Linh hoạt trong khó khăn
Khởi nghiệp từ nông dân chính hiệu chuyển sang kinh doanh, vợ chồng giáo dân Đinh Thị Nương, Nguyễn Văn Sách ở giáo xứ Bút Sơn (huyện Kim Bảng, Hà Nam) đã trải qua nhiều gian truân để gây dựng được Khu du lịch sinh thái Hoàng Sơn (ngã ba Thanh Sơn- xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng)
Khu du lịch có không gian rộng rãi, nhiều cây xanh, gồm khách sạn, nhà hàng, bể bơi, khu vui chơi dành cho trẻ em. Những năm qua, nơi đây là điểm đến quen thuộc của đông đảo khách xa gần, nhất là những đơn vị tổ chức hội nghị, liên hoan. Với phương châm tận tình, chu đáo, an toàn và cạnh tranh, Hoàng Sơn đã chinh phục được đa dạng thành phần khách hàng. Khu du lịch là tiềm năng đầy triển vọng kinh doanh của Công ty.
Nhưng thật khó lường khi COVID-19 bùng phát phức tạp ở nước ta, hoạt động của khu du lịch cũng chịu tác động lớn. Trong hoàn cảnh cả nước đang hạn chế tiếp xúc, tập trung đông người, khách hàng đã thưa dần, có giai đoạn vắng hẳn, nhất là trong những tháng vừa qua. Thực tế này đặt ra thử thách mới cho người chèo lái Công ty Hoàng Sơn, đó là buộc phải thích ứng với hoàn cảnh mới.
Từ vài năm trước, Công ty Hoàng Sơn đã vừa khai thác mỏ đá, vừa kinh doanh vật liệu xây dựng, dịch vụ vận tải, kinh doanh khách sạn nhà hàng. Gần đây, Công ty bước vào lĩnh vực mới, đó là sản xuất vôi công nghiệp với công nghệ tiên tiến.
Khởi nghiệp từ mỏ đá, nên kinh doanh vật liệu xây dựng không hề trái chân, ngành này không ảnh hưởng của dịch nên khách hàng chiến lược vẫn được duy trì. Khi đẩy mạnh lĩnh vực này, Công ty gần như chỉ là phát huy kinh nghiệm và lợi thế cạnh tranh. Đến nay, Công ty đã tăng được sản lượng đầu ra vật liệu xây dựng gần 20% so với năm 2019, những hợp đồng lớn cũng nhiều hơn.
Chủ động nắm bắt xu thế
Nhờ chủ động nắm bắt xu thế, Công ty Hoàng Sơn đã chuẩn bị cho dự án nhà máy sản xuất vôi công nghiệp. Theo quy hoạch phát triển công nghiệp vôi đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 507/QĐ-BXD ngày 27/4/2015 của Bộ Xây dựng, đến năm 2020 phải xóa bỏ toàn bộ lò thủ công sản xuất vôi trên phạm vi toàn quốc.
Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh Hà Nam việc bổ sung dự án nhà máy sản xuất vôi công nghiệp và thu hồi xử lý khí lò vôi để sản xuất CO2 lỏng của Công ty TNHH Hoàng Sơn, đầu tư tại xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng vào quy hoạch nêu trên.
Dự án có công suất 240.000 tấn vôi/năm. Dây chuyền sản xuất CO2 lỏng công suất 15.000 tấn/năm, với công nghệ tiên tiến, hiện đại. Ưu điểm của dự án là trong quá trình sản xuất vôi công nghiệp, sẽ thu nạp luôn khí thải để sản xuất CO2 lỏng. CO2 dạng lỏng có rất nhiều ứng dụng trong bảo quản thực phẩm, y học, dược phẩm… Vừa qua, nước ta đã nhập CO2 lỏng với chi phí vận chuyển cao.
Ảnh hưởng của COVID-19 tác động đến tài chính, nên dự án đi vào hoạt động chậm hơn so với kế hoạch. Mặc dù có những khó khăn nhất định nhưng dự án là hướng đi mới, phù hợp xu thế và lợi thế của tỉnh Hà Nam là có nguồn nguyên liệu phong phú. Bên cạnh đó, thị trường vôi công nghiệp và CO2 dạng lỏng nhiều tiềm năng. Do vậy, lãnh đạo Công ty xác định đây là bước đột phá trong thời gian tới.
Chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với COVID-19, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Sơn, Đinh Thị Nương cho biết: Trong kinh doanh, những gì mình có lợi thế, có thể làm được là làm, không nên phụ thuộc một lĩnh vực. Nếu một lĩnh vực sẽ không thể tương trợ nhau và không có đột phá mới. Uyển chuyển, linh hoạt điều hướng sản xuất kinh doanh đang là cách thức để vừa thích ứng với hoàn cảnh vừa tạo ra đột phá, nhất là khi khách sạn, nhà hàng, giải trí không thể đem lại lợi nhuận trong bối cảnh COVID-19 phức tạp như vừa qua.
Điều kiện kinh doanh nhiều bất thường của năm 2021 cũng là lúc doanh nghiệp cần xác định lại nền tảng kinh doanh. Khả năng thích ứng của mỗi doanh nghiệp trong đại dịch có tính quyết định cho sự sống còn của chính mình, trước khi tiếp cận được các hỗ trợ từ chính sách của Chính phủ./
(Theo An Luých/báo Người Công giáo Việt Nam)