Chuyển đổi số (CĐS) không chỉ tác động đến tổ chức hay doanh nghiệp mà còn tác động đến các nhóm đối tượng như khách hàng, đối tác, nguồn nhân lực, kênh phân phối.Với tác động toàn diện trong đời sống, CĐS được sử dụng rộng rãi khiến khái niệm này dễ bị nhầm lẫn với khái niệm khác như số hóa và ứng dụng số hóa . Bài viết đề cập đến những khía cạnh này.
Sự khác biệt giữa số hóa với chuyển đổi số và giá trị mang lại
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong nền kinh tế thị trường. Để thích ứng với CĐS, đòi hỏi nhà sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng phải phân biệt được dữ liệu số hóa và chuyển đổi số; nhưng trong thực tế triển khai vẫn có nhiều lúng túng, thậm chí còn mơ hồ giữa khái niệm số hóa và CĐS, có sự nhầm lẫn giữa số hóa dữ liệu với số hóa quy trình. Đa số doanh nghiệp Việt Nam mới ở giai đoạn đầu số hóa, chỉ một số ít CĐS thành công.
Số hóa (Digitization) được hiểu là việc biến đổi các giá trị thực sang giá trị số hay chuyển đổi thông tin từ dạng vật lý analog sang dạng kỹ thuật số, biểu hiện bằngi các dãy số nhị phân 0 và 1. Những thông tin số hóa được đưa lên hệ thống máy tính và xử lý bằng các phần mềm, giúp cho việc lưu trữ và tìm kiếm dễ dàng.
Số hóa quy trình (Digitalization) là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các quy trình vận hành, giúp quá trình xử lý thông tin trở nên đơn giản hơn, góp phần tăng hiệu suất công việc cho nhân viên và doanh nghiệp. Về bản chất, số hóa quy trình là cấp phát triển cao hơn số hóa dữ liệu, nó đã bao hàm cả những yếu tố “số” để làm thay đổi cách làm nhằm mang lại hiệu quả cao hơn.
CĐS bắt nguồn từ sự giao thoa giữa điện toán đám mây (Cloud), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI). Ngày nay, CĐS đóng vai trò sống còn trong các ngành công nghiệp. Người ta dã mô tả CĐS là sức mạnh của công nghệ áp dụng vào mọi khía cạnh của dời sống, hoặc nhắc đến CĐS như là việc vận dụng công nghệ vàò phân tích nâng cao, nhằm tạo ra giá trị kinh tế và sự linh hoạt về tốc độ.
Để làm rõ khái niệm CĐS cần phân biệt rõ số hóa dữ liệu và số hóa quy trình. Số hóa dữ liệu là quá trình chuyển đổi dữ liệu từ dạng analog sang định dạng kỹ thuật như chuyển thành file mềm trên máy tính những giấy tờ hoặc ghi chú trên giấy, nhập lên bảng tính Excel hay báo cáo giấy chuyển thành file PDF; còn số hóa quy trình là quá trình xử lý dữ liệu để đơn giản và tự động hóa việc cần làm như sử dụng phần mềm CRM, HRM… để tối ưu hóa quy trình làm việc; sử dụng phần mềm để thu thập và phân tích dữ liệu thời gian thực.
Theo nhiều nhà phân tích, dữ liệu số đã mang lại cho doanh nghiệp hiệu quả lớn theo cấp số nhân, nhưng hệ thống và quy trình kinh doanh vẫn được thiết kế xoay quanh các ý tưởng tương tự về cách tìm, chia sẻ và sử dụng thông tin như cách đã làm trước đó…
Tác động mà internet và ứng dụng công nghệ số trước đây mang lại chủ yếu là số hóa năng lực hiện có. Nói một cách đơn giản đó là giao việc cho một loại “nhân viên” mới là máy tính. nhưng chưa làm thay đổi được các quá trình đang bị thay thế. Những gì xảy ra với số hóa đơn giản chỉ là sự thay thế hồ sơ trên giấy từ analog sang digital.
Chuyên gia Dion Hinchcliffe cho rằng: “Số hóa là sử dụng công cụ kỹ thuật số để tự động hóa và cải thiện cách làm việc hiện tại mà không làm thay đổi bản chất của nó hay tạo ra luật chơi mới”. Còn chuyển đổi số là một quá trình biến đổi uyển chuyển từ cách làm hiện tại sang một cách làm hoàn toàn khác biệt. Trong một số trường hợp, CĐS thay thế hoàn toàn các bộ phận của doanh nghiệp và cách thức vận hành để thu được nhiều giá trị hơn so với kiểu kinh doanh quy mô nhỏ, đòn bẩy thấp”.
Nếu chỉ đầu tư vào công nghệ nhằm số hóa các chức năng và quá trình hiện tại thì không đủ để chuyển đổi thực sự một doanh nghiệp hay một ngành nghề. CĐS là điều kiện cần, nhưng chưa đủ; nó đòi hỏi phải có sự thay đổi mang tính cách mạng đối với các quá trình cạnh tranh then chốt. Để chuyển đổi số ,mọi tổ chức đều phải xem xét lại việc đã làm, từ hệ thống nội bộ đến tương tác khách hàng cả trực tuyến và trực tiếp để đặt ra những vấn đề cần làm như thay đổi quy trình theo cách cho phép ra quyết định và đạt hiệu quả thay đổi tốt hơn. Chuyển đổi số cần các tổ chức phải theo dõi xu thế, liên tục thử nghiệm, thích nghi và hoạt động giáo dục đào tạo phải hướng vào trang bị kỹ năng mới cho cả đội ngũ lãnh đạo hiện tại và những người sẽ trở thành lãnh đạo tương lai. Các tổ chức thực hiện CĐS thường tập trung vào thu hút khách hàng thông qua trải nghiệm trên nhiều loại hình.
Người tiêu dùng ngày nay có nhiều lựa chọn; các doanh nghiệp không chỉ cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ sáng tạo mà còn phải cung cấp những tương tác và trải nghiệm có ý nghĩa làm hài lòng và thúc đẩy lòng trung thành với thương hiệu của khách hàng. Về phía nhà cung cấp, việc làm không chỉ là đưa ra những ứng dụng và thiết bị mới nhất, mà là tạo ra những trải nghiệm đầy đủ cho nhân viên của mình. Các công ty đầu tư vào trải nghiệm của nhân viên luôn có lực lượng lao động năng suất, gắn kết là những tác nhân dẫn đến trải nghiệm khách hàng tốt hơn. Chuyển đổi số giúp các tổ chức cung cấp không chỉ là công cụ cần thiết mà đã chỉ ra cách để mọi người đều có thể truy cập tức thì vào mọi thứ họ cần từ khắp mọi nơi. Theo đó, tối ưu hóa quy trình là việc sắp xếp hợp lý công việc, quy trình kỹ thuật số và những tác vụ tự động để tạo ra hiệu quả cao hơn. Chuyển đổi số không chỉ là đi đầu về công nghệ, mà còn tạo ra một cơ sở hạ tầng cần thiết để liên tục giúp các công ty đổi mới và thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng về nhu cầu của người tiêu dùng.
Từ những phân tích trên đây có thể thấy, lợi ích mà chuyển đổi số mang lại cho doanh nghiệp và xã hội rất to lớn. đây là những lợi ích ở cấp độ của một cuộc cách mạng công nghiệp. Những công nghệ mới được vận dụng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy cải thiện môi trường và kéo dài thêm chất lượng cuộc sống con người. Chuyển đổi số có tác động sâu rộng đến các ngành công nghiệp, không chỉ đơn thuần ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và việc làm, mà còn tạo ra lợi ích về môi trường, và nâng cao giá trị doanh nghiệp và xã hội trong tương lai..
Chuyển đổi số -quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện dựa trên thành tựu cách mạng công nghệ 4.0
Giới nghiên cứu cho rằng, CĐS là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về lối sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số. Là sự sáng tạo phá hủy, mang tính tiến hóa, CĐS giống như quá trình thay đổi từ nhộng thành bướm, khi con ngài tự vận động, xé rách cái kén để trở thành con bướm bay lên. Đây được coi là sự khác biệt giữa ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Ứng dụng công nghệ thông tin là tối ưu hóa quy trình theo mô hình hoạt động đã có, để cung cấp những dịch vụ đã có. Còn chuyển đổi số là thay đổi quy trình, thay đổi mô hình hoạt động để cung cấp dịch vụ mới tốt hơn hoặc dịch vụ đã có theo cách mới.
Trên 30 năm qua, nhân loại đã từng chứng kiến 3 làn sóng công nghệ mới, mỗi làn sóng thường kéo dài khoảng 15 năm. Làn sóng thứ nhất, từ năm 1985 đến năm 1999, gắn với sự phổ biến của máy vi tính, đây là làn sóng số hóa thông tin, chuyển các tài liệu từ bản giấy sang bản điện tử. Làn sóng thứ hai, từ năm 2000 đến năm 2015, gắn với sự phổ biến của Internet, điện thoại di động và mạng viễn thông di động, được gọi là làn sóng số hóa, tin học hóa các quy trình nghiệp vụ để nâng cao năng suất và hiệu quả.Làn sóng thứ ba, từ năm 2015 và được dự báo đến năm 2030, gắn với sự phát triển đột phá của công nghệ số, có thể gọi là làn sóng chuyển đổi số. Làn sóng này đưa các hoạt động từ xã hội thực lên không gian mạng, từ môi trường truyền thống lên môi trường số với 4 công nghệ tiêu biểu thúc đẩy đó là trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, dữ liệu lớn và điện toán đám mây.
Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số, hiểu theo nghĩa hẹp, là một bước phát triển cao hơn của công nghệ thông tin, cho phép tính toán nhanh hơn, xử lý dữ liệu nhiều hơn, truyền tải dung lượng lớn hơn với chi phí rẻ hơn. Có thể thấy, chiếc điện thoại thông minh ngày nay có năng lực tính toán cao hơn gấp hàng nghìn lần so với chiếc máy chủ điều khiển có cách đây hơn 50 năm. Chính sự phát triển đột phá của công nghệ đã cho phép CĐS thực hiện một cách tổng thể và toàn diện mà trước đây không thể có được. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) được cho là bắt đầu từ thập kỷ này với các đột phá và cộng hưởng của công nghệ số. Đây là cuộc cách mạng thông minh hóa dùng máy móc thay cho lao động trí óc,được thể hiện qua Trí tuệ nhân tạo. Internet vạn vật, Điện toán đám mây và Dữ liệu lớn
Về trí tuệ nhân tạo
Là những nỗ lực làm cho máy móc có năng lực của trí tuệ con người. Xét theo nghĩa rộng, thì trí tuệ nhân tạo còn phải tiếp tục phát triển lâu dài để tới gần hơn trí tuệ con người. Theo nghĩa hẹp nhằm “tăng cường năng lực trí tuệ con người”, thì trí tuệ nhân tạo đã có bước tiến lớn trong vòng 2 thập kỷ vừa qua. Ở đây máy học, một nhánh của trí tuệ nhân tạo, có mục tiêu làm cho máy có khả năng học tập như con người dựa trên dữ liệu. Do dữ liệu ngày càng nhiều, năng lực tính toán ngày càng mạnh, nên đã tạo ra những phát triển đột phá trong máy học, gọi là kỹ thuật học sâu. Người ta đã ví trí tuệ nhân tạo như là hệ thần kinh của con người.
Internet vạn vật (IoT)
Là mạng lưới kết nối vạn vật với nhau để làm những công việc tương tự. Đồ gia dụng, như quạt điện, lò vi sóng hoặc cành cây, ngọn cỏ đều có thể kết nối tương tác lẫn nhau nhờ vào những cảm biến có kích thước nhỏ, gọn với chi phí thấp, tiêu thụ năng lượng ngày càng ít và có năng lực tính toán ngày một cao. (IoT) đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa môi trường thực và môi trường số, có thể ví nó như các giác quan của con người.
Dữ liệu lớn (Big data)
Trong xã hội số, hàng ngày lương dữ liệu sinh ra từ điện thoại thông minh, thiết bị và cảm biến kết nối vạn vật có thể tương đương với dữ liệu lưu trữ trong hàng tỷ đĩa DVD. Nếu công nghệ trước kia cần một thời gian rất dài để xử lý dữ liệu như vậy thì công nghệ số hiện nay cho phép xử lý, phân tích trong khoảng thời gian ngắn hơn rất nhiều để trích rút ra thông tin, tri thức hoặc đưa ra quyết định một cách phù hợp. Có thể ví Big data như não bộ của con người.
Điện toán đám mây
Là công nghệ cho phép năng lực tính toán của những máy chủ ảo, gọi là đám mây. Trên Internet của nhà cung cấp, thay vì những máy chủ để mọi người kết nối, sử dụng như là dịch vụ cần, điện toán đám mây giống như lưới điện.Thay vì cá nhân, hộ gia đình hoặc doanh nghiệp phải đầu tư máy chủ tính toán của riêng mình, họ có thể sử dụng dịch vụ điện toán đám mây, giống như điện lưới, sử dụng đến đâu trả chi phí đến đó mà không phải bận tâm tới việc vận hành, quản lý.Có thể ví điện toán đám mây như là cơ bắp của cơ thể con người.
Thay cho lời kết
Mặc dù có nhiều khả năng mở rộng bằng công nghệ hiện đại, nhưng khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số lại là thay đổi thói quen, Thách thức lớn nhất của chuyển đổi số là có nhận thức đúng. Loài người đã quen với môi trường thực từ nhiều thế kỷ, chuyển sang môi trường số là thay đổi thói quen. Thay đổi thói quen là việc khó, lâu dài và phụ thuộc chủ yếu vào quyết tâm của người đứng đầu.
Chuyển đổi số chưa có tiền lệ, đó là vấn đề nhận thức chứ không phải là công nghệ, là chuyện dám làm hay không làm của người lãnh đạo, Do vậy.cần đặt nó trong bối cảnh cụ thể của từng tổ chức.
Giống như mọi thứ khác trên đời, CĐS luôn luôn có hai mặt, bởi công nghệ số là cội nguồn của những điều tốt đẹp lớn lao và cũng là nguồn gốc của những tác hại tiềm tàng. Đến nay, người ta vẫn chưa thể hình dung được hết về những điều tốt đẹp và khủng khiếp có thể diễn ra trong tương lai .
Chuyển đổi số, bắt đầu từ những đột phá về công nghệ số, nhưng chuyển đổi số không phải chỉ là công nghệ số, mà quan trọng hơn, đó là chấp nhận cái mới, Có thể coi chuyển đổi số là cuộc cách mạng về tư duy, nhận thức, thể chế, chính sách nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ./.