Nhiều người bảo ở quê chẳng đi làm ăn công cán gì mà “mật độ” ăn cỗ dày không kém người thành phố, người lắm mối quan hệ. Trước kia có cỗ chỉ mời gói gọn cô dì chú bác họ hàng; giờ mời rộng sang cả hai bên thông gia, bà con chòm xóm.
Ảnh minh họa nguồn internet
Trước cỗ đơn giản năm, ba mâm; giờ càng nhiều mâm càng… oách. Trước cỗ đơn giản, gọi là có chén rượu nhạt, con gà, đĩa đậu; giờ có nhà ngả cả con lợn. Trước cỗ ăn vào giờ trưa; nay từ tám, chín giờ sáng đã bắt đầu, thành ra nhiều người quá chén, mất việc cả ngày v.v…
Có một điều thay đổi đáng kể nữa là tập tục đi ăn cỗ ở nhiều làng quê giờ cũng khác. Trước ăn cỗ giỗ nhiều người mang thẻ hương, ít hoa quả làm lễ; nay cứ phong bì đi cho tiện. Trước cỗ cưới nhiều nơi nhiều nhà, dòng họ tổ chức góp gạo mừng; nay cũng đơn giản hóa, đưa vào phong bì tất. Thành thử ra, cái gì cũng quy ra phong bì trong khi ở quê, có phải ai cũng có lương hưu, có thu nhập để làm phong bì.
Xem ngay: Dịch vụ viết content Xuyenvietmedia
Cứ tính toán một tháng vài đám cỗ quê: Cỗ cưới, cỗ giỗ, cỗ nhà mới, cỗ đầy tháng, cỗ đồng tuế, đồng ngũ, đồng học… chưa kể thăm hỏi đau ốm, không ít người “méo mặt”, phải đi vay tiền đi ăn cỗ. Mà không đi không được, trong làng ngoài xã nay giáp mặt, mai gặp mặt, không đi khó ăn khó nói.
Về cơ bản, ai cũng muốn thay đổi, giản tiện hóa việc ăn uống ở quê. Bởi vừa phải lo tiền đi ăn cỗ, vừa lo có tiền làm cỗ để mời xóm làng, một vòng quay luẩn quẩn, mỏi mệt nhưng để cải tiến hay buông bỏ lại không ai dám làm.
Các làng, xã, địa phương đang xây dựng nông thôn mới. Có lẽ ngoài những tiêu chí cứng mang tính pháp lệnh, nên chăng thay đổi thói quen và cải tiến việc ăn cỗ ở mỗi làng quê sao cho đơn giản, tiết kiệm và thực sự chân thật. Chứ cứ bệnh "thành tích", làm cỗ to mà cũng là một sự trả nợ miệng nhau, mệt mỏi lắm thay!