(Vanhien.vn) Đạo diễn Việt Tú chia sẻ, việc TAND Hà Nội công nhận "Tinh hoa Bắc Bộ" là tác phẩm phái sinh chính là chiến thắng lịch sử về sở hữu trí tuệ.
Sáng 20/3, TAND Hà Nội đã có kết luận phiên xét xử sơ thẩm vụ kiện giữa Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội và Công ty Cổ phần Đầu tư Tổng hợp Truyền thông DS do đạo diễn Nguyễn Việt Tú là giám đốc.
Theo tòa án, mấu chốt của vụ việc này là xác định quyền sở hữu của tác phẩm “Ngày xưa” (hay còn gọi là Thuở ấy xứ Đoài) – tác phẩm do đạo diễn Việt Tú sáng tạo nên trên hợp đồng với Công ty Tuần Châu.
Trong kết luận, TAND Hà Nội yêu cầu DS phải trao trả quyền sở hữu tác phẩm “Ngày xưa” cho Tuần Châu. Tuần Châu phải thanh toán khoảng 660 triệu đồng cho Việt Tú tiền lãi chậm trả, lãi phát sinh. Quan trọng nhất là TAND Hà Nội xác định "Tinh hoa Bắc bộ" là tác phẩm phái sinh, sử dụng nhiều chất liệu, ý tưởng từ vở "Ngày xưa" do Việt Tú sáng tác.
Đạo diễn Việt Tú đã có trao đổi nhanh với báo giới sau khi phiên tòa kết thúc.
Đạo diễn Việt Tú trong phiên kết luận sáng 20/3 tại Hà Nội.
"Chúng ta đã có một án lệ về quyền sở hữu trí tuệ"
PV: Anh có chia sẻ thế nào về những kết luận của TAND Hà Nội trong vụ tranh chấp giữa anh và công ty Tuần Châu?
Đạo diễn Việt Tú: Tôi nghĩ đây là giờ phút lịch sử, chiến thắng lịch sử không chỉ cho riêng tôi mà tất cả những nghệ sĩ hiểu được sự sáng tạo, của quyền sở hữu trí tuệ. Chúng ta đã có một án lệ về quyền sở hữu trí tuệ. Tôi thấy mình may mắn vì ở thời điểm này, không chỉ nhiều thành phần trong xã hội mà cả những cơ quan hành pháp, những luật sư... đã nhận thấy tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ.
Với nghệ sĩ, điều quan trọng nhất là quyền sở hữu trí tuệ, sáng tạo của mình cần phải được tôn trọng. Nghệ sĩ không chỉ sáng tạo mà còn phải giữ gìn được sự sáng tạo đó trong sự phát triển chung của nền công nghiệp giải trí. Tôi đã chờ giây phút này rất lâu, cả 2 năm trời trong hành trình đi tìm sự thật.
Tôi tin, sau đây, không chỉ các nghệ sĩ mà các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chú ý, sẽ ý thức hơn tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ, trong sự phát triển, hội nhập chung của Việt Nam với quốc tế.
PV: Điều quan trọng nhất mà anh giành được sau phiên tòa này là gì?
Đạo diễn Việt Tú: Trước khi có phiên tòa này, tôi vẫn nói, bất luận kết quả có thế nào thì tôi cũng sẽ tôn trọng. Và hôm nay, khi tòa đã tuyên rằng, vở diễn "Tinh hoa Bắc Bộ" là tác phẩm phái sinh từ vở diễn "Ngày xưa", dựa trên những bằng chứng DS và Tuần Châu đưa ra, những tài liệu từ Cục Bản quyền cung cấp và có kết luận của hội nghề nghiệp tối cao là Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, đó mới là điều đáng giá nhất.
Ước mơ của tôi là được trở thành một phần của nền công nghiệp giải trí mà ở đó tất cả các nghệ sĩ, chủ đầu tư, doanh nghiệp cùng nhau đồng hành, phát triển, thượng tôn trí tuệ sáng tạo, và làm cho trí tuệ sáng tạo đó được thăng hoa, phát sinh lợi ích cho cả 2 bên.
PV: Qua vụ việc này, anh có gửi gắm gì đến những giới văn nghệ sĩ?
Đạo diễn Việt Tú: Có một điều khiến tôi khá thất vọng là có nhiều nghệ sĩ, họ hiểu vấn đề nhưng không thực sự cất lên tiếng nói để xã hội hiểu được tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ. Tôi muốn gửi đến các nghệ sĩ sáng tạo ở Việt Nam là: Khi sáng tạo của chúng ta không được tôn trọng, không được thừa nhận thì giấc mơ vươn ra biển lớn, hội nhập quốc tế hay tạo giá trị sáng tạo bền vững là điều xa vời.
“Tôi không cần 10% tiền bán vé theo như hợp đồng”
PV: Anh có bằng lòng với việc tòa yêu cầu chuyển giao quyền sở hữu cho công ty Tuần Châu?
Đạo diễn Việt Tú: Tôi xin khẳng định: Tôi chưa bao giờ có ý định chiếm đoạt bất kỳ một quyền gì trong quyền sở hữu trí tuệ không thuộc về mình và sẵn sàng trao trả quyền sở hữu.
Phiên tòa hôm nay đã làm sáng tỏ về việc tôi có tự ý đi đăng ký bản quyền vở “Ngày xưa” hay không? Xin thưa, tôi không tự ý đăng ký mà đó là điều bất đắc dĩ, tôi không có quyền lợi gì nếu tôi là chủ sở hữu tác phẩm. Trong hợp đồng có quy định, nếu có bất kỳ tranh chấp nào xảy ra về tác phẩm này, tôi phải bồi thường cho cả chủ đầu tư lẫn bên tranh chấp. Tôi đã hối thúc bên Tuần châu đăng ký bản quyền nhưng không nhận được phản hồi. Để tránh trở thành người “đạo, nhái" và phải bồi thường hợp đồng, tôi phải hành động trước.
Kể cả tôi có muốn đăng ký cho Tuần Châu nhưng không có người của công ty có tư cách pháp nhân đi cùng tôi đăng ký thì cũng không được. Sau đó, tôi còn từng gửi văn bản đến Cục Bản quyền để trả quyền sở hữu nhưng Cục không đồng ý vì phía Tuần Châu chưa hoàn thành đủ nghĩa vụ tài chính trong hợp đồng.
Tôi vẫn nói, tôi không đến tòa để đòi quyền lợi về mặt tài chính, tôi chỉ tìm kiếm sự tôn trọng với những sáng tạo của nghệ sĩ. Giờ tôi cũng từ chối luôn 10% tiền doanh thu bán vé cho các buổi biểu diễn trong suốt vòng đời tác phẩm vì tôi cho rằng, không hợp thì chia tay. Số tiền này sẽ rất lớn nếu tính với một khán đài 2.000 chỗ, trong vòng đời tác phẩm từ 5-10 năm, trung bình diễn khoảng 200-250 buổi. Tôi không quan tâm nữa!
Đạo diễn Việt Tú vui mừng sau "chiến thắng" quan trọng trước Tuần Châu.
PV: Anh có ý định tiếp tục vụ kiện với công ty Tuần Châu về bản quyền và có ứng xử thế nào với đạo diễn Hoàng Nhật Nam – tác giả của vở “Tinh hoa Bắc Bộ”?
Đạo diễn Việt Tú: Nếu phía Tuần Châu không tiếp tục vụ kiện thì tôi sẽ không có động thái pháp lý tiếp theo nào cả. Vì điều tôi tìm kiếm đã được tòa giải quyết thỏa đáng. Nếu họ tiếp tục thì đó là sự lựa chọn của họ. Có một lưu ý rằng vụ kiện này chưa bao giờ là lựa chọn của tôi. Tất cả lùm xùm đang diễn ra, tôi là người bị động.
Trước phiên tòa, họ cũng đã thông qua một số kênh để liên lạc với tôi nhưng họ không thỏa mãn được đúng 1 yêu cầu duy nhất từ tôi là công nhận tác phẩm phái sinh. Tôi đã chấp nhận rủi ro để chờ đến phiên tòa hôm nay.
Còn với đạo diễn Hoàng Nhật Nam, tôi hy vọng bạn không dại dột khi tiếp tục vụ kiện vì nếu có, đó sẽ là khoảnh khắc lịch sử. Lần đầu tiên có một người trong hiệp hội nghề nghiệp mà đi ngược lại phán quyết của tòa, của Hội NSSK, của cả những đồng nghiệp uy tín trong nghề. Nếu bạn ấy có sự cầu thị thì vụ việc này sẽ chỉ là một trải nghiệm quan trọng về quyền sở hữu trí tuệ mà bạn ấy có được
Dựa trên các bằng chứng thu thập được từ hai bên và các tài liệu tham khảo từ Cục Bản quyền, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, HĐXX kết luận: đạo diễn Việt Tú là tác giả duy nhất của vở diễn "Ngày xưa", còn Tuần Châu Hà Nội là chủ sở hữu kịch bản. Việc Công ty DS đăng ký quyền tác giả cho Việt Tú là đúng, nhưng việc doanh nghiệp này đứng tên sở hữu kịch bản là sai. HĐXX yêu cầu công ty DS và Việt Tú chuyển giao quyền sở hữu kịch bản vở diễn "Ngày xưa" cho công ty Tuần Châu. Tòa cũng bác yêu cầu của Tuần Châu đòi Việt Tú bồi thường 6 tỷ tiền thuê một công ty khác làm vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” thay thế vở diễn “Ngày xưa” vì không có căn cứ. Công ty Tuần Châu Hà Nội phải trả cho Công ty truyền thông DS của đạo diễn Việt Tú tiền lãi chậm thanh toán, tiền lãi phát sinh theo hợp đồng tương ứng với 10% bán vé là hơn 660 triệu đồng. Quan trọng nhất, TAND TP Hà Nội xác định "Tinh hoa Bắc bộ" là tác phẩm phái sinh, sử dụng nhiều chất liệu, ý tưởng từ vở "Ngày xưa" do Việt Tú sáng tác. Các bên có quyền kháng cáo trong vòng 15 ngày từ ngày tuyên án. |