Chúng tôi là lứa lính sv thời hoa lửa gần như duy nhất hành quân bộ cùng nhau 6 tháng dọc Trường Sơn để vào B2 chiến đấu; hy sinh, mất mát có; gian khổ, vất vả cùng nếm trải nên những ai còn tồn tại đến thời nay đều thân thiết với nhau và luôn nhớ đến ngày 23/9/1972. Hàng năm tôi thường nhắc lại ngày này; đăng ảnh đồng đội tôi trên fb; chia sẻ với bạn bè chỉ là để nhớ lại một bước ngoặt của tuổi trẻ, của cuộc đời.
Hôm nay tôi muốn nói về cuộc chia tay của tôi với người bạn gái cùng lớp vào đêm 22/9/1972 (đúng đêm Rằm trung Thu 1972). Chỉ đơn giản là buổi tối nói chuyện giữa hai người bạn cùng lớp trước ngày lên đường của người bạn trai; vậy mà cái kỷ niệm ấy cứ bám lấy tôi suốt cả cuộc đời; mỗi khi trăng tròn nó như thức lại trong tôi, đặc biệt là trăng đêm Rằm trung Thu.
Thời chúng tôi; ở tuổi 18, sinh viên năm thứ nhất thì hình như chưa có khái niệm yêu đương. Cả con trai lẫn con gái chỉ lo học và thi sao cho tốt; các cô sinh viên khoa toán; lý của ĐH tổng hợp thì ý chí học hành, thành đạt càng mãnh liệt. Lớp tôi có 6 cô gái thì 4 cô là dân nội thành Hà Nội; cả 6 cô đều chăm chỉ học hành. Người bạn gái ngồi nói chuyện đúng đêm Rằm trung Thu với tôi là một cô gái Hà Nội; chúng tôi mến nhau có lẽ là nhờ những ngày tháng sơ tán; lao động đắp đê ở Quế Võ (Hà Bắc). Tôi nhớ có lần khi gánh đất đi lên triền đê sông Đuống; bạn ấy vạch cổ áo cho tôi nhìn thấy bờ vai "tiểu thư" bị bầm tím, rớm máu vì đòn gánh tỳ vào nhiều quá; chỉ vậy thôi mà thấy cảm phục ý chí của bạn ấy và thấy bạn ấy gần gũi hơn với mình.
Trăng Rằm trung Thu năm ấy sáng lắm; làng Đông Lỗ khi ấy chưa có điện; nhà đa số lợp tranh vách đất; đường làng cũng là đường đất (quanh co, quanh co). Bức tường đất ngăn sân nhà (nơi bạn tôi ở trọ khi sơ tán) với đường làng chỉ cao 30-40cm; bên cạnh một bụi tre là nơi tôi và bạn gái ngồi nói chuyện. Tôi nhớ trăng đêm ấy sáng vì tôi nhìn rõ khung cảnh đường làng; bụi tre; nụ cười; ánh mắt của người bạn gái. Tôi không nhớ những chuyện chúng tôi nói với nhau đêm ấy nhưng tuyệt nhiên không phải là chuyện yêu đương; không một lần nắm tay; không một lời thề hẹn - thật không đúng như các cuộc chia tay thường được mô tả bởi các tiểu thuyết gia. Tuy nhiên nó đúng là cuộc chia tay của một người bạn gái dành cho một người bạn trai vì ngày mai anh ấy ra trận.
Cũng đêm ấy; người bạn gái ấy tặng tôi một chiếc khăn tay có in những bông hoa màu tím; hai bức ảnh của diễn viên điện ảnh Mỹ; Jane Fonda (hồi ấy đang hót vì mới sang thăm VN) và quý nhất là một bức ảnh chân dung của bạn tôi ở tuổi 17; một cô gái Hà Nội, tóc tết đuôi sam, khuôn mặt trái soan, đôi mắt long lanh sống động. Tấm khăn tay được gấp tư và ba bức ảnh như một báu vật theo tôi gần hết giải Trường Sơn. Khi đến hạ Lào; giáp Campuchia; tôi mua được một tập an bum bỏ túi. Tôi để ba bức ảnh vào ba ngăn của tập an bum; những ngăn còn lại tôi ép những con bướm bắt được ven suối dọc đường hành quân. Tôi luôn để tập an bum bên túi áo ngực trái của chiếc áo dài tay kaki Tô Châu; tôi luôn mặc nó khi hành quân dù trời nóng và bên trong còn mặc một chiếc áo cộc tay bằng phin màu cỏ úa; và đó cũng là nguyên nhân của sự mất mát kỷ vật quý nhất của tôi. Lần ấy; tại một chặng nghỉ ngang đường; tôi cùng nhiều đồng đội khác bỏ ba lô xuống liền tỏa xuống con suối ngang đường để rửa mặt; tay chân cho mát. Như định mệnh; tôi cởi chiếc áo mặc ngoài để lên hòn đá ven suối; tôi xuống suối rửa mặt mũi chân tay; rồi khi quay lên thì quên luôn chiếc áo (có tập an bum bên trong túi áo). Khi lên đến chỗ để ba lô thì tôi nhận ra mình quên áo ở bờ suối. Tôi lập tức quay lại bờ suối; tuy nhiên chiếc áo không còn trên bờ suối nữa. Cả đoàn quân hơn nghìn người; hành quân đi hàng 1 nên cả đoàn kéo dài gần 2km. Tôi chạy lên đầu hàng quân và chờ từng người hành quân đi qua để hỏi xem có ai nhặt được cái áo của mình không. Thật buồn; cả đoàn quân đi qua mà tôi vẫn chẳng nhận lại được những kỷ vật của mình.
Đến bây giờ; sau 48 năm mà tôi vẫn mong có một phép màu nào đó để chiếc khăn tay với những bông hoa tím và bức chân dung có cô gái tết tóc đuôi sam quay trở lại với tôi để tôi có thể đăng ảnh lên trang này cho bạn đọc biết là tôi không bịa chuyện.
Theo Chuyện làng quê