Đại sứ Trần Việt Thái: Nắm bắt 'thời điểm vàng' thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Malaysia

Baoquocte.vn. Trong bối cảnh cả Việt Nam và Malaysia đang mở cửa hướng tới sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ sau đại dịch, chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Malaysia Dato’ Sri Ismail Sabri bin Yaakob là thời điểm quan trọng để đưa quan hệ song phương đi vào chiều sâu, thực chất hơn.

Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Trần Việt Thái. (Nguồn Vietnamnet)
Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Trần Việt Thái. (Nguồn: Vietnamnet)

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Malaysia Dato’ Sri Ismail Sabri bin Yaakob sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 20-21/3. Trả lời phỏng vấn báo TG&VN, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Trần Việt Thái nêu bật tầm quan trọng và những cơ hội mở ra giữa hai nước trong chuyến thăm.

Xin Đại sứ đánh giá mục đích và ý nghĩa của chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Malaysia Dato’ Sri Ismail Sabri bin Yaakob, đặc biệt trong bối cảnh hai nước đang hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm sau (30/3/1973-30/3/2023)?

Đây là một chuyến thăm theo thông lệ giữa các nhà lãnh đạo ASEAN sau khi nhậm chức. Chuyến thăm chính là lời chào ra mắt, thăm hỏi lẫn nhau để xây dựng, củng cố quan hệ giữa các lãnh đạo cũng như thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.

Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Malaysia lần này có đặc biệt ý nghĩa khi diễn ra trong bối cảnh hai nước đang hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Nửa thế kỷ là một chặng đường dài và một dấu mốc quan trọng để cả hai cùng nhìn lại và đưa ra tầm nhìn mới cho quan hệ Đối tác chiến lược trong tương lai.

Đặc biệt, ngày 1/4 tới, Malaysia sẽ mở cửa biên giới hoàn toàn sau 2 năm đóng cửa để phòng chống đại dịch Covid-19. Diễn ra ngay trước thời điểm quan trọng này, chuyến thăm gửi đi thông điệp của Malaysia khi bạn nhìn thấy ở Việt Nam nhiều tiềm năng, cơ hội hợp tác, kinh doanh và mong muốn thúc đẩy, đưa quan hệ song phương đi vào chiều sâu, thực chất hơn trong thời gian tới.

Với những ý nghĩa đó, Đại sứ có kỳ vọng gì vào chuyến thăm lần này của Thủ tướng Malaysia Dato’ Sri Ismail Sabri bin Yaakob?

Hai bên đang làm việc để xây dựng nội dung cho chuyến thăm cũng như là các văn bản, văn kiện dự kiến được trao đổi, kí kết và công bố trong khuôn khổ chuyến thăm.

Cá nhân tôi có kỳ vọng ba điểm trong chuyến thăm lần này của Thủ tướng Dato’ Sri Ismail Sabri bin Yaakob.

Thứ nhất, đưa lòng tin, chiến lược giữa lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như quan hệ Việt Nam-Malaysia trong khuôn khổ song phương và đa phương lên một tầm cao mới.

Thứ hai, hai bên sẽ ký kết thành công một số văn kiện hợp tác để đưa mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Malaysia đi vào chiều sâu và thực chất hơn, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước, cũng như góp phần xây dựng, củng cố hoà bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.

Thứ ba, hai bên sẽ trao đổi, thảo luận nhằm đề ra các hoạt động chung ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Malaysia vào năm sau.

Thời gian qua, quan hệ Việt Nam-Malaysia đã không ngừng phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, cả ở trên bình diện song phương và đa phương bất chấp bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19. Đâu là động lực để quan hệ hai nước có những bước phát triển tích cực như vậy?

Hai năm gần đây, quan hệ Việt Nam-Malaysia ít nhiều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 do các biện pháp hạn chế, phòng dịch của hai bên. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Malaysia vẫn có những bước phát triển rất thực chất, tích cực.

Quan hệ kinh tế thương mại song phương ngày càng phát triển, bất chấp dịch bệnh. Theo thống kê của Malaysia, kim ngạch thương mại song phương năm 2021 đạt 13,9 tỷ USD, tiệm cận mục tiêu 15 tỷ USD mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đề ra trước đại dịch. Nếu không có dịch Covid-19, tôi tin rằng nhiều lĩnh vực hợp tác song phương sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn và con số này sẽ còn cao hơn rất nhiều.

Nhu cầu hợp tác và kết nối của hai nền kinh tế ngày càng sâu sắc, nhiều lĩnh vực Việt Nam sản xuất đáp ứng đúng nhu cầu của Malaysia, đơn cử như mặt hàng linh kiện điện tử. Bên cạnh đó, một số loại nông sản Việt Nam hiện nay có kim ngạch lớn và đứng khá vững ở thị trường Malaysia như cà phê, gạo cũng tiếp tục có xu hướng phát triển.

Về quan hệ chính trị-đối ngoại, hai bên hợp tác tích cực không chỉ trong khuôn khổ song phương mà cả trong khuôn khổ đa phương.

Malaysia ủng hộ Việt Nam trong năm chúng ta làm Chủ tịch ASEAN 2020 cũng như trong nhiệm kỳ Việt Nam là Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021 và cam kết tiếp tục ủng hộ Việt Nam tại các diễn đàn đa phương trong thời gian tới.

Ngược lại, Việt Nam cũng ủng hộ Malaysia trở thành thành viên của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC) nhiệm kỳ 2022-2024.

Quan điểm của Việt Nam và Malaysia có nhiều nét tương đồng trong các vấn đề quốc tế cho đến chính sách đối nội. Điểm thuận lợi đó cộng hưởng với sự tích cực thúc đẩy của các cấp lãnh đạo, hai bên đang có nhiều tiềm năng để phát huy hơn nữa mối quan hệ Đối tác chiến lược hợp tác nhiều mặt.

Cá nhân tôi và Đại sứ quán đã và đang nỗ lực thúc đẩy cơ hội này để tận dụng tối đa tiềm năng giữa hai nước, đặc biệt khi các nhà đầu tư Malaysia rất quan tâm đến thị trường Việt Nam.

Vừa qua, một số doanh nghiệp Malaysia đã tin tưởng lựa chọn đầu tư Việt Nam. Ví dụ như doanh nhân Osman Ramlan đã thiết lập Trung tâm Halal ở Hà Nội và đang thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này.

Có thể nói, bất chấp tác động của dịch bệnh, quan hệ Việt Nam-Malaysia vẫn đang phát triển tốt về mọi mặt. Đó là cơ sở vững chắc để chúng ta tin tưởng rằng quan hệ hai nước sẽ còn phát triển hơn nữa ở cả song phương lẫn khuôn khổ khu vực và thế giới trong thời gian tới.

Để chuẩn bị cho việc mở cửa biên giới giữa hai nước, các hãng hàng không Việt Nam, Malaysia và quốc tế đang từng bước nối lại các chuyến bay thương mại bình thường. (Nguồn: Reuters)
Để chuẩn bị cho việc mở cửa biên giới giữa hai nước, các hãng hàng không Việt Nam, Malaysia và quốc tế đang từng bước nối lại các chuyến bay thương mại bình thường. (Nguồn: Reuters)

Ngày 1/4, Malaysia sẽ mở cửa biên giới hoàn toàn, trong khi Việt Nam cũng vừa mở cửa du lịch trở lại trong điều kiện bình thường mới hôm 15/3. Vậy hai nước cần tận dụng cơ hội mở cửa phục hồi này để thúc đẩy quan hệ song phương như thế nào, thưa Đại sứ?

Đây là vấn đề đang nhận được sự quan tâm, kỳ vọng ở cả Việt Nam và Malaysia.

Ngày 15/3 vừa qua, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị trực tuyến nhằm triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả. Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã tích cực tham gia và quyết tâm cao đóng góp vào nỗ lực hiện cụ thể hóa chủ trương mở cửa du lịch đã được Chính phủ thông qua.

Trong khi đó, Malaysia cũng đang chuẩn bị các điều kiện để mở cửa trở lại từ ngày 1/4. Hiện nay, Malaysia đang thí điểm mở cửa biên giới quần đảo Langkawi để đón khách du lịch trong, ngoài nước và đạt được những tín hiệu tích cực.

Để chuẩn bị cho việc mở cửa biên giới giữa hai nước, các hãng hàng không Việt Nam, Malaysia và quốc tế đang từng bước nối lại các chuyến bay thương mại bình thường. Điều này mở ra cơ hội để người dân hai nước du lịch, học tập, tìm kiếm cơ hội việc làm, đầu tư…

Tranh thủ “thời điểm vàng” này, hai nước cần có các biện pháp kích thích du lịch, thu hút đầu tư để cùng nhau phục hồi mạnh mẽ. Hiện nay, Malaysia đang chuẩn bị ban hành các gói kích thích du lịch, các chính sách ưu đãi và Việt Nam cũng vậy.

Cá nhân tôi cũng đã làm việc, trao đổi với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hỗ trợ mở một số lớp tiếng Việt cho các hướng dẫn viên du lịch của Malaysia, nhằm thúc đẩy giao lưu, đón dòng khách du lịch trở lại giữa hai nước.

Sau chuyến thăm cấp cao lần này và sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp lãnh đạo hai nước, tôi tin tưởng rằng cơ hội mở cửa phục hồi sẽ được hai bên nắm bắt, tận dụng tối đa.

Xin cảm ơn Đại sứ!

Hai bên đã ký kết Hiệp định hợp tác du lịch năm 1994. Kể từ khi miễn thị thực cho công dân hai nước mang hộ chiếu phổ thông (tháng 9/2001) và cải thiện kết nối hàng không, lượng du khách Malaysia đến Việt Nam tăng nhanh. Năm 2019, khách Malaysia đi du lịch Việt Nam đạt hơn 605 nghìn lượt, tăng 12,2% so với năm 2018.