Thời ấy nhà nào chả phải xay thóc giã gạo thì mới có cơm ăn. Trấu để ủ cám lợn, mà cám lại do giã gạo sàng sảy mà có. Đồ tre đan trong gia đình ngày xưa đa phần liên quan đến chế biến hạt thóc, đồ đựng thúng, mủng, dần, sàng, nong, nia, rổ, rá. công cụ sản xuất, đánh bắt: đơm, lờ, đó, dập, giỏ, nơm, bồ... Làm ra hạt gạo còn cần có cối xay thóc và cối giã gạo, nhà sang thì thêm quạt hòm. Để có bữa ăn vài ngày lại cặm cụi từ quạt, xay, giã, dần sàng, sẩy...Vì lẽ ấy, thời xa xưa đóng cối xay lúa là một nghề kiếm ra tiền, lại còn được trọng vọng gọi là Ông Phó Cối. Hồi tôi còn nhỏ, Mẹ thuê thợ sửa chữa cối xay thóc bị trục trặc, tôi thích xem trong 2-3 ngày, thợ nhào trộn thứ đất thịt màu gan gà cho mịn nhuyễn, lèn vào vành nan thớt dưới, lật thớt trên lên úp xuống nạo thành hình phễu nhẵn nhùi nhụi cho thóc chảy tuôn tuồn tuột xuống mặt thớt cố định ở bên dưới. Đất để đóng cối xay thường lấy ở tổ mối đùn để luyện. Thấy họ tỷ mẩn chẻ dăm, chọn lựa độ dày mỏng, đóng chia lô cho cân và dùng búa gỗ đóng dăm thành hàng... cái mục đóng dăm cối nêm chèn chặt dăm, phải có trình mới đóng được. Phải có thợ chuyên nghiệp mới đóng được cối xay vừa nhẹ lại bóc được hạt lúa không bị nát và ít lỗi. Ngày sửa cối xay tại gia cần bện đủ 2 bữa cơm rượu tươm tất cho thợ- nếu không thì cối hay bị bảo hành, hay chóng là hỏng lắm đấy.
Không phải nhà nào cũng có cối xay lúa đâu nhé, phần nhiều là đi xay nhờ hàng xóm, giả công bằng cám-trấu-gạo cho gia chủ đỡ thiệt thòi. Đất đóng cối thừa ra, trẻ con "mót" nhào nước làm pháo đất nổ to lăm. Ngày xưa có biết bao câu chuyện về ông Phó cối.
- Quần nâu áo nâu có 2 túi nơi vạt áo to đùng, quẩy toòng teeng gánh có 2 sọt đựng dăm, búa gỗ, nêm sắt, mồm rao thủng thẳng nhát gừng "Ai đóng cối đê". Ăn khoẻ như Phó Cối. Thấy đứa trẻ nào khác bụ bẫm 1 tý là khen: con ông Phó cối à? Chả biết cơ duyên làm sao, các ông phó cối đa số là nhiều vợ, có ông tỉnh nào cũng có vợ. Đến nhà người làm 1 cái cối có khi 2 ngày trờ lên, nhận tiền công xong xuôi, ghim kim băng túi tiền (tiền công hồi đó cao lắm), bác Phó cối còn hẹn ngày trở lại lần sau.
- Mẻ đầu tiên hay bị "đớn"- hạt gạo vỡ nhiều lắm, gạo tấm ăn ngon nhưng không nở (mà thời xưa gạo không nở thì bát cơm định xuất sẽ vơi). Xay cối mới tất cối nó lồng lên cồng cộc, chối tay lắm, vài mẻ sau thì êm dần dần.
Một thời chúng tôi đứa nào cũng nổi gân đít+mắm môi mắm lợi+thót bụng kéo giằng cối xay lúa. Xay lúa là mệt lắm, có khi 2 đứa trẻ chung tay kéo giằng cối xay. Để có được mẻ gạo "thổi cơm" cũng lắm công đoạn:
+Thóc phơi khô nỏ thì xay ít bị đớn
+Đổ thóc trong Bồ lúa ra xay, dùng sàng tách trấu. Cái sàng mắt lưới thưa, hạt gạo có thể lọt xuống: tách gạo thô và trấu. Dùng nia đựng hỗn hợp gạo trấu, dùng Mẹt sẩy trấu.
+Cái Dần dùng để tách cám sau khi giã gạo xong. Cái dần mắt đan lưới mau hơn, chỉ có cám và tấm lọt qua, dùng để tách gạo và cám. Gạo vỡ gọi là tấm (đem nấu cơm ăn ngon, nhưng mà không dôi cơm). Sàng sảy vá may là tiêu chí của gái đảm xưa của các Cụ đấy nhé!
Tuổi thơ của tôi đi cùng với nó cũng khá dài cùng với câu ngạn ngữ "Không xay lúa thì ẵm em, mệt ù cả tai", cám rang đánh gió hay nấu bèo nuôi lợn. Vâng, đúng nghĩa luôn. Trẻ con xa xưa học chữ nho gào to cho thuộc mặt chữ "Đinh là giằng cối xay", cánh tay mỏi nhừ, óc bật công thức của nhà nông "200 vòng là xong một cối thóc, còn giã 1000 chày một cối gạo". (Còn tích các bà xa chồng phải xả “năng lượng” bắc cách xay cối không… ù ù...).
Biên ra vì thế hệ sinh 198x không được thấy cối xay thóc nó vận hành ra sao, vì "ngày xưa ơi" chả có điện thì chả có máy móc xay xát thóc gạo.
Theo Chuyện quê