Đại dịch COVID-19 và góc nhìn thích nghi

Trước những hậu quả khủng  khiếp mà COVID-19 gây ra, các nước trên thế giới đã phải áp dụng những biện pháp quyết liệt, cực đoan nhất để chống dịch như phong tỏa thành phố, thậm chí cả nước. Yêu cầu người dân không ra đường, không tiếp xúc với người lạ… Các loại vaccine cũng được nhanh chóng nghiên cứu sản xuất, cấp phép khẩn cấp và triển khai tiêm chủng ở quy mô và tốc độ nhanh chưa từng có với hi vọng có thể đạt được miễn dịch cộng đồng và sớm đưa xã hội trở lại trạng thái bình thường.

ngan-chan-covid-1628170759.png 

Vào một buổi sáng cuối hè, sau khi kết thúc kỳ nghỉ, tôi chuẩn bị quay lại Châu Âu. Sáng hôm ấy, tôi ăn một mẩu khoai luộc và gọi taxi ra Nội Bài. Dù trời mưa và Hà Nội tắc đường, nhưng anh lái taxi vẫn biết cách đi đường khác để tôi kịp giờ bay. Tôi bay một mạch hơn 7 tiếng đồng hồ thì tới Matxcơva, quá cảnh và bay hơn 1 giờ nữa để tới Vác sa va và bắt tàu liên thành phố về trường tôi làm nghiên cứu sinh. Đến phòng ký túc xá sinh viên quốc tế là khoảng hơn 1h chiều giờ Ba Lan. Lúc đó tôi cắm cơm trưa. Tất nhiên, vào mùa hè các nước Châu Âu lệch hơn so với Việt Nam 5 giờ nên ở Việt Nam lúc đó đã là 6h tối. Nhưng nói như vậy để thấy được có những thời điểm việc đi lại, giao thương của con người thật đơn giản, thuận tiện. Dù nhân viên nhập cảnh của EU luôn kiểm tra cẩn thận tất cả mọi người nhưng điều đó cũng không gây ra cho tôi bất cứ trở ngại nào.

Và đó là những gì diễn ra trước đại dịch COVID-19.

Ngày 11/3/2020, tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu và từ đó cho đến nay, COVID-19 đã thực sự khiến thế giới thay đổi mọi mặt. Hầu như tất cả các lĩnh vực y tế, giáo dục, kinh tế, tương tác xã hội, sức khỏe tâm thần… đều chịu những tác động tiêu cực nặng nề. Theo số liệu của trang worldometers.info (cập nhật lúc 23/9/2021, 13:19 GMT), số người bị nhiễm và tử vong vì COVID-19 trên thế và Việt Nam như sau:

Tên

Tổng số người nhiễm

Tổng số người tử vong

Thế giới

231,009,121

4,735,316

Việt Nam

728,535

18,017

Trong đại dịch, bao trùm nhất vẫn là tâm lý lo sợ nhiễm bệnh. Lo sợ mỗi khi gặp người lạ, mỗi khi người khác ho. Lo sợ vô tình chạm phải nơi người nhiễm bệnh đã chạm vào. Vậy nên ra đường về đến nhà là phải thay đồ, phải rửa tay. Cũng vì hoảng loạn, lo sợ mà người ta chen nhau đi siêu thị và vét sạch đồ; thậm chí tích trữ mì tôm, giấy vệ sinh. Người ta truy ra tài khoản mạng xã hội của người vô tình mang COVID đến thành phố, địa phương nơi họ sinh sống và trách móc, lăng mạ. Cuộc sống tù túng trong nhà khiến người ta cũng dễ dàng nổi cáu với nhau, bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em… gia tăng.

Trước những hậu quả khủng  khiếp mà COVID-19 gây ra, các nước trên thế giới đã phải áp dụng những biện pháp quyết liệt, cực đoan nhất để chống dịch như phong tỏa thành phố, thậm chí cả nước. Yêu cầu người dân không ra đường, không tiếp xúc với người lạ… Các loại vaccine cũng được nhanh chóng nghiên cứu sản xuất, cấp phép khẩn cấp và triển khai tiêm chủng ở quy mô và tốc độ nhanh chưa từng có với hi vọng có thể đạt được miễn dịch cộng đồng và sớm đưa xã hội trở lại trạng thái bình thường.

Giãn cách xã hội, một biện pháp bắt buộc khi đại dịch xảy ra và những biện pháp ứng phó bằng thuốc điều trị, vắc xin còn chưa có. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là người dân cũng không thể ở mãi trong nhà và nền kinh tế thì cũng không thể ở tình trạng “đóng băng” trong thời gian dài. Chính vì vậy, gần đây, các Chính phủ và cả người dân dần phải tính đến bài toán “tái mở cửa”, “bình thường mới” hoặc “sống chung với COVID”.

Tuy vậy, sống chung như thế nào lại là vấn đề cần phải được xem xét một cách nghiêm túc và thận trọng để đảm bảo an toàn cao nhất cho xã hội trước diễn biến khó lường của dịch bệnh. Trong thực tế, nhận thức của chúng ta dường như đã đi chậm hơn biến thể của virus. Các biện pháp giãn cách, phong tỏa tỏ ra có hiệu quả với các chủng COVID-19 trước đây nhưng dường như kém hiệu quả trước chủng Delta vốn được coi là siêu lây nhiễm. Số ca nhiễm và tử vong tăng vọt ở Thành phố Hồ Chí Minh trong vài tháng qua là ví dụ điển hình. Cường quốc số 1 thế giới là Mỹ, đã từng tính đến việc tuyên bố chiến thắng đại dịch COVID-19 và dịp Quốc khánh (4//7/2021), tuy nhiên điều đó đã không thể thực hiện. Hiện nay, gần 64% dân số Mỹ đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19, nhưng số ca tử vong trung bình mỗi ngày đã tăng 40% trong vòng hai tuần qua, từ 1.387 lên 1.947. Nguyên nhân của tình trạng trên là vẫn còn tới 71 triệu người có tư tưởng chống lại vaccine và không chịu tiêm chủng (theo vnexpress.net, cập nhập 23/9/2021, 19:00 (GMT+7)). Tại Hàn Quốc, một tuần qua số ca nhiễm tăng vọt từ hơn 1000 lên hơn 2000 ca/ngày sau rằm Trung Thu. Nói như vậy để thấy được bất cứ sự nóng vội hay sai lầm nào trong chính sách phòng chống dịch đều phải trả giá rất đắt không chỉ về kinh tế, niềm tin mà quan trọng nhất là tính mạng con người.

Ở một góc độ khác, người hâm mộ bóng đá Việt Nam chắc hẳn rất ấn tượng với những sân vận động kín khán giả trong các sân vận động của giải Ngoại hạng Anh. Trong thực tế, Chính phủ Anh đã gỡ bỏ toàn các hạn chế liên quan đến COVID-19 dù trong tháng 9/2021 này, số ca nhiễm mới ở Anh luôn trên dưới 30 ngàn ca/ngày. Chính phủ Đức cho phép những người đã tiêm chủng được đi lại mà không có bất cứ hạn chế nào. Ở Italia, người ta cũng không bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra ngoài…

Chiến lược sống chung với COVID – 19 của họ được thể hiện qua việc tập trung vào các ca bệnh nặng, hạn chế tử vong hơn là tập trung vào ngăn chặn lây nhiễm, vốn rất khó để kiểm soát. COVID-19 vẫn sẽ tồn tại trong một tương lai gần, vì vậy tham vọng không có COVID (zero-COVID) là bất khả thi và người dân cần học cách sống chung với nó. Tất nhiên, chiến lược nói trên chỉ có thể thành công khi tỷ lệ tiêm chủng đã ở mức cao và hiểu biết, cách thức phòng tránh virus của người dân đã ăn sâu vào nếp sống của họ.

tap-chi-ho-so-su-kien-1633859220.jpg 

 

tap-chi-1633859220.jpg 

Có thể nói, thế giới hiệu nay đã không còn quá lo lắng, hoảng loạn trước COVID-19. Điều này một phần do con người ta rơi vào trạng thái “nhờn cảm giác” khi điều gì đó xảy ra liên tục thì dần ít bị chú ý. Ví dụ như ta đi xe một lúc thì không còn nghe thấy tiếng động cơ xe nữa. Nhưng quan trọng hơn, nhân loại đã nhận thức được cách thức để phòng tránh nó bằng các biện pháp như 5K, vắc xin. Con người dễ rơi vào tình trạng hoảng loạn nếu mất phương hướng, không biết điều nguy hiểm nào đang diễn ra quanh mình. Trước những biến cố, những khả năng xấu có thể xảy ra mà không kiểm soát được thì con người có tâm lý lo lắng. Tâm lý vậy là bình thường. Không lo lắng cho tương lai, lo đến những khả năng xấu có thể xảy ra để phòng tránh thì con người rất khó có thể tránh được nó. Vậy nên, lo là cơ chế để sinh tồn. Điều may mắn là hầu hết cái lo của con người không xảy ra và trong bất cứ tình huống nào thì chuẩn bi cho tình huống xấu nhất và hi vọng vào điều tốt đẹp nhất vẫn là phâm châm sống còn của cá nhân và cả nhân loại.

Ngày 23/9/2021 vừa qua, phát biểu tại kỳ họp khóa 76 của Đại hội đồng Liên hiệp quốc, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres đã chỉ trích tình trạng bất bình đẳng trong phân phối vắc xin giữa các nước. Ông cho rằng, thế giới đã thành công về mặt khoa học khi sản xuất thành công vắc xin nhưng lại thất bại về mặt đạo đức khi đa số người dân các nước nghèo chưa được tiếp cận nó. Phát biểu của ông đã phản ánh đúng tình trạng khan hiếm vắc xin cũng như chỉ ra sự cần thiết của việc phân phối công bằng hơn nguồn lực này. Nhưng trong thực tế, một người đi xe đạp chẳng thể trách người đi ô tô xả khói ra đường được; một người nghèo không thể trách người giàu hơn sử dụng điện thoại Iphone trong khi anh ta đang dùng Nokia được. Vấn đề là thế giới cần chung tay đẩy lùi đại dịch bởi như thông điệp của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại kỳ họp này: thế giới không thể an toàn khi một quốc gia, một người dân của quốc gia nào đó không an toàn. Rõ ràng rằng, những vấn đề như đại dịch, môi trường, biến đổi khí hậu, vũ khí hạt nhân… luôn là những vấn đề chung, sống còn của nhân loại. Sẽ không có một quốc gia nào có thể có môi trường trong lành khi quốc gia láng giềng của họ đang bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Từ góc độ đó, có thể thấy lợi ích quốc gia và lợi lích nhân loại có những điểm chung để các nước chia sẻ trách nhiệm và hỗ trợ lẫn nhau.

 Suốt chiều dài lịch sử của mình, nhân loại đã trải qua nhiều đại dịch. Hàng triệu năm tiến hóa, chắc chắn có những đại dịch con người không nhận thức đầy đủ và ghi chép lại được, nhưng cũng có những đại dịch được con người nhận thức, thống kê được hậu quả nặng nề về nhân mạng như dịch hạch, đậu mùa, cúm Tây Ban Nha, HIV, dịch êbôla… Quan trọng hơn, đứng trước những thử thách, khó khăn, nhân loại luôn biết cách vượt qua để tồn tại và phát triển. Con người, vốn ở bậc cao của sự tiến hóa, luôn biết cách thích nghi với môi trường, hoàn cảnh. Khi không thể trực tiếp đến trường, con người tổ chức giảng dạy và học tập online. Vào mùa đông khi nhiệt độ xuống thấp, con người biết giữ nhiệt bằng hệ thống sưởi, vào mùa hè khi nhiệt độ lên cao, họ dùng điều hòa không khí chứ không di cư như một số loài động vật. Ngẫm như vậy để chúng ta vững tin hơn trước những khó khăn hiện tại do COVID-19 gây ra cũng như tin tưởng, ứng phó với nó một cách khoa học, hợp lý nhất.

 Tôi thường cố để tưởng tượng ra những sân bay hàng đầu thế giới mà vắng lặng. Trong những ngày thường, ngồi chờ chuyến bay của mình, tôi thấy vui vui khi ngắm những sân bay rộng lớn trên thế giới luôn có những chuyến bay lên xuống, cái xa cái gần cho đến hết tầm mắt. Vậy nhưng trong đại dịch, tất cả đã thay đổi. Tuy vậy, sự thay đổi đó cũng là cơ hội để phát triển như các lớp học, cuộc họp, có thể tổ chức online, chữ ký điện tử, các chính phủ phải cơ cấu lại con người và công nghệ để hoạt động hiệu quả hơn, mỗi người dân cũng nhìn lại các giá trị sống của mình để bớt đi sự vội vàng, dành thời gian cho gia đình, chú ý đến sức khỏe, chăm sóc vườn tược… những thứ vốn ta hay sao nhãng giữa bộn bề công việc. Mỗi thời đại có những giá trị sống của riêng mình, và thời đại chúng ta đang sống, chỉ trong vòng hơn 1 năm nay cũng đang định hình những giá trị mới mà trước đó nhân loại dường như chưa tưởng tượng ra được. Đó phải chăng cũng là sự thích nghi, và ít nhất, đến thời điểm này, đó là cách duy nhất đúng đắn để cuộc sống vẫn tiếp tục.

Trước những hậu quả khủng  khiếp mà COVID-19 gây ra, các nước trên thế giới đã phải áp dụng những biện pháp quyết liệt, cực đoan nhất để chống dịch như phong tỏa thành phố, thậm chí cả nước. Yêu cầu người dân không ra đường, không tiếp xúc với người lạ… Các loại vaccine cũng được nhanh chóng nghiên cứu sản xuất, cấp phép khẩn cấp và triển khai tiêm chủng ở quy mô và tốc độ nhanh chưa từng có với hi vọng có thể đạt được miễn dịch cộng đồng và sớm đưa xã hội trở lại trạng thái bình thường.

 

*Tiến sĩ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam