Cầu Lai Phước

Tối ngày 14/4/1972, trung đội 1, đại đội 14 của tôi được lệnh đi tăng cường cho Tiểu đoàn 9 đánh trận Cầu Lai Phước.

anh-tac-gia-chon-lua-1647316387.PNGẢnh tác giả cung cấp.

 

Khoảng 12h đêm, chúng tôi đã hành quân tới rừng sim, cánh rừng sỏi đá lưa thưa từng bụi sim thấp lè tè. Trận địa ở mặt phẳng sườn đồi bên này, mục tiêu cũng là mặt phẳng sườn đồi bên kia cách nhau một thung lũng, nhìn như hai chiếc gương phản chiếu. Không có vật che khuất, che đỡ mà cư ly thì lại rất gần chưa đầy một ngàn mét thật bất lợi cho chúng tôi

Cạnh tôi là hạ sĩ - Tiểu đội trưởng Nguyễn Trọng Bổn, người Hồng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh. Anh vừa tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội 1965,  nhập ngũ vào Sư đoàn 308 của tôi tại Hà Nội.

Hầm pháo vừa đào xong, pháo vừa giá xong, thước tầm, độ hướng đã sẵn sàng. Cảnh vật xung quanh còn đang yên tĩnh như chưa hề có chuyện gì xảy ra, chỉ có mấy chiếc pháo sáng của máy bay Mỹ mầu vàng nhạt đang lơ lửng trên bầu trời.

Xem chừng hãy còn sớm, anh Bổn nói với tiểu đội: "Các cậu tranh thủ ngủ đi, sáng mai tớ sẽ đánh thức các cậu dậy sớm để chiến đấu đấy ".

Ngày 15/4 /1972, trời vừa sáng, anh Bổn đã tính toán xong cự ly. Anh đánh thức Tiểu đôi dậy lấy lại bọt nước thước tầm, độ hướng cho chính xác, bất ngờ chúng tôi nghe thấy tiếng B 40 của bộ binh Tiểu đoàn 9 trên cao điểm nổ. Tôi nhìn thấy một chiếc xe Zép lật nhào bốc cháy, đồng thời tôi cũng nghe rất rõ tiếng súng Tiểu liên AR15 và tiếng súng M79 của Mỹ phía đó nổ rền vang. Lại 1 tiếng B 40 nổ, một chiếc xe tăng im tiếng xích, một cột khói vàng hoe vút lên như cơn gió lốc. Rồi lại một chiếc xe tăng nữa rầm rộ lao lên, một tiếng b40 lại nổ, chiếc xe tăng kia lại bốc cháy.

Lập tức Đại đội Biệt Động Quân (BĐQ) lính Sài Gòn chững lại, họ đang nhốn nháo, hoảng loạn. Chớp lấy cơ hội thượng sĩ Trung đội trưởng Tường của Trung đội tôi hô khẩu lệnh: "Trung đội về vị trí chiến đấu". Chúng tôi bỏ dở "thước phim" hiểm có ùa về hầm pháo. Ngay lập tức 3 khẩu pháo rung lên bần bật, những cột khói mịt mù trúng đích và cũng ngay lập tức chúng tôi bị ăn trận đòn từ phía bên kia phản lại. Chiếc máy bay trinh thám OV10 của Mỹ vo vo trên bầu trời, mỗi lần nó nghiêng cánh cũng là lúc nó bắn pháo khói xuống mặt đất, chỉ điểm cho máy bay phản lực Mỹ trút bom, các ụ pháo lính Sài Gòn trút đạn. Mặc cho bom nổ, pháo nổ quanh trận địa, chúng tôi vẫn tiếp tục chiến đấu.

Khoảng gần 1 giờ giao tranh quyết liệt, Đại đội Biệt động quân- lính Sài Gòn bị tiêu diệt hoàn toàn. Cả trung đội tôi rời khỏi khẩu pháo, chui hết vào căn hầm ôm chặt lấy nhau. Chiếc hầm chữ A của tiểu đội tôi lắc lư còn hơn cả con lật đật. Khẩu pháo liên tục bị đất đá ném vào kêu bong bong như ai gõ.

Ban ngày Quốc gia, ban đêm Việt Cộng. Hình như ông trời cũng ủng hộ quân ta. Trời bắt đầu tối dần. Tiếng bom, tiếng pháo thưa thớt. Tiếng gọi nhau ơi ới: Có ai việc gì không? May mắn quá, cả Trung đội tôi không sao, pháo cũng không sao. Lát sau chúng tôi lại nghe truyền tin từ sở chỉ huy Tiểu đoàn: "Chúng ta đã tiêu diệt gọn 1 đại đội địch, bắn cháy 1 xe zép và 9 xe tăng". Lát sau lại nghe tin báo công: "Chiến công bắn cháy 1 xe Zép và 2 xe tăng ngay từ phút ban đầu mở màn trận đánh là của xạ thủ B40 Lê Ngọc Oanh đại đội 10".

Trời đã về khuya, anh Bổn nhắc chúng tôi:

- Cậu nào đi tiểu tiện thì tranh thủ đi đi kẻo sáng tới nơi rồi.

Tôi nói:

- Khát cháy cổ, người khô như con cá mắm lấy đâu mà đi nữa Tiểu đội trưởng ơi!

Anh lại cười xòa:

- Các cậu có thích nghe tở hát không?

Mọi người nhao nhao:

- Đồng ý! Đồng ý!

Chưa kịp ổn định ồn ào, anh đã hắng giọng: "Quân reo trên ngã tư Sòng, phen này đánh Mỹ quyết tài Trị thiên... Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên..."

Chúng tôi vỗ tay hoan hô ầm ĩ. Đúng là tuổi trẻ vô tư thật chẳng bù cho lúc nãy anh nào, anh ấy cứ méo sèo sẹo cái mặt thật đáng thương.

Bỗng trung đội trưởng Tường lại hầm chúng tôi loan báo:

- Trung đoàn gửi lời khen trung đội mình đấy.

Thằng Sáng ho lụ khụ, rồi hắng giọng:

- Ui giời! khen thì quá nhiều rồi, sao anh không nói họ bảo bác Tôn gửi cho mấy bao thuốc lá Điện Biên.

Lại những tiếng cười khúc khích khi anh Tường béo tai nó thay cho câu trả lời của bác Tôn.

Anh Bổn, người Tiểu đôi trưởng của tiểu đội tôi giỏi lắm. Công nhận anh ấy rất đa tài: Làm thơ rất hay, sáng tác nhạc rất hay, hát rất hay, chơi đàn cũng rất hay, đã thế lại còn rất chịu khó và khéo tay nữa chứ. Hồi ở ngoài Bắc: Rổ, rá, bếp anh nuôi là anh ấy đan tuốt khỏi cần mua. Quần áo phát cho rộng thùng thình ai nhờ vả anh ấy cũng tháo chỉ ra và tự sửa cũng đẹp như nguyên. ..

Ngày 16/4/1972,  trời vừa hé sáng, phía quân đội Sài Gòn đã lo mở cuộc tấn công mới. Lần này họ huy động cả 1 tiểu đoàn cùng với nhiều chiến xa, quyết chiếm lại bằng đươc cao điểm lợi hại bên cầu Lai Phước. Về phía trung đoàn tôi cũng quyết tử với bằng mọi giá. Tình thế cực kì khó khăn. Cả Trung đội giờ chỉ còn chưa đến 10 viên, trong đó có 1 viên rơi mất liều phóng. Trung đội trưởng Tường giao hết cơ số đạn còn lại cho khẩu đội tôi chiến đấu. Cái nắng, cái nóng tháng tư, tháng năm Quảng Trị thì ai cũng biết rồi. Cơn gió Lào quét lê thật không khác gì như phơi người trên giàn hỏa táng. Thôi thì cũng quyết chiến.

Phía bên quân đội Mỹ và quân Việt Nam Cộng Hòa đã bắt đầu tấn công. Họ bắn như mưa rào đầu hạ. Anh Tường hạ lệnh cho khẩu đội tôi bắn. Chỉ trong nháy mắt đạn đã hết trơn. Nhưng may sao, bất ngờ mấy khẩu Đ.K.Z. của đại đội 15 bây giờ mới lên tiếng, đạn bắn liên tiếp, đường bay liên tiếp. Tiểu đoàn B.Đ.Q.(Biệt Động Quân) của họ nhanh chóng xác trụi thành tro. Bắt đầu chúng tôi lại phải hứng chịu trận đòn thù từ phía bên kia. Họ giải bom hủy diệt, họ bắn pháo hủy diệt. Bữa kia rừng sim còn xanh mướt, hôm nay rừng sim cháy trụi. Chúng tôi giờ cũng chỉ biết ôm nhau trong can hầm xiêu vẹo  mặc cho bom gào, đạn rú vẫn hoành hành, không chịu buông tha.

Trời bắt đầu nhá nhem, cuộc oanh tạc trả thù tạm ngừng nguôi ngoai. Anh Bổn đứng dậy nhìn cảnh vật chung quanh... Bỗng anh đập mạnh bàn tay vào thành công sự reo to: "Nước, nước kia rồi". Chúng tôi chui hết ra khỏi căn hầm, tưởng là đơn vị ở nhà ra tiếp tế, hóa ra ko phải. Anh đưa ống nhòm cho mọi người coi: 1 con Trâu mộng đen xì đang đầm mình phía chân đồi.

Ngày 17/4/1972, trời lại sáng, ngày thứ 3 lại tới. Tiếng súng tiểu liên AR15 đốp đốp, tiếng M 79 bụp, bụp như ngô nổ. Tôi không thấy tiếng Đ.K.Z của đại đội 15 đâu nữa? Chắc cũng hết đạn giống số phận đơn vị tôi rồi. Bây giờ tôi mới nghe thấy tiếng phản kháng A.K của bộ binh Tiểu đoàn 9. Thế mới biết lính bộ binh khôn thật, biết lợi dụng pháo binh đơn vị bạn, biết tiếp kiệm đạn.

Cuộc chiến giữa “Thuỷ Quân Lục Chiến” với bộ binh Tiểu đoàn 9 cũng kéo dài đến buổi chiều, mặc dù không có pháo binh yểm trợ, không có nhiều đạn dược như đối phương, nhưng bộ binh Tiểu đoàn 9 có lợi thế hơn, đó là ở phía trên núi cao và có hầm hào che chắn. Nhưng rồi bắn mãi cũng hết đạn. Cầm cự 3 ngày rồi chắc cũng mệt lả.

Bắt đầu xe tăng quân Việt Nam Cộng hòa  ùn ùn lao tới, lính tráng họ đông như kiến. Anh Bổn nhảy lên khỏi căn hầm, anh ôm đầu : chắc lính bộ binh hi sinh hết rồi.

Anh quay mặt lại gọi với anh Tường:

-  Rút quân đươc chưa anh Tường?

 Anh Tường lại trả lời: Chờ lệnh.

Tôi đã nhìn thấy những chiếc mũ sắt lô nhô, những họng súng tiểu liên Mỹ đen ngòm và tiếng hô rất rõ của viên chỉ huy thúc lính: "Đi lẹ lên ".

Anh Bổn gào lên: Bỏ lại hết lựu đạn cho tôi. Các đồng chí rút hết về phía sau. Mình tôi ở lại cầm cự với bọn chúng.

Anh Bổn xua tay cố tình ở lại chiến đấu.

Hàng trăm ngàn đường đạn đại liên chéo chéo, đốp đốp bên tai... Bỗng "choang " một tiếng trên đầu, chiếc bàn để xoay ngang văng ra khỏi vai tôi…

Anh Đối đưa tôi bình tông nước đầy ngập nút, tôi ngứa mặt lên trời tu một hơi dài. Anh Đối chỉ tay vào một cái hầm có sẵn: " Ba lô của cậu và anh Bổn trong ấy, cậu vào ngủ đi cho đỡ mệt! ".

Anh Bổn chưa thấy về. Tôi nằm thẳng cẳng đánh một giấc ngủ dài không biết trời trăng mây gió ra sao. Thằng Toán, thằng Hưởng, thằng Sân, thằng Báo. Mấy thằng bạn đồng ngũ, đồng hương nó ở B2 không phải đi chiến đấu tới đánh thức tôi dậy…

Tôi hỏi anh Đối:

- Anh Bổn về chưa cơ?

Anh Đối như đổi sắc mặt:

- Anh Bổn, anh Hoan, anh Hiền, hy sinh rồi!

Ôi! Có ngờ đâu mới đó thôi mà đã phải vĩnh biệt xa nhau mãi mãi thật rồi sao???!!!

Lai Phước 17/4/1972

Trái Tim Người Lính