Hình minh họa (nguồn internet)
Luật sư Nguyễn Hải Nam, Văn phòng Luật sư Công Quyền (TP HCM), trả lời: Có thể tạm hiểu "đi bão" là hiện tượng hoặc phong trào mà trong đó, nhiều người cùng xuống đường hò reo, dùng âm thanh, tiếng trống, kèn... để ăn mừng một chuyện gì đó. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận thì hành vi này có thể dẫn đến vi phạm pháp luật.
Cụ thể, nếu có hành vi như dàn hàng ngang, lấn làn đường, chạy xe quá tốc độ, lạng lách, đánh võng hoặc chở số người quá quy định, vượt đèn đỏ, uống rượu bia khi lái xe... thì đã vi phạm quy định của Luật Giao thông đường bộ và có thể bị xử phạt. Nghiêm trọng hơn, nếu có các hành vi đua xe, tổ chức đua xe... nếu nhẹ thì có thể bị phạt hành chính, nặng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 265, điều 266 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) về các tội "tổ chức đua xe trái phép" và "đua xe trái phép". Những người dù không tham gia trực tiếp đua xe nhưng tham gia cổ vũ cho việc đua xe cũng có thể bị xử phạt.
Ngoài ra, nếu có các hành vi gây mất trật tự công cộng trên đường phố như la hét, nẹt pô xe, đốt lửa, đốt pháo... thì pháp luật cũng nghiêm cấm. Những hành vi này có thể cũng bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP về lỗi gây mất trật tự công cộng. Nếu mức độ nặng hơn nữa thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 318 Bộ Luật Hình sự.
Trong những ngày qua, Công an TP HCM và các tỉnh - thành đã xử phạt và bắt giam xe hàng trăm trường hợp "đi bão" nhưng có hành vi vi phạm pháp luật với các lỗi như không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, chạy xe thành đoàn... có trường hợp thanh niên nẹt pô môtô gây náo loạn đường phố cũng đã bị xử phạt hành chính với lỗi gây rối trật tự công cộng.