Ngày ấy, chúng tôi lao động làm doanh trại ở Văn Chấn, Yên Bái. Đại đội Thông tin 17, Trung đoàn 246 đóng quân dã ngoại ở các gia đinh công nhân lâm trường chè Trần Phú. Tôi và Hiên Giang Bảo ở nhà chị Thuyết, Đội sản xuất số 1. Chị chủ nhà cứ băn khoăn “Tại sao không cho hai chú ở hai gia đình khác nhau, ở cùng thế này gọi một người thì cả hai cùng thưa!”. Anh chủ nhà là cán bộ về nghỉ phép thì nói đùa: “Hai chú này giống như hai con dê, cùng tên tuổi, ở cùng nhau, luôn “húc nhau” nhưng vẫn thân thiết với nhau thế…”. Đúng như anh chủ nhà nhận xét. Hai thằng chúng tôi cùng tên, cùng tuổi, cùng nhập ngũ, cùng ở một tiểu đội, chỉ khác quê quán. Giang Bảo quê ở Thái Nguyên, còn tôi ở Vĩnh Phúc. Điểm khác thứ hai là tôi là người Việt, còn Giang Bảo là người Việt gốc Hoa. Ngày còn là tân binh chúng tôi cũng cùng ở đơn vị huấn luyện ở Đại Từ, Thái Nguyên, cách nhà Giang Bảo hơn một cây số. Mỗi khi được nghỉ, Giang Bảo hay nháy tôi: “Trọng Bảo ơi! Về nhà kiếm cái gì ăn đi!”. Thời ấy lính đói lắm. Mỗi khi được nghỉ tôi hay theo Giang Bảo về nhà. Bà mẹ Giang Bảo có cái gì ăn đều để phần chờ chúng tôi về. Khi thì vài củ sắn, bắp ngô, hai cái bánh bao hoặc hai nắm bột mỳ luộc. Nhà nghèo nhưng mỗi lần thấy chúng tôi về bà mẹ Giang Bảo vui lắm. Bà mẹ nghèo rưng rưng nhìn hai thằng lính chúng tôi chia nhau đồ ăn.
Khi đi lao động ở Yên Bái chỉ huy phân công hai chúng tôi ở cùng một nhà. Hai chúng tôi hay tranh luận, ý kiến luôn trái ngược nhau nhưng rất thân nhau. Chúng tôi có một điểm chung là đều thích hoa phong lan. Lính tráng lao động rất vất vả, ăn uống thì thiếu thốn. Chúng tôi làm việc suốt ngày đêm cuốc đất, san nền nhà, chặt nứa đan tranh lợp nhà, đan sạp làm giường ngủ. Những ngón tay đan tranh cà vào vỏ cây nứa nhiều đến nỗi các móng tay bị mòn thấu đến thịt chảy máu, rất đau phải dùng giẻ buộc lại để tiếp tục đan. Làm việc vất vả vậy nhưng hôm nào được nghỉ là chúng tôi lại rủ nhau đi tìm phong lan. Ngày ấy rừng già còn nhiều, phong lan cũng nhiều nhưng trên cây cao rất khó lấy. Một lần, tôi và Giang Bảo trèo lên một cái cây chết khô để lấy một giò lan rừng đang nở hoa rất đẹp. Lúc leo lên đã khó, lấy được lan rồi xuống còn khó hơn. Cái cây mục đung đưa khi gió mạnh như sắp đổ. Giang Bảo đạp vào một cành cây khô mục. Cành cây gãy nó ngã nhào xuống đám dây leo chằng chịt khiến tôi hoảng sợ quá. May mà nó không sao. Lần ấy lấy được khóm lan đẹp về ghép vào cành nhãn vườn chủ nhà. Đi rừng khai thác tre nứa, gỗ lấy được lan chúng tôi đều đem về ghép vào những cây nhãn trong vườn. Chị chủ nhà bảo: “Không chăm được đâu!”. Nhưng lan rừng sức sống rất khỏe, chẳng cần chăm sóc vẫn phát triển tốt. Cũng tôi và Giang Bảo mải lấy hoa lan ven suối khi nước lũ bất ngờ đổ về đánh tan bè nứa trên Ngòi Lao, suýt nữa bị nước cuốn xuống vực. Cuối năm 1978, tình hình quan hệ hai nước Việt-Trung căng thẳng, Hoa kiều và người gốc Hoa chạy về nước. Giang Bảo được cho ra quân. Gia đình Giang Bảo không chạy về Trung Quốc mà vẫn ở lại Việt Nam. Do đó mà tôi và Giang Bảo không xảy ra tình huống “chĩa súng vào nhau” khi chiến tranh biên giới phía Bắc 2-1979 nổ ra. Sau chiến tranh biên giới tôi về Thái Nguyên ôn thi đại học Giang Bảo còn đến thăm. Vài năm sau đó Giang Bảo mất vì một căn bệnh hiểm nghèo.
Trở về vườn quê, ngắm hoa phong lan rừng tôi lại nhớ tới người bạn cũ cùng tên và bao nhiêu đồng đội từ thời chiến sĩ gian lao giữa rừng Yên Bái, Hà Giang. Về vườn quê tôi vẫn có thể trồng lan, hằng ngày làm việc trực tuyến qua Internet, hoàn thành công việc được giao và bắt đầu cho một sáng tác mới. Đó là viết cho xong cuốn tiểu thuyết “Hai nửa cuộc đời” viết về một nhân với hai nửa cuộc đời sáng - tối. Khi còn là người lính anh tỏa sáng trong chiến tranh với nhiều chiến tích. Nhưng nửa cuộc đời còn lại trong thời bình của anh là bóng tối. Trong chiến tranh kẻ thù ở phía trước mặt dễ nhận biết. Thời bình thì kẻ thù ở sau lưng, ở xung quanh và ở chính trong ta rất khó phân biệt. Chiến tranh với các mặt trận ác liệt, cam go nhưng làm nên anh hùng, còn thời bình lại là những "ma trận" của quyền lực, tham vọng và sự êm ái cám dỗ người ta sa ngã…
Hương hoa phong lan thơm miên man quá khiến tôi cũng quá lan man. Xin dừng bút tại đây để mời các bạn ngắm hoa phong lan đang nở ngập tràn trong vườn nhà tôi hôm nay…
Vĩnh Phúc, ngày 11/4/2022