Từ rạch Mương Điều lại có nhiều rạch nhỏ: rạch mù u, rạch ruộng, rạch Gấm, rạch Sâu... Nhà nội tôi và nhà ba má tôi ở Rạch Sâu; không phải lòng con rạch có đáy sâu mà là con rạch chạy sâu tuốt vô ruộng rất xa, nhà thưa dần và luồn thông với những con rạch khác chằng chịt chảy qua Bờ rào, Long Hưng, Nước Xoáy....
Tôi ở với ông bà nội, ba má tôi, bà cố, cô của ông ngoại và thằng Phấn em tôi ở riêng, sau này tôi còn 3 đứa em nữa. Lúc đó Việt Minh và Pháp chưa đình chiến! Dân làng chúng tôi còn phải chạy giặc. Mỗi khi nghe “Tây Bố” nghĩa là lính Tây bao gồm Tây trắng, Tây đen, lính Quốc gia đi vào làng xã còn gọi là vùng xôi đậu, tìm Việt Minh bắn nhau nếu đụng trận. Tự nhiên nghe tiếng ồ... ồ... lao xao... dưới sông, chạy lại nhìn xuống sông thấy nhiều ghe xuồng lớn, nhỏ ùn ùn, ào ào bơi ngang qua nhà nội tôi. Như thường lệ ông bà nội biểu tôi xuống bến (sông) chờ má tôi vô chở đi. Chỉ có đàn bà, con nít và người già chạy giặc thôi. Thanh niên trai trẻ và đàn ông chạy riêng. Tôi không biết rõ vụ này! Riêng ông bà nội tôi cũng già nhưng không chạy giặc như những người già khác mà ở lại nhà. Lính vô tới là bà nội tôi ra nói chuyện với ông sĩ quan Tây là ông bà nội tôi già rồi, chỉ có 2 người ở đây, không có làm hại gì ai hết, dĩ nhiên là nói tiếng Pháp, vì bà nội tôi khi chưa cưới ông nội tôi, dạy học tại trường tiểu học Pháp (lúc đó ở Sadec chưa có trường dạy chữ An Nam), xong ông Tây vẫy tay biểu lính đi (sau này tôi nghe bà nội tôi kể lại) không đốt nhà cũng không làm khó dễ gì hết.
Tôi chạy đi lấy vật yêu quý nhất của tôi là cái nón rơm do cô Ba tôi ở Sài Gòn gởi về cho. Không có đứa con nít nào ở đây có nón giống như của tôi, nó rộng vành, kiểu dáng rất đẹp, lâu cũ và lâu hư. Sau này mới biết, cô tôi mua ở Thương xá TAX Saigon, nón nhập từ Pháp! Tôi không xách quần áo gì hết (không biết bà nội có đưa cho má tôi không). Tôi xuống bến sông ngồi đợi xuồng của má tôi tới... Má ghé xuồng sát bến rước tôi. Má tôi ngồi trên mấy tấm ván lót ngang phía trên, sát với mũi xuồng phía sau, gọi là cái sạp, bơi lái. Bà cố ngồi trên sạp ván phía trước bơi mũi. Phần giữa xuồng thấp dưới lòng chiếc xuồng lót 2 tấm ván dài có trãi chiếu xếp làm ba cho vừa với lòng xuồng. Em tôi - thằng Phấn mới 2 tuổi ngồi trên chiếu chung quanh nào là bịch quần áo, cà ràng (bếp nấu bằng củi), 2-3 cái nồi có đậy nắp, hủ nhỏ đựng gạo, chai nước mắm, hủ muối, vài bó củi… Tôi xuống xuồng ngồi kế thằng Phấn, có một chiếc chiếu cuộn tròn để nằm dọc theo xuồng chổ chị em tôi ngồi. Má tôi và bà cố bơi hết sức bình sanh (bơi nhanh), chiếc xuồng lướt nhanh, rẻ sóng ào ào, nước nổi bọt. Nhiều xuồng lắm...! Hầu như xuồng nào cũng có con nít. Thấy má và bà cố bơi cực như vậy, hai chị em tôi không nói chuyện, giỡn hay đánh lộn như mọi khi má dẫn thằng Phấn vô chơi với tôi.
Chạy giặc được gặp má, bà cố, thằng Phấn còn có nhiều đứa con nít bên mấy xuồng kia, đông vui quá chừng! Mặt trời lên cao dần, nắng gắt, cái nón rơm nảy giờ ôm trước bụng tôi lấy đội lên, má và bà cố đội nón lá, thằng Phấn đội nón con trai. Má vá bà bơi lâu lắm... qua toàn ruộng là ruộng... rồi tới chổ lưa thưa nhà, từ từ tới chổi có nhiều nhà hơn. Má tôi và nhiều xuồng khác đậu lại lên bờ. Những nhà dân ở đó nhà nào cũng cho 2-3 gia đình vô tránh nắng,gió. Má tôi dỡ 2 cái nồi ra, bới cho mỗi người 1 chén cơm, ăn với cá kho, không có canh, rau gì mà ăn ngon quá chừng luôn! Ai cũng lấy đồ ăn của mình bày ra ăn, từng khúm từng khúm... Tôi chạy giặc theo má tôi 3-4... 7-8 lần gì đó không rõ. Đến năm 8 tuổi thì má tôi gửi tôi cho người bà con ở Sadec đi học. Tết và bãi trường (hè) mới bơi xuồng ra Sadec rước tôi về. Má nói sau khi tôi ra Sadec học, ở nhà vẫn còn chạy giặc mấy lần nữa, đến năm 1954 đình chiến theo hiệp định Geneve thì mới hết chạy giặc.
Theo Chuyện Làng quê