Covid như đám cháy rừng.
Đám cháy chỉ tự dập khi đa số cây đã bén lửa, các biện pháp dùng nước dập thay thậm chí cả cơn mưa lớn, không thể nào đủ sức khống chế.
Tôi dự đoán, trong tháng ba và tháng tư biến thể Omicron sẽ thống trị, nếu xét nghiệm đầy đủ số ca nhiễm cả nước có thể lên tới 250.000 mỗi ngày, đỉnh dịch kéo dài khoảng 45 ngày, đến tháng năm mới lắng dần xuống.
Mỗi ngày Hà Nội có thể đạt đỉnh 40.000 ca.
Trong bối cảnh ấy, chúng ta sẽ phải đối mặt với tình trạng thiết hụt nghiêm trọng kit xét nghiệm Covid, cả PCR lẫn xét nghiệm nhanh kháng nguyên.
Chiều tối hôm qua tôi đi 10 cửa hàng thuốc hỏi mua xét nghiệm nhanh, thì có tới 7 cửa hàng không còn, nếu có thì giá đều tăng hơn so với mặt bằng.
Chúng ta đang sử dụng kit xét nghiệm nhanh rất lãng phí.
Có những bệnh nhân theo dõi tại nhà, ngày test đến 3 lần sáng trưa chiều tối, hôm nào cũng xét nghiệm để xem vạch T nhạt hơn chưa và khi nào thì âm tính. Một người dương tính thì cả nhà đều xét nghiệm liên tục. Có triệu chứng xét nghiệm, không triệu chứng cũng xét nghiệm, thậm chí có gia đình chẳng ai nhiễm nhưng xét nghiệm thường xuyên vì sợ hãi Covid.
Thế giới đã khan hiếm kit xét nghiệm nhanh Covid.
Những quốc gia giàu có về tiền bạc với nền y tế cự kì phát triển, nhưng khi đối mặt với biến thể Omicron, đang rơi vào khủng hoảng khan hiếm trầm trọng kit xét nghiệm nhanh Covid. Từ Mỹ, đến châu Âu, rồi châu Á như Nhật Bản hay Australia, mặc dù đã lường trước tình huống và có sự chuẩn bị trước, nhưng đều bị thiếu kit xét nghiệm.
Mỹ kêu gọi người dân không xét nghiệm nếu không có triệu chứng!
Florida đưa ra “chỉ số tin cậy – trust index” xét nghiệm Covid, theo đó chỉ nên test khi kết quả mang lại “giá trị cao – high value”, và ngược lại “giá trị thấp – low value” thì không cần xét nghiệm.
Ví dụ, xét nghiệm nhóm người cao tuổi mắc bệnh nền, hoặc những bệnh nhân nằm viện nếu dương tính sẽ thay đổi kết quả chẩn đoán và phác đồ điều trị bệnh; những ca có triệu chứng Covid sẽ áp dụng các biện pháp phòng ngừa; thì sẽ được gọi là “giá trị cao” và nên xét nghiệm.
Ngược lại, những người khoẻ mạnh không hoặc ít triệu chứng, học sinh và giáo viên trong trường học, công nhân trong nhà máy, nhân viên trong công sở; sẽ được coi là “giá trị thấp” không cần phải xét nghiệm.
Theo tôi, Việt Nam nên học cách làm của Florida.
Có nghĩa là, chúng ta chỉ xét nghiệm những ca có triệu chứng, hoặc nhằm mục đích chẩn đoán trong bệnh viện như phân biệt giữa viêm phổi do Covid hay do vi khuẩn, xét nghiệm ở những người có nguy cơ mắc Covid sẽ chuyển bệnh nặng.
Với biến thể Omicron, nếu chúng ta cứ tiếp tục xét nghiệm tràn lan như hiện nay, không những rơi vào tình trạng khủng hoảng khan hiếm kit xét nghiệm mà còn khủng hoảng trầm trọng tới nguồn nhân lực lao động.
Bệnh viện sẽ không đủ người làm việc vì dương tính.
Trường học sẽ thiếu giáo viên, các cơ quan công sở thiếu nhân viên, nhà máy sản xuất thiếu công nhân; nếu như quy định phải xét nghiệm để bóc tách ca dương tính cách ly.
Khủng hoảng tiếp theo là hệ thống y tế sẽ quá tải.
Trong tuần vừa rồi, nhiều nhân viên y tế phường xã và TTYT đã chia sẻ với tôi, rằng họ đang quá sức chịu đựng, nhiều người muốn bỏ việc. Người dân tự test dương tính gọi y tế phường không được. Đi khai báo dương tính với Covid ở xã phường cũng ùn ứ, bị hẹn đi hẹn lại không đến lượt, thậm chí quy định kết quả xét nghiệm chỉ được công nhận để nhập vào danh sách báo cáo, khi người dân phải làm xét nghiệm trước mặt nhân viên y tế.
Bệnh viện điều trị và cách ly bệnh nhân Covid sẽ quá tải.
Biến thể Omicron với sức lây nhiễm gấp 500% biến thể Delta, theo tôi, chẳng quốc gia nào đủ sức mạnh ngăn cản nổi nó. Nhưng biến thể Omicron cũng là cơ hội để các nước thoát khỏi đại dịch Covid. Bởi lẽ hầu hết ca nhiễm không có triệu chứng, hoặc triệu chứng thoáng qua, bệnh nhẹ không cần phải can thiệp y tế. Bệnh nhân chỉ cần theo dõi tại nhà, dùng thuốc hạ sốt khi có sốt cao trên 38,5 độ C trong những ngày đầu, hầu hết đều ổn định sau vài ngày. Đó là lý do Nauy, Đan Mạch, rồi đến Thuỵ Điển, tiếp theo là các quốc gia châu Âu đã nhanh chóng dỡ bỏ các biện pháp kiểm dịch, coi Covid là bệnh đặc hữu, chuẩn bị công bố thoát khỏi đại dịch Covid vào đầu tháng tư này.
Theo tôi, Việt Nam cũng đã đến thời điểm coi Covid là bệnh lí đường hô hấp, tương tự như các bệnh lí đường hô hấp do các virus khác gây nên. Có nghĩa là trả Covid về cho tuyến y tế điều trị. Các bệnh viện đa khoa sẽ thành lập khoa Covid, hoặc ít nhất là đơn nguyên chẩn đoán và điều trị bệnh nhân Covid, thậm chí có những khoa dành riêng phòng điều trị bệnh nhân Covid.
Công việc chẩn đoán và điều trị giao cho bác sĩ lâm sàng.
Nếu cứ mắc kẹt trong cái bẫy mang tên “Đại dịch Covid-19”, khi mà biến thể Omicron đang bắt đầu tấn công ồ ạt, thì chúng ta sẽ đối mặt với khủng hoảng khan hiếm nghiêm trọng về kit xét nghiệm, khủng hoảng nguồn nhân lực lao động, khủng hoảng về hệ thống y tế với nguy cơ đổ vỡ. Nên thay đổi quan niệm về dịch bệnh để không bị khủng hoảng./.