Đời nào bánh đúc có xương
Đời nào dì ghẻ lại thương con chồng? (ca dao)
Quan hệ giữa dì ghẻ và con chồng là một mối quan hệ vô cùng nhạy cảm, nó phụ thuộc vào bản năng của người phụ nữ thay mẹ đẻ của những đứa con chồng chăm sóc những đứa con không phải do mình đẻ ra. Giống cái trong việc thực hiện thiên chức làm mẹ phần lớn được mách bảo bởi bản năng. Có những con cái yêu thương con mình và cả những đứa con không phải của mình nhưng có những con cái không chấp nhận những đứa con khác mà không phải do nó đẻ ra. Đối với những con cái thuộc loại này thì trong đầu óc nó luôn luôn tồn tại ý nghĩ rằng: những đứa con kia sẽ tranh giành và tiêu diệt nguồn sống của con nó vì vậy nó sẽ tìm mọi cách để loại những đứa con kia ra khỏi lãnh địa của nó.
Có rất nhiều ví dụ minh họa cho luận điểm trên. Chúng ta đã từng thấy hổ cái cho lợn con bú, chó sói mẹ nuôi cáo con hay những câu chuyện về đứa trẻ bị bỏ vào rừng sống giữa bầy thú đã tạo cảm hứng cho các đạo diễn làm ra những bộ phim về người rừng Taczan vô cùng nổi tiếng. Con người cũng vậy! Chúng ta xét cho cùng cũng chỉ là một loài động vật. Dù có khoác lên những mỹ từ: động vật bậc cao, rồi đạo đức, nhân văn... thì bản chất cấu thành nên cá nhân ấy vẫn là cấu tạo sinh học của động vật mà thôi. Hành vi của con người đã được điều chỉnh bằng sự giáo dục về tình thương yêu đồng loại, bằng luật pháp quy định những điều không được làm, bằng những quy tắc đạo đức của loài người nhưng ai có thể dám chắc rằng những điều đó có được phổ cập đến tất cả các cá nhân và thay thế hết những hành vi thuộc về bản năng?
Quan hệ dì ghẻ - con chồng từ xưa tới nay, từ khắp các nền văn hóa khác nhau trên thế giới này hầu hết bị bao phủ bởi một mầu xám như vậy. Việt Nam có truyện Tấm Cám thì phương Tây có truyện cô bé Lọ lem, có rất nhiều câu chuyện buồn xung quanh mối quan hệ ấy mà tôi không muốn nêu ra ở đây nữa. Trong những ngày này cái chết đau thương của bé Vân An và sự độc ác của hai con quỷ dữ kia đã làm chúng ta bàng hoàng đau đớn và phẫn nộ đến tột cùng rồi. Nhưng chẳng lẽ mối quan hệ ấy lại toàn nhuốm mầu xám xịt thế sao? Tôi được sinh ra trong một gia đình có nhiều mối quan hệ như thế và như một định mệnh, nó còn nối tiếp từ đời này sang đời khác.
Mẹ cả của tôi mất vào năm 1950 khi đã có một người con gái mới được khoảng một tuổi với thầy tôi. Sau đó ít lâu thì thầy tôi lấy u tôi và sinh ra bốn người con nữa. Tôi là con út vậy mà phải mãi đến khi lớn lên tôi mới biết được câu chuyện ấy và rằng u tôi với chị cả tôi là dì ghẻ - con chồng. Người trong gia đình còn không biết nữa là người ngoài thuộc lớp hậu sinh. Bởi vì giữa họ không có một khoảng cách nào và không có một dấu hiệu nào chứng tỏ cho mối quan hệ ấy. U tôi hoàn toàn coi chị cả tôi là con ruột và chị tôi cũng hoàn toàn coi u tôi là mẹ đẻ và không có một ý niệm nào khác. Chị ruột của thầy tôi lấy chồng ở làng bên cạnh, hai bác sinh được một người con trai. Năm 1945 ,bà nội tôi kể lại, lúc ấy bác gái tôi đang mang bầu người con thứ hai được tám tháng thì qua đời vì dịch tả. Năm ấy làng chết vãn cả dân, mẹ chết sau đó một lúc cái thai bị ngạt, nó quẫy đạp trong bụng rồi mới chết theo. Bà nội tôi thương con rể mồ côi vợ, thương cháu mồ côi mẹ nên mới để ý tìm vợ mới cho con rể, người ấy là mẹ kế của anh họ tôi. Họ sống với nhau và sinh ra sáu người con nữa nhưng tôi và tầng lớp hậu sinh cũng không thể biết được họ là dì ghẻ - con chồng vì giữa họ và những người con khác không có sự phân biệt nào cả. Họ yêu quý nhau một cách thực sự bản năng của tình mẫu tử và câu chuyện này cũng phải đến khi lớn tôi mới biết. Năm 1960 anh họ tôi đi làm công nhân xây dựng khu Gang thép Thái Nguyên và định cư ở đấy. Anh lấy vợ và sinh liền sáu đứa con, lần nào bác tôi cũng lặn lội tầu xe lên giúp đỡ và mỗi lần như vậy bà ở nhà anh chị tôi hàng tháng. Những năm khác thì cứ rảnh ra nông nhàn bà lại lên ở với anh chị tôi. Tôi cũng đi theo bà vài lần lên thăm anh chị vào những năm tháng ấy. Những năm 1970 tầu xe đi lại khó khăn và đông nghẹt đến tức thở mới thấy được sự tận tụy của người mẹ là như thế nào.
Lần ấy anh họ tôi tổ chức đám cưới cho con gái, tôi và bác cùng nhiều thành viên gia đình tới dự, giữa bữa cơm thân mật có đủ anh em bạn bè quan khách và hàng xóm láng giềng, anh họ tôi quyết định giải mã bí mật của mối quan hệ giữa anh và bác gái tôi. Khi anh nói với mọi người rằng bác tôi là mẹ kế của anh thì mọi người không tin vì họ bảo làm gì có bà mẹ kế nào tốt đến thế, tận tụy với con chồng như thế. Anh phải mất vài lần khẳng định và bác tôi cũng lên tiếng xác nhận thì mọi người mới lắng xuống nhưng tôi biết họ vẫn chưa thể trở về trạng thái bình thường được. Con trai của anh cả tôi vào miền Nam công tác và lập gia đình trong đó. Thật không may, khi cháu dâu tôi sinh đứa con đầu lòng thì các bác sĩ chỉ cứu được con chứ không cứu được mẹ. Vài năm sau cháu trai tôi lấy vợ và sinh thêm 2 đứa con trai nữa, đứa con gái đầu của nó gọi mẹ kế bằng mẹ luôn sau ngày cưới và cháu dâu mới của tôi cũng coi nó như con đẻ ,cả ông bà ngoại mới của cháu cũng rất yêu thương chăm sóc nó. Tôi đã vào thăm gia đình cháu tôi và tôi cảm nhận được tình cảm vô cùng ấm áp giữa những thành viên của gia đình có mối quan hệ mà người đời cho là nhậy cảm.
Và để kết thúc bài viết này, tôi thật lòng nói với các bạn rằng: có đến khi từ giã cõi đời này tôi cũng không thể hiểu nổi tại sao lại có những mụ dì ghẻ ác man như vậy và càng khó hiểu hơn là tại sao lại có những gã đàn ông khốn nạn như gã bố cháu Vân An, chúng là những con thú đội lốt NGƯỜI.
Theo Chuyện Làng quê