Cuộc hành trình gian nan

Năm 1967, Vĩnh Linh- Bắc Vĩ tuyến 17 ( Quảng Trị) thực hiện kế hoạch sơ tán K10 và K8.

minh-hoa-1644146370.jpgHình ảnh minh họa

 

Hồi đó, nhà tôi sơ tán tại Hiền Dũng, Vĩnh Hòa.

Theo kế hoạch thì những người già đi trước. Chúng tôi lớp 7 (sàn sàn 13,14 tuổi), sau 3 ngày sẽ có xe quân sự chở ra Tân Kỳ  (Nghệ An).

Mạ tôi để lại thức ăn cho 3 ngày và khoảng 5 kg gạo để trong bao tượng. Ít muối mè, tính sao cho đủ khoảng 1 tuần cho tôi đi đường. Ngoài ra quần áo sách vở, tất cả trong ba lô khoảng 25 kg.

Chiều đó, đến chỗ tập trung, có 3 xe tải quân sự đang chờ sẵn- Những xe chở hàng vào Nam rồi xe không quay ra Bắc.

 Một xe có khoảng 40 trẻ em tầm 6-7 tuổi. Xe tôi có 41 đứa hết cấp 2, xe đầu chỉ chở một khẩu 12 li7 bắn máy bay bảo vệ.

Tầm khoảng 22 giờ, đoàn xe đến một cái đèo (hình như Lý Hòa ) máy bay đuổi bắn đoàn xe. 2 chiếc đầu trúng bom. Bom bi và Nalpan cho nên hầu như đoàn em nhỏ bị giết hết, rồi thiêu kể cả những em bị thương. Toàn những em bé 5, 6 tuổi.

Chúng tôi vọt xuống xe, chạy tản mát vào rừng. Sau ít lâu,quay ra nơi thả bom, các xe cháy trụi, không còn một ai. Tất cả lại quay lại khu rừng cạnh đường cùng tính nước. Quay lại thì không còn ai, chỉ còn tiến ra phía Bắc.

Điểm quân có 39 đứa lớn, 2 trẻ em 6-7 tuổi, 1 đứa con gái bị thương ở  bụng, một con trai bị thương ở chân. Tất cả nhất trí bầu anh Thống ( hình như con bác Diệm- sau này anh làm Giám đốc công an Quảng trị) làm đoàn trưởng và mang theo cả 2 đứa trẻ.

Chúng tôi ban đầu đi ven theo đường 1- không dám đi trên đường vì máy bay và pháo sáng uy hiếp liên tục. Lầm lũi trong tối nối nhau. Không một ai biết đường, sàn sàn tuổi nhau. Bước đi mà trong bụng run bần bật.

Đêm đi, ngày tìm nhà dân hoặc nằm ngủ trong những lùm cây. Ăn uống thì ban đầu mượn xoong nồi củi lửa dân dọc đường, sau hết gạo thì xin dân, mà dạo đó dân cũng đói, cũng không được là bao.

Đến Đèo ngang, không dám lên đèo mà rẽ lên phía Tây, đến cái đèo có cái tên "Mào gà". Bàn chân nhỏ bé mà đèo thì cao. Trèo lên đỉnh đèo thì trưa. Khổ nhất là 2 đứa bé. Đến bây giờ vẫn không quên những đôi mắt ngây thơ ngấn lệ- chắc các em cũng cố lắm mà không 1 tiếng khóc.

Đầu tiên chúng nó cố chạy theo, sau đuối sức, chúng tôi thay nhau cõng. Ba lô sau lưng cho tụi nó trèo lên cổ mà trèo. Thật, thở không ra hơi.

Có những khúc đường bị cắt bởi con sông. Chúng tôi mò mẫm trong đêm, cho đồ vào bao ni lông rồi dò dẫm, lạnh run bần bật.

Cuối Quảng bình, đoàn hết gạo. Chúng tôi đi xin được hơn 2 bơ cho 40 con người. Anh Thống quyết định: tất cả con trai đi tìm có gì ăn được cho vào nồi nấu cháo cùng gạo.

Nhiều nhất là các loài rau mọ hoang. Đói mà phải chờ cháo nhừ. Chưa đủ, khi vừa chín, anh Thống cho con gái và con nít ăn trước. Con trai phải chờ. Rủi mà may, vừa hết một chén, bọn nó nôn ọe, không hiểu tại sao. Sau có đứa con gái rên rỉ: tụi bay đập mấy cái chai để tao lùa vào họng, ngứa quá.

Tụi nó nằm sấp, há mồm cho thức ăn và nước chảy ra. Hóa ra có đứa không biết bứt dọc mùng ngứa cho vào nồi.

Ra tới đầu Hà Tĩnh cả hội đi dọc bờ biển. Hôm đó trời có trăng. Không hiểu có ông nào rỗi hơi đếm số người: thừa ra một. Anh Thống phát hoảng, đêm hôm có kẻ lọt vào đoàn dễ gián điệp chỉ điểm lắm. Mà pháo sáng của máy bay bắn chặn trước, chặn sau. Run bần bật, anh Thống chọn 2 thằng to con cùng anh điểm mặt từng người. Cuối cùng phát hiện một người lớn lạ đi cùng  trong đoàn- lại còn ghánh theo đôi thùng làm bằng ống pháo sáng. Ông nói, thấy người tưởng người đi chợ nên nhập vào. Ai biết gian hay ngay. Mấy đứa to lớn vác gậy, áp tải lơ mơ là chơi luôn.

Gần sáng đến làng tiếp giao nộp cho dân quân địa phương xử lý.

Đến cuối Hà tĩnh, đói vàng mắt, bước đi đã xiêu vẹo rồi. Có thằng thì thầm:  "Có mùi gì thơm, như mùi bánh quy" thoang thoảng trong gió.

Đội trưởng ra lệnh tản hết vào các bùi cây, cử 3 "thám tử" tiến lên tìm nguồn gốc mùi bánh đâu ra.

Hội này phát hiện một sân HTX có phơi nhiều bánh và lương khô. Mừng quá, các ông bò vào vơ vội vàng. Không ngờ mấy họng súng dí vào đầu và bị dẫn vào nhà kho HTX.

Hóa ra bộ đội đang phơi bánh bị ướt. Nhìn mấy đứa trẻ như thổ phỉ. Tóc tai quần áo te tua, bẩn thỉu, còn nhỏ, mà không phải trẻ em trong vùng- vì phát âm khác. Tra hỏi, chúng nó còn nhiều " đồng bọn " núp ở ngoài.

Mấy chú ra kêu hết vào, nghe sự tình rồi cho cơm ăn. Họ quay điện thoại  ra Bắc. Hồi lâu thì Bộ nội vụ trả lời:" Từ hơn 20 ngày nay, bộ cho xe đi tìm hơn 40 đứa học sinh K10 mất tích. Họ đến tận nơi xe bị đánh bom, thấy trẻ em xe trước chết hết. Chiếc cuối chỉ còn xác cái xe cháy và xác lái xe mà không thấy học sinh đâu. Họ chạy đi chạy lại trên đường số 1mà không thấy". Chúng tôi thì bỏ đường 1 mà chỉ đi theo cách nhìn sao trong rừng.

Hôm sau, 1 chiếc xe buýt tới chở tụi tôi về rừng lim ở Lạt (Tân Kỳ). Các gia đình được thông báo tới đón. Nhiều gia đình đã lập bàn thờ vì không nghĩ là với quãng đường đáng chỉ mất 5-6 ngày xe mà chúng tôi cuốc bộ với muôn vàn khó khăn và mất tới 23 ngày.

"Tin buồn từ ngày mẹ sinh ra mang nặng kiếp người" (Trịnh Công Sơn).

Theo Chuyện Làng Quê