Nhà thầu “quen mặt” và tỷ lệ tiết kiệm tượng trưng
Theo các thông tin về công tác đấu thầu được công khai theo quy định của pháp luật, thì, ngày 10/11/2021, ông Bùi Tuấn Dương – Giám đốc BQLDA quận Tây Hồ đã ký Quyết định số 344/QĐ-QLDA về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu xây lắp Dự án “Xây dựng vườn hoa, cây xanh xung quanh khu vực hồ Thủy Sứ dưới”.
Đơn vị trúng thầu là Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng công trình giao thông Thành Sơn trúng với giá trúng thầu 3.218.860.000 đồng, trong khi giá gói thầu 3.234.114.000 đồng. Sau đấu thầu gói thầu này chỉ tiết kiệm khoảng 15 triệu đồng với thời gian thực hiện 200 ngày.
Đây cũng là nhà thầu được coi là “quen mặt” khi Công ty này tham dự tổng 5 gói thầu xây lắp thì trúng 4 gói tổng giá trị hơn 19 tỷ đồng từ 2020 đến nay. BQLDA Tây Hồ Tiếp đến ngày 08/11/2021, ông Bùi Tuấn Dương – Giám đốc BQLDA quận Tây Hồ ký Quyết định số 336/QĐ-QLDA về việc phê duyệt lựa chọn nhà thầu gói thầu xây lắp Dự án “Xây dựng tuyến đường ngõ 343 An Dương Vương” và Công ty cổ phần công trình giao thông Hà Nội đã trúng thầu. Giá gói thầu 9.668.306.000 đồng, sau đấu thầu giá 9.633.603.000 đồng, giảm so với giá mời thầu khoảng 34 triệu, mức tiết kiệm của gói thầu này chỉ đạt 0,003%, tỷ lệ tiết kiệm rất thấp.
Cũng theo Quyết định số 356/QĐ-QLDA ngày 22/11/2021 về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu xây lắp và thiết bị Dự án “Lắp đặt, nâng cấp trạm biến áp tại một số đơn vị trên địa bàn quận”, giá gói thầu 7.444.707.000 đồng, sau đấu thầu giá là 7.398.308.000 đồng (giảm được khoảng 46 triệu đồng), đơn vị trúng thầu là Công ty cổ phần công nghiệp INVICO, tiết kiệm được 0,006%...
Bất thường hơn khi cùng ngày Công ty cổ phần công nghiệp INVICO tiếp tục được ông Bùi Tuấn Dương – Giám đốc BQLDA quận Tây Hồ ký Quyết định số 357/QĐ-QLDA liên danh chính về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Dự án “Hạ ngầm hệ thống điện, thông tin liên lạc, chiếu sáng và xây dựng trạm biến áp tại phố Trịnh Công Sơn, phường Nhật Tân”. Liên danh này bao gồm Công ty cổ phần công nghiệp INVICO - Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng thương mại Nam Hà, giá gói thầu 12.302.374.000 đồng, sau đấu thầu giá 12.254.005.000 đồng. Gói thầu một nhà thầu liên danh tham dự và trúng thầu với con số tiết kiệm cũng chỉ 0,003%.
Cũng theo Quyết định số 248/QĐ-QLDA ngày 10/09/2021 về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu “Xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp vỉa hè tuyến phố Yên Phụ”, trong “một sân chơi” được coi là “không có đối thủ”, Công ty cổ phần đầu tư xây lắp Nam Hà Nội đã dễ dàng trúng thầu với giá 3.505.682.000 đồng. Giá của gói thầu 3.510.034.000 đồng, con số tiết kiệm khoảng 4 triệu đồng, ở mức 0,001%.
Rơi vào tình trạng “một mình một chợ” của Công ty cổ phần đầu tư xây lắp Nam Hà Nội trúng thầu gói “Thi công hạng mục xây lắp và thiết bị công trình thuộc dự án cải tạo, sửa chữa Trường mần non Đoàn Thị Điểm phường Phú Thượng”, theo Quyết định số 251/QĐ-QLDA ngày 13/09/2021 do ông Bùi Tuấn Dương ký. Giá gói thầu 4.026.089.000 đồng, sau đầu thầu giá 4.019.768.000, mức tiết kiệm chỉ 0,001%.
Hai gói thầu ký cho một nhà thầu là Công ty cổ phần đầu tư xây lắp Nam Hà Nội trúng thầu và không hề có đối thủ, chỉ cách nhau 3 ngày do ông Bùi Tuấn Dương – Giám đốc BQLDA ký với mức tiết kiệm bằng không đang trở thành câu hỏi của nhiều người và nhiều doanh nghiệp. Gần đây, tại gói thầu được coi là “khủng” có tên gói thầu số 03 “Thi công hạng mục xây lắp và thiết bị dự án cải tạo mở rộng Trường THCS Xuân La” với con số tiết kiệm èo uột cũng đem lại cho nhiều người những thắc mắc.
Gói thầu này được phê duyệt tại Quyết định số 246/QĐ-QLDA (ngày 09/09/2021), đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và kinh doanh nhà Tây Hồ và Công ty cổ phần xây dựng công trình văn hóa và hạ tầng Hà Nội. Giá gói thầu 122.436.977.000 đồng, sau đấu thầu giá 120.467.604.000 đồng, con số tiết kiệm là 0,016%. Cài cắm tiêu chí để hạn chế nhà thầu tham gia.
Liệu có rào cản kỹ thuật?
Theo phản ánh của nhiều nhà thầu quan tâm đến các gói thầu nêu trên, thì hồ sơ mời thầu (HSMT) tại BQLDA quận Tây Hồ đã đưa ra tiêu chí không phù hợp, thậm chí có dấu hiệu vi phạm Khoản 2, Điều 23, Nghị định 63/2014/NĐ-CP. Theo đó, HSMT không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
Cụ thể, tại gói thầu Dự án “Xây dựng vườn hoa, cây xanh xung quanh khu vực hồ Thủy Sứ dưới”. Đơn vị trúng thầu là Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng công trình giao thông Thành Sơn với HSMT đưa ra tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật là: Nhà thầu phải có bãi tập kết vật liệu dùng để thi công công trình.
Tiếp đến gói án “Hạ ngầm hệ thống điện, thông tin liên lạc, chiếu sáng và xây dựng trạm biến áp tại phố Trịnh Công Sơn, phường Nhật Tân” cũng tại mục 2 giải pháp kỹ thuật - Biện pháp thi công, HSMT cũng tiếp tục đưa ra tiêu chí nhà thầu phải có bãi tập kết vật liệu dùng để thi công công trình (kèm theo sơ đồ vận chuyển và địa điểm bãi vật tư, vật liệu xây dựng). Hầu như tại các gói thầu tại BQLDA Tây Hồ đều được cài cắm tiêu chí có bãi tập kết vật liệu.
Đại diện một số nhà thầu tham gia cho biết, quá trình khảo sát thực địa tại địa phương nơi dự kiến sẽ triển khai gói thầu nhận thấy có rất nhiều điểm đại lý bán vật liệu xây dựng, điểm tập kết vật liệu xây dựng với quy mô rất lớn. Điều này càng khẳng định thêm việc HSMT đưa ra yêu cầu như trên là hết sức vô lý, không cần thiết.
Theo một chuyên gia đấu thầu, để tạo thuận lợi cho các nhà thầu tham gia đấu thầu, tăng tính cạnh tranh của gói thầu, thông thường, việc bố trí bãi tập kết vật liệu xây dựng để thực hiện thi công công trình là trách nhiệm của chủ đầu tư/bên mời thầu.
Chưa hết, tại gói thầu số 03 “Thi công hạng mục xây lắp và thiết bị dự án cải tạo mở rộng Trường THCS Xuân La”, BQLDA quận Tây Hồ cũng đưa ra tiêu chí nhà thầu phải có bản sao công chứng hợp đồng nguyên tắc với đơn vị cung cấp trong hợp đồng có ghi rõ nội dung: Các vật liệu, vật tư cung cấp và bản sao y công chứng giấy chứng đăng ký kinh doanh của đơn vị cung cấp kèm theo.
Tiều chí tại gói thầu lớn gây khó khăn cho các nhà thầu “chưa quen” tại BQLDA Tây Hồ Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT quy định cụ thể giấy phép bán hàng của nhà sản xuất như sau: Đối với hàng hóa thông thường, thông dụng, sẵn có trên thị trường, đã được tiêu chuẩn hóa và được bảo hành theo quy định của nhà sản xuất thì không yêu cầu nhà thầu phải nộp giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương.
Cũng tại một số gói thầu sau khi báo cáo đánh giá theo mẫu của Tổng Cục đấu thầu thì các gói thầu phải công bố các nhân sự chủ chốt và hồ sơ thiết bị huy động trong gói thầu lên cổng thông tin, nhưng BQLDA Tây hồ lại hầu như không thực hiện yêu cầu này.
Trước những câu hỏi nêu trên, là công dân, chúng tôi thiết nghĩ các cơ quan liên quan cần vào cuộc thanh, kiểm tra các gói thầu tại BQLDA quận Tây Hồ để trả lời cho dư luận, nhất là những nhà thầu thực sự có năng lực và mong muốn tham gia các gói thầu trên địa bàn quận Tây Hồ.