Trên bài báo có địa chỉ của anh, tôi tìm đến và rất may gặp được anh. Chỉ nửa phút sau, chúng tôi đã trở lại tình đồng đội, đã cùng tham gia trận chiến đấu hôm ấy. Tôi hỏi anh:
-Anh có biết sau khi ấn nút phóng tên lửa, máy bay cháy, một phi công bị bắt sống, tên phi công thứ hai không kịp nhảy dù bị cháy thiêu?
Quả thực anh không biết tên giặc Mỹ bị chết thiêu đó, tôi nhớ lại và kể anh nghe:
… Buổi chiều hôm ấy trời Bất Bạt (nay thuộc Ba Vì – Hà Nội) đẹp lắm. Chúng tôi vừa thay ca trực ban. Đang chuẩn bị ăn cơm chiều, bỗng có tiếng nổ ầm ầm nối tiếp nhau. Linh tính cho biết tên lửa của ta đã rời bệ phóng. Ai nấy đều vui mừng khôn xiết, vì chúng tôi đã chờ đợi giây phút này suốt cả ngày hôm nay. Đang và dở bát cơm, tôi được lệnh chuẩn bị súng và đủ cơ số đạn để ra xe đi tìm chiếc máy bay rơi. Thế là bỏ bát cơm, khoác khẩu AK leo lên xe và đi ngay. Ngồi trên xe tôi mới nhận ra phía trên mình một người to béo đội mũ cối của lính ta, đó là một chuyên gia Liên Xô. Bên cạnh là một sĩ quan tác chiến, một phiên dịch, một cảnh vệ mang theo khẩu CKC. Đầu tiên chúng tôi đến Tiểu đoàn 63, đơn vị đã phóng hai quả và xoá sổ được mục tiêu. Cả tiểu đoàn đang phấn khởi, chuẩn bị đánh tiếp và nguỵ trang khí tài. Chúng tôi chỉ kịp chúc mừng thắng lợi, chụp ảnh kỷ niệm, xác định toạ độ rơi, rồi lại lên đường. Khi đến bến phà Trung Hà, bên kia là Phú Thọ, trời đã xẩm tối. Không có phà tại bến, tất cả xuống xe, một đồng chí lấy mùi xoa che đèn pin làm tín hiệu gọi phà bên kia sông. Phải đến nửa tiếng sau chúng tôi mới vượt được sông thì trời cũng đã tối đen. Hỏi thăm đến huyện đội thì được biết: máy bay rơi tại bản X. Có một phi công nhảy dù màu đỏ đã bị dân quân bắt sống. Tôi tự nhủ: dù màu đỏ, một thằng cấp tá rồi. Chiếc com-măng-ca lại lao về phía máy bay rơi. Trời tối đen, bắt đầu mưa nặng hạt. Khi đi ăn chưa no, lại không kịp mặc áo mưa nên chúng tôi thấy thấm lạnh và đói. Chắc đồng chí chuyên gia cũng chưa kịp ăn nên lúc này đồng chí phiên dịch mới lấy suất ăn ra. Tự tay đồng chí chuyên gia chia cho từng người lát bánh mì, quả trứng luộc, riêng tôi được một lát bánh mì và một miếng thịt nạc to. Không khí trên xe dần được hâm nóng bởi tình đồng chí, đồng đội đã cùng làm nên chiến thắng.
Xe đi tiếp, nhưng đường ngày một xấu. Đến lúc không thể đi được nữa, chúng tôi gặp mấy dân quân đi tuần tra. Họ biết nhiệm vụ của chúng tôi nên đưa chúng tôi vào một nhà sàn gần nhất, tôi đoán đây là một bản Mường. Ông chủ nhà chắc là trưởng bản, cử hai dân quân dẫn chúng tôi đến chỗ máy bay rơi. Xe để lại cùng lái xe, lại cử thêm đồng chí cảnh vệ ở lại bảo vệ. Trời vẫn mưa nặng hạt, gió tạt nước mưa vào mặt, vào cổ lạnh buốt. Chúng tôi hai lần lội suối, rồi đi men theo sườn đồi khoảng 3 ki-lô-mét mới tới nơi.
Tôi còn nhớ, cách chỗ máy bay độ hai ba trăm mét đã thấy mùi cháy khét rất khó chịu. Khi tới nơi, trong mưa rơi và bóng đêm, chỉ thấy ánh đèn pin loang loáng. Xác chiếc máy bay như một con quái vật cháy thui vẫn đang bốc khói. Cả góc đồi mảnh máy bay văng tung toé, chắc rằng bom trên máy bay chưa kịp thả thì máy bay đã bị tên lửa ta bắn rơi, khi tiếp đất còn bị nổ lần nữa. Tôi đã nhặt một mảnh vỡ của máy bay có cả dây điện và bóng bán dẫn mang về làm kỷ niệm. Phía bên phải buồng lái của máy bay khét lẹt đến lợm giọng. Khi mấy chiếc đèn pin cùng chiếu vào, bên dưới tàu lá chuối tươi được đậy sơ sài là một xác chết cháy thui. Tên phi công thứ hai này chắc phải nặng trên một tạ.
Chúng tôi cố tìm ký hiệu loại máy bay nhưng do bị cháy, lại vỡ thành nhiều mảnh nên rất khó thấy. Mãi sau mới phát hiện phía dưới cánh gắn vào sườn máy bay cạnh một mảng vỡ lớn, có gắn một miếng kim loại hình chữ nhật ghi nhiều chữ tiếng Anh mà chúng tôi còn đọc được dòng chữ F-4C dập lõm vào kim loại. Đúng là “con ma” của không lực Hoa Kỳ, khét lẹt nằm chềnh ềnh vỡ toác trên quả đồi trọc hoang vắng, lúp xúp bụi sim, bụi mua. Nhìn nó bùng cháy, nhìn thấy dù đỏ bật tung ra, lơ lửng một thằng phi công. Nhưng chúng tôi còn đến tận nơi sờ thấy nó, nhìn thấy rõ nó cháy rụi, tan tành bên xác một phi công nữa không kịp nhảy dù.
Cho đến hôm nay, sau hơn ba mươi năm đã qua. Tôi đã chuyển ngành về công tác tại một cơ quan khoa học xã hội, vẫn còn nhớ mãi hôm ấy, ngày 24-7-1965, mà sau này đã trở thành ngày truyền thống của Binh chủng tên lửa anh hùng. Chiếc máy bay rơi hôm ấy chính là chiếc máy bay thứ 400 của Mỹ leo thang ra miền Bắc bị bắn rơi. Đó cũng là chiến thắng đầu tiên của Binh chủng tên lửa non trẻ, ngay ngày đầu ra quân là đánh thắng.
Theo Chuyện làng quê