “Sao anh lại ngỏ lời vào một đêm trăng khuyết, để bây giờ thầm tiếc…”.
 “Em đi một nửa hồn tôi mất! Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ!”
Cầu hôn cũng lắm dặm trường: 
“Qua lối nhỏ đường vào nhà em, muốn ghé vào thăm…nhưng sợ ba má em buồn phiền…”.
Cầu hôn cũng quá gian truân: 
“Cầu một lần không được, phải cầu ba, bốn lần…”.
Cầu hôn cũng phụ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện…Có người không phải nói nửa lời, chỉ nhìn nhau (bị quả sét đánh) thế là xong. 
Có đôi trao nhẫn, trao quà (thậm chí có cả kịch bản, đạo diễn, đạo cụ, âm thanh, ánh sáng…). 
Còn có cầu hôn ở trên trời, dưới biển…rồi cầu hôn cho cả thế giới cùng biết (màn cầu hôn của các siêu sao sân cỏ).
Cầu hôn mà trời biết, đất biết, người thân biết, cả thế giới biết thì cũng là lẽ thường. 
Nhưng cầu hôn như ông bạn Đào ở xứ Đoài quê tôi thì cũng đáng để đời:
Thứ bảy cơm tối vừa xong, chiếc Đài lắp (Radio) đã phát nhạc hiệu chương trình Kể truyện cảnh giác. 
Giọng nam phát thanh viên đanh chắc “Kính mời quý thính giả lắng nghe tiếp phần 2, chuyện chiếc chìa khoá của căn hầm số 8…”. 
Chuyện hay, ly kỳ và hấp dẫn lắm…nhưng cũng không hay, hấp dẫn bằng tiếng gọi trái tim. 
Chỉnh lại áo quần Đào đi bộ đến nhà Mận làng trên, hai làng cách nhau chỉ một con Ngòi, đến cổng thấy cô nàng đang rửa bát ngoài giếng. Đào vào nhà chào bố mẹ Mận, lát sau Mận vào hai người ngồi ở bàn nói chuyện, chuyện qua lại đã hơn 1 tiếng đồng hồ.
Mẹ Mận biết ý vào buồng trong nghỉ. 
Ông bố ngồi ngay ghế trong, tay ôm chiếc Đài cứ vặn đi, vặn lại xoèn xoẹt, đúng là “Cua càng ngáng lỗ”. 
Vì hôm nay Đào hạ quyết tâm ngỏ lời cầu hôn với Mận, biết làm sao bây giờ? trời đã về khuya Đào đành đứng dậy “Cháu xin phép bác cháu về”.
Mận tiễn Đào ra đến cửa bếp, thấy đã có không gian Đào liều kéo tay bạn gái vào trong bếp ngồi nói chuyện; sát bếp là chuồng trâu không có vách ngăn, chỉ có gióng tre (khi đun bếp sẽ có khói đuổi muỗi cho trâu). 
Chỉ có hai người Đào thỏ thẻ ngỏ lời cầu hôn…Mận không nói gì nhưng qua tiếng thở thì Đào biết là nàng đã đồng ý. 
Bên chuồng trâu chú trâu đực già vẫn nằm mắt lim dim, miệng chậm rãi nhai lại. 
Thế rồi tay cầm tay…môi hai người vừa chạm nhau..!
Đột nhiên chú trâu đứng dậy làm luôn một tràng “Pạch…pạch…pạch..”; tiếng chân người bước nhanh thình thịch từ thềm nhà xuống. 
Đào vừa kịp thu tay về thì ánh đèn pin rọi vào “Chúng mày có bị làm sao không..?”. 
Bị quả bất ngờ Đào lí nhí…”Bác chưa ngủ à?”…Tao mà ngủ thì trâu nó ỉa vào đầu chúng mày à? Thôi chuyện thế đủ rồi, cơm chưa ăn thì gạo vẫn còn…khuya rồi về đi, mai bảo người lớn lên đây nói chuyện.
Mận tiễn Đào ra cổng, cô véo mạnh một cái vào sườn Đào, nói nhỏ “Chết chưa!”
Xứ Đoài tiết Xuân đang độ, trời khuya mưa càng dày hạt. Đường làng hôm nay sao quen mà lạ…Đom đóm sáng lập loè trong các lùm cây, lũ chão chuộc gọi nhau râm ran trong các ao rau cần “Chuộc…chuộc…chẳng chuộc…”. 
Ông bạn Đào của tôi về đến nhà thì gà đã gáy báo canh tư.

Theo Chuyện quê