Bái vọng tượng thờ bà chúa Thượng ngàn tại nơi thờ tạm chờ xây đền mới trong khuôn viên đền Cảnh Xanh. Ảnh: Quang Đán.
Bà Nguyễn Thị Chúc, Tổ trưởng quản lý đền Cảnh Xanh cho biết: Đền ngự trong khuôn viên khoảng 600m², lưng tựa vào núi, xa xa sơn thủy uốn khúc, long hổ ôm quanh. Cửa đền quay hướng Tây nơi có dòng Lô giang uốn khúc. Cũng như nhiều ngôi đền trên làng quê Việt Nam - nơi sinh tụ, quần cư của cư dân nông nghiệp, đền Cảnh Xanh được dựng theo thuyết phong thủy: "Tiền minh đường hữu hậu chẩm". Kiến trúc độc đáo của ngôi đền được tạo nên bởi lớp lớp cây xanh, cành lá xum xuê, rễ buông như xà long uốn khúc. Phía trước ngôi đền có một cây xanh (cây xi) cổ thụ được công nhận là cây di sản Việt Nam, tỏa bóng mát bao trùm khuôn viên đền. Bởi vậy, khi dựng đền, người dân nơi đây đã lấy tên của cây xanh cổ thụ đặt tên cho ngôi đền. Là Bà chúa Thượng Ngàn gắn với núi rừng và ngàn cây, nên người dân kiêng dùng từ "cây" (là tên húy của Ngài) và đọc chệch đi là từ Cảnh.
Trước tam quan đền Cảnh Xanh. Ảnh: Quang Đán.
Đền khởi nguyên là một ngôi điện thờ nhỏ được xây dựng vào khoảng nửa cuối thế kỷ XIX, bằng vật liệu tranh, tre, nứa, lá. Đền Cảnh Xanh được người xưa dựng nên để thờ phụng vị Thánh Mẫu Thượng ngàn (hay tên chữ là Lâm cung Thánh Mẫu) mà nhân dân thường gọi là Bà chúa Thượng Ngàn, cai quản miền rừng núi và ngàn cây. Nơi con người bày tỏ niềm tôn kính với Thánh Mẫu Thượng ngàn và thể hiện ước vọng cuộc sống bình yên, mùa màng tươi tốt của con người vùng sơn cước.
Cây xi cổ thụ tại đền Cảnh Xanh được công nhận là cây di sản. Ảnh Đặng Đình Hùng.
Trải qua bao thăng trầm biến thiên của lịch sử, cùng với thời gian ngôi đền đã trải qua nhiều giai đoạn trùng tu, sửa chữa. Đến năm 2011, chính quyền cùng nhân dân địa phương đã tiến hành đợt trùng tu lớn tòa tiền đường và tòa hậu cung. Nhưng đến nay đền xuống cấp nghiêm trọng, được cấp có thẩm quyền cho phép, đã hạ giải xây mới trên nền cũ theo kiến trúc nguyên bản xưa hình chữ Đinh, gồm toà tiền đường và hậu cung, mái được đắp nổi rồng chầu mặt nguyệt với bốn đầu đao cong vút cánh điệu, bằng phương thức xã hội hoá, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2021. Trong đền hiện còn lưu giữ một số hiện vật có giá trị, như quả chuông đồng cổ, 3 bức đại tự bằng chữ Hán và 5 đạo sắc thời Nguyễn. Lễ chính đền vào ngày 18 tháng Giêng âm lịch; ngày mùng 3 tháng Tư lễ vào hè; ngày 3 tháng Bảy lễ ra hè, ngày 20 tháng Tám giỗ Đức Thánh Trần; ngày 10 tháng Chạp lễ tất niên.
Bái vọng tượng thờ Đức thành Trần (Trần Hưng Đạo) tại đền Cảnh Xanh, TP Tuyên Quang. Ảnh: Đặng Đình Hùng
Theo truyền thuyết, thời Hùng Vương thứ 18, Tản Viên Sơn Thánh (con rể Hùng Vương) có một người con gái thông minh, xinh đẹp, văn võ toàn tài, huý là La Bình hay còn gọi là Cô Bé. Cô đi đến đâu, mưa tạnh, rét ngừng, muông thú ùa đến giao duyên làm bạn. Vua đã phong hiệu cho nàng là “Thượng ngàn công chúa cai quản các cõi rừng của Nam Giao”. Từ đó, Cô Bé trở thành bà chúa của rừng xanh. Một hôm, Thượng Ngàn công chúa hạ giá se mây thăm thú đại ngàn. Từ trên trời cao, nàng nhìn xuống Lô giang, dòng sông khúc quanh khúc lượn, ghềnh đá chênh vênh, trăng gác đầu non hắt hiu ánh vàng trải xuống dòng sông mềm như dải lụa. Thấy phong cảnh hữu tình, nàng hạ giá nghỉ lại nơi đây. Đêm ấy, người dân trong làng đều mộng thấy có một thần nữ dung nhan ngời ngợi, đầu đội mũ xanh, thắt lưng xanh, khoác áo choàng xanh lộng lẫy giáng ngự bên hồ, muông thú khắp nơi kéo về mở hội xao động cả vùng sơn cước. Sáng ra, ai cũng kể lại giấc mộng đêm qua, rồi cùng nhau đến nơi xem xét. Lạ thay, nơi đây chỉ còn lại một cây xanh, thân rễ đan xen, cành lá rủ xuống giống như động tiên thiên hình vạn trạng. Thấy sự kỳ lạ, mọi người mang hương hoa đến vái lạy, rồi lập một am nhỏ tại gốc cây để tuần rằm nhang khói. Thời gian trôi đi, cây xanh đã phủ kín am thiêng, thấy không tiện cho việc thờ phụng lâu dài, người dân trong vùng đã dâng lễ xin Bà chúa Thượng ngàn cho lập đền thờ trong khu vực cây xanh như hiện nay…
Từ bao đời nay, ngôi đền đã gắn bó với lịch sử vùng đất Tuyên Quang. Những người dân nơi đây đã bằng công sức và trí tuệ của mình xây dựng nên những giá trị tinh thần và vật chất cho miền sơn cước xú Tuyên. Đó là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân thành Tuyên trải qua bao thế hệ, đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu tâm linh của của người dân, thể hiện khát vọng truyền đời của ngư dân nông nghiệp lúa nước nhờ siêu lực của Đức Thánh Mẫu mà ban cho cuộc sống bình yên, mưa thuận gió hòa, có được mùa vụ bội thu.
Đền Cảnh Xanh thể hiện một giá trị nhân bản sâu sắc và mang tính truyền thống tốt đẹp trong văn hóa ứng xử của con người Việt Nam nói chung và cư dân thành Tuyên nói riêng, đó là đạo lý "uống nước nhớ nguồn".
Vũ Xuân Bân