​​​​​​​Chuyện du học

 Nhưng mà sự đời chẳng học hết chữ ngờ. Hai cháu học khá và giỏi, tốt nghiệp đại học là chúng có việc làm ngay. Cuộc sống của chúng đã ổn định. Thằng đầu đã có vợ, có con. Tất nhiên vợ người nước ngoài. Cháu đích tôn của tôi là Henri Nguyễn. Ông nở một nụ cười méo xệch khó mà hiểu được cảm xúc của ông.

du-hoc-1632565916.jpg 

Phải nói rằng ở cái tuổi về hưu, ''rửa tay gác kiếm'' mọi chức phận thì Tết đến Xuân về nhớ làng quê đến còn cào gan ruột. Ở Hà Nội những ngày Tết buồn hơn ở trên rừng, mỗi khu chung cư còn lèo tèo vài người không có điều kiện về quê, hoặc có về quê cũng không còn mấy anh em ruột thịt. Những người có điều kiện thì đổ về quê hết .Đường phố trống vắng chẳng khác nào như những ngày giãn cách vừa qua, tôi nằm trong số những người không có điều kiện về quê ăn Tết. Vì vậy vừa xuống đến sân chung cư đầu Xuân năm mới tôi và ông lão áng chừng 80 tuổi tay bắt mặt mừng với nhau ngay. Thế là tôi được ông mời lên chơi nhà đầu xuân. Sau ly rượu mừng, chẳng hỏi ông cũng vào chuyện ngay:

  - Trước khi về hưu, tôi là Tổng Giám đốc một Công ty xây dựng. Làm ăn, thu nhập rất khá. Tiền tiêu không hết. Vợ chồng tôi bàn và thỏa thuận với nhau : Đầu tư cho con cái học hành là đầu tư hiệu quả nhất, đúng đắn nhất. Thế là chúng tôi có hai đứa, tôi bỏ tiền cho cả hai đi du học ở Anh cả hai. Những cái Tết chúng đi du học, vợ chồng tôi về quê đều hả lòng hả dạ với bà con cô bác vì đã lo con cái hơn mọi người. Ông chú tôi cứ tấm tắc ''Anh chị lo cho các cháu như vậy là đi tắt đón đầu rồi''.

 Nhưng mà sự đời chẳng học hết chữ ngờ. Hai cháu học khá và giỏi, tốt nghiệp đại học là chúng có việc làm ngay. Cuộc sống của chúng đã ổn định. Thằng đầu đã có vợ, có con. Tất nhiên vợ người nước ngoài. Cháu đích tôn của tôi là Henri Nguyễn. Ông nở một nụ cười méo xệch, khó mà hiểu được cảm xúc của ông.

Tợp một chút rượu ông lại tiếp tục trút bầu tâm sự:

- Ngày bà ấy đổ bệnh tiểu đường phải vào nằm viện do biến chứng, tôi có viết thư ngỏ ý nên có một đứa về nước khi bố mẹ đều ''gần đất, xa giời, các con bàn với nhau nhé''. Chúng đều trả lời là không thể về hẳn vì với đồng lương khởi điểm ở trong nước như hiện nay chúng không sống nổi, bố mẹ không thể chu cấp cho các con được nữa. Chúng nói không sai.

 Cái ngày tưởng bà ấy ''đi'' hai đứa đều về cả, Chúng đều trình với tôi cái vé lượt đi sang Anh chúng đã đặt rồi. Lại cũng không thể khác được. Công ăn việc làm là lâu dài, giờ giấc làm việc ở nước ngoài đâu có như ta. Ở nhà được vài ngày chúng đi hết, chỉ còn lại hai vợ chồng già cô đơn. Mọi ngày thường tôi ở nhà một mình, bà ấy ở trong bệnh. Tết đến cô Osin về quê ăn Tết, bà ấy lại về với tôi.

  Tiễn tôi ra cầu thang ông vỗ nhẹ vào vai tôi:

     - Hãy noi gương tôi cho tất cả các con đi du học là sai lầm đấy. Thả gà ra không đuổi được đâu.

       Tôi không nghĩ ông lão hàng xóm nói đúng cho mọi trường hợp. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Biết vậy, sao tôi cứ suy nghĩ mãi câu chuyện của ông. Mình lẩm cẩm thật rồi!