Cuộc chiến 50 năm nhìn lại: Chiến dịch Quảng Trị 1972 đôi lời mở đầu (Viết sau ngày giải phóng)

Trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng, năm 1972 đã diễn ra một cuộc đọ sức vô cùng quyết liệt giữa ta và địch trong một chiến dịch dài ngày nhất (308 ngày), kể từ khi mở màn chiến dịch (30/3/1972) đến ngày Sư đoàn 320B đánh bại cuộc hành quân lấn chiếm Cửa Việt của địch (31/1/1973), giữ vững trận địa, tạo lợi thế trên bàn đàm phán.

Như vậy chiến dịch Quảng Trị không chỉ gói gọn trong 81 ngày đêm giữ vững Thành Cổ. Mà nói đến chiến dịch Quảng Trị năm 1972 là phải nói đến hai chiến dịch.

chuytra3-1647835587.jpgCầu Hiền Lương trước năm 1972. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Chiến dịch thứ nhất là: Chiến dịch tiến công giải phóng Quảng Trị từ ngày 30/3 đến ngày 27/6. Tư lệnh Thiếu tướng Lê Trọng Tấn; Chính ủy: Thiếu tướng Lê Quang Đạo. Lực lượng tham gia chiến dịch có các Sư đoàn bộ binh: 308, 320B,304, 324 và 325.

2 Trung đoàn tăng, thiết giáp: 202 và 203 với hơn 100 xe tăng T-34, T-54, PT-76

Một số Tiểu đoàn đặc công

Bốn Trung đoàn pháo binh với 408 khẩu gồm: 63 khẩu pháo chiến dịch 130mm, 93 khẩu pháo cấp Sư đoàn (122 ly và 105 ly) và 247 khẩu pháo mang vác bộ binh (sơn pháo) 76mm hoặc 85mm, súng không giật 75mm hoặc 82mm, súng cối 120mm...).

Hai Sư đoàn phòng không: Sư đoàn 367 và 376 với 3 Trung đoàn pháo phòng không 282, 284, 224 và hai Trung đoàn tên lửa 238, 237 với tên lửa đất đối không SA-2

Các lực lượng tại chỗ của B5, B4 và Đoàn 559

Lực lượng địch gồm 3 Sư đoàn (bộ binh, dù, thuỷ quân lục chiến) 1 Liên đoàn biệt động quân, 1 Lữ đoàn và 1 Thiết đoàn thiết giáp, 1 Sư đoàn không quân, 4 Tiểu đoàn pháo binh và lực lượng Vùng 1 hải quân Quân đội Sài Gòn cùng hàng trăm lượt máy bay

B-52/ngày và hàng trăm khẩu pháo trên các chiến hạm của Mỹ đánh phá liên tục.

Chiến dịch diễn ra 3 đợt.

* Đợt 1: Từ ngày 30-3 đến 9-4, ta tiến công phá vỡ tuyến phòng thủ đường 9, giải phóng 2 huyện Gio Linh và Cam Lộ, buộc địch phải bố trí lực lượng phòng ngự thành

3 cụm (Đông Hà, Ái Tử, La Vang).

chuytra5-1647835922.jpgPhi trường Đông Hà trước năm 1972. Ảnh do tác giả cung cấp.

* Đợt 2: Từ ngày 26-4 đến 2-6, ta tiến công tiêu diệt các cứ điểm Đông Hà, Ái Tử, La Vang, giải phóng thị xã và toàn bộ tỉnh Quảng Trị.

* Đợt 3: Từ ngày 20 đến 27- 6, ta tiếp tục phát triển tiến công về Nam sông Mỹ Chánh, nhưng địch tăng cường lực lượng dự bị chiến lược, thực hiện phản kích tái chiếm Quảng Trị. Do lúc này bắt đầu mùa mưa, việc vận chuyển vật chất bảo đảm cho chiến dịch gặp nhiều khó khăn, sức chiến đấu của bộ đội giảm sút, nên Bộ Tư lệnh quyết định kết thúc chiến dịch tiến công.

Chiến dịch thứ hai là: Từ ngày 28/6 chuyển sang Chiến dịch phòng ngự. Tư lệnh Thiếu tướng Trần Quý Hai. Chính ủy Trung tướng Song Hào. Lực lượng của ta gồm 5 Sư đoàn bộ binh (308, 304, 320B, 325, 312,) và 1 Trung đoàn độc lập, 5 Tiểu đoàn đặc công, 1 Trung đoàn tăng thiết giáp, 3 Trung đoàn pháo binh, 4 Trung đoàn pháo phòng không, 1 Trung đoàn tên lửa phòng không, 2 Trung đoàn công binh và 5 Tiểu đoàn bộ đội địa phương.

Lực lượng địch gồm 3 Sư đoàn (bộ binh, dù, thuỷ quân lục chiến) 1 Liên đoàn biệt động quân, 1 Lữ đoàn và 1 Thiết đoàn thiết giáp, 1 Sư đoàn không quân, 4 Tiểu đoàn pháo binh và lực lượng Vùng 1 hải quân Quân đội Sài Gòn cùng hàng trăm lượt máy bay

B-52/ngày và hàng trăm khẩu pháo trên các chiến hạm của Mỹ đánh phá liên tục.

Chiến dịch phòng ngự cũng chia thành ba giai đoạn:

* Giai đoạn 1, từ ngày 28/6 đến ngày 16/9/1972, quân ta anh dũng ngoan cường chốt giữ chống lại các cuộc tấn công ác liệt của quân địch hòng tái chiếm Thị xã và Thành Cổ cho đến khi rút khỏi Thành (nên mới gọi là chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ).

* Giai đoạn 2 từ thời điểm rút khỏi Thành Cổ cho đến khi ký kết Hiệp định Paris (27/1/1973). Giai đoạn này các đơn vị của ta chủ động phòng ngự, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng.

* Giai đoạn 3 là trước khi Hiệp định Paris có hiệu lực, Quân lực Việt Nam Cộng Hòa mở cuộc hành quân lấn chiếm Cửa Việt, ta dùng Sư đoàn 320B đánh bại chúng. Giữ vững trận địa, tạo lợi thế trên bàn đàm phán. (Trận Cửa Việt, 31/1/1973), kết thúc chiến dịch.

Như vậy 81 ngày đêm giữ vững Thành Cổ Quảng Trị chỉ là một giai đoạn nhỏ (một khu vực chốt giữ) trong Chiến dịch phòng ngự mà thôi. Chúng ta đểu biết rằng Thành Cổ với hơn 2km vuông phải chống chọi lại nhiều cuộc tấn công hủy diệt của không quân, pháo binh và các Lữ đoàn của địch, cuộc chiến vô cùng cam go, đầy hy sinh ác liệt và dai dẳng suốt 81 ngày đêm. Song chúng ta đừng hiểu lầm rằng Chiến dịch Quảng Trị là 81 ngày đêm giữ Thành Cổ. Hiểu như thế là chúng ta đã bỏ quên hàng ngàn đồng đội đã anh dũng hy sinh trong suốt giai đoạn đầu của chiến dịch Giải phóng mà nhất là khi đánh vào Đông Hà, Ái Tử, La Vang chúng ta đã phải chịu tổn thất không phải là ít. Chỉ riêng Trung đoàn 36/f308 tiến đánh Đông Hà lần 1 không thu được kết quả, đều bị địch chặn đứng không thể phát triển được, rất nhiều cán bộ chiến sĩ đã hy sinh. Đặc biệt Trung đoàn trưởng Chử Ngọc Trác và Chính ủy Nguyễn Văn Bích đã bị hy sinh bên bờ sông Cam Lộ chung một quả pháo khi vừa hội ý xong. Đây là tổn thất lớn đầu tiên của Trung đoàn 36 chúng tôi. Rồi còn cả những tháng sau khi rút khỏi Thành thì cuộc chiến phòng ngự giữ Thị xã vẫn tiếp diễn ác liệt cho đến ngày Hiệp định Pari được ký kết.

Với nhan đề CUỘC CHIẾN 50 NĂM NHÌN LẠI

là những trang nhật ký mà tôi đã viết trong những ngày tham gia chiến dịch Trị Thiên năm 1972.

Tính từ khi tôi cùng đơn vị vượt sông Bến Hải vào chiến dịch tới ngày được bơi qua sông này trở ra Bắc chúng tôi đã trải qua 253 ngày đêm. Với 253/308 ngày đêm của chiến dịch, vật lộn với cuộc chiến tranh khốc liệt với biết bao sự hy sinh, gian lao vất vả của những người lính Mặt trận B5 cùng cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 308 nói chung và Đại đội súng cối 82ly Trung đoàn 36 chúng tôi nói riêng.

Trong bức tranh chung của toàn Mặt trận, nhật ký chỉ sơ lược những nét chấm phá riêng cá nhân tôi cùng đơn vị nhỏ bé của chúng tôi, không thể diễn tả hết về sự gian khổ ác liệt của chiến trường vì đơn vị chúng tôi cũng chỉ là đơn vị Pháo binh đi cùng, không trực tiếp tiếp xúc gần với địch như bộ binh. Dù sao cũng đủ để diễn tả một phần nào về tính ác liệt của cuộc chiến. Vì điều kiện chiến trường, gian lao vất vả, ác liệt đẫm máu, diễn biến phức tạp bất ưng nên thời gian và điều kiện để ghi chép cũng tùy cơ mà vận dụng để viết do đó có khi liên tục, có khi vài ba ngày mới viết gộp, vả lại cũng chỉ viết được những diễn biến chính mà thôi.

Để giúp mọi người nhớ lại những diễn biến của 81 ngày đêm giữ Thị xã và Thành Cổ, tôi bổ sung thêm phần nhật ký của người anh tôi nguyên là một sĩ quan tác chiến ở cấp trên đã lưu lại (ở trong bài viết Bổ sung nhật ký của anh (BS)).

Nói bao nhiêu cũng không đủ, viết bao nhiêu cũng cảm thấy còn thiếu, còn nợ mảnh đất Quảng Trị đầy đau thương, nợ ân tình, nợ sự sẻ chia, và 50 năm qua, biết bao giá trị lịch sử luôn nguyên vẹn, thế hệ hôm nay cũng luôn nhớ về ngày giải phóng Quảng Trị, một tỉnh đầu tiên của Việt Nam được giải phóng, một bước ngoặt thời cơ thật ý nghĩa trong lịch sử và còn vẹn nguyên giá trị cũng như thông điệp hòa bình của hôm nay và mai sau.

Theo Trái tim người lính