Đó là nỗi niềm thao thức của rất nhiều người Việt Nam khi có người thân mất. Tôi cũng vậy. Khi còn là một chàng trai trẻ, chứng kiến cái chết của ông bà, người thân, tôi đã luôn tự hỏi: “Chết đi về đâu? Người thân mình sẽ về cảnh giới nào? Có nên gọi hồn để hỏi không? Làm thế nào để hương linh họ siêu thoát?... Vì thế, sau này, khi trở thành một nhà báo, có duyên với tâm linh, hàng ngày được tiếp xúc, làm việc với các nhà ngoại cảm nổi tiếng, có khả năng giao tiếp với cõi âm, tôi đã rất háo hức, mong muốn vén bức màn tâm linh kỳ bí ấy với biết bao nhiêu kỳ vọng. 15 năm nghiên cứu, khám phá về thế giới tâm linh huyền bí ấy, tôi đã thấy, đã ngộ nhiều điều. Song có những câu hỏi lớn cho mình, cho gia đình mình, cho dân tộc mình, trong đó, một trong những câu hỏi quan trọng nhất: “Làm thế nào để người thân mình đã mất được siêu thoát?” tôi vẫn chưa trả lời được. Các nhà ngoại cảm cũng chưa ai giải đáp cho tôi một cách thấu đáo, thuyết phục.
Những phương thức độ cho người mất có thể siêu thoát
Phải đợi mãi đến năm 2013, khi tôi được Thiền sư Thích Nhất Hạnh mời đi Mỹ cùng Thầy trong chuyến hoằng Pháp đạo Phật dọc nước Mỹ. Suốt 3 tháng được nghe pháp, học giáo lý, thực hành chánh niệm… Rồi khi trở về Việt Nam, tôi vẫn không ngừng tu tập, nghiên cứu, đặc biệt là giáo lý Phật giáo nguyên thủy… Với những thực chứng, trải nghiệm cá nhân mình, nhờ nghiên cứu giáo lý, sách vở, bằng tham khảo ý kiến của các bậc chân tu, đến hôm nay, tôi mới tìm ra những con đường, phương pháp có thể giúp cho ông bà, cha mẹ, tổ tiên mình siêu thoát.
Phương thức đầu tiên, hữu hiệu nhất, là tổ chức lễ cầu siêu phả độ gia tiên. Cầu siêu trong Phật giáo là pháp thức cầu nguyện ơn trên Tam bảo từ bi tiếp độ, tu tạo công đức để hồi hướng, và quan trọng nhất là vận dụng thần lực của tiếng kệ lời kinh khai thị giúp cho hương linh tỉnh thức mà xả bỏ lầm mê, sinh về Tịnh độ hay sinh lên những cảnh giới an lành. Pháp thức cầu siêu cần hội đủ 4 yếu tố.
Thứ nhất: Chư Phật, chư Đại Bồ Tát từ bi tiếp độ.
Thứ 2: Chư Tăng (Ni) nhất tâm dốc lòng cầu nguyện, kệ kinh và khai thị.
Thứ 3. Con cháu phát tâm chí thành, hết lòng hết sức hộ niệm và làm phước để hồi hướng cho hương linh.
Thứ 4: Hương linh nương vào oai lực của Tam bảo, phước đức của gia đình hồi hướng cho, rồi tự tỉnh thức, giác ngộ mà siêu sanh.
Trong bốn yếu tố trên, ba yếu tố đầu rất quan trọng. Cầu siêu phải có tâm thành kính. Trước hết chúng ta phải có tình thương và lòng kính trọng người đã khuất mà thực hành pháp sự siêu độ. Tình thương đó phải chân thành, biết đau xót và rung cảm trước cảnh khổ đau của người đã qua đời. Đó là tiếng chuông giao cảm Phật lực gia trì tâm nguyện của mình. Tình thương ấy chúng ta tìm thấy được qua hình ảnh các thánh giả đã từng cứu độ vong nhân.
Ai đã đọc kinh Vu Lan mới thấy giọt nước mắt của ngài Mục Kiền Liên đã khóc vì thương mẹ đến cầu Phật chỉ dạy pháp cứu độ. Giọt nước mắt của Quang Mục và Thánh nữ Bà la môn trong kinh Địa Tạng khóc vì thương mẹ mà Phát tâm Bồ đề, nguyện thành Phật độ chúng sanh. Những giọt nước mắt ấy là tình thương, là tâm từ bi. Khi có tâm ấy mà cúng dường Tam Bảo, cúng dường Trai Tăng, hay cúng dường chùa chiền và tất cả điều lành khác đều có hiệu ứng thiết thực. Do có tâm như vậy mà mẹ của ngài Mục Kiền Liên, mẹ của Quang Mục và mẹ của thánh Nữ Bà la Môn được siêu thoát.
Phương thức thứ hai là nên thường xuyên cúng dường Tam Bảo, cúng dường trai tăng, làm nhiều việc thiện nguyện… rồi hồi hướng công đức ấy cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Phương pháp này bắt nguồn từ điển tích nổi tiếng Mục Kiền Liên cứu mẹ thoát khỏi địa ngục. Chuyện rằng: Mục Kiền Liên có một người mẹ tên là Thanh Đề. Sinh thời, bà là người sống xa hoa, làm nhiều việc bất thiện, thường phỉ báng tăng chúng. Vì thế, sau khi chết, bà bị đày xuống 9 tầng địa ngục.
Mục Kiền Liên vốn là một tu sĩ thuộc đạo Bà Là Môn, sau quy y và trở thành một đệ tử lớn của Phật, được liệt vào hạng thần thông đệ nhất trong hàng đệ tử của Phật. Sau khi chứng quả A La Hán, Mục Kiền Liên nhớ về mẫu thân, bèn dùng huệ nhãn nhìn xuống cõi khổ và thấy mẹ mình bị đọa vào kiếp ngạ quỷ (quỷ đói) nơi địa ngục A Tì. Nhìn mẹ thân hình tiều tụy, đói không được ăn, khát không được uống, Mục Kiền Liên vận dụng phép thần thông đến với mẹ và dâng cơm cho mẹ ăn. Nhưng ác nghiệt làm sao, những hạt cơm cứ gần tới miệng mẹ thì bỗng hóa thành lửa. Không có cách nào khác, Mục Kiền Liên trở về bạch chuyện Đức Phật, xin được chỉ dạy cách cứu mẹ. Đức Phật dạy rằng:“Vì nghiệp chướng của các kiếp trước mà mẹ ông phải sinh vào nơi ác đạo làm loài ngạ quỷ. Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để vận động chư tăng. Hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó”. Vâng lời Đức Phật, Mục Kiền Liên thành kính đi rước chư tăng khắp mười phương về, đặc biệt là các vị đã đạt được sáu phép thần thông, nhờ công đức chú nguyện của các vị này thì vong linh mẹ Mục Kiền Liên mới thoát khỏi khổ đạo. Phật lại dạy Mục Kiền Liên sắm đủ các món thức ăn, hương dầu đèn nến, giường chõng chiếu gối, chăn màn quần áo, thau rửa mặt, khăn lau tay… dâng cúng các vị chư tăng vào đúng dịp Rằm tháng 7, lập trai đàn để cầu nguyện. Trước khi thọ thực, các vị chư tăng sẽ nhất tâm chú nguyện cho cha mẹ và ông bà bảy đời của thí chủ được siêu thoát… Mục Kiền Liên làm đúng như lời Phật dạy. Quả nhiên vong mẫu của ông được thoát khỏi kiếp ngạ quỷ mà sinh về cảnh giới lành.
Song nói như vậy, không có nghĩa là cứ làm lễ cầu siêu, cúng dường Tam bảo, làm việc thiện nguyện rồi hồi hướng cho hương linh người mất là được siêu thoát. Thực tế cho thấy, có nhiều lễ cầu siêu mà hương linh vẫn chưa siêu. Nguyên do là, chư Phật luôn từ bi tiếp độ, chư Tăng (Ni) luôn nhất tâm cầu nguyện, gia đình luôn hết lòng lo tổ chức lễ mà hương linh vì vô minh, tội nghiệp, thù oán, chấp thủ… quá nặng nề quyết không thức tỉnh, lấy khổ làm vui thì làm sao siêu thoát? Hơn thế, theo giáo lý Nhân quả-Nghiệp báo, những nỗ lực của người thân hướng về hương linh như tạo phước, cầu nguyện… chỉ trợ duyên, ảnh hưởng tốt đến hương linh được phần nào thôi chứ không can thiệp sâu vào khuynh hướng tái sinh của họ. Vì mỗi người đều phải ‘thừa tự’ nghiệp lực của chính mình. Để được giải thoát, tự thân hương linh phải tỉnh thức và hướng thiện. Không ai có thể cứu vớt chúng ta ngoại trừ những nỗ lực tu tập của chính chúng ta. Thế Tôn đã dạy: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi. Hãy tự mình nương tựa hòn đảo chính mình”.
Thời Đức Phật còn tại thế, ngày nọ, có một chàng trai trẻ tìm đến Ngài quỳ lạy mà khóc rằng: “Bạch Thế Tôn, cha con đã chết. Xin mời Ðức Phật đến nhà cầu nguyện, cứu độ linh hồn cha con để ông ấy có thể đi lên Thiên đàng. Con thấy các giáo sĩ Bà La Môn cũng cử hành những nghi thức này. Song Ðức Phật lại còn mạnh hơn họ nhiều. Nếu Ngài làm điều đó, chắc chắn hồn cha con sẽ bay thẳng về Thiên đàng”. Nghe vậy, Ðức Phật mỉm cười bảo: “Rất tốt. Con hãy ra chợ mua về cho ta hai cái bình đất và một ít bơ”. Chàng trai trẻ cúi đầu lạy tạ, trong lòng khấp khởi mừng vui vì Ðức Phật đã hạ cố thi hành phép thần thông để cứu linh hồn cha mình. Anh vội vã ra phố, mua đầy đủ các thứ mà Đức Phật yêu cầu rồi hớt hải quay trở lại. Theo chỉ dẫn của Ðức Phật, chàng trai đổ bơ vào một chiếc bình còn chiếc kia đổ đá rồi ném cả hai xuống ao. Chỉ trong tích tắc, hai chiếc bình đều chìm xuống đáy. Ðức Phật bảo: “Bây giờ con hãy lấy cây gậy và đập vỡ chúng”. Chàng trai trẻ làm theo. Hai chiếc bình vỡ tan. Bơ nhẹ nổi đầy trên mặt ao còn những hòn đá nặng thì vẫn chìm dưới đáy.
Ðức Phật mỉm cười bảo: “Bây giờ con hãy đi mời những thầy tu đến đây. Hãy nói với họ tụng kinh làm sao để bơ chìm xuống và viên đá nổi lên”. Chàng trai nhìn Ðức Phật, sửng sốt nói: “Bạch Ðức Thế Tôn! Ngài nói thật hay đùa đấy ạ? Chắc chắn không ai có thể cầu nguyện để làm cho bơ nhẹ mà chìm và đá nặng mà nổi. Ðiều đó trái ngược với quy luật tự nhiên”. Ðức Phật cười: “Này con! Nếu khi sống, cha con có một cuộc đời lương thiện thì nghiệp của ông ấy cũng nhẹ như bơ, cho dù thế nào thì ông cũng lên Thiên đàng. Không ai có thể cản được, ngay cả đến ta. Còn nếu cha con có một cuộc đời bất thiện thì cũng giống như hòn đá nặng kia, ông ấy sẽ bị chìm vào địa ngục. Dù tụng kinh nhiều đến đâu đi nữa bởi tất cả các thầy tu trên thế giới này cũng không thể làm gì khác được”.
Không nên gọi hồn người mất, nhất là thỉnh vong oan gia trái chủ
Nhiều người khi ông bà, cha mẹ mất, thường đi gọi hồn xem hương linh có siêu thoát không? Theo tôi, không nên. Bởi thứ nhất, trừ các bậc Thánh thành tựu thiên nhãn minh (biết rõ sự sanh tử của chúng sinh), hầu hết người phàm như chúng ta không thể biết được.
Thứ hai, trải qua nhiều năm nghiên cứu về tâm linh, tôi thấy, việc gọi hồn, không phải bao giờ cũng chính xác, ngay cả với những nhà ngoại cảm có khả năng đích thực. Vì đôi khi, có hiện tượng vong giả vong. Nghĩa là vong linh nhập vào nhà ngoại cảm trò chuyện với mình, không phải vong linh người thân mình. Cho nên, khi đi gọi hồn, dù đó là nhà ngoại cảm nổi tiếng đến đâu, người đi thỉnh cũng cần phải hết sức tỉnh táo. Phải căn cứ vào những thông tin mà vong cung cấp, nhất là những chi tiết “độc”, thuộc dạng “thâm cung bí sử” của đời mình, của gia đình mình mà xác định đó có phải là vong người mình cần gặp hay không?
Hơn 20 năm về trước, khi tôi bắt đầu nghiên cứu về tâm linh, chưa biết nhiều về đạo Phật, chưa tu tập theo chánh pháp, tôi cũng thường đi gọi hồn người thân. Nhưng sau này, khi biết đến đạo Phật, hành trì theo chánh pháp, tôi không bao giờ đi gọi hồn nữa và cũng thường khuyên mọi người không nên làm việc đó. Bởi tôi hiểu, người thân mình đã chết, họ thuộc về cảnh giới khác. Việc gọi họ về, chỉ khiến họ thêm luyến tiếc, nhớ nhung cõi trần, rất khó để siêu thoát. Đó là chưa kể nhiều tà ma giả làm người nhà mình nói năng, phán xét linh tinh, bừa bãi, sẽ gây những hoang mang, sợ hãi, đau khổ, đổ vỡ cho mình. Nếu thực sự mình yêu ông bà, cha mẹ, mong muốn họ siêu thoát thì hãy tích cực làm việc thiện rồi hồi hướng năng lượng ấy cho họ. Và nếu như chúng ta là người biết tu tập, hãy mời họ về tu tập cùng. Mời bằng cách nào? Không phải gọi hồn, thỉnh vong. Theo tuệ giác của thiền sư Thích Nhất Hạnh, tổ tiên, ông bà, cha mẹ không ở bên ngoài mình mà ở bên trong mình, trong từng tế bào cơ thể của mình. Vì thế, nếu như mình tu tập tốt, mỗi hơi thở, mỗi bước chân của mình có hạnh phúc, có an lạc thì tổ tiên, ông bà, cha mẹ mình sẽ hạnh phúc, an lạc theo. Mình tu cho mình nhưng mình cũng tu cho tổ tiên. Những năm gần đây, tôi luôn tích cực tu cho tôi, tu cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Mỗi khi tôi ngồi thiền, tụng kinh, nghe pháp thoại của các thiền sư hay tham gia những khóa tu, tôi đều mời tổ tiên, ông bà, cha mẹ… tu cùng tôi.
Có một thực tế đáng báo động xảy ra những năm gần đây, một số người thấy cuộc đời không được như ý muốn nên không chỉ đi gọi hồn người thân để hỏi mà còn thỉnh vong oan gia trái chủ. Việc đó, theo tôi, rất không nên làm.
Nhân quả - nghiệp báo là một trong những thuyết nổi tiếng của đạo Phật. Theo quan điểm nhà Phật, cuộc đời mỗi con người trải qua nhiều kiếp sống. Ngoài hiện kiếp – kiếp sống hiện tại, còn có tiền kiếp và hậu kiếp. Thông thường, kiếp sống hiện tại của mỗi người sẽ chịu nhiều ảnh hưởng từ tiền kiếp. Nếu muốn biết kiếp trước mình thế nào thì hãy xem quả của kiếp này. Nếu muốn biết kiếp sau thế nào thì hãy xem nhân gieo kiếp này. Phàm là con người, nhất là những người có niềm tin vào tâm linh, ít nhất một đôi lần trong đời tò mò muốn biết kiếp trước mình là ai, mình sống như thế nào? Vì thế, nhiều người đã tìm đến các ông đồng, bà cốt, thầy bói để soi căn. Song khả năng thần thông nhìn lại được quá khứ, thấy trước được tương lai là điều không dễ dàng. Chỉ có các bậc thiền định lâu năm, tu hành đắc đạo mới có thể chứng đạt được.
Khi sinh thời, đức Phật có rất nhiều khả năng thần thông, phép lạ nhưng Ngài không bao giờ đề cao thần thông bởi nó khiến cho người ta si mê mù quáng, điên đảo. Nếu bám vào nó sẽ gây trở ngại cho sự giác ngộ chân lý, giải thoát khổ đau, thoát vòng sinh tử luân hồi.
Theo Đức Phật, có ba loại thần thông. Một là, biến hóa thần thông - năng lực làm các phép lạ như bay lên không trung, đi trên mặt nước, xuyên qua vách đá, biến hình, ẩn thân… Hai là, tha tâm thần thông - khả năng biết được tâm niệm, suy nghĩ của người khác, biết tiền kiếp, hậu kiếp. Ba là, giáo hóa thần thông, năng lực giáo hóa, đưa con người từ mê đến ngộ, từ kẻ xấu thành người tốt, từ đau khổ đến an lạc. Các loại thần thông, phép lạ như biến hóa thần thông, tha tâm thần thông chẳng những không mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng mà còn gây ra nhiều tác hại một khi người sử dụng có tâm ý bất chính, lợi dụng thần thông để thỏa mãn lòng tham lam, sân hận của mình. Ví như hại người cướp của, phục vụ hoặc tiếp tay cho kẻ xấu ác, hay vì thù oán mà gây hại cho người. Bởi vậy, theo Đức Phật, thần thông không thể mang lại an lạc hạnh phúc, không thể giải thoát những khổ đau. Thần thông chỉ là kết quả của sự tu luyện tinh thần mà ai cũng có thể làm được kể cả tà ma, ngoại đạo. Thần thông không phải là tiêu chuẩn để đánh giá nhân cách, phẩm hạnh đạo đức của một con người hay mức độ tu hành, giác ngộ của người tu đạo. Chỉ có từ bi và trí tuệ mới mang lại an lạc hạnh phúc cho con người và giáo hóa thần thông mới giúp cho người khác có nhận thức và sự rèn luyện, tu tập để có được từ bi và trí tuệ.
Nói về Nhân quả, nghiệp báo, Đức Phật dạy rằng: tất cả HỌA và PHÚC đều là do NHÂN QUẢ mà thành. Bởi vậy, muốn biết quá khứ chúng ta đã gieo nhân gì thì cứ nhìn cái quả mà chúng ta đang có. Muốn biết tương lai chúng ta ra sao thì cứ nhìn cái nhân chúng ta đang gieo trồng trong hiện tại. Gieo nhân nào thì gặt quả đó. Thành công hay thất bại không do ai ban phát mà do chính chúng ta tạo nên. Tất cả đều bắt nguồn từ thân, khẩu và ý. Nhân duyên xấu do chúng ta tạo tác sẽ trổ ra quả xấu. Nhân duyên lành sẽ trổ quả tốt.
Hiểu đúng về nhân quả, tin vào nhân quả, nếu ai đó đã từng tạo nghiệp ác trong quá khứ, nay báo ứng nhân quả đến thì không nên sợ hãi, buồn rầu, khóc lóc, chỉ cần bình thản đối diện, tin sâu Phật pháp, chí tâm tu hành, nhất định sẽ chuyển xoay ác cảnh thành thiện cảnh. “Ác hữu ác báo, thiện hữu thiện báo”. Những gì chúng ta tạo tác hành động, từng cử chỉ, từng niệm khởi, theo sau đều có quả báo. Tất cả mọi nỗi thống khổ của con người chẳng phải do ông Trời làm ra mà chính là do những tư tưởng xấu, hành động ác do chính con người đã tạo trong đời này hay đời trước. Muốn cải đổi vận mệnh chỉ có một con đường duy nhất là năng làm việc lành, tích chứa âm đức, không sát sinh, làm lợi cho người. Còn nếu có duyên nữa, tinh tấn tu hành, đắc được Phật pháp thì sẽ tìm thấy con đường thoát khổ siêu sinh. Vì thế, theo tôi, việc thỉnh vong để giải nghiệp là việc làm trái với giáo lý nhà Phật, chúng ta không nên làm.
Cầu mong ai cũng có một vị Phật vững chãi trong Tâm để quay trở về “hải đảo tự thân”, nương tựa vào chính mình, để không phải hớt hải, sợ hãi, hoang mang, giao tính mạng mình, tài sản mình, tương lai của mình vào tay ông thầy bà cốt nào đó.
Cầu mong cho tất cả mọi người tâm luôn an để thế giới an. Tâm luôn bình để thế giới bình.
Trích trong tập phóng sự “Nhân quả và Phật pháp nhiệm màu” tập 3, dự kiến phát hành ngày 12/ 7/2021.